Thursday, 25 October 2012

VỤ TIÊN LÃNG : CỜ BÍ THÍ TỐT (Nam Nguyên - RFA)




Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-10-25

Hải Phòng giải quyết vụ Tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn một cách hết sức chậm chạp và gây bất bình.

Đảng chỉ đạo
Việc khởi tố 4 viên chức cấp thấp trong đó bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó chủ tịch Huyện Tiên Lãng về việc phá hoại tài sản của anh em họ Đoàn đã gặp khá nhiều dư luận trái chiều từ báo chí và người dân.

Báo Dân Việt điện tử ngày 25/10 đặt vấn đề: “Nếu chỉ dừng lại ở ông Khanh và cấp dưới của ông mà không xem xét trách nhiệm đối với Bí thư Huyện ủy Bùi Thế Nghĩa (với tư cách người đứng đầu cơ quan Đảng) và Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền (với vai trò là người chịu trách nhiệm cao nhất trong chính quyền) thì dư luận chưa thể đồng tình.”

Theo cơ chế chính trị ở Việt Nam, Đảng mới là người chỉ đạo chính quyền là người thực thi. Do vậy vụ cưỡng chế đầm thủy sản của gia đình Đoàn Văn Vươn và những việc liên quan có trách nhiệm chính là Đảng ủy Tiên Lãng.

Đáp câu hỏi của chúng tôi về việc chỉ truy tố 4 nhân vật cấp thấp trong đó có nguyên Phó chủ tịch Huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh có là sót người lọt tội?

LS Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định:
“Trách nhiệm của cấp ủy Đảng chắc chắn phải được xem xét đến và chắc chắn trách nhiệm về mặt hành chính là phải xem xét đến. Để những việc xảy ra như thế này thì sẽ phải được làm một cách nghiêm túc thực hiện nghị quyết Trung ương 6. Ở đây trách nhiệm hình sự ông Khanh bị bắt vì là người trực tiếp làm việc này, còn lại người ta sẽ cá thể hóa các hình phạt sau khi xem xét một cách toàn diện.
Cho nên trách nhiệm của Bí thư, của Chủ tịch, của Phó Chủ tịch, của cấp ủy ở đây cũng phải được xem xét một cách toàn diện. Tôi nghĩ đây mới chỉ là bước đầu và nó sẽ được sáng tỏ và còn một lớp nữa, sau khi điều tra xong thì Viện Kiểm sát sẽ xem xét lại và quá trình tranh tụng nữa thì nó sẽ làm sáng tỏ việc này. Đây mới chỉ là bước đầu để điều tra, cần phải có cái nhìn toàn cục.”

Báo Dân Trí điện tử, bản tin trên mạng ngày 23/10 đã trích ý kiến bạn đọc với bài: “Diễn tiến mới vụ Tiên Lãng: Dân nói “vẫn Quýt làm Cam chịu”. Tờ báo dẫn nhập: “chưa bao giờ chiếm vị trí chủ đạo trong hàng ngàn ý kiến người dân lại tỏ rõ sự bất bình, cảm thương và xót xa cho số phận của 1 con người có thể nói cũng đã có chức có quyền, nhưng lại vướng phải vòng lao lý theo cách…khó hiểu như vậy.”

Theo Dân Trí, tuy trực tiếp liên quan đến vụ cưỡng chế đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, song riêng ông Nguyễn Văn Khanh dù khi đó giữ vị trí Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, lại không bị dân kể tội hoặc ca thán. Trái ngược lại, nhiều ý kiến người dân địa phương còn nêu rõ cái thế trở đi mắc núi, trở lại vướng sông của vị phó này. Đó là ông Khanh từng phản đối việc cưỡng chế, song lại không đủ dũng cảm từ chối khi bị chỉ định đầy chông gai phải đứng mũi chịu sào trong vụ việc gây nhiều hệ lụy và tai tiếng ở Tiên Lãng.

