Thứ hai, ngày 15 tháng mười năm 2012
Phần 1:
CÂU CHUYỆN ĐỀN BÙ VÀ BÀI TOÁN SIÊU LỢI NHUẬN
Trong bất cứ một dự án xây dựng nào,
thì khâu giải phóng mặt bằng là vấn đề nan giải nhất. Mức độ nan giải này tùy
thuộc vào vị trí “vàng, bạc hay đồng” của mảnh đất đó. Cách đây không lâu,
người dân thủ đô hẳn vẫn nhớ cái giá đền bù kỷ lục ở 22 Hàng Bài, khi giá đền
bù ban đầu đưa ra là 500 triệu đồng/m2. Tuy nhiên 2 trong số 27 hộ ở 22 Hàng
Bài đã nhất định đòi một cái giá trên giời là 1 tỷ đồng/m2
Trích trong bài “Đền bù 1 tỷ đồng/m2 đất ‘vàng’ có vô lý?” của báo Đất Việt
http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/Den-bu-1-ty-dongm2-dat-vang-co-vo-ly/201012/121262.datviet
http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/Den-bu-1-ty-dongm2-dat-vang-co-vo-ly/201012/121262.datviet
....một biên bản định giá vào thời điểm tháng 3/2005, giá
đất ở số 25 Hai Bà Trưng được Hội đồng định giá của Tòa án nhân dân quận Hoàn
Kiếm định giá tương đương 30 cây vàng. “So với giá vàng bây giờ, mức đền bù một
tỷ đồng một m2 thì tại sao lại gọi là phi lý?”
Giá nhà chung cư C1 nơi tôi ở trước đây
thuộc khu tập thể Thành Công, thực sự không bằng cái số lẻ của giá nhà ở Hàng
Bài. Và nó cũng không phải dạng mua đứt bán đoạn để dân tôi đi nơi khác ở, mà
là tái định cư tại chỗ. Đây là một dạng dân có quyền sử dụng đất, chủ đầu tư có
tiền, hai bên liên doanh với nhau để từ một chung cư 5 tầng xây thành 22 tầng.
Lợi ích đôi bên là phải đảm bảo hài hòa, một cách tương đối thôi cũng được.
Chung cư C1 là tòa nhà 5 tầng được xây
dựng đầu tiên tại khu Thành Công từ những năm 1976, đưa vào sử dụng năm 1978.
Hồi đó bố tôi làm cục trưởng cục công trình II thuộc Bộ GTVT (sau này là Tổng
công ty xây dựng công trình giao thông 1 – tức là chủ đầu tư của cái dự án
này), chính là người đã chỉ đạo xây nên nó.
Nguồn gốc chung cư C1 được xây chủ yếu
bằng quỹ phúc lợi của cơ quan. Ngay sau khi xây, nó đã bị lún vì thiết kế của
Bộ Xây dựng không chuẩn. May nhờ chất lượng xây dựng ngày xưa không bị ăn bớt
như bây giờ, nên nó vẫn ngắc ngoải tồn tại được 30 năm. Khi nhà nước đưa tiền
nhà vào lương từ những năm 1992, các cơ quan buộc phải chuyển giao các nhà tự
quản cho đơn vị chuyên trách quản lý nhà, để thu tiền nhà nộp vào ngân sách.
Tuy nhiên cơ quan quản lý nhà lại chối đây đẩy khi nhìn thấy chung cư C1. Vì
nếu họ muốn thu tiền nhà sẽ phải tiến hành sửa chữa, quá bằng một tiền gà ba
tiền thóc. Thế là chung cư C1 trở thành tự quản đúng nghĩa, tức là dân tự bỏ
tiền túi ra mà sửa chữa để có thể ở được.
Vào những năm trước đây, có ma nào dám
nghĩ đến đến chuyện cải tạo hay xây lại các chung cư cũ nát đâu. Dân kêu ca
chán chê nhưng chả ai thèm để ý. Thế rồi đến một thời kỳ giá nhà chung cư cũ
bỗng tăng chóng mặt, khi người ta nhìn thấy một cơ hội kiếm lời lớn, trong việc
mua rẻ các căn hộ ở chung cư cũ này, để rồi sẽ được đền bù khi cải tạo hoặc xây
dựng thành những chung cư cao tầng mới.
