Monday, 22 October 2012

TỰ TRỌNG CHẾT RỒI (Người Buôn Gió)




Oct 22, '12 11:22 AM

Thánh nhân nước Vệ hiệu là Tự Trọng.

Khi xưa quanh Tiên Đế hội tụ đủ anh tài, mưu trí, dũng cảm, khôn khéo, cương quyết đều có cả. Tiên Đế dạy dỗ các học trò của mình mỗi người theo một sở trường của họ, ai cũng thành tướng tài , rường cột đất nước. Lúc lấy được sơn hà, bắt tay vào xây dựng xã tắc người khéo dùng binh, kẻ khéo trị quốc, kẻ biết vỗ về cho dân chúng chăm lo cày cấy...cơ nghiệp nhà Sản ngày vững lên trông thấy. Đó cũng là nhờ cách chọn người của Tiên Đế.

Một đêm Tiên Đế mới giật mình thấy trong đám học trò vẫn thiếu một kẻ biết trọng đạo thánh hiền. Là người lo xa, Tiên Đế chạnh lòng nghĩ đến ngày đi gặp tiền nhân Ca Ma, Lý Ninh thì không hình dung nổi nước Vệ sẽ thế nào nếu không có đạo.

Bởi thế lựa chọn kỹ trong quân, tìm được một tên lính trẻ thẳng thắn, yêu sự thật, căm ghét sự giả dối để dạy bảo về đạo thánh hiền, đặt tên cho là Tự Trọng.

Tự Trọng học sách Tiên Đế mười năm, học sách thánh hiền trong thiên hạ mười năm. Uyên thâm về đạo làm người, theo sở học dựa vào tính người Vệ mà soạn sách dạy thiên hạ làm điều tốt.

Khi Tiên Đế băng hà về với tiền nhân. Tự Trọng xin triều đình mở một trường học ở phía Tây kinh thành để dạy các quan lại về đạo đức làm người, làm quan. Học trò của Tự Trọng học ra trường đều làm quan lớn trong triều cả. Tự Trọng không ra ngoài, chỉ ở trong trường chăm chú bồi dưỡng tư cách, đạo đức cho học trò miệt mài đến mấy mươi năm. Không màng chuyện ngoài đời. Hàng năm nhiều học trò làm quan to nhớ đến thầy nhân ngay lễ Trọng Sư về thăm hỏi. Tự Trọng hỏi việc nước , các trò đều nhất loạt trả lời bốn phương yên bình, dân chúng ấm no, nước nhà cường thịnh. Hỏi đến việc lễ nghĩa thì nghe tâu lại rằng trên quan lại thanh liêm, một lòng no việc nước. Dưới dân chúng thuận hoà. Nhà tù vì không có người phạm tội để mà nhốt, phải chuyển sang xây thương xá, khách sạn. Vì yên ổn như vậy nên giảm bớt sai nha cho về làm ruộng, thóc lúa vì thế mà dư dả đầy ắp kho lương.

Tự Trọng hài lòng lắm, thấm thoát mấy chục năm trôi qua. Năm nào các học trò về thăm thầy cũng báo cáo chuyện bá tính, nước non y hệt như năm trước.

Đến năm Nhâm Thìn, đời Vệ Kính Vương thứ hai. Tự Trọng gặp lúc mùa thu nắng hanh vàng, chợt nhớ lại mùa thu năm xưa. Bèn vi hành một chuyến vào thành.

Mấy mươi năm qua, cảnh vật đổi khác đã nhiều, nhà cửa mọc lên huy hoàng, chót vót. Tự Trọng thấy đời sống bá tính thế lòng phơi phới lắm.

Qua trường quốc học, thấy đám học trò đang ngồi hì hục gấp hạc giấy. Tự Trọng lại gần hỏi han. Mới vỡ lẽ ra là học trò gấp hạc để gửi chia sẻ tới các binh lính đóng ngoài đảo xa. Tự Trọng khen hiệu trưởng trường ấy biết dạy trò. Hiệu trưởng đắc chí khoe rằng.

- Bởi ngoài biển quân Tề thôn tính gần hết biển đảo của ta, vì tình hữu nghị mà ta không muốn to chuyện. Giữ ổn định chính sự là điều trọng. Thế nhưng trong nước có đám người nông nổi, không hiểu cái điều ấy, tụ tập với nhau biểu tình phản đối nước Tề. Gây căng thẳng ngoại giao. Triều đình đã dùng nhiều biện pháp trấn áp được lũ ấy. Nhưng để tránh điều tiếng dị nghị, cho nên tổ chức cho học trò gấp hạc gửi ra ngoài ấy cho gọi là có hành động quan tâm đến biển đảo.

