Tác
giả gửi tới Dân Luận
Thứ Hai, 23/09/2013
Nhà văn Đào Hiếu nói rất đúng
rằng, vì lý do không xử lý được bọn sâu mọt tham nhũng ăn bậy và vẫn còn là
đồng chí với bọn ấy, vẫn cấp lương và lãnh đạo bọn ấy, bà Doan
nên thay cách gọi “người ta” bằng “chúng ta” .
Chí Phèo sau đêm hoan lạc tình
cờ, bất ngờ với Thị Nở, ngượng quá không biết xưng hô sao nên đành chuyển từ
ngôi thứ hai sang ngôi thứ ba “đằng ấy”; còn bà Doan thì không lạ gì những
người mà bà đang đóng vai lên án, nên phải chuyển lại từ đại từ ngôi thứ ba số
nhiều “người ta” sang ngôi thứ nhất số nhiều “chúng ta”.
Cách sử dụng đại từ xưng hô như
vậy phản ánh tư duy không đúng tầm và vô trách nhiệm của một người lãnh đạo cao
nhất của nhà nước, tương tự như cách nói của một bà Bộ trưởng rằng xây bệnh
viện là trách nhiệm của nhà nước, làm như thể bà không phải là nhà nước vậy.
Lâu nay, như một hiện tượng
lịch sử chính trị riêng của từng người, các cụ lãnh đạo cao cấp về hưu có cách
chạy làng, làm nhạt lịch sử cá nhân để như tỏ sự ”phản tỉnh” nhằm cắt trước cái
đuôi sam cách mạng (mượn hình ảnh cái đuôi sam không cách mạng của Lỗ Tấn), xếp
gạch phòng hờ có biến động để còn chút tài sản cho con cháu chạy tội. Các cụ
thi nhau tự thanh tẩy, cấp tiến để rồi kế đó, khi bị đe đọa kỷ luật đảng, nhử
lừa một số quyền lợi đang có và sẽ có của hậu duệ, một số cụ im ngay, rút hẳn
những phát ngôn cấp tiến kia lại không còn dấu vết. Cái tinh thần bạt nhược, cơ
hội của văn hóa chính trị thời đại cách mạng vô sản là như vậy.
Song biết đâu, đàng sau nó lại
là một sự mưu toan chạy làng lịch sử tập thể vĩ đại. Sự “đổi mới” bằng cách hy
sinh, tự thủ tiêu các mục tiêu đấu tranh “giai cấp” một thời, chỉ giữ lại cái
vỏ từ ngữ giả dối và rỗng tuếch “định hướng xã hội chủ nghĩa” để phát triển một
cách không kiểm soát nhưng hết sức cơ hội vụ lợi cái thứ chủ nghĩa tư bản hoang
dã để tìm nguồn lực nuôi sống bộ máy chế độ và tích lũy nhóm, cá nhân; mở rộng
ngoại giao đa phương với cả những chính đảng vốn là kẻ thù nước ngoài miễn là
có lợi; kéo nhân dân chạy xoành xoạch quanh cái chong chóng thay đổi chính sách
nhưng lúc nào cũng cho là đúng là một kiểu chạy làng ở cấp độ học thuyết, được
tạo nên bởi những nhà lý luận hưởng lộc nhân dân, lúp xúp chạy bã hơi sau thực
tiễn để khoe trò ngôn phiệt nhằm hợp lý (luận) hóa công cuộc chạy làng nói
trên.