Vậy là bất chấp chờ đợi quy hoạch đồng
bộ, người ta chọn những vị trí dễ sinh lời nhất để làm. Có điều các nhà kinh
doanh nhận ra cơ hội đó thì dân cũng đâu có mù? Dăm ba nhà đầu tư mon men vào
thăm dò, thấy xương xẩu lại rút lui.
Cuối năm 2008, Hà Nội mưa bão suốt mười
mấy ngày. Khắp nơi ngập mênh mông, Người chết đuối ở Hà Nội có đến cả chục
mạng. Thế nào mà trong tất cả những điểm úng ngập nặng, thành phố Hà Nội ưu ái
mỗi chung cư C1 của dân tôi. Chập tối ngày 6 tháng 11 năm 2008, tất cả dân C1
được thông báo 20 giờ ra họp ở UBND phường để di chuyển khẩn cấp ngay trong
đêm. Thoạt nghe ai cũng tưởng đùa (sướng quá đâm ra không tin chăng?).
Hóa ra là di chuyển thật! Chính quyền
bảo đi tránh bão, kẻo nhà đổ. Dân cười khẩy! Mấy chục năm ở đây, mưa to là
ngập, sao bỗng dưng lần này chính quyền lại lo lắng cho sinh mạng của dân thế?
Nhưng chính quyền rõ khéo dụ, đưa bà
con đi thăm quan nơi ở tạm cư trông có vẻ khang trang, lại cách đó chỉ 3 cây
số. Đang ở búi xùi, xập xệ, hơn nữa chính quyền dọa sẽ cắt điện cắt nước... vậy
là một cuộc di tản vĩ đại đã được tiến hành ngay trong đêm ngày 6/11/2008.
Sợ dân ngộ ra hay sao ấy mà chính quyền
cứ thúc dục phải di chuyển ngay trong 2 ngày. 110 hộ dân với gần 500 con người
như ong vỡ tổ, chen chúc nhau đào tẩu khỏi cái tòa nhà tuy xập xệ nhưng cũng đã
tồn tại ngót nghét 30 năm. Không có thời gian suy nghĩ và lựa chọn, họ mang đi
tất cả đồ đạc trong nhà từ chổi cù rế rách. Tôi nghĩ cuộc di tản này nó còn thê
thảm hơn cả chạy B52. Khi phóng viên đến hỏi, tôi bảo: chính quyền ác quá
chừng. Chúng tôi sống ở đây 30 năm, vậy mà họ bảo phải di chuyển khẩn câp trong
2, 3 ngày. Ngần ấy con người chen chúc nhau qua cái cầu thang bé tẹo, may mà ko
ai bị chết bẹp. Nhưng đồ đạc thất lạc thì có. Lắm người không chen được qua cầu
thang, cứ đứng từ tầng 5 ném đồ xuống bùm bụp.
Phần 2:
KHÔN NGOAN KHÔNG LẠI VỚI GIỜI
Phải mất mấy tháng vất vả ổn định cuộc
sống, dân chúng tôi mới hoàn hồn và bảo nhau: thế là mình bị lừa rồi!
Trong cuộc họp đêm ngày 6/11/2008, ông
chủ tịch quận Ba Đình hứa dẻo quẹo, rằng sau 1 tháng nữa, chính quyền sẽ họp
dân để bàn về việc đền bù như thế nào. Vì dù nói là di chuyển để tránh bão, chứ
đương nhiên cái nhà này rồi cũng sẽ phá đi, để xây lại cho khang trang hơn chứ.
Nhưng sau gần 4 năm, dân tôi chờ mỏi
mắt mà chưa một lần được hạnh ngộ ông chủ tịch quận. Còn chủ đầu tư cũng chính
là cái cơ quan ban đầu xây nên cái nhà này. Nó đã không còn vai trò gì từ mấy
chục năm trước đây, từ khi nhà nước xóa bỏ chế độ nhà tự quản.
