Saturday 7 September 2013

BỎ PHIẾU VÀO SYRIA (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, September 04, 2013 8:04:19 PM

Tổng Thống Barack Obama lấy rủi ro lớn trong vụ Syria

Lãnh đạo Hành pháp Mỹ là tổng thống không cần xin phép Lập pháp để mở cuộc tấn công vào Syria. Ðạo luật lệ có tính chất hạn chế thẩm quyền gây chiến của tổng thống quy định như vậy.

Tổng Thống Barack Obama đã có thể can thiệp bằng quân sự vào Syria theo ngả đó, nhưng lại có quyết định khác. Là người ngần ngại gây chiến, ông đã nhiều lần tìm cách khỏi can thiệp vào Syria. Tuần qua ông trở thành con diều hâu giận dữ sẽ cùng một liên minh quốc tế có biện pháp quân sự. Nhưng rồi ông lại đổi ý và quyết định xin phép Quốc Hội. Vì vậy, việc can thiệp sẽ được đẩy lui mấy tuần, có khi cả tháng.

Trong khi chờ đợi, “Hồ sơ Người Việt” tìm hiểu tiếp về hai khía cạnh nội chính và quốc tế của việc tấn công Syria. Về những rắc rối và phức tạp trong cuộc nội chiến tại Syria, xin quý độc giả tìm đọc lại hồ sơ Người Việt vào ngày 26 Tháng Bảy năm ngoái. Về khía cạnh quân sự, xin đọc lại hồ sơ tuần qua (“Hoa Kỳ Chuẩn Bị Can Thiệp Vào Syria - Tại sao, cần những gì và gặp những trở ngại nào?”)

Ràng buộc chính trị

Hiến Pháp Hoa Kỳ định ra phép phân công trách nhiệm về chiến tranh như sau: chỉ Quốc Hội mới có thẩm quyền khai chiến và quyết định về điều kiện tài trợ chiến phí, nhưng là tổng tư lệnh tối cao của quân lực Hoa Kỳ, tổng thống lại có trách nhiệm điều động quân đội để bảo vệ quốc gia khi quyền lợi của Tổ quốc bị đe dọa. Lối phân công khá mơ hồ này đã được nhiều lần điều chỉnh cho tinh tế hơn. Nhưng việc suy diễn về thẩm quyền vẫn là một quyết định chính trị.

Khi quốc dân và Quốc Hội Hoa Kỳ đã quá thất vọng về cuộc chiến Việt Nam, đạo luật về quyền tiến hành chiến tranh (War Powers Resolution) được ban hành tháng 11 năm 1973 với đa số hơn hai phần ba - và vượt qua quyền phủ quyết của Tổng Thống Richard Nixon - có ghi rằng tổng thống chỉ cần thông báo Quốc Hội 48 tiếng sau khi có một hành động quân sự. Nếu không được Lập pháp cho phép, người lãnh đạo Hành pháp vẫn còn khoảng thời gian 60 ngày để xúc tiến việc can thiệp quân sự, cộng thêm 30 ngày để triệt thoái.

Sau ngày 21 tháng 8, Tổng Thống Obama đã có thể căn cứ vào đạo luật thượng dẫn để can thiệp bằng quân sự vào Syria.

Mục tiêu là gì thì còn có nhiều cấp cao thấp khác nhau mà ông có thể giải trình với quốc dân và định chế đại diện quốc dân là Lưỡng viện Quốc Hội. Hai vị tiền nhiệm của ông, Tổng Thống George H. Bush và George W. Bush đã tiến hành chiến tranh theo thủ tục khác. Ðó là xin phép Quốc Hội và được phép tấn công Iraq năm 1991 và 2003 bằng một đạo luật của Quốc Hội, với lá phiếu lưỡng đảng. Những trục trặc sau đó của ông Bush con, vì không tìm ra võ khí tàn sát hàng loạt của chế độ Saddam Hussein, khiến chính trường Hoa Kỳ đã có tranh luận lớn. Có thể là Tổng Thống Obama không muốn gặp lại hoàn cảnh này của người tiền nhiệm nên mới chính thức xin phép Lập pháp trước khi ra quân.