Về thực tiễn, trong điều kiện
về nguyên tắc bảo vệ chính trị nội bộ, đảng quản lý rất nghiêm ngặt các yếu tố
liên quan đến quan hệ với người nước ngoài của đảng viên, nhất là với số Việt
kiều di tản, vượt biên do có tham gia chế độ cũ, việc một Thủ tướng cộng sản,
vốn là thủ lĩnh công an, làm sui với một người Mỹ gốc Việt cựu Thứ trưởng của
chính quyền VNCH, với chàng rể dĩ nhiên cũng là người Mỹ, liệu có phải là chuẩn
bị cho cuộc chạy làng của một trong những người đại diện của chế độ không, cả
về ý nghĩa biểu tượng lẫn thực tế. Quan hệ sui gia đó có thể là con đường
chuyển rửa tiền từ các nguồn tài khoản bất chính khác nhau đến tài khoản nước
ngoài để sau đó quay về đầu tư làm giàu trong nước và tiếp tục quay vòng; chuẩn
bị căn cứ địa cho một cuộc đào thoát chính trị hoặc hình sự. Đó không phải là
trường hợp duy nhất về qui mô và đơn giản về mục đích. Hàng loạt các quan chức
từ cấp vụ trung ương, cấp sở ở địa phương trở lên và các “đại gia” làm giàu từ
mối quan hệ bất chính với các giới chức trong hệ thống chính trị đã bằng mọi
cách đưa con ra nước ngoài du học, vừa chuẩn bị “nhân lực” cho tương lai, vừa
có được một tài khoản hợp pháp để chuyển tiền ra ngoài. Đây sẽ là nguồn lực bảo
đảm và dồi dào cho lực lượng thống trị đất nước của kế hoạch hậu khủng hoảng,
kể cả sự chuyển hướng hòa bình cho một chế độ xã hội dân chủ. Nhân dân nhất
định sẽ không được tham gia để “làm chủ” cho quá trình chuyển biến này. Liệu
trong 80.000 tỉ đồng giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến
rửa tiền theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2012, có bao nhiêu giao
dịch thuộc các loại kể trên?
Đáng kể nhất vẫn là cách chạy
làng quan phương công khai thông qua những ứng xử, giải thích chính sách của
nhà cầm quyền.
Đảng, nhà nước đã thấy, biết
một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ suy thoái, trong đó có tham nhũng; đã
thấy được cả bầy sâu. Nhưng khi dùng công cụ nghị quyết và bộ máy để chống lại
và tự chỉnh đốn, đảng đã thất bại hoàn toàn. Sơ kết một năm thực hiện nghị
quyết 4 khóa XI là một kiểu chạy làng, qua việc chỉ đánh giá nó là cần thiết,
đúng đắn, có hiệu quả bước đầu. Bao nhiêu tiền của dân đổ vào đó thành công
cốc, chỉ làm lợi cho những cá nhân tham nhũng và nhóm lợi ích bất chính biết
rút ra kinh nghiệm tinh vi hơn; và làm hại bằng việc đẩy đảng vào chỗ phân hóa
hơn, mất đoàn kết hơn. Không có sự chạy làng nào xảo quyệt hơn lời giải thích
của đồng chí X. với cử tri Hải Phòng rằng bộ phận không nhỏ đó là hơn 16.000
đảng viên bị xử lý kỷ luật qua công tác kiểm tra đảng thường xuyên năm 2012: đó
là câu trả lời vỗ mặt Tổng bí thư, rằng cố gắng của nghị quyết 4 là như vậy, vì
không có nó, vẫn có chừng ấy đảng viên bị xử lý kỷ luật hàng năm; đó là trách
nhiệm của đảng đối với đảng viên của mình, trách nhiệm của Tổng bí thư. Cuối
cùng, gác sang bên sự bất hòa vì lợi ích chung, đảng cũng khoe cái đuôi mèo
thật dài bằng cách khẳng định quyết tâm chính trị chống tham nhũng, bằng những
thể chế trên giấy chống tham nhũng, bằng các hoạt động và bộ máy cồng kềnh, tốn
kém nhưng vô hiệu để thực hiện công việc này. Lịch sử sẽ đòi nợ đảng câu trả
lời về những cái mà đảng không làm được, nguyên nhân của nó và tổng chi phí mà
đảng đã lấy từ tiền thuế của dân để tự tẩy rửa mình.
Cách chạy làng rõ rệt và gây
khó chịu nhất là lối lãnh đạo, đánh giá lập lờ, vô trách nhiệm của đảng đối với
sự xuống cấp của nhiều lĩnh vực trong cuộc sống kể từ ngày “đổi mới” đến nay.