Sau hơn 1 tháng, họ có mời dân chúng
tôi về để đo đạc, kiểm đếm để làm cơ sở đền bù sau này. Nhưng cũng từ ngày đó,
có vẻ như họ nghĩ đã làm xong nghĩa vụ đền bù với dân tôi rồi, còn dân tôi thì
nghĩ: cứ để yên xem sao?
- Để yên xem sao lần thứ nhất, họ tiến
hành động thổ!
- Để yên xem sao lần thứ hai, họ tiến
hành phá dỡ!
- Để yên xem sao lần thứ ba, họ chở ùn
ùn vật liệu đến!
- Để yên xem sao đến lần thứ tư thì họ
đổ được 60 trên tổng số 120 cọc khoan nhồi.
Lúc đó dân tôi mới tá hỏa là thi công thật rồi.
Lúc đó dân tôi mới tá hỏa là thi công thật rồi.
Dân tôi lũ lượt kéo xuống yêu cầu
phường can thiệp. Lãnh đạo phường rất hồn nhiên, trả lời rằng không biết !
Dân tôi ba máu sáu cơn, làm rầm rĩ lên
tại trụ sở. Lúc đó phường mới đồng ý sẽ tiến hành kiểm tra. Ba bốn hôm sau,
phường thông báo, chủ đầu tư làm đúng trình tự, và họ chìa ra một cái văn bản
của Sở xây dựng Hà Nội, cho phép chủ đầu tư thi công cọc gia cố nền móng công
trình, mà cả chủ đầu tư lẫn UBND phường đều “nhầm” đó là giấy phép xây dựng?
Đúng trình tự cái phải gió!
Đúng là không trông chờ gì vào sự “hiểu
biết luật” của phường, dân tôi hè nhau xuống giữ đất, để xem cái trình tự như
chính quyền nói nó ra răng. Công trường đang thi công rộn rã, dân tôi tràn vào
căng bạt dựng lều, ngồi chiếm lĩnh trận địa.
Ban đầu chủ tich và phó chủ tịch cùng
trưởng công an phường ra quát tháo lớn tiếng lắm, nhưng lại làm sao được với
những người dân chúng tôi. Quát tháo tỏ vẻ oai phong lắm, nhưng chả ông nào dám
động tay dỡ lều của chúng tôi. Ông chủ tịch bảo:
- Mời
bà con ra khỏi khu vực công trường
- Đây
là đất của chúng tôi, chả phải công trường nào cả.
- Ai
bảo đây không phải là công trường?
- Em
bảo!
Một cô nằm thẳng cẳng trên tấm vải bạt
thủng thẳng đáp rồi vắt tay lên trán ra chiều buồn ngủ. Thế là ông chủ tịch
đang cao giọng bỗng ngẩn tò te, đứng bối rối một lát rồi bỏ ra ngoài. Xe 113 đỗ
xịch ngoài cửa. Từ trên xe công an rầm rập nhảy xuống. Một ông xem chừng là chỉ
huy, đứng nghe giải thích một hồi rồi làu bàu:
- Thế
thì phải bảo chủ đầu tư ra gặp dân đi chứ.
Nói đoạn ông ta sa sầm mặt quay ra xe,
dông thẳng.
Thấy xử rắn không xong, phường lại quay
ra dỗ ngon dỗ ngọt, dụ bà con ra trụ sở để giải quyết. Bà con bảo đừng nghe. Họ
thực hiện kế điệu hổ ly sơn đấy. Giải quyết được thì đã chả để đến nước này.
Những ngày tháng 6 nắng gắt, lại cả mưa
dầm. Hết ngày này qua ngày khác, hết tuần này qua tuần khác, già trẻ lớn bé cứ
ngồi dưới lều mà chính quyền cứ mặc kệ. Báo chí đưa tin tùm lum cũng mặc kệ.