Nhà báo Dân Trí nhấn mạnh “để rồi giờ đây khi hay tin ông bị bắt tạm giam, đa số ý kiến bạn đọc đều cho rằng lại một kiểu “cờ bí thí tốt” hay nói cách khác vẫn lại Quýt làm Cam chịu.”

Chỉ trong một bài báo trên Dân Trí điện tử, đã có đến 18 ý kiến bạn đọc bày tỏ sự bất bình. Độc giả Nguyễn Đăng Bình góp ý “ Quá thất vọng! Con cá lớn nhất thì lại lọt lưới”. Còn bạn đọc Nguyễn Anh Vũ thì đầy bức xúc: “Đây không phải là thí tốt đây là trù úm, vùi dập người đối kháng. Xin chia buồn với anh Khanh và gia đình.” Bạn đọc Dân Trí Hồng Long còn đưa nhận định đi xa hơn: “Không phải thí tốt đâu các bạn ơi. Cái này là 1 phát trúng 2 mục tiêu. Vừa mang ông Khanh ra làm con tốt chịu tội, vừa triệt được cái gai trong mắt tập đoàn tham nhũng ở đó. Thêm một người tốt phải vào tù.”

Dân Trí điện tử nhận định: “Thêm bao tiếng nói từ chính mảnh đất Hải Phòng nói chung cũng như Tiên Lãng nói riêng, bày tỏ thay cho những nỗi niềm khó khăn của vị phó xem ra được lòng dân và cấp dưới nhưng mất lòng cấp trên, bị đẩy vào tâm bão…”

Theo Dân Việt, bản tin trên mạng ngày 24/10/2012, trước khi bị bắt ông Nguyễn Văn Khanh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Nông thôn Ngày nay về vụ cưỡng chế ngày 5/1/2012. Đại ý ông Khanh cho biết quan điểm của ông là tiếp tục cho ông Vươn thuê đất và không thu hồi, mọi phiên họp bàn về cưỡng chế ông không có mặt. Khi được chỉ định làm trưởng ban cưỡng chế thì ông phải chấp hành. Đối với hậu quả xảy ra vụ Tiếng súng Hoa Cải ngày 5/1/2012 ,sau khi cưỡng chế, ông Khanh cùng đoàn công tác đã lập biên bản bàn giao 19,3 héc-ta đất cho xã Vinh Quang quản lý, kiểm kê tài sản đầm, bảo vệ sau cưỡng chế. Ông Khanh thừa nhận, trong quá trình thực hiện công vụ cũng có những sai sót nhất định, nhưng vào ngày 6/1/2012 tức 1 ngày sau vụ cưỡng chế, ông hoàn toàn không chỉ đạo phá nhà ông Đoàn Văn Quí và căn nhà này nằm bên ngoài khu vực cưỡng chế.

Chính quyền thực thi
Vẫn theo Dân Việt điện tử, ông Vũ Văn Luân Thư ký Liên chi hội thủy sản nước lợ Tiên Lãng nói với nhà báo rằng: “Ông Khanh không phải không có lỗi, nhưng cái lỗi này do cơ chế đẻ ra. Biểu hiện là ngày 8/10/2010, sau khi lắng nghe ý kiến của người dân và Liên chi hội, ông Khanh đã phát hiện bất cập trong việc thu hồi và lên tiếng phản đối việc cưỡng chế đầm.”
Ông Luân nhấn mạnh: “Ngày 5/1/2012 ngày cưỡng chế là hệ lụy của ngày 8/10/2010, bởi do ông Khanh là người phản đối, nên dù không phải là Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp, nhưng ông Khanh vẫn được giao làm trưởng đoàn cưỡng chế. Ông Khanh bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan từ chủ trương của Thường vụ và UBND huyện Tiên Lãng. Với những gì ông Khanh đã làm cho thấy ông ấy không đáng phải chịu tội, người dân chẳng trách ông ấy nhiều.”