Đó là sự xuống cấp đến mức khủng hoảng, suy sụp của những dịch vụ công, vốn là
biểu tượng tự hào của nền dịch vụ phúc lợi miễn phí của “chủ nghĩa xã hội” như
y tế, giáo dục; đó là sự suy đồi của nền văn hóa, đạo đức xã hội, sự lệch lạc
những chuẩn mực, giá trị truyền thống và bình thường, sự xuất hiện của thói vô
cảm, vô đạo, vô nhân, vô luân được thể hiện bằng những lối sống tham dục, thực
dụng, chạy theo và cổ xúy một cách có tổ chức những trò giải trí lố lăng, nhố
nhăng, gợi dục, những niềm tin tâm linh vớ vẩn, sự gia tăng tình trạng tội phạm
bạo lực... Tất cả đều được đảng đánh giá, phân tích nguyên nhân chủ quan khách
quan, nếu quá nghiêm trọng thì qui cho nó là mặt trái của kinh tế thị trường,
do các thế lực thù địch, do diễn biến hòa bình tạo nên; và tiếp tục giao nhiệm
vụ khắc phục cho các cấp các ngành, còn mình thì cố chứng minh là chính sách
đúng nhưng thực thi sai; tiếp tục ra nghị quyết tăng cường lãnh đạo không thiếu
một lĩnh vực nào của đời sống xã hội.
Sự vô trách nhiệm thể hiện đến
mức kiêu ngạo của đảng chính là ở chỗ, không có ở quốc gia nào mà sự chăm sóc,
dạy dỗ, giáo dục con dân được đảng giành lấy độc quyền lãnh đạo, tổ chức thực
hiện như ở nước ta. Từ ngày nắm quyền, đảng đã giữ lấy toàn bộ thiết chế chăm
sóc, giáo dục nhân dân, ban hành không biết bao nhiêu thể chế, sử dụng không
biết bao nhiêu nguồn lực được tích lũy từ tài nguyên quốc gia, từ quốc khố của
nhân dân và hình thành một bộ máy bao gồm cả hệ thống chính trị với đủ kiểu
giáp công (trấn áp khủng bố, đe dọa, tuyên truyền lừa mị, thi đua khen thưởng,
danh hiệu cao quí, học hàm học vị, chức tước bổng lộc...), để thực hiện công
cuộc tạo ra con người mới xã hội chủ nghĩa, cả về thể chất và tinh thần, nhằm
tẩy rửa con người quá khứ, thay thế con người tôn giáo, theo phương pháp quảng
canh sản xuất hàng loạt “nhân cách con người là sự tổng hòa các quan hệ xã
hội”. Với sự lạm dụng vào quyền của nhân dân và sự tốn kém sức lực, trí tuệ,
tiền của mà các nước khác không thể có được để độc quyền thực hiện mục đích
này, nếu thất bại, chỉ xét như tình cảnh hiện nay, đảng không có quyền từ chối
trách nhiệm của mình trừ phi đảng muốn chạy làng lịch sử.
Tương tự, sau khi giành chính
quyền, đảng đã qua cầu rút ván bằng những biện pháp quản lý và cấm nhân dân sử
dụng những phương tiện mà vốn trước đó đã được đảng sử dụng để làm “cách mạng”,
đặc biệt là báo chí, phương tiện truyền thông, vũ khí và vật liệu nổ. Tuy
nhiên, trong thời gian vừa qua, tình hình vi phạm hình sự có sử dụng các loại
vũ khí nóng, lạnh lại gia tăng. Nếu so với Mỹ, bình quân mỗi người dân có một
khẩu súng, và Việt Nam, về nguyên tắc là không có, nếu tỉ lệ số vụ án mạng có
sử dụng vũ khí Việt Nam cao hơn hoặc bằng vớ Mỹ, đó là sự thất bại cũng thuộc
trách nhiệm của đảng. Không thể chạy làng được.
Xích Tử
Những tha hóa, biến chất, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền là vấn đề nhứ nhối không chỉ ở Việt Nam, mà nó tồn tại ở khắp mọi quốc gia. Điều đó được ghi trong nghị quyết của Đảng chứng tỏ Đảng biết rõ, và đang tìm cách chống lại. Quyết tâm chống tham nhũng của Đảng rất mạnh thông qua việc lập lại ban nội chính trung ương. Tôi nghĩ rằng, Xích tử không nên lợi dụng vấn đề chống tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng để chống phá, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng. Nếu là người có thiện chí, thì nên góp ý chân thành, cùng Đảng đẩy lùi tham nhũng.
ReplyDelete