Monday 15 October 2012

XIN THÊM CHÚT HƯƠNG THƠM CHO MẠC NGÔN (Nhạc sĩ Tuấn Khanh)




Nhạc sỹ Tuấn Khanh
gửi cho BBC từ TP HCM
Cập nhật: 14:38 GMT - thứ hai, 15 tháng 10, 2012

Khác với những giải Nobel Văn chương được trao trong sự tán thưởng nhiệt liệt cho Cao Hành Kiện hay Herta Muller, giải thưởng cho nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc vừa rồi đã dấy lên không ít bàn tán.

Thực tế, không ai phủ nhận tài năng văn chương của Mạc Ngôn, cũng như không thể phủ nhận giá trị cao quý Nobel Văn chương từ Thụy Điển. Nhưng đôi lúc, thước đo của tài năng và cuộc đời vẫn có những điều khập khiễng đáng bàn.

Sự khập khiễng đó, trước khi được người ngoài nói đến, thì ngay trong nước Trung Quốc, một làn sóng hụt hẫng trước tin mừng Nobel Văn Chương 2012 đã lan nhanh trong những người mơ một tương lai cho nhân dân và đất nước Trung Quốc tốt đẹp hơn. Nhanh chóng nhất, người ta nhận được lời bình luận của ngài Ngải Vị Vị rằng Mạc Ngôn là một nhà văn giỏi nhưng tiếc là luôn biết cách đứng về phía quyền lực, còn nhà tranh đấu Ngụy Kinh Sinh đang lưu vong thì bày tỏ sự thất vọng khi nghe Mạc Ngôn được nhận giải Nobel cao quý này.


Mạc Ngôn vẫn được đánh giá là một nhà văn giỏi và thân cận với chính quyền Cộng sản Trung Quốc, thậm chí ông còn được đánh giá là người hết sức khôn khéo trong việc sử dụng văn chương của mình làm hài lòng người cầm quyền, nhưng biết cách để không quá mếch lòng dân chúng.

Điều đã làm một số người ngạc nhiên, là vì sao một nhà văn như Mạc Ngôn, với nhân thân là sĩ quan trong Cục chính trị thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội, Phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, luôn ủng hộ chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc, luôn phản ứng bài xích với nhà văn tự do lưu vong người Hoa… đã đột ngột cất vài tiếng ngắn ngủi về số phận của Lưu Hiểu Ba trong buổi trao giải Nobel.

Nhưng điều đó cũng đã không qua được mắt của nhiều người rằng, để nhận một giải thưởng danh giá và đầy ham muốn bảo vệ ánh hào quang của đời mình, Mạc Ngôn không ngại lấn một chút qua lằn ranh cấm kỵ để sử dụng tên tuổi sáng giá của nhà tranh đấu dân chủ Lưu Hiểu Ba như một thứ hương thơm vay mượn.

Sự tráo trở?

Lời nói hy vọng tự do cho Lưu Hiểu Ba từ Mạc Ngôn, không xóa được những gì đã diễn ra trong đời ông, dù chưa bao giờ phạm tội ác, nhưng ông luôn thỏa hiệp với cái ác của chế độ. Và còn một điều quan trọng hơn nữa, là liệu ông Lưu Hiểu Ba có cần hay không lời nói đánh vào khoảng không đó của Mạc Ngôn, mang đầy giá trị tâm lý hơn là sự thật.

Có lẽ, nhìn từ nơi đang bị chính quyền Trung Quốc cầm tù, ông Lưu Hiểu Ba đã bật cười.

Đó là sự tráo trở, cũng giống như sự tráo trở của chính quyền Trung Quốc vào năm 2000 khi nghe nhà văn Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel đã nguyền rủa không tiếc lời giải thưởng này, thậm chí âm mưu lập một giải thưởng văn học quốc tế khác để chống lại giải Nobel. Nhưng nay thì cũng chính họ đang ca ngợi Nobel Văn Chương như một điều không thề nào thay thế.

Nói về Mạc Ngôn và Nobel Văn Chương 2012, là để nói về Việt Nam.

Điều cần nhắc lại và nhấn mạnh, là không ai phủ nhận tài năng của Mạc Ngôn, nhưng trong quan điểm phục vụ chính quyền, Mạc Ngôn hoàn toàn vô giá trị với những tác phẩm có những ý thức xem cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là vệ quốc.

Không phải không có những ý kiến bảo vệ tác phẩm Ma chiến hữu, cho rằng đó chỉ là viết về con người. Nhưng cần phải nhìn rõ là dù viết về con người cao đẹp như thế nào, nhưng ngôn ngữ và ý thức nhìn nhận sai về con người và đất nước Việt Nam như sự hàm hồ của chính quyền Trung Quốc, là không thể chấp nhận, ngoại trừ bạn có một cảm nhận quá mơ hồ về ý nghĩ và vị trí của đất nước mình trên thế giới.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến rằng Mạc Ngôn “nợ Việt Nam một lời xin lỗi”. Thực tế, lịch sử vĩ đại và kiêu hãnh của dân tộc Việt không cần bất kỳ một lời xin lỗi từ một cá nhân hay một nhóm người nào, vì mọi thứ đã có sự thật và giá trị văn minh nhân loại minh định. Ý kiến chờ mong một lời xin lỗi của một nhà văn Trung Quốc từ ai đó, chỉ là sự bộc phát không rõ ràng từ việc bị ám ảnh giá trị thân hữu láng giềng được tuyên truyền, không thể đại diện cho lý trí và thái độ đúng của người Việt trước thời cuộc.

Nói về giải Nobel văn chương 2012, xin gửi một lời chúc mừng đến nhà văn Mạc Ngôn. Nhưng nói về cuộc đời, cũng như sự kiện Lưu Hiểu Ba hay Ma Chiến Hữu, Mạc Ngôn sẽ phải còn thêm nhiều hương thơm nữa để ướp lâu cho tên tuổi của mình.

Bài phản ánh quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhạc sỹ sống tại Sài Gòn.





No comments:

Post a Comment

View My Stats