Lm Trần
Công Nghị (Viet Catholic)
22/09/2013
Hôm 19/9/2013, Lm Gioan Trần Công Nghị đã có cuộc
phỏng vấn với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Vinh, để tìm
hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra quanh biến cố tại Mỹ Yên, phản ứng của giáo
dân giáo phận Vinh và cách hành xử của chính quyền Nghệ An cũng như của chính
phủ đang diễn ra như thế nào. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
LM.
Trần Công Nghị: Trước hết con LM Trần Công
Nghị kính chào Đức Cha và xin chúc sức khỏe bình an và ơn thiêng của Chúa Thánh
Thần trên công việc của Đức Cha và toàn giáo phận Vinh.
Hỏi:
Thưa Đức Cha, trong biến cố xảy ra ở giáo xứ Mỹ Yên,
chúng con có dịp theo dõi những tin tức cập nhật từ giáo phận của Đức Cha và đã
thông tin cho độc giả VietCatholic biết diễn tiến từng ngày. Thế nhưng gần đây
hệ thống Truyền thông nhà nước Việt Nam đang cố ý xuyên tạc và bóp méo sự thật
về vụ giáo dân Mỹ Yên bị đánh đập khi đòi người mà công an bắt trái phép. Do
vậy, một lần nữa xin Đức Cha tóm tắt cho người Việt Nam và dư luận thế giới
biết sự thực về câu chuyện giáo dân Mỹ Yên ra sao và đã bị lực lượng công an
đàn áp, đánh đập tàn bạo như thế nào?
Đức
Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Rất vui được gặp
lại cha Giám đốc và quý thính giả VietCatholic, nhưng lại rất buồn vì phải cùng
nhau trao đổi về một vụ việc đáng lẽ ra không nên xảy ra ở thế kỷ XXI này. Vắn
tắt sự kiện như sau:
Chiều ngày 22/5/2013, trước ngày xét xử phúc thẩm 14
thanh niên tại Tòa án Nhân dân Nghệ An, thân nhân và bạn hữu của họ đến Trại
Gáo để cầu bình an. Họ đặt cơm tối cho 80 người, nhưng trên suốt hành trình, đã
bị lực lượng công an chặn đường bằng nhiều cách, nên chỉ khoảng 30 người dùng
cơm. Sau đó, mọi người tham dự thánh lễ với cộng đoàn giáo họ Trại Gáo. Số người
còn lại vẫn tiếp tục đến.
Chập tối, lúc thánh lễ đang diễn ra, trên đoạn rẽ từ
đường 534 đến Trại Gáo, khách hành hương bị một nhóm người lạ mặt, không mặc
sắc phục công an và cũng không cho biết lý do, chặn đường. Tức khắc xảy ra cãi
vã, xô xát và hỗn loạn. Bị đám đông phản kháng mạnh, những người chặn bỏ chạy.
Có người bị thương, vài người chạy vào nhà ông xã đội trưởng, nơi công an đã
tập trung từ trước. Ba người bị dân chúng khống chế và bị đánh. Được cấp báo,
đội an ninh của họ Trại Gáo, xứ Mỹ Yên, vội vàng đến đưa nạn nhân về nhà văn
hóa xóm 13 để bảo vệ.
Đang khi tham dự thánh lễ, Ban Hành giáo Trại Gáo
nhận được điện thoại cấp cứu của công an huyện Nghi Lộc. Họ đã cấp tốc chạy
xuống và phải phá ổ khóa để đưa nạn nhân vào đó ẩn trốn. Ba người này khai là
công an và người ta cũng thấy giấy tờ, cũng như sắc phục công an trong cốp xe.
Dân chúng tụ tập bên ngoài, mỗi lúc một đông và xô
bồ hơn, rất khó kiểm soát, mà cha xứ lại đi vắng. Vì vậy, Hội Đồng mục vụ đã
điện thoại cho Tòa Giám mục xin giúp đỡ. Cùng lúc đó, ông Vũ Chiến Thắng, Phó
Giám đốc Công an Tỉnh Nghệ An và ông Chủ tịch huyện Nghi Lộc đã gọi điện thoại
cho tôi, đề nghị hợp tác để giải quyết sự việc. Thấy tình hình càng lúc càng
phức tạp, lúc 19g45, tôi và hai linh mục lên đường. Trong khi đó, phía nhà cầm
quyền mặc dầu đã ba lần bảy lượt hứa hẹn sẽ có mặt, nhưng đã hoàn toàn vắng mặt
một cách vô trách nhiệm.