Tự Trọng giật mình,vội đến nhà học trò đang làm quan lớn trong triều. Hỏi về chuyện biển đảo. Học trò là thương thư bộ Binh đáp.

- Thưa thầy, mỗi thời mỗi khác, giờ chúng ta cần ổn định để làm ăn, phát huy kinh tế. Có kinh tế mạnh thì mới tính chuyện đòi biển đảo. Thế của Tề giờ mạnh hơn ta gấp mười lần. Khó có thể đối đầu được, chi bằng hoà hoãn tạm thời để củng cố tiềm lực bằng việc tăng gia sản xuất, cày cấy.

Tự Trọng muốn tìm hiểu hơn, bèn hít vài hơi chế ngự tinh thần. Đến nhà học trò bộ Hình hỏi chuyện biển đảo. Thương thư bộ Hình đáp.

- Thưa thầy, chuyện ngoài đảo nói thì thành có, không nói thì thành không. Trò bắt hết bọn nói có thì tất là thành không có. Giờ thầy cứ đi ra ngoài chợ hỏi có chuyện mất biển đảo không, trăm người cả trăm đều bảo là không có. Vậy thì có nghĩa là không có chuyện ấy. Thế của Tề manh mình nói ra không giải quyết được gì, lại khiên dân tình hoang mang, mất ổn định. Giờ là lúc cần phải lo lắng về kinh tế, kinh tế quốc gia có mạnh thì mới có thể đương đầu với Tề được.

Tự Trọng đi thấy quan lại nhà cửa nguy nga, xe cộ chất đầy sân, gia nhân đầy tớ vô vàn, trong vườn đầy kỳ hoa, dị thảo, trong nhà ngà voi, sừng tê đầy tường. Vàng bạc dát cả lên trần. Ngoài thiên hạ dân chúng kêu than đói kém vì vật giá đắt đỏ, công việc không có. Bèn đem chuyện ấy đến học trò coi bộ Lễ hỏi. Thượng thư bộ Lễ đáp.

- Làm quan mà không lo được cho mình, sao mà lo được cho dân.

Tự Trọng hỏi rằng lo cho dân sao dân vẫn còn khổ thế. Bộ Lễ đáp.

- Thưa thầy, dân chưa sung túc vì thế họ cần phải phấn đấu chăm chỉ để sung túc. Nếu họ sung túc rồi chẳng còn gì để phấn đấu nữa Người ta hạnh phúc nhất là có cái mục tiêu trước mặt để mà tìm kiếm, gắng sức. Triều đình không nỡ tước cái quyền ấy của bá tính, bởi vậy để cho dân còn cái mà hướng đến.

Tự Trọng nghe thở dài. Về đến trường gọi học trò lại, ứa lệ than rằng.

- Ta mấy mươi năm học đạo thánh hiền, sau lại mấy mươi năm đem sở học đó để dạy thiên hạ. Hôm nay ra ngoài mới biết tất cả tâm nguyện của ta đều vô nghĩa.

Nói xong hướng về phía lăng Tiên Đế đập đầu xuống đất ba cái thì chết.

Người thiên hạ biết chuyện, ai nấy cũng thương tiếc, học trò có nhiều kẻ làm quan đã điền viên. Thương tiếc thầy mới dâng sớ xin triều đình để được lập đền thờ Tự Trọng. Sớ dâng lên, quan đầu triều phán.

- Ông ấy làm thầy mà chết như thế là không có bản lĩnh chính trị. Trước khi chết lại có những lời làm ảnh hưởng đến tâm lý nhân dân, mất uy tín triều đình. Đã là bậc thánh nhân thì phải có lòng tự trọng, chết cũng phải đàng hoàng. Không được tự chết như thế, xấu hổ triều đình, không xứng được thờ.

Quan đầu triều gạt sớ đó đi, sau đó ngài soạn một bài văn nói về tư cách, đạo đức người quân tử trong thời kỳ đổi mới. Hôm bài văn của quan lớn được ban xuống, cũng là lúc Tự Trọng được chôn cất.

Đám ma của Tự Trọng thật lạ lùng, khi mà loa của triều đình giảng bài đạo đức khắp phố phường, thì cũng là lúc khắp phố phường dân chúng thương tiếc bậc thánh nhân khóc ồ ồ than

- Tự Trọng chết rồi, than ôi Tự Trọng chết rồi.

Tiếng loa và tiếng than cứ lẫn lộn, sau hoà với nhau thành một giai điệu lạ lùng có một không hai.

Có kẻ điên ở chợ, nghe điệu ấy nói rằng.

- Thánh nhân này mất đi, ắt có thánh nhân khác xuất hiện. Tự Trọng chết đi thì có Tự Phụ xuất hiện thế thay, lẽ đời huyền diệu là vậy.




No comments:

Post a Comment

View My Stats