Lê
Phước – RFI
Chủ nhật 21 Tháng Mười 2012
Đầu tháng 11 tới, chóp bu lãnh đạo Trung Quốc sẽ thay
đổi, ông Tập Cận Bình được dự báo sẽ tiếp nhiệm ông Hồ Cẩm Đào. Nhiều ý kiến
cho rằng, dưới thời Tập Cận Bình, chính sách Tây Tạng của Bắc Kinh sẽ nhẹ nhàng
hơn so với các thế hệ lãnh đạo trước. Thế nhưng, tạp chí mạng Tibetan
Political Review tại Ấn Độ có bài cho rằng, đó là một hy vọng thiếu căn cứ.
Courrier International trích dịch bài viết này với dòng tựa cảnh báo : « Tây
Tạng : Bắc Kinh sẽ không nới tay ».
Tờ báo cho biết, những người hy vọng Bắc Kinh dưới thời
Tập Cận Bình sẽ nới tay hơn trong chính sách Tây Tạng chủ yếu dựa trên các căn
cứ sau đây. Thứ nhất là dựa vào việc cha ông Tập Cận Bình là cựu phó thủ tướng
Tập Trọng Huân, người đã từng gặp đức Đạt Lai Lạt Ma hồi đầu những năm 1950 và
có quan hệ thân thiết với đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 của Tây Tạng. Thêm vào
đó, vợ của phó chủ tịch Tập Cận Bình bà Bành Lệ Viên là một ca sĩ quân đội nổi
tiếng tại Trung Quốc, mang hàm thiếu tướng và là một phật tử rất sùng đạo. Thế
nhưng tờ báo cho rằng, ông Tập Cận Bình leo lên được những vị trí như hiện tại
hoàn toàn không phải nhờ vào việc ông có lập trường hòa giải hay nhẹ tay với
Tây Tạng, các dân tộc thiểu số hay với những người ly khai, mà nên nhớ rằng,
ông Tập cận Bình là người theo đúng đường lối cứng rắn của đảng Cộng sản Trung
Quốc trên những hồ sơ này.
Để minh chứng, tờ báo nhắc lại việc hồi tháng 6 năm
ngoái, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày quân đội Trung Quốc tiến vào Tây Tạng, phó
chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại « các hoạt động ly
khai của phe Đạt Lai Lạt Ma » ở Tây Tạng. Ông cũng nói, sở dĩ Trung Quốc và
Tây Tạng được phát triển như ngày nay là hoàn toàn nhờ vào đảng Cộng sản Trung
Quốc. Thế nhưng, tờ báo mỉa mai, chính nhờ vào đảng Cộng sản Trung Quốc thì mới
có những vụ đập phá chùa chiền tại Tây Tạng, mới có những vụ đàn áp sư sãi ở
Tây Tạng, mới có hàng loạt các vụ tự thiêu phản đối chính sách đàn áp của Bắc
Kinh ở Tây Tạng.
Tờ báo lại cho rằng, những người dự báo chính sách Tây
Tạng của Bắc Kinh sẽ dịu mềm hơn thì đa số là những người ly khai hoặc những
người sống lưu vong, tức là hoàn toàn không có cân lượng gì trong đường lối
lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhìn lại quá khứ, cũng đã từng có những hy vọng tương tự
khi ông Giang Trạch Dân lên nắm quyền vào năm 1989 hay khi ông Hồ Cẩm Đào lên
cầm trịch vào năm 2002. Thế nhưng, hy vọng đã lụi tàn khi mà chính sách Tây
Tạng dưới thời hai ông này ngày càng xiết chặt. Hơn nữa, hồi đầu tháng 9 này,
một thân cận của chủ tịch Hồ Cẩm Đào là ông Lệnh Kế Hoạch bị bãi nhiệm chức vụ
chánh văn phòng Trung ương Đảng để về lãnh đạo Ban Mặt trận Thống nhất Trung
ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, ông Lệnh đã bị giáng chức,
thế nhưng Tibetan Political Review lại cho rằng, Ban Mặt trận Thống nhất có ảnh
hưởng đáng kể trong việc hoạch định chính sách Tây Tạng của đảng Cộng sản Trung
Quốc, bởi thế, việc điều ông Lệnh về lãnh đạo ban này có nghĩa là ông Hồ Cẩm
Đào sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên chính sách Tây Tạng của thời đại Tập Cận Bình.
Tờ báo cũng nhắc thêm một điều nữa, đó là hiện tại người
đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là người muốn làm gì thì làm, tức
có thể quyết định theo ý riêng của mình, mà là lãnh đạo dựa trên ý chí tập thể.
Mà ý chí tập thể hiện tại của đảng Cộng sản Trung Quốc lại tỏ ra không khoan
nhượng đối với người Tây Tạng ly khai.
Tóm lại, niềm hy vọng cho rằng dưới sự lãnh đạo của ông
Tập Cận Bình Bắc Kinh sẽ nhẹ tay hơn trên hồ sơ Tây Tạng, theo tờ báo đó là một
niềm hy vọng thiếu cơ sở thực tiễn.
No comments:
Post a Comment