Ngày đấy tôi “ngây thơ” lắm. Cứ nghĩ
mọi việc cứ là phải diễn ra theo quy luật. Nhưng tôi thật không thể tưởng tượng
nổi họ lại có thể tàn nhẫn và vô cảm đến vậy. Họ có trái tim là gỗ đá hay sao
mà cứ để dân tôi ngồi dưới nắng mưa gần một tháng trời như thế? Khi chúng tôi
kéo nhau lên UBND quận Ba Đình, ngồi trong phòng tiếp dân, tôi đã bật khóc vì
thương dân tôi quá.
Ban đầu cán bộ tiếp dân nói lãnh đạo đi
vắng. Chúng tôi bảo cơ quan nào cũng phải có người trực, không thể không có
người giải quyết được. Chúng tôi quyết tâm ngồi chờ, xác định ăn cơm hộp hoặc
bánh mỳ trước cửa UBND quận. Cuối cùng gần trưa, phó chủ tịch quận ra tiếp
chúng tôi, nói vừa họp xong. Sau một hồi nghe chất vấn, ông PCT hứa sẽ có văn
bản gửi Sở...Dân tôi thì trước sau chỉ nói một điều: chưa đền bù, chưa có giấy
phép xây dựng thì không được thi công.!
Rốt cuộc sau 26 ngày, UBND phường cũng
phải ra văn bản yêu cầu tạm dừng thi công mà trước đó họ cứ leo lẻo bảo không
có thẩm quyền. Có người bảo, cái này là “lỗi hệ thống” đấy!
Sau hơn hai năm dự án tiếp tục đắp
chiếu, tháng trước chủ đầu tư xuống phát cho mỗi hộ một bản dự thảo phương án
đền bù, bắt phải ký nhận.Mặc dù tôi đã nhắc mọi người không ký, vì coi như đây
chỉ là để tham khảo, nhưng tâm lý bà con sau bao nhiêu ngày chờ đợi, cũng rất nôn
nóng muốn biết mức đền bù như thế nào nên một người ký là họ ào ào ký theo.
Y như rằng, mọi ý kiến đóng góp của bà
con họ đều vứt xó. Chủ đầu tư sống sượng dùng danh sách ký nhận của bà con để
báo cáo với các cấp chính quyền, là dự án đã đủ điều kiện để thi công!
Dân tôi cứ nghĩ nó hắng giọng thế thôi,
chứ bố bảo nó dám làm.
Ấy thế mà nó làm thật!
Không rõ dân mình ngây thơ quá? Hay chủ
đầu tư nó liều lĩnh quá? Hay chính quyền bàng quan quá?
Trước đó, họ có tòi thêm ra một văn
bản. Lần này là giấy phép xây dựng xịn, do chính Sở xây dựng Hà Nội cấp.
Tôi không thể không ngạc nhiên. Đến một
người dân bình thường cũng thừa hiểu, khi một dự án đang tranh chấp kéo dài
hàng ba bốn năm như thế này, làm sao có thể cấp phép xây dựng được. Ngay khi
đưa đơn lên thanh tra Sở Xây dựng, cán bộ tiếp dân còn tỏ ra ngạc nhiên: chưa
đền bù à?
Hỏi rõ là dở hơi. Đền bù rồi thì chúng
tôi lên đây làm gì?
Dân tôi lại kéo nhau sang phường. Mặc
dù biết sẵn kết quả, nhưng mọi việc vẫn cứ phải theo đúng trình tự mà làm. Và
vẫn như ngày nào, phường vẫn hồn nhiên như thế. Câu cửa miệng của phường luôn
là không có thẩm quyền.
Dân tôi gọi nhau họp khẩn cấp vào tối
thứ 6, định sáng thứ bẩy sẽ lại kéo quân xuống nhà C1. Thế nhưng một vị hăng
lên bảo, đi ngay tối nay! Nó đang chuẩn bị đổ bê tông đấy, chặn ngay nó lại!
Thế là dân tôi ồ ạt kéo xuống công
trường. Lúc cái cậu đèo tôi lách qua chiếc xe cẩu đang đặt những tấm thép lót
đường, tôi thấy tay tổ trưởng thi công bấy giờ mới nhận ra dân đang kéo đến.