Khi chúng tôi có mặt, tình hình bớt nguy hiểm nhưng
vẫn còn rất căng thẳng, vì trong đám đông phức tạp, xen lẫn cả giáo lẫn lương
dân. Theo yêu cầu của dân chúng, một biên bản được soạn thảo. Sau khi đọc biên
bản đó, đám đông phản đối dữ dội vì cho rằng chưa đúng sự thật. Phải viết lại
biên bản 2. Đa số dân chúng tạm chấp nhận biên bản này, nhưng vẫn chưa chịu
giải tán. Tôi vừa yêu cầu mọi người giải tán, vừa yêu cầu nhà cầm quyền đưa xe
lên chở người bị thương về, nhưng họ vẫn không xuất hiện.
Phải mất một thời gian nữa mới tìm được xe chở nạn
nhân về với sự bảo vệ của phái đoàn Tòa Giám mục. Trên đường về, chúng tôi phải
quay lại nhà ông xã đội trưởng để cứu công an còn mắc kẹt ở đấy. Sau khi chúng
tôi về, dân vẫn tiếp tục tụ tập ở khu vực đó và một chiếc xe máy khác bị phá.
Cần nói thêm, ngày 24/5/2013, đại diện huyện Nghi
Lộc và xã Nghi Phương đã đến cám ơn Hội đồng mục vụ và đội an ninh Trại Gáo vì
đã tích cực giải cứu cán bộ công an đêm 22/5/2013. Lời cám ơn tương tự cũng đã
được nhà cầm quyền các cấp nhiều lần bày tỏ với tôi và các linh mục giáo phận.
Thế mà, sau này báo đài Nhà nước lại vu khống Hội đồng mục vụ Trại Gáo đã ‘bắt
giam người trái pháp luật’.
Sự việc ngày 22/5/2013 trở nên nghiêm trọng hơn, khi
nhà cầm quyền không những không xử lý một cách nghiêm minh hành vi sai trái của
cán bộ công an, mà còn cố tình bao che thuộc cấp và dựng án để bắt hai giáo dân
Trại Gáo theo kiểu bắt cóc, không tuân thủ quy định tối thiểu của Luật Tố tụng
Hình sự Việt Nam hiện hành.
Như các trang mạng đã đưa tin, ngày 27/6/2013, trên
đường đi đám cưới cháu, ông Ngô Văn Khởi bị cảnh sát giao thông chặn lại và bị
năm thanh niên bịt mặt dẫn đi không nêu rõ lý do. Mấy ngày sau gia đình mới
nhận được thông báo, nhưng giấy ghi nhầm với một ông Ngô Văn Khởi khác, vì sai
địa chỉ và tên vợ.
Cùng ngày 27/6, khi ông Nguyễn Văn Hải chở cháu là
Nguyễn Huy Hoàng (5 tuổi) đi khám chữa bệnh và lấy bột mỳ, trên đường về bị
công an bắt giữ, không nêu bất cứ lý do và không tiến hành bất cứ thủ tục nào.
Cháu Hoàng bị bỏ lại trong tình trạng hoảng loạn.
Mặc dù rất phẫn nộ trước hành vi sai trái của nhà
cầm quyền và các văn bản gửi đi không nhận được câu trả lời thỏa đáng, nhưng
suốt trong hai tháng giáo dân vẫn kiên trì đối thoại. Tòa Giám mục cũng có
nhiều cuộc gặp gỡ làm việc với nhà cầm quyền yêu cầu giải quyết vấn đề càng sớm
càng tốt để tránh những phức tạp có thể xảy ra. Nói chung, họ hứa sẽ giải
quyết, nhưng đợi mãi vẫn chẳng thấy gì. Vì thế, người dân ngày thêm bức xúc và
không còn tin ở giải pháp đối thoại. Ngày 30/8/2013, người thân của hai ông
Khởi và ông Hải cùng một số giáo dân Mỹ Yên tập trung ôn hòa tại UBND xã Nghi
Phương đòi thả người. Hôm đó, theo lời yêu cầu của công an tỉnh Nghệ An và
huyện Nghi Lộc, tôi đã đến UBND xã Nghi Phương đề nghị nhà cầm quyền đáp ứng
yêu cầu của nhân dân, đồng thời kêu gọi đồng bào kiên nhẫn đợi chờ. Cuối cùng,
mọi người rút lui trong trật tự.
