Nguyễn Ngọc Già
Thứ Ba, 02/10/2012
Nhắc lại quá khứ để nghĩ về hiện tại và
tương lai là điều cần thiết hơn trong lúc này, đó cũng là sử dụng vai trò lịch
sử đúng lúc, kết hợp với tình hình trong nước rối reng và bế tắc hiện nay.
I. Từ Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu:
Theo wikipedia [1]:
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết
thúc năm 1945, ông (Nguyễn Văn Thiệu) tham gia lực lượng Việt Minh do Hồ Chí
Minh đứng đầu. Ông cùng các đồng chí được huấn luyện vũ khí trong rừng dùng
gậy tre vì họ không có súng. Năng lực quản lý của ông sớm được công nhận, sau
đó được bổ nhiệm trở thành một người đứng đầu huyện. Nhưng sau chưa đến một
năm, ông bắt đầu thất vọng, "Tôi biết rằng Việt Minh là cộng sản,"
ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn, và nói thêm: "họ bắn người dân, họ
lật đổ các ủy ban xã, họ tịch thu đất đai"
Đây là một trong các điểm mấu chốt mà nhiều
trang báo trong nước phớt lờ lịch sử cá nhân của ông, cùng với việc dựng chuyện
vô căn cứ về tình ái lăng nhăng, đặc biệt việc dối trá sống sượng về vụ
"16 tấn vàng", nhằm biến hình ảnh ông trở nên kẻ tham nhũng, mất tư
cách, bất tài trong mắt người dân, dẫu sao, cuối cùng sự thật đã bước ra ánh
sáng để giải oan phần nào đó cho ông.
Công và tội của ông đã được một vài tác giả
phân tích mà người viết xin phép không dẫn ra đây, vì đó không phải mục tiêu
cho nội dung này.
Chưa có cuộc điều tra và những khảo cứu,
biên soạn đầy đủ nhất về ông - với tư cách Tổng Thống một Quốc Gia. Hồi ký của
ông, được xem là những căn cứ quan trọng và cần thiết cho lịch sử Việt Nam, cho
đến nay cũng chưa thấy có dấu hiệu ông đã viết hồi ký về mình. Nếu quả thật,
cuốn hồi ký - mà tôi tin nhiều người mong đợi được đọc - không bao giờ ra đời,
đó lại là điều đáng tiếc nhất trong tất cả những điều đáng tiếc sau cuộc chiến
1975.
Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gần như được
cho là sống ẩn dật và kín tiếng kể từ ngày buộc phải rời bỏ Quê Hương ra đi
cùng gia đình. Ông được biết có 3 người con: Nguyễn Thị Tuấn Anh, Nguyễn Quang
Lộc và Nguyễn Thiệu Long. Riêng Nguyễn Thiệu Long được sinh ra tại Anh Quốc vào
năm 1976.
Lần tìm trên mạng, một trang báo cho biết
[2], năm 2009, một buổi lễ tưởng niệm ngày mất của ông đã được tổ chức chu đáo
và long trọng tại Mỹ với sự tham dự của bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phu nhân của
ông cùng với Trưởng nam Nguyễn Quang Lộc và vợ.
Một bài viết hiếm hoi khác [3], phỏng vấn
được Phu nhân Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, bà Mai Anh cho biết:
“Tôi mong có dịp về lại Việt Nam thăm mồ mả ông bà và
mang tro cốt của ổng về khi đất nước bình yên; Ông Già có trối rằng nếu được
thì đem chôn tại quê ông ở Phan Rang nếu không thì rải một nửa xuống biển và
một nửa trên núi,” bà Nguyễn Văn Thiệu
nói như vậy về ước vọng của bà như một phụ nữ Việt bình thường không quên ơn tổ
tiên dòng họ.
Trong cùng bài báo, tính cách của ông
Nguyễn Văn Thiệu cũng được chính phu nhân của ông cho biết thêm:
“Ông Già (tên thân mật của ông Nguyễn Văn Thiệu- NV) rất
khắt khe trong việc dạy dỗ con cái, ổng theo xưa chớ không chịu lối giáo dục
phương Tây.” Cũng vì thế người con trai út, Nguyễn
Thiệu Long sinh bên Anh năm 1976 nói tiếng Việt rất rành. Nếu có ai tưởng lầm,
hỏi chuyện bằng tiếng Anh mới thấy Long trả lời sành sõi bằng tiếng Việt, tuy
phát âm không rõ lắm.
Trang Wikipedia cho biết thêm:
Vào năm 1992, ông đã lên tiếng tố cáo sự
xích lại gần nhau giữa chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và chính phủ Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng ít lâu sau ông lại có ý muốn tham gia vào các
cuộc thảo luận hòa giải dân tộc, điều này đã làm một số người cực đoan tức
giận, còn tướng Trần Văn Đôn nhận xét qua hồi ký của mình (xuất bản năm 1997)
thì ông Thiệu là người thức thời với chủ trương đối thoại với người trong nước.