Một lý do khác ít được truyền thông nhắc tới là lập trường về Syria của nhiều người đang có thẩm quyền trong Nội các và Ban tham mưu về an ninh của ông Obama.

Khi còn là nghị sĩ tại Thượng viện, ông Obama cùng mấy người đồng viện đả kích chính quyền Bush 43 là không có chính sách cởi mở hơn với chế độ Bashar al Assad tại Syria. Ðó các Nghị Sĩ Joe Biden nay là phó tổng thống, Chuck Hagel (Cộng Hòa, nay là tổng trưởng Quốc Phòng), Hillary Clinton (cựu ngoại trưởng). Clinton còn cho biết là sau chuyến thăm viếng Syria với nhiều đồng nghiệp, bà đánh giá al-Assad là người có chủ trương đổi mới (“reformist”). Trong một cuộc điều trần của Ngoại Trưởng Condoleezza Rice trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện vào năm 2007, hai nghị sĩ Biden và Hagel châm biếm bà Rice là không cố gắng đàm phán với Tổng Thống al-Assad. Năm 2009, Nghị Sĩ John Kerry còn nhận định rằng Syria là “một đối tác quan trọng để đem lại hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Những lầm lẫn hoặc xoay trở lập trường như vậy có thể là chuyện bình thường của các chính trị gia, nhưng sẽ thành vấn đề sau khi tổng thống quyết định can thiệp, và tham chiến. Ông Obama không muốn gặp rủi ro đó nên sau nhiều đắn đo mới trao lại trách nhiệm về chiến tranh cho Quốc Hội, để có thêm an toàn về chính trị sau này.

Nhưng vì sao một tổng thống và Nội các đầy tính chất hòa dịu và có chủ trương hòa giải với Syria lại rơi vào hoàn cảnh phải lấy một quyết định có thể dẫn tới chiến tranh? Lý do thứ ba thuộc về “thế giới.”

Hoa Kỳ không có quyền lợi chiến lược gì tại Syria, đang muốn triệt thoái khỏi hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan và cố tránh khu vực Trung Ðông quá phức tạp. Một số chính trị gia thuộc cả hai đảng đều ý thức được sự rủi ro tại Syria. Chế độ al-Assad không có nỗ lực cải cách như nhiều người lầm tưởng, kể cả một số nhân vật trong Nội các Obama. Nhưng dù có thiện cảm với đa số là dân Sunni đang bị chế độ al-Assad thuộc hệ phái Alawite đàn áp, Hoa Kỳ cũng chẳng tin rằng sự sụp đổ của al-Assad sẽ dẫn tới chế độ dân chủ, mà lại mở ra cơ hội cho các khuynh hướng Hồi Giáo cực đoan, từ Huynh Ðệ Hồi Giáo đến khủng bố al-Qaeda.

Vì muốn tránh và chỉ lên tiếng về đạo lý, ông Obama đòi al-Assad phải ra đi và hăm dọa là khi nào al-Assad sử dụng võ khí hóa học để tàn sát đối lập và thường dân thì Hoa Kỳ sẽ có thái độ. Ông tưởng al-Assad không dám vượt giới hạn của tối hậu thư, mà không ngờ chế độ hung bạo này vẫn lấn tới khiến ông hết đất lùi và phải có phản ứng để chứng minh sự khả tín của Hoa Kỳ và thế giới.

Bán cái cho Quốc Hội rồi, khi thăm viếng Thụy Ðiển hôm Thứ Tư mùng 4, Obama lại phủ nhận rằng “thế giới” chứ không phải là ông đã vẽ ra lằn ranh. Và thế giới cùng Quốc Hội Mỹ phải có phản ứng để chứng tỏ trọng lượng của lời nói.