Sáng Chúa Nhật 01/9/2013, UBND tỉnh Nghệ An mời tham
dự cuộc họp đặc biệt để giải quyết vấn đề trên. Tham dự cuộc họp, về phía nhà
cầm quyền có ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Thái Văn
Hằng, Phó Chủ tịch UBND, ông Lưu Công Vinh, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An, ông
Vũ Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công an Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Cầu, Phó Giám đốc
Công an – Thủ trưởng cơ quan CSĐT và một số người liên quan. Về phía Tòa Giám
mục có tôi, Giám mục giáo phận, linh mục Phêrô Trần Phúc Chính, Quản hạt Nhân
Hòa, linh mục Phaolô Nguyễn Văn Hiểu, chánh Văn phòng Tòa Giám mục và linh mục
Phêrô Nguyễn Đoài, phó Văn phòng Tòa Giám mục. Đa số tham dự viên đồng ý tìm
biện pháp giải quyết vấn đề để tránh hậu quả xấu. Nhưng ông Nguyễn Hữu Cầu cứ
khăng khăng yêu cầu Giám mục giáo phận phải đứng ra bảo lãnh tại ngoại cho ông
Khởi và ông Hải. Sau khi thảo luận thẳng thắn và chân thành, chúng tôi đã từ
chối viết Đơn bảo lãnh tại ngoại, vì hai lý do: thứ nhất, theo nguyên tắc, luật
Tố tụng không quy định việc tổ chức tôn giáo bảo lãnh mà phải là gia đình; thứ
hai, quan trọng hơn, giáo phận Vinh không chấp nhận việc nhà cầm quyền cố tình
đánh lạc hướng và làm phức tạp sự việc ngày 22/5/2013, nhằm kết án và truy cứu
nhiều người dân chất phác vô tội khác, trong khi những hành vi sai trái của các
cán bộ lại được bao che.
Ngày 03/9/2013 người thân của hai nạn nhân và đồng
bào Mỹ Yên lại tập trung đến UBND xã Nghi Phương đòi thả người. Sau những chờ
đợi và trao đổi căng thẳng, cuối cùng nhà cầm quyền địa phương đã viết Giấy cam
kết về việc thả hai nạn nhân trước 16 giờ ngày 04/9/2013 và còn tuyên bố “nếu
đến thời gian trên mà công an tỉnh không thả ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải
thì UBND xã chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Sau khi nhận được Giấy cam kết,
bà con tự động rút lui.
Cùng thời gian đó, cán bộ công an Cục An ninh xã hội
đề nghị Tòa Giám mục có một văn bản yêu cầu thả người để cơ quan điều tra làm
căn cứ thả hai ông Khởi và ông Hải về tham dự Lễ Tấn phong Giám mục phụ tá. Do
đó, chiều 03/9/2013, Tòa Giám mục đã có Văn thư số 38/13-VTTG đề xuất thả
người.
Sáng 04/9/2013, Thánh lễ Tấn phong Giám mục Phụ tá
diễn ra rất tốt đẹp, với khoảng 22000 người tham dự. Trưa hôm đó, Văn phòng Tòa
Giám mục Xã Đoài nhận được thư ‘hỏa tốc’ mời Giám mục giáo phận vào họp tại trụ
sở UBND tỉnh Nghệ An vào lúc 15 giờ. Nhưng tôi không thể đến tham dự cuộc họp
này, vì chương trình làm việc trong ngày lễ Tấn phong Giám mục phụ tá đã sắp
đặt từ trước không thay đổi được. Sau này người ta mới biết ngay lúc hẹn gặp
Giám mục giáo phận tại UBND tỉnh, nhà cầm quyền đã sẵn sàng trấn áp dân tại
Nghi Phương.
Khoảng 15g30 ngày 04/9/2013, tin tưởng nơi thứ ‘Giấy
cam kết lừa đảo’ của nhà cầm quyền, người nhà của ông Khởi và ông Hải cùng một
số bà con giáo dân Mỹ Yên đã tới UBND xã Nghi Phương để nhận hai ông về nhà.