Cậu ta vừa chạy về phía cổng vừa hô to: Đóng cổng lại!
Tuy nhiên những chiếc xe máy đầu tiên
đã phi tới sát cổng và mọi người ào ào nhảy xuống, xông vào bên trong cánh cửa.
Mấy tay bảo vệ cố kéo cánh cửa sắt lại nhưng không kịp. Ban đầu cánh thi công
hùng hổ ra phết, cứ như đây là khu vực bất khả xâm phạm của bọn họ vậy. Nhưng
trước vẻ phẫn nộ của dân tôi, bọn họ bắt đầu im thin thít. Khi những xe chở bê
tông tươi đến, cánh thi công bắt đầu hạ giọng xin cho họ được đổ nốt mẻ này.
Thương họ thì ai thương dân tôi?
Sau một hồi bức xúc mắng mỏ đám thi
công láo toét, một số người ôn tồn giải thích cho bọn họ biết tình hình, biết
thân biết phận thì rút sớm, kẻo lại lỗ nặng vì chủ đầu tư bây giờ làm gì có
tiền mà trả cho các cậu. Vậy là đêm đó, 5 xe chở bê tông tươi phải quay đầu.
Nửa đêm nửa hôm, dân tôi gõ cửa nhà
hàng để mua bạt, dây thép về căng lều, phân công cánh đàn ông ở lại trực đêm...
12 rưỡi đêm tôi mới về đến nhà. Tải ảnh
lên mạng đến tận 3 rưỡi sáng thì nhọc quá lăn ra ngủ. Hơn 5 giờ sáng dậy để
chuẩn bị đi tiếp sức cho cánh ngoài hiện trường.
8 giờ sáng thứ bẩy, nhóm đại diện dân
tôi lại có mặt tại UBND quận Ba ĐÌnh để chất vấn lãnh đạo quận. Thay vì làm
việc vào buổi sáng thứ bẩy theo thông lệ, cửa phòng tiếp dân khóa chặt, yêu cầu
bảo vệ cho vào gặp lãnh đạo thì họ bảo lãnh đạo đang họp!
Cái chiêu đi họp luôn được các vị lãnh
đạo đưa ra khi được yêu cầu gặp. Ban đầu họ bảo muốn gặp phải đăng ký. Dân tôi
làm đúng trình tự, đăng ký 3 lần rồi mà cơ hội được thấy mặt “rồng” vẫn cứ tun
hút. Chỉ khi nào dân tôi kéo nhau đến ăn chực nằm chờ ở cổng, lúc đó họ mới lộ
diện.
Thế này là họ muốn dân tôi phải mất
nhiều ngày, luôn phiên nhau để canh giữ đất đây mà. Nghĩ vậy tôi lại nhớ đến cảnh
những người dân ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, họ làm gì có lều để trú mưa, có
giát giường để mà nằm cơ chứ?
Phần kết:
TẠI SAO CHỦ ĐẦU TƯ LẠI CÓ THỂ NGANG NHIÊN ĐẾN THẾ?
Cần phải nói thêm là nhà C1 nằm ở vị
trí rất đắc địa cho môi trường kinh doanh và sinh hoạt. Gần trường, gần chợ,
gần khu vực hành chính, gần công viên, gần các trục giao thông, và quan trọng
là nó ở ngay mặt tiền đối diện với chợ Thành Công. Cách sống của người Việt vẫn
có xu hướng bám vào các trục giao thông, các chợ để mưu sinh, thế nên cái khu
vực tầng 1 của nhà C1 thuộc diện sầm uất nhất khu. Ai chả hiểu nó là một miếng
mồi béo bở đến thế nào.
Trong một lần đi nghe cử tri chất vấn
Hội đồng nhân dân, tôi có nghe nói toàn khu Thành Công này có hơn 80 tòa nhà 5
tầng, được xây từ những năm bảy mươi, tám mươi. Với thiết kế của những khu nhà
này, thì tuổi thọ của công trình là từ 60 – 100 năm!
Ối giời! May ra cái thằng thực dân nó
xây thì mới thọ được như thế, thậm chí 100 năm sau khi phá dỡ, viên gạch vẫn
như khúc giò lụa, cứ gọi là đẹp nõn nà.