Với thái độ chống Cộng rõ rệt, dứt khoát,
từ khi bỏ Việt Minh ra đi cho đến khi thất bại vào năm 1975, ông Thiệu không
bao giờ tỏ ra có ý hòa giải hay thỏa hiệp, cho đến những năm cuối đời, ông cũng
đã gọi đến tên nó. Tôi cho rằng, suy nghĩ của ông lúc bấy giờ, cuối cùng cũng
chỉ mong người Việt Nam trong và ngoài nước xóa bỏ hận thù để cùng nhau xây
dựng lại Quê Hương.
Tuy thế, vấn đề đặt ra ở đây là: ông có gì
để "hòa giải" và "thỏa hiệp"? Quả vậy, dù đau lòng nhất,
cũng phải nhìn thẳng vào sự thật: Thế. Lực. Uy của ông hầu như không còn gì cả,
ngoài một số người cực đoan đã lên án ông về ý định tốt đẹp đó. Trong việc đánh
tiếng của ông Thiệu, có vẻ người Mỹ cũng không mặn mà gì cho lắm?. Bên cạnh đó,
thập niên 90 của thế kỷ trước, chưa phải đúng thời cơ để nói về hòa giải, thỏa
hiệp?
II. Nghĩ về hòa giải:
Những ngày qua vấn đề "hòa giải",
"thỏa hiệp" đã được nhiều tác giả nhắc lại, nhưng dường như vẫn trong
bế tắc của khinh bỉ, căm thù và tránh xa hoặc nhẹ hơn là "không tài nào
tin nổi CSVN", "không thể nào thỏa hiệp với CSVN" v.v...
Tất nhiên, tôi cũng không ảo tưởng để đặt
niềm tin vào những người hiện đang nắm quyền bính thực sự tại Việt Nam.
Có vẻ như ông Thiệu đã hứng chịu nhiều sỉ
vả của những đồng đội, đồng hương, từ ngày "mất nước" mà ông lường
trước để chọn Boston định cư, như Phu nhân của ông trả lời phỏng vấn?
Hỏi bà Thiệu rằng sao gia đình lại chọn
Boston thay vì ở vùng có khí hậu ấm áp hay nơi có đông đảo người Việt cho bớt
nhớ nhà. Bà đáp:
“Ổng nói rằng ở xa xa đặng thở cho dễ.”
“Ổng nói rằng ở xa xa đặng thở cho dễ.”
Tôi xúc động với câu nói ngắn gọn mà đầy
nhẫn nhục của Phu nhân Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đặt vấn
đề hòa giải và thất bại. Điều dễ hiểu, vì trong tay ông không có gì để nói
chuyện hay buộc phía cầm quyền Việt Nam phải lắng nghe. Không những thế, một số
người quá căm hận CS đã đùng đùng ngay lập tức, điều đó không nhiều thì ít, tác
động vào ông với tâm thức của người bại trận và cô đơn.
Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng, trong
đấu tranh bất bạo động, tính chủ động là điều rất quan trọng, mà một số người
có vẻ chưa nhắm tới, bởi họ cho rằng khi đề cập đến "thỏa hiệp",
"hòa giải", tức là phía cầm quyền phải thực tâm đưa vấn đề ra
trước?!. Bên cạnh đó, những ý nghĩ như: người CS phải thực tâm sám hối, ăn năn
với nhân dân, hối hận với sự trả thù hèn hạ đối phương v.v... và rằng, người CS
buộc phải thấy và phải làm ngay đi nếu muốn "hòa giải", nếu muốn
"thỏa hiệp"! v.v... Những suy nghĩ này chỉ càng nung nấu sự phẫn hận
hơn là làm cho "hòa giải", "thỏa hiệp" trở nên khả thi.
Mặt khác, đó không phải tự ta đã trao cho
họ cái thế chủ động sao? Và đó cũng chính là điều bất khả thi, một khi ta theo
đuổi suy nghĩ này. Như thế, phải chăng tự lực lượng dân chủ đã chấp nhận cái
thế "chiếu dưới"?! Tại sao không nghĩ, chính lực lượng dân chủ sẽ
BUỘC giới cầm quyền hiện nay phải ngồi vào bàn đàm phán để mọi vấn đề
"thỏa hiệp", "hòa giải" do chính ta CHỦ ĐỘNG đặt ra và họ
phải nhượng bộ để nới lỏng dần và đi đến thực hiện những yêu sách??? Đó có phải
là điều nên nghĩ tới?
Nếu ý kiến này được cân nhắc, vậy là chúng
ta nói về "thế và lực".
Ai cũng thấy, "lực và thế" dân
chủ dù đã 37 năm qua vẫn nhỏ bé, yếu ớt và manh mún, rời rạc thì lấy gì làm đối
trọng để nói về hai chữ "thỏa hiệp" - đúng nghĩa của nó?!