Thật ra, Hoa Kỳ không phải là quốc gia đầu tiên kêu gọi can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria, hay tại Libya. Tại Syria, các đồng minh của Mỹ là Anh, Pháp và Turkey đã đòi hỏi điều ấy, y như Pháp và Ý tại Libya. Theo chủ thuyết Obama, Mỹ chỉ “lãnh đạo từ phía sau” mà thôi. Nhưng khi dàn “tiền đạo” là các đồng minh đó bị tê liệt, Hoa Kỳ bỗng lại đứng trên tuyến đầu, khiến ông Obama phải tựa lưng vào Quốc Hội. Người ta có thể coi đó là “một sự khôn ngoan”!

“Hồ sơ Người Việt” bước qua phần vụ của các nước đồng minh trên tuyến đầu.

Khi đồng minh do dự

Hoa Kỳ bỗng dưng bị đôn lên tuyến đầu khi các đồng minh lại chần chừ, mỗi nước vì một lý do.

“Truyền thông Hoa Kỳ và các phiên bản tiếng Việt lẫn bình luận gia Việt ngữ đều không coi chuyện này là quan trọng nên chẳng đánh giá đúng những khó khăn lúng túng của tổng thống Mỹ - mà cứ tưởng rằng khôn. Trước tiên là cường quốc kinh tế số một Âu Châu, xưa kia còn là cường quốc quân sự đã gây loạn toàn cầu, là nước Ðức.”

Cộng Hòa Liên Bang Ðức có bầu cử Quốc Hội vào ngày 22 tháng này. Theo chế độ đại nghị (parliamentarism), bầu cử Quốc Hội sẽ quyết định về thủ tướng, người lãnh đạo quốc gia. Thủ Tướng Angela Merkel đang ở vào chặng cuối của cuộc tranh cử và biết rằng đa số hai phần ba dân Ðức không muốn can dự vào chuyện Syria dù là từ một nghị quyết cho phép của Liên Hiệp Quốc. Bà lại cần dư luận chú ý đến vụ khủng hoảng của khối Euro và còn nghĩ xa hơn thế, đến vai trò hòa giải Mỹ-Nga của nước Ðức. Vì vậy, đồng minh Ðức của Hoa Kỳ mới ở vào hoàn cảnh lưỡng nan, hai đầu đều kẹt.

Lãnh đạo Ðức phải chứng tỏ sự quyết tâm của mình về một vấn đề nhân đạo là vụ thường dân Syria bị tàn sát vì võ khí hóa học, cũng chẳng muốn Hoa Kỳ thất vọng vì Ðức có lập trường quá thân thiện với Liên Bang Nga để được mua năng lượng của Nga. Vì vậy, cuối Tháng Tám, Bộ Ngoại Giao Ðức mới ra thông cáo chính thức là nước Ðức sẽ ở trong thành phần các quốc gia kêu gọi là phải có hành động tại Syria.

Nhưng rồi lãnh đạo xứ này đã dịu giọng. Ðầu tháng 9, bà Merkel tuyên bố trong cuộc tranh luận trước bầu cử, rằng mọi quyết định về Syria đều phải thông qua Liên Hiệp Quốc và rằng nước Ðức sẽ không tham gia vào chiến dịch quân sự. Hoa Kỳ mất một đồng minh, cùng lắm thì sẽ nhờ Ðức thủ vai môi giới với lãnh tụ Vladimir Putin của Nga.

Kế tiếp là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ tại Âu Châu, là Anh quốc.

Nước Anh vừa bị khủng hoảng chính trị khi Thủ Tướng David Cameron yêu cầu Hạ Viện gián đoạn nghỉ hè và biểu quyết về việc can thiệp vào Syria. Ông không ngờ Hạ Viện bác bỏ việc đó, với lá phiếu của đảng Bảo Thủ của ông. Liên minh cầm quyền giữa đảng Bảo Thủ và đảng Tự Do Dân Chủ bị thất thế trước đảng Lao Ðộng. Sau thất bại này, cuối tuần qua đã có tin là Thủ Tướng Cameron sẽ xin Quốc Hội biểu quyết lại khi có chi tiết rõ rệt hơn về tội ác của al- Assad và về khuôn khổ của việc can thiệp. Ít ai tin rằng ông Cameron sẽ đảo ngược được tình hình vì ưu tiên của ông là hàn gắn rạn nứt trong liên minh cầm quyền và dư luận sẽ cần thời gian thẩm định chứng cớ về tội ác của al Assad.