Không chỉ nhà C1 bị lún, phần lớn các
nhà chung cư cũ ở khu Thành Công đều lún và rệu rã. Lún là do nền yếu, khi lún
thì nó vặn vẹo, rồi mấy chục năm không “duy tu bảo dưỡng” thì rệu rã là chuyện
đương nhiên. Tuy nhiên cái nhà C1 này là nhà khung bê tông cốt thép, chất lượng
xây ngày xưa khá tốt, không có chuyện tham nhũng nên khi phá dỡ tương đối là
vất. Những nhà lắp ghép khác trong khu mới ghê, trơ cả những mối nối. Thậm chí
phần hành lang còn hở toang hoác, nhìn cả xuống được tầng dưới. Cũng ngập, cũng
nguy hiểm, nhưng ở tít trong các xó xỉnh thì cứ như nàng công chúa ngủ trong
rừng thôi, chả ma nào ngó ngàng tới.
Theo quy hoạch khu Thành Công đã từng
được trưng bày, thì toàn bộ khu Thành Công sẽ đập bỏ tất cả các chung cư 5
tầng, thay thế bằng 19 nhà chung cư từ 35 đến 45 tầng. Xem ra điều này không
khả thi nên chả thấy ai nhắc đến nữa.
Theo tôi hiểu thì không khả thi về
nhiều nhẽ, mà chủ yếu là vì không có các nhà đầu tư đủ năng lực về tài chính,
đủ tầm để thực hiện các dự án có quy mô lớn. Các doanh nghiệp độc lập chỉ chăm
chăm muốn ăn xổi từng dự án nhỏ lẻ.
Giữa một rừng các chung cư 5 tầng san
sát nhau thế này, nếu xây dựng lại với quy mô lớn hơn nhiều, lại theo kiểu cuốn
chiếu thì bộ mặt của khu đô thị mới này sẽ luôn là một bức tranh nham nhở, xen
kẽ giữa cái cũ lẫn cái mới.
Mới phá có một chung cư mà dân xung
quanh đã thấy khốn khổ vì bụi bặm và tiếng ồn, đường xá vỡ nát, lầy lội. Vậy
thì sau này nhà mới được xây xong, chúng tôi sẽ phải chịu đựng việc phá dỡ tất
cả các chung cư liền kề còn lại như thế nào? Mới nghĩ thôi đã thấy khiếp. Thêm
nữa, với kỹ thuật xây dựng chẳng lấy gì làm tin tưởng của nhà thầu Việt Nam
hiện nay, thì chắc gì khi người ta thi công các công trình kế đó, lại không làm
ảnh hưởng đến những tòa nhà đã xây trước đó?
Chính vì thế, tôi đã nghĩ ngay đến
việc, nếu cái nhà C1 này có được xây dựng ngay bây giờ, thì chắc chắn tôi sẽ
bán đi để mua một căn hộ ở một khu đô thị khác, đã được xây dựng một cách đồng
bộ, hơn là sẽ chịu hít bụi và cái cảnh lầy lội khi mà ngôi nhà mới của dân tôi
sẽ là một nàng công chúa đứng giữa một công trường xây dựng khổng lồ.
Một lý do vô cùng quan trọng nữa là vấn
đề phân chia lợi nhuận.
Ngày 28/7/2008, UBND thành phố có ra
một cái quyết định 48/2008/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế cải tạo, xây dựng
lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên đại bàn thành phố Hà Nội.
Trong một bức thư phản ảnh khẩn cấp của
một số dân chung cư C1 Thành Công, D2 – C4 Giảng Võ gửi các vị lãnh đạo nhà
nước, chúng tôi đã nhấn mạnh: chính quyền
thành phố Hà Nội với “cơ chế 48” đã mở cánh cửa tham nhũng, hối lộ, xã hội đen
vào các dự án xây dựng nhà chung cư cũ trên mảnh “đất vàng”của dân.