Khi đến nơi, họ ngỡ ngàng nhận ra đã bị nhà cầm quyền lừa đảo: Không hề có
chuyện thả người. Trên thực tế, ngay từ sáng 04/9/2013, nhà cầm quyền đã bày
binh bố trận với mấy hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ, chó
nghiệp vụ, lựu đạn cay… án ngữ lối vào trụ sở UBND xã Nghi Phương.
Một số người lạ mặt đã được cài vào đám đông để quấy
rối, ném đá về phía công an và cảnh sát cơ động, một số giáo dân cũng ùa theo…
Thế là cơ quan công quyền sử dụng lựu đạn cay, dùi cui, thuốc nổ, vũ lực...
thẳng tay đàn áp dân chúng, làm cho hơn 30 người bị thương, trong đó có ba
người bị chấn thương sọ não nặng.
Hỏi:
Như Đức Cha đã biết, hiện nay các cơ quan truyền
thông của chính quyền đang xuyên tạc vụ Mỹ Yên đến nỗi chính ban lãnh đạo của
mạng lưới Boxit, một mạng lưới của giới trí thức Việt Nam trong nước, đã bình
luận: “Người ta không ngần ngại gọi trống không Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp,
vị cha chung của Giáo phận Vinh với hơn 500.000 giáo dân, là “giám mục Hợp”,
mạt sát Đức Cha là “lừa dối”, “vu khống”, “bịa đặt trắng trợn”. Thậm chí người
ta tuyên bố có “sự xúi giục từ các tổ chức, thế lực phản động trong và ngoài
nước, dẫn đến việc một số người dân đã bị kích động, nghe theo, thực hiện hành
vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật”, dù không hề đưa ra bất kỳ
bằng chứng nào. Xin Đức Cha nêu ra một số ví dụ cụ thể để dư luận thế giới biết
đâu là sự thật và đâu là những điều chính quyền bóp méo, xuyên tạc.
Đức
Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Trong những ngày
qua, báo Nghệ An, đài phát thanh, đài truyền hình Nghệ An đã đăng tải nhiều bài
viết và phóng sự có nội dung xuyên tạc sự thật, xúc phạm đến uy tín và danh dự
của tôi, cũng như toàn thể linh mục và giáo dân giáo phận Vinh. Tệ hơn nữa,
trong buổi phát hình tối Chúa Nhật 15/9/2013, đài truyền hình VTV cũng lập lại
những luận điệu của đài truyền hình Nghệ An, chụp cho tôi nhiều ‘tội danh’ như
cấu kết với thế lực phản động trong cũng như ngoài nước, kích động nhân dân hận
thù với nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết nhân dân, đi ngược lại với chủ trương
của các Đức Thánh Cha và của Hội Đồng Giám mục Việt Nam là sống Phúc Âm giữa
lòng dân tộc, v.v.
Nhiều lúc tôi tự hỏi có nhà nước pháp quyền nào trên
thế giới hiện nay cho phép các phóng viên nặc danh và cơ quan truyền hình Nhà
nước tự tung tự tác, muốn bôi nhọ ai tùy ý, tự do chụp mũ cho người khác một
cách vô căn cứ những thứ tội nghiêm trọng, mà chỉ những tòa án đặc biệt mới có
quyền tuyên án? Bản thân tôi, dù sao cũng là giám mục một giáo phận 526.000
giáo dân, trải dài trên ba tỉnh, đồng thời là Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa
Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mà họ còn cáo buộc, một cách vô tội vạ,
những tội danh ghê gớm như vậy, thì phương chi các em sinh viên, các nông dân
chất phác, những người lao động cô thân cô thế? Điều này cho thấy sự thao túng,
vô pháp luật và xuống cấp về phẩm chất đạo đức của một xã hội.
Đã có một thời người ta tôn vinh gian dối và cho đó
là một phương pháp tuyên truyền hữu hiệu nhất, vì đinh ninh rằng: Cứ nói dối,
cứ nói dối… cuối cùng vẫn còn lại cái gì. Từ Phát-xít Đức cho tới Staline, Mao
Trạch Đông, Pol Pot cho đến hiện nay … một số nhà cầm quyền đã sử dụng nó như
lợi khí tuyên truyền để đánh lận con đen. Trong quá khứ, xem ra một số lần họ
đã đánh lừa được dư luận hay ít nhất gây hoang mang, sợ hãi và bêu xấu đối
phương.
Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với
những công nghệ hiện đại đã giúp nhân loại dễ dàng lột mặt nạ những gian dối và
lừa lọc này. Hơn nữa, nhân loại ngày càng đề cao mô hình nhà nước dân chủ, pháp
quyền, tôn trọng sự thật, nhân phẩm nhân quyền, sự minh bạch và yêu chuộng công
lý – hòa bình. Bạo lực, gian dối, lừa lọc, cả vú lấp miệng em … đang bị đẩy dần
vào bóng tối.
Theo Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội Công Giáo, cộng
đồng chính trị và Giáo Hội độc lập và tự trị trong lãnh vực riêng của mình,
nhưng cả hai đều phục vụ con người đều phục vụ con người. Chính vì thế, “sự tự
trị giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị không dẫn tới chỗ hai bên ly khai
nhau, loại bỏ việc hợp tác [...]. Giáo Hội và cộng đồng chính trị có thể làm
cho việc phục vụ này hữu hiệu hơn “để mọi người cùng có lợi, nếu mỗi bên nỗ lực
hơn nữa để hợp tác lành mạnh với nhau theo cách thế phù hợp với hoàn cảnh không
gian và thời gian”.
Chính trong viễn tượng đó, Tòa Thánh đã đề nghị định
hướng mục vụ: “Đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành”. Đức Bênêdictô XVI
kêu gọi Giáo Hội Việt Nam “đóng góp vào việc phát triển nhân bản và tâm linh
của con người, nhưng đồng thời cũng đóng góp cho việc phát triển đất nước. Việc
tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một đóng góp quan trọng, nhất là
lúc Việt Nam cũng đang từ từ mở cửa về phía cộng đồng quốc tế”.
Tuy nhiên, đối thoại không đồng nghĩa với thỏa hiệp,
nhất là thỏa hiệp với bất cứ giá nào. Niềm tin tôn giáo và chân lý không thể
mặc cả hay dễ dàng nhượng bộ. Rất nhiều lần người Kitô hữu được mời gọi chấp
nhận trả giá. Vào dịp Giáng Sinh 2012, Ngài đã đưa ra một nhận định sâu sắc:
“Việc hợp tác sinh hoa kết quả giữa các Kitô hữu và những người khác là điều có
thể thực hiện được. Thế nhưng người Kitô hữu chỉ trả lại cho César những gì
thuộc về họ César, chứ không phải những gì thuộc về Thiên Chúa. Trong lịch sử,
đôi khi người Kitô hữu không thể tuân thủ những đòi hỏi của César. Từ thói tôn
thờ hoàng đế thời cổ đại Rôma đến những chế độ toàn trị trong thế kỷ vừa qua,
các César đã cố chiếm đoạt vị trí của Thiên Chúa. Khi người Kitô hữu từ chối
cúi mình trước các thần ngụy tạo được đề xuất thời nay [...] là vì họ hoàn toàn
tự do thoát khỏi những kiềm tỏa của ý thức hệ, và được linh hứng bởi tầm nhìn
về vận mệnh con người, cao quý đến nỗi họ không thể nào thỏa hiệp với bất kỳ
điều gì đe dọa tầm nhìn đó”.
Giáo huấn Công Giáo mời gọi chúng ta can đảm chống
lại bất công, bạo lực, gian dối và sai lầm, nhưng vẫn tôn trọng người sai lầm
và không hề chủ trương lấy ác báo ác. Càng không tôn bạo lực làm kim chỉ nam
cho cuộc sống và biện pháp giải quyết mọi vấn đề. Đối thoại được Giáo Hội Công
Giáo chọn lựa như cách thế thích hợp nhất để giải quyết những xung đột và tranh
chấp. Tuy nhiên, đúng như Đức Benedictô XVI đã lưu ý, sự thật vẫn giữ vai trò quan
trọng nhất. Hơn bao giờ hết, lời của Đức Giêsu luôn luôn là ánh sáng soi dẫn
bước đường của chúng tôi: “Sự thật sẽ giải phóng anh em”.