Trả lời Mặc Lâm Đài ACTD, ông Vũ Văn Luân thư ký Liên chi hội thủy sản nước lợ Tiên Lãng nhận định:
Trong vụ này Huyện ủy người ta đã có nghị quyết do đó nếu ông Khanh không thực hiện vai trò trách nhiệm của mình thì ông Khanh sẽ bị kỷ luật về đảng. Đây là một vấn đề nhức nhối làm cho tất cả các đảng viên không chống lại được nghị quyết kể cả biết nghị quyết này là sai trái.”

Báo điện tử Người Lao Động, bản tin trên mạng ngày 24/10 có bài “Vụ Tiên Lãng: Gia đình ông Vươn không trách ông Khanh”. Tờ báo trích lời bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn và bà Phạm Thị Báu tức Hiền là vợ ông Đoàn Văn Quý cho biết hai gia đình không trách ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Hải Phòng. Hai gia đình này đánh giá ông Khanh trước đó là người đã ủng hộ chủ trương có lợi cho các hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Họ cho rằng ông Khanh cũng là “nạn nhân” trong vụ cưỡng chế này. Do vậy bà Thương bà Hiền từng kiến nghị giảm kỷ luật cho ông Khanh vào lúc ông bị cách chức.

Xin nhắc lại vụ cưỡng chế đầm thủy sản của gia đình Đoàn Văn Vươn xảy ra vào ngày 5/1/2012 với lực lượng hàng trăm công an và bộ đội địa phương. Những nạn nhân bị thu hồi đất đã dùng súng hoa cải và bom gas tự chế để chống trả làm bị thương 4 công an và 2 bộ đội. Toàn bộ gia đình Đoàn Văn Vươn bị truy tố, trong đó 4 người đàn ông bị cáo buộc tội danh giết người và chống người thi hành công vụ vẫn đang bị giam chờ ngày ra tòa.

Vụ án Tiếng súng hoa cải trở thành đề tài thời sự nóng trong suốt một thời gian dài và cuối cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải xem xét nội vụ và tuyên bố là chính quyền Hải Phòng tiến hành cưỡng chế trái pháp luật. Nhiều quan chức Huyện Tiên Lãng bị cách chức nhưng sau đó được điều chuyển công tác. Đến ngày 22/10/2012 Cơ quan cảnh sát điều tra Hải Phòng khởi tố 4 cán bộ về tội danh hủy hoại tài sản của công dân. Trong đó ông Nguyễn Văn Khanh nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng bị bắt tạm giam, 3 người còn lại được tại ngoại gồm ông Phạm Xuân Hoa nguyên Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tiên Lãng; ông Phạm Đăng Hoan, nguyên nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang và ông Lê Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang.

Báo chí cũng như người dân địa phương phản ánh quan điểm là phải truy cứu trách nhiệm hình sự những người có trách nhiệm thực sự trong việc ra quyết định cưỡng chế đó là ông Lê Văn Hiền nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư huyện ủy Tiên Lãng.

Chúng tôi xin lập lại lời LS Nguyễn Văn Hậu, phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, ông tin rằng cuối cùng công lý sẽ được thực thi và không thể chối bỏ trách nhiệm của Đảng ủy cũng như Chính quyền Tiên Lãng. Nhưng nhiều người trong báo giới không có được sự lạc quan này. Họ cho rằng, Vụ án Tiếng súng Hoa cải cũng có thể đi vào quên lãng theo một kiểu thức nào đó khi gia đình Đoàn Văn Vươn thật sự mất hết đất. Báo Tuổi Trẻ Online ngày 25/10 đưa tin, gia đình Đoàn Văn Vươn chỉ được tiếp tục thuê đất khu đầm trong thời hạn 5 năm chứ không phải là 20 năm như nguyện vọng.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments:

Post a Comment

View My Stats