Ðã từng sát cánh với Hoa Kỳ trong nhiều chiến dịch lịch sử, lần này, Anh phải nhường chỗ cho Pháp.

Tổng Thống Pháp Francois Hollande là người thuộc đảng Xã Hội, có mức hậu thuẫn sa sút nhất vì các vấn đề kinh tế và xã hội của Pháp. Nhưng từ đầu năm nay, Chính quyền Hollande dẫn đầu Âu Châu trong việc kết án chế độ al Assad tại Syria, một quốc gia đã từng nằm dưới quyền giám hộ của Pháp khi Ðế quốc Ottoman tan rã sau Thế Chiến I. Không những vậy, ông Hollande còn muốn tăng cường vai trò quốc tế của Pháp khi vận động Liên Hiệp Âu Châu thu hồi lệnh cấm vận võ khí để có thể yểm trợ các lực lượng nổi dậy chống al-Assad tại Syria.

Chia sẻ lý tưởng nhân bản của nhiều người trong chính quyền Obama, Pháp đề cao quyền can thiệp để cứu người lâm nạn và nhân đó tìm lại vị trí quốc tế của mình bên cạnh nước Ðức chủ hòa và nước Anh quá thân cận với Mỹ. Nhưng sau khi dõng dạc lên tiếng, lãnh đạo Pháp lại rơi vào thế kẹt khi Anh quốc bị đẩy lui và Hoa Kỳ thì do dự.

Trong nội tình chính trường Pháp, ông Hollande còn bị đả kích từ cánh tả và cực tả vì đòi có biện pháp quân sự với một xứ Á Rập. Vì thế, lãnh đạo Paris vẫn phải nói nước đôi là vừa muốn can thiệp, vừa xin phép Quốc Hội. Họ cần dung hòa hai việc ưu tiên như nhau, là cải tạo kinh tế và xã hội và đồng thời nâng cao thế lực quốc tế của nước Pháp khi cả Anh và Ðức đều giật lùi.

Cho đến tuần qua, phần thưởng duy nhất mà Pháp nhận được là khi Ngoại Trưởng Kerry quên hẳn nước Anh mà ngợi ca Pháp là đồng minh truyền thống kỳ cựu nhất của Pháp.

Vì ngần ấy lý do tản mác, Hoa Kỳ không thể lẩn sau tấm bình phong Âu Châu như tại Libya, và Tổng Thống Obama phải chường mặt ra ngoài. Ông bèn lui một bước, để lưỡng viện Quốc Hội thảo luận và quyết định về việc ra quân.

Nhưng ra quân để làm gì? Trừng phạt chế độ al-Assad bằng một chiến dịch gọn nhẹ? Tiêu hủy hệ thống võ khí tàn sát để chế độ này không sử dụng được nữa? Kiểm soát hệ thống tồn trữ và sản xuất võ khí hóa học để nếu chế độ này sụp đổ, quân khủng bố sẽ không thể dùng võ khí này? Làm sao đạt được ngần ấy mục tiêu từ thấp lên cao mà chẳng phải đổ quân vào trận địa?

Kết luận ở đây là gì?

Hoa Kỳ là siêu cường toàn cầu với ưu thế vượt xa nhiều quốc gia khác. Nhưng ưu thế ấy cũng đòi hỏi trách nhiệm. Sau những kinh nghiệm bẽ bàng từ năm 2001 đến nay, Hoa Kỳ muốn xứ khác cùng chia sẻ trách nhiệm này. Vì các nước khác không thể dựng rạp kéo màn cho nước Mỹ, Tổng Thống Obama đành lui về đằng sau bức màn của Quốc Hội. Và mong rằng mâu thuẫn giữa các khuynh hướng chủ hòa, chủ chiến hay tự cô lập của cả hai đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ sẽ giúp ông vẫn là người có lý nhất.

Nhiều người quá tin vào khả năng biến báo của Barack Obama cho rằng đấy là giải pháp khôn khéo.


No comments:

Post a Comment

View My Stats