Thursday, 26 September 2013

BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG : BẢN ĐỒ NÓI GÌ ? (Dương Danh Huy & cộng sự viên)




Dương Danh Huy và cộng sự
Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
Cập nhật: 08:59 GMT - thứ năm, 26 tháng 9, 2013

Từ ngày 20/9/2013 đến 22/9/2013, trên diễn đàn Quân sử Việt Nam, anh Phan Văn Song và tôi đã không hẹn mà nên tìm thấy bộ bản đồ độ phân giải cao của biên giới Việt-Trung đăng ở Công báo chính phủ Việt Nam.

Điều lạ là trong khi người Việt đang có nhiều trăn trở về biên giới Việt-Trung, nội dung công báo với một bộ bản đồ quan trọng như thế đã được ban hành từ năm 2010, hay đường dẫn đến nó, đã không được loan tải rộng rãi trên truyền thông Việt Nam.
Kết quả là từ đó đến nay phần lớn những người quan tâm về biên giới Việt-Trung đã không biết, và khó có thể biết, biên giới nằm đâu.
Trong thời gian đó đã có những bức xúc, mà hoàn toàn có thể thông cảm được, rằng Việt Nam có chủ ý không cho biết bản đồ biên giới.
Dù sao đi nữa, bộ bản đồ này sẽ trả lời một trong hai câu hỏi nóng bỏng từ năm 1999, khi hiệp định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết, đó là “Biên giới Việt Nam-Trung Quốc nằm đâu?”

Được gì, mất gì và ở đâu?
Nhưng vẫn chưa thể trả lời câu hỏi nóng bỏng thứ nhì: “Cuối cùng thì Việt Nam đã được gì và mất gì trong cuộc đàm phán và việc phân giới cắm mốc?”
Để trả lời câu hỏi này, biết vị trí của cột mốc và biên giới là không đủ.
Từ góc độ của đàm phán, cần phải trả lời câu hỏi: “Yêu sách của Việt Nam trong đàm phán là gì?” Từ góc độ khách quan hơn, phải trả lời câu hỏi: “Theo luật quốc tế và lẽ công bằng thì Việt Nam phải được gì?”
Thế nhưng, không những Việt Nam chưa công bố thông tin về “Yêu sách của Việt Nam trong đàm phán là gì?”, mà cũng khó có thường dân nào có thể trả lời câu hỏi: “Theo luật quốc tế và lẽ công bằng thì Việt Nam phải được gì?” cho toàn bộ biên giới – mà có lẽ cho một số đoạn thì còn có thể được.
Vì thế, để góp một bước sơ khởi về câu hỏi “Việt Nam đã được gì và mất gì?”, gần đây anh Song và tôi đã thử một cách tiếp cận khác: so sánh vị trí của các cột mốc hiện nay với bản đồ của các bên thứ ba.
Cần nhấn mạnh rằng trong tranh chấp lãnh thổ, ngoài tòa án phân xử ra thì ý kiến của các bên thứ ba không có giá trị pháp lý.
Vì vậy việc so sánh vị trí của các cột mốc hiện nay với bản đồ của bên thứ ba chỉ có giá trị tham khảo, với nghĩa không nên kết luận dựa vào nó.
Bản đồ đầu tiên mà chúng tôi dùng cho việc so sánh này là bản đồ biên giới quốc tế từ CIA World DataBank II, một cơ sở dữ liệu được chính phủ Mỹ thiết lập vào thập niên 80, tức là trước khi có hiệp định biên giới Việt-Trung.
Sự thật là khó có thể biết biên giới Việt-Trung trong CIA World DataBank II đã được xác định dựa trên cơ sở nào, nhưng sẽ không quá đáng nếu hy vọng rằng các cơ quan của chính phủ Mỹ đã xác định biên giới đó một cách tương đối khách quan và kỹ lưỡng, miễn đừng quên là vẫn phải dè dặt về nó.
Chúng tôi thực hiện việc so sánh này bằng cách vẽ biên giới Việt-Trung trong CIA World DataBank II lên một bản đồ có các cột mốc mới.
Nếu nói về kỹ thuật bản đồ thì việc này khá đơn giản vì CIA World DataBank II và tọa độ của các cột mốc đều dùng cùng hệ trắc địa với nhau, và phần mềm có thể vẽ cả hai lên cùng một bản đồ một cách chuẩn xác.
Sau khi so sánh như trên thì chúng tôi mới thấy rằng độ phân giải của đường biên giới Việt-Trung trong CIA World DataBank II là quá thấp để nói gì về những sự được-mất ở hạng km trở xuống. Đó là một điều đáng tiếc.
Nhưng dù với độ phân giải thấp của đường biên giới trong CIA World DataBank II thì cũng có thể nói rằng nếu so với đường biên giới đó thì không có sự được-mất ở hạng chục km trở lên, và đó cũng là một thông tin.

Lãnh đạo Trung - Việt trong lễ ra mắt cột mốc biên giới ở Lạng Sơn hôm 23/2/2009

Ở đây cần lặp lại và nhấn mạnh lần nữa rằng mệnh đề “không có sự được-mất ở hạng chục km trở lên” cũng chỉ có giá trị tham khảo, với nghĩa không nên kết luận dựa vào đó.
Để tiếp tục tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Có những được-mất nào ở hạng km trở xuống?”, cần phải so sánh bản đồ biên giới mới, hay ít nhất là bản đồ với các cột mốc mới, với những bản đồ biên giới có độ phân giải cao hơn từ những nguồn khác nhau, nhất là nếu những bản đồ này có thể hiện các cột mốc Pháp-Thanh.
Nhưng ngay cả việc đó cũng không trả lời thỏa đáng được câu hỏi về việc được-mất cho toàn bộ biên giới.
Để trả lời thỏa đáng câu hỏi “Việt Nam đã được gì, mất gì?” cho toàn bộ đường biên giới, cần phải có thông tin chính thức, minh bạch và đầy đủ về cuộc đàm phán, và các trường đại học ở Việt Nam phải có tự do, độc lập và khả năng chuyên nghiệp trong việc nghiên cứu và nhận xét về câu hỏi đó.
Nhưng hiện nay chưa có đầy đủ các điều kiện đó ở Việt Nam.
Như thế, nỗi trăn trở của những người quan tâm sẽ vẫn tiếp tục, và các nhà nghiên cứu nghiệp dư Việt Nam sẽ vẫn phải làm những việc mà ở các nước Âu Mỹ thường là việc của giới chuyên nghiệp.

Bài gửi về diễn đàn của BBC Tiếng Việt thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, hiện sống tại Oxford, Anh Quốc. Quý vị có thể xem cuộc tranh luận của tác giả và ông Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới chính phủ Việt Nam tại đây.

-------------------------------------------

VỀ VẤN ĐỀ “BẢN ĐỒ MỐC GIỚI VIỆT – TRUNG”

Trương Nhân Tuấn    24-9-2013
Dương Danh Huy    25/09/2013
Mai Thái Lĩnh    25/09/2013
FB Tin Không Lề     24-9-2013
Phạm Quang Tuấn    24/09/2013
Trương Nhân Tuấn    24/09/2013
Phan Văn Song    23/09/2013
Tô Oanh    23/09/2013
Trương Nhân Tuấn     22/09/2013
Dương Danh Huy     21/09/2013
Trương Nhân Tuấn     jeudi 19 septembre 2013
Trương Nhân Tuấn    mercredi 18 septembre 2013
Bauxite Việt Nam     17/09/2013
Bauxite Việt Nam     15/09/2013



No comments:

Post a Comment

View My Stats