Tóm lại, cái sảy nảy cái ung. Đáng lẽ ra phải khiển
trách những người sai phạm trong việc chặn đường và bắt người trái phép, nhà
cầm quyền đã bao che cho cấp dưới và tiếp tục lấp liếm, trấn áp dân chúng. Vì
vậy, họ đã biến tình trạng bình yên thành bất ổn và chuyện nhỏ thành chuyện
lớn. Không những họ đã bày binh bố trận để trấn áp những nông dân chất phác
trong tay không có một tấc sắt, mà còn tiếp tục công khai dùng phương tiện
truyền thông mạ lị, vu khống giám mục, linh mục, giáo dân Vinh là ‘bạo loạn,
cấu kết với bên ngoài để âm mưu tạo phản’(?). Trong cuộc khủng hoảng về kinh
tế, xã hội và an ninh quốc phòng hiện nay, Việt Nam cần đến sự hỗ trợ của cộng
đồng quốc tế hơn bao giờ hết, thế mà tại sao lại có những hành động đẩy đất
nước vào tình trạng thụt lùi rõ rệt về nhân quyền và tự do tôn giáo? Không phải
vô lý, khi có người đặt câu hỏi: Nhà cầm quyền Nghệ An có chủ đích gì khi dàn
dựng kịch bản này?
Hỏi:
Xin Đức Cha cho biết tinh thần hiệp thông của các
linh mục và giáo dân trong giáo phận Vinh như thế nào?
Đức
Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Hơn 200 linh mục
hiện hoạt động trên ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vừa tuyên bố “hiệp
thông sâu xa, đồng quan điểm với Tòa Giám mục và Giám mục giáo phận trong các
văn bản” về vụ giáo xứ Mỹ Yên. Tại khắp nơi, giáo dân Vinh đang chứng tỏ truyền
thống đoàn kết, luôn hợp nhất với Tòa Giám mục và sốt sắng cầu nguyện để công
lý và hòa bình sớm thực hiện trên mảnh đất thân yêu này. Lấy lại câu nói biểu
tượng của Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên trong vụ Tam Tòa trước đây,
nhiều người đã nhận định: “Tại giáo phận Vinh không chỉ có một Nguyễn Thái Hợp
mà luôn luôn có sẵn 526.000 Nguyễn Thái Hợp khác”.
Hỏi:
Kính thưa Đức Cha: VietCatholic nhận được nhiều điện
thư của độc giả nói rằng trong khi một số cơ quan truyền thông quốc tế phổ biến
tin tức về vụ Mỹ Yên, giúp thế giới biết về tình hình tự do tôn giáo tại Việt
Nam, thì chính tại Việt Nam, mạng lưới của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã không
lên tiếng gì về vụ Mỹ Yên. Xin Đức Cha cho biết các Giám mục Việt Nam đang hiệp
thông với giáo phận Vinh như thế nào?
Đức
Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Mạng lưới của
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đăng Thư Chung của Giám mục giáo phận Vinh gửi
toàn thể cộng đồng Dân Chúa, cũng như thư của Giám mục Vinh gửi Đức Hồng Y, quý
Đức Tổng, quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ và toàn thể cộng đồng Dân Chúa tại
Việt Nam xin cầu nguyện đặc biệt cho các giáo dân bị đàn áp tại giáo xứ Mỹ Yên
và cho giáo phận Vinh trong hoàn cảnh hiện tại. Văn phòng TGM Xã Đoài vừa cho
biết “Tuyên bố của Linh mục đoàn giáo phận Vinh” [xin xem ở
đây – BVN] cũng sẽ được đăng trên trang Website của Hội Đồng Giám
mục Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đã được thư liên đới của một số giáo phận gửi
tới. Chúng tôi sẽ lần lượt công bố trên trang mạng của giáo phận.
LM
Nghị: VietCatholic xin chính thức một lần nữa cám ơn Đức
Cha đã dành cho chúng con buổi phỏng vấn hữu ích này. Trước khi kết thúc, Xin
Đức Cha nói thêm những điều Đức Cha muốn gửi tới Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và
dư luận quốc tế về tình hình giáo phận Vinh hiện nay.
Đức
Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Chân thành cảm ơn
mọi người ở trong và ngoài nước, bạn bè thật gần cũng như thật xa, nhưng trong
thời gian qua đã rất gắn bó với giáo phận Vinh và liên đới với các nạn nhân tại
Mỹ Yên. Đặc biệt, chân thành cám ơn Ban Điều hành và tất cả các cộng tác viên
VietCatholic đã nhanh chóng dịch các văn bản của vụ Mỹ Yên ra nhiều thứ tiếng,
nhờ vậy cộng đồng quốc tế hiểu và hiệp thông mạnh mẽ hơn. Xin tiếp tục liên đới
và hiệp thông với chúng tôi. Chân thành cảm tạ.