Các tổ chức chính trị, hội đoàn tại hải
ngoại sống nơi xứ tự do và hoàn toàn có thể thoải mái, tôn trọng lẫn nhau theo
nếp dân chủ, có bao giờ nghĩ về vấn đề "thỏa hiệp" và "đồng
thuận" trước hết ngay từ hải ngoại, từ Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Nga, Ba Lan,
Đức, Sec, Hungary v.v...? Hình như sự liên kết chặt chẽ, sự "thỏa
hiệp", "đồng thuận" giữa Việt kiều Tây Âu (tính luôn cả Mỹ,
Canada, Úc) và Việt kiều Đông Âu chưa thật thuyết phục?! Phải chăng giữa các
Việt kiều, đã đến lúc cần nói lời "hòa giải", "đồng thuận"
với nhau trước tiên?!
Trong khi đó, nhiều người dường như đang
nuôi tâm trạng "ngao cò tranh nhau ngư ông đắc lợi" khi cuộc
chiến "Ba - Tư" có vẻ vào hồi quyết liệt. Các mũi dùi đang nhắm vào
phe Nguyễn Tấn Dũng và ngấm ngầm ủng hộ phía ngược lại? Minh họa có vẻ rõ nét
là những bài viết nhắm vào phía Nguyễn Tấn Dũng được rất nhiều trang dẫn về,
trong khi mới đây lá thư tố cáo về sự hủ bại cách đây gần 20 năm của Trương Tấn
Sang, ngoài Dân Luận, Tin Tức Hàng Ngày và một vài trang blog ít tiếng tăm đăng
tải, thì không thấy các trang nổi tiếng, hút khách khác dẫn lại với tôn chỉ: đa
chiều, tự do báo chí? Đó có phải là tín hiệu cho thấy dù chủ trương vì dân chủ,
nhân quyền được nói đến nhiều của một số trang hút khách, nhưng mục tiêu chỉ là
ủng hộ "trâu bò đánh nhau"? Dù ông Dũng có bị triệt đi chăng nữa,
chắc chắn cũng không có gì thay đổi. Thảm hại hơn, những ai đang chủ trương
"ngao cò" tiêu hết thì "ngư ông" có lẽ cũng không thu lợi
gì, bởi các "ngư ông" không phải là "ngư phủ chuyên
nghiệp", nói thẳng ra, không có nghề câu, không có cần câu, không có mồi
câu, không có gì cả... thì tranh thế nào được với những "con cá mập"
khác và lũ giặc Tàu ngoài kia?
Những ai mang tâm thức trông
"ngao", trông "cò" sẽ bật ngửa người và càng thất vọng ê
chề khi chính "Ba - Tư" "thỏa hiệp" lẫn nhau, bởi mỗi bên
hoàn toàn có thể thí tốt của nhau để đạt "đồng thuận" nào đó?! Nhiều
hy vọng càng nhiều thất vọng, bởi đó không phải ván bài mà lực lượng dân chủ có
thể dự phần trong đó!
***
Lịch sử chiến tranh Nam - Bắc và sự rẽ chia
trầm trọng suốt 37 năm qua của Việt Nam có thể nói phức tạp bậc nhất thế giới
để nói về "thỏa hiệp", "đồng thuận" so với Đức, Myanmar hay
Nam Phi? Phức tạp khi nói về yếu tố quan trọng nhất - CON NGƯỜI. Lịch sử
"tị nạn CS" cũng chưa có nước nào kinh hoàng đến thế, tính cả Bắc
Hàn, Trung Quốc hay Campuchia?!
Lòng người, đó là yếu tố khó khăn không kém
khi nghĩ về hạt nhân có thể tập hợp lại.
Chúng ta ca ngợi và mong ước Việt Nam có
một nhân vật tựa như Nelson Mandela, hay Aun Sang Suu Kyi, tuy nhiên điều đó sẽ
mãi không xuất hiện cho đến khi nào chưa giải quyết được vấn đề "thân thế
và sự nghiệp" của một ai đó là người Việt Nam, tựa như lực đẩy, tựa như
khối nam châm đủ mạnh để hút được số lớn dân chúng.
Nhìn lại dòng dõi và thân thế của bà Aun
Sang Suu Kyi, để thấy ngoài tài năng cá nhân, bà còn thừa hưởng gene di truyền
từ nguồn gốc yêu nước và dấn thân miệt mài, cùng một nền tảng tư duy triết học
vững chãi, trang bị triết lý tôn giáo thấm đẫm, trên tinh thần khoan dung và
tha thứ. Những đức tính đặc biệt của bà không phải ngẫu nhiên mà có.
Tôi liên tưởng về ba người con của cố Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu: Nguyễn Thị Tuấn Anh, Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Thiệu
Long. Không biết họ có còn nhớ về Việt Nam - Quê Hương bi tráng của họ?
Danh dự và nhân phẩm của cố Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu đã được giải oan, có góp phần củng cố uy tín các con của ông
để họ có thể là một trong các đầu mối quan trọng tập hợp "thế, lực,
uy" để nói về câu chuyện "hòa giải"???
Và... các con của ông Thiệu có nghĩ người
Việt Nam đang cần họ góp tay đấu tranh không?
Dù sao, đất nước này đã là một phần thiêng
liêng trong họ?!
Nguyễn Ngọc Già
________________
________________
No comments:
Post a Comment