Nguyễn Quang Lập - Quê Choa
19-10-2012
Chưa khi nào xứ ta có lắm tin
đồn đến vậy. Từ những tin đồn lặt vặt đại loại như có đỉa trong bánh snack,
trong sữa Mộc Châu, cây sưa hơn 30 tỷ đồng bị đốn hạ, con cua đinh khổng lồ
linh thiêng … đến những tin đồn về sóng thần ở Quảng Ngãi, động đất ở Quảng
Nam, về “ trái đất sắp lật ngược”… làm hoảng loạn hàng chục vạn người dân.
Nhiều tin đồn gây thất thiệt hàng nghìn tỉ đồng chứ không ít.
Từ ngày văn hóa mạng phát triển
cũng “phát triển” luôn các dạng tin đồn, đặc biệt là tin đồn chính trị, những
chuyện thâm cung bí sử của ông nọ bà kia, những chuyện chính trường ông này
xuống ông kia lên… phát triển như nấm sau mưa, phương hại đến uy tín nhiều lãnh
đạo nước nhà.
Tin đồn ít khi có ý nghĩa tích
cực, chúng thường gây độc hại môi trường, gây tán loạn nhân tâm nhưng dẹp được
chúng không phải là chuyện dễ. Bởi vì tin đồn, theo TS tâm lý học Lê Văn Hảo,
là những “ lý giải” của dân chúng trước một sự kiện một tình huống chưa được
kiểm chứng. “Khi một tình huống có vấn đề, thu hút sự quan tâm của công chúng
nhưng lại thiếu vắng thông tin lý giải đã được kiểm chứng, chính thức và thuyết
phục thì cách lý giải chưa được kiểm chứng, không chính thức và có phần “bán
tín, bán nghi” sẽ là cơ sở để xuất hiện tin đồn”.
Như vậy tin đồn trước khi xuất
hiện dưới dạng tiêu cực nó là nhu cầu tích cực của người dân nhằm lý giải một
vấn đề gì đó một khi thiếu vắng thông tin. Nếu như được thỏa mãn về thông tin
đích thực thì chẳng khi nào có tin đồn, nói cách khác tin đồn sẽ chết ngay từ
trong trứng nó khi nó rơi vào một môi trường công khai minh bạch. Ngược lại,
một môi trường thiếu vắng thông tin đích thực, mọi thứ đều tù mù nửa thực nửa
hư, chính là đất sống của tin đồn. Mọi nổ lực hình sự hay hành chính nhằm dẹp
bỏ hoặc hạn chế tin đồn rốt cuộc chỉ là đơm đó ngọn tre, chẳng những không dẹp
bỏ được mà còn kích thích cho tin đồn phát triển.
Công khai minh
bạch chính là “ thuốc giải độc” cho mọi tin đồn nhảm. Ngoài
ra, theo TS Lê Văn Hảo, một
vacxin phòng chống tin đồn rất hiệu quả, đấy là một nền giáo dục nuôi dưỡng và
phát triển tư duy độc lập và tinh thần phê phán. Chính tư duy độc lập và phê phán “giúp con người xét đoán, quyết định tin
hay không tin vào một điều gì đó.”
Đó là hai thứ thuốc chữa tin
đồn rất đặc hiệu, thế giới văn minh đã dùng rất hiệu quả, bảo đảm không có
thuốc chữa nào tốt hơn. Muốn có hai loại thuốc này cũng chẳng khó khăn gì. Vấn
đề là ta có dám dùng hay không, hay là vẫn dùng thuốc “định hướng”, thuốc “giáo
dục nhân dân”, những món thuốc mới xem toa đã biết đó là thuốc rất cũ xuất phát
từ ý thức không coi dân là chủ, vả chăng chúng cũng đã kháng thuốc từ lâu.
Có dám dùng hay không? Khốn
thay đấy là câu hỏi quá khó, bởi vì câu trả lời không thuộc về dân chúng.
Nguyễn Quang Lập
No comments:
Post a Comment