(*) Nhan đề của BVN.
Nguồn:
Đức Cha Nguyễn Thái Hợp trả lời phỏng vấn của VietCatholic
Lm
Trần Công Nghị 9/20/2013
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:05
Giám mục Nguyễn Thái Hợp vẫn tục xuyên tạc sự thật của vụ việc ở Nghi Phương-Nghi Lộc- Nghệ An. Ông ta nói: “đồng bào Mỹ Yên lại tập trung đến UBND xã Nghi Phương đòi thả người. Sau những chờ đợi và trao đổi căng thẳng, cuối cùng nhà cầm quyền địa phương đã viết Giấy cam kết về việc thả hai nạn nhân trước 16 giờ ngày 04/9/2013”. Nhiều giáo dân quá khích tát vào mặt, bắt giữ trái phép cán bộ cùng với những lời lẽ đe dọa, ép họ phải ký vào giấy cam kết. Những cán bộ trên kí vào giấy vì bị ép chứ không phải họ tự nguyện. Giám mục Nguyễn Thái Hợp càng trả lời phỏng vấn báo đài của Mỹ thì càng lộ rõ bản chất xỏa trá của ông ta.
ReplyDeleteÔng cha ta nói có sai đâu: lưỡi không xương trăm đường lắt léo. Giám mục Nguyễn Thái Hợp lại lẻo mép, bao biện cho hành động vi phạm pháp luật của những con chiên bị chính ông ta kích động . Giám mục Hợp nói: “Một số người lạ mặt đã được cài vào đám đông để quấy rối, ném đá về phía công an và cảnh sát cơ động, một số giáo dân cũng ùa theo… “. Có quôc gia nào điên rồ đến mức cử người vào ném đá vào cảnh sát để kết tội cho người khác không? Chỉ có đầu óc gian xảo, miệng lưỡu lắt léo của giám mục Hợp mới nói ra điều đó.
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteSau nhiều lần cố tình bẻ cong sự thật khi trả lời phỏng vấn RFA, BBC...giám mục Nguyễn Thái Hợp bị cộng đồng mạng bóc mẽ những dối trá nên lần này trả lời vietthonic, ông ta có vẻ ranh ma hơn. Ông nói "Như các trang mạng đã đưa tin, ngày 27/6/2013, trên đường đi đám cưới cháu, ông Ngô Văn Khởi bị cảnh sát giao thông chặn lại và bị năm thanh niên bịt mặt dẫn đi không nêu rõ lý do. ". Cách nói của ông Nguyễn Thái Hợp lập lờ. Ông muốn truyền cho độc giả suy nghĩ Ngô Văn Khởi bị công an bịt mặt bắt đi nhưng lại dùng cụm từ 5 thanh niên. Thứ hai, thông tin này là bịa đặt, để không phải chịu trách nhiệm về điều mình nói, giám mục Nguyễn Thái Hợp dùng từ "như các trang mạng đã đưa tin". Giám mục Hợp gian manh thật!
ReplyDeleteÔng Nguyễn Thái Hợp được học ở Tây rất nhiều năm cơ mà, ông chắc chắn phải biết chủ tịch ủy ban xã, bí thư đảng bộ xã không có thẩm quyền thả nghi phạm. Kể cả là chủ tịch tỉnh cũng thế. Vậy mà giám mục Nguyễn Thái Hợp hết lần này đến lân khác dùng tờ giấy mà chính quyền Nghi Phương bị ép phải ký để bôi xấu chính quyền, nói rằng chính quyền lừa đảo. Hôm qua ông Hợp tiếp tục trả lời Viettonic rằng: "Khoảng 15g30 ngày 04/9/2013, tin tưởng nơi thứ ‘Giấy cam kết lừa đảo’ của nhà cầm quyền, người nhà của ông Khởi và ông Hải cùng một số bà con giáo dân Mỹ Yên đã tới UBND xã Nghi Phương để nhận hai ông về nhà". Nhân cách của một giám mục để đi đầu mà cố đưa những bằng chứng không thuyết phục đã các công dân mạnglột trần rồi
ReplyDelete