Mặc dầu các chung cư không phải là đối
tượng thu hồi đất trong một dự án kinh doanh, nhưng cái cơ chế này lại tự cho
phép UBND thành phố thu hồi đất của người này giao cho người khác để kinh doanh
kiếm lời.
Không những thế, một mặt cơ chế này vẫn
dùng chữ đồng thuận và thỏa thuận trong việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư, nhưng
mặt khác lại xây dựng nên một cái hệ số K = 1,3 mà không biết dựa trên cơ sở
tính toán nào để bắt người dân phải chấp thuận, khi tính toán diện tích tái
định cư cho họ.
Thế nhưng không phải ai cũng biết rõ
thực chất sự vi phạm pháp luật của cái quyết định 48 này (kiểu đã là chủ tịch
thì có bao giờ sai), nên cứ nghĩ là sao dân tham thế? Người ta xây lại cho cái
nhà mới là tốt lắm rồi, đòi hỏi cái gì nữa.
GS-TS Nguyễn Trường Tiến, Phó TGĐ Tổng
công ty xây dựng Hà Nội phát biểu: "Các dự án nhà ở cao tầng tại Việt Nam
đạt lợi nhuận đến 400-500%, trong khi lợi nhuận hợp lý là khoảng 30%". Ông
Tiến dẫn chứng: "Dự án Hoàng Anh River View (TP.HCM) có chi phí 832 tỉ
đồng nhưng đạt doanh thu 5.017 tỉ đồng, lợi nhuận 4.113 tỉ đồng".
Do đó, các dự án trên đất vàng của dân
có sức hút mãnh liệt không kém gì sức hút của lợi nhuận ma túy.
....Một
nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai, đó là do cơ chế xin - cho, dẫn
đến chuyện lựa chọn một số nhà đầu tư chỉ chăm lo lợi ích cho mình, yếu kém
năng lực. “Cơ chế xin cho trong việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ làm cho tiến độ dự
án bị ảnh hưởng, người dân thì bị thiệt thòi. Nếu đấu thầu thì không nói, nhưng
lựa chọn nhà đầu tư yếu kém theo kiểu xí phần không triển khai dự án thì rất
nguy hiểm.
Đó cũng chính là lý do mà suốt 4 năm
nay, dân tôi năm lân bảy lượt đòi thay đổi chủ đầu tư mà chính quyền hoàn toàn
coi như điếc lác. Chúng tôi cũng tin rằng không phải vô cớ mà Sở Xây dựng lại
cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư, khi chưa hề kiểm tra hồ sơ xin cấp phép.
Không phải vô cớ mà UBND phường, quận lại dung túng cho chủ đầu tư tiến hành
thi công khi hồ sơ đền bù chi tiết chưa được lập và ký kết.
Suốt hai ngày nay dân chúng tôi ngồi
canh giữ đất mà các cấp chính quyền không hề ra mặt.
Rất may, cuộc chiến của dân tôi không
hề đơn độc. Bởi lẽ chủ đầu tư lộng hành tới mức họ chả thèm làm cam kết với các
chung cư liền kề trước khi tiến hành thi công. Dân các chung cư đó cũng làm đơn
kiến nghị tứ tung, vì nếu dự án này được thực hiện, phạm vi mới của nó sẽ chiếm
toàn bộ lối đi của họ. Tôi đã chỉ cho họ thấy cái nguy cơ có thể không nằm ở
đó, vì chưa chắc chủ đầu tư đã làm ngay mà chỉ cần đóng xong cọc, chủ đầu tư đã
có thể rao bán căn hộ trên giấy (thực chất là đã có chuyện mua bán đó rồi).
Hoặc nếu có làm, việc công trình mới áp
sát cửa nhà họ như thế cũng là một cách ép các chung cư liền kề vào một sự đã
rồi, để họ buộc phải chấp nhận việc sớm di dời cho một dự án khác tiếp theo.
Có rất nhiều ẩn khuất đằng sau việc cải
tạo chung cư chỉ nói riêng ở khu Thành Công này thôi. Việc quy hoạch được duyệt
hay chưa vẫn là một sự bí mật. Tại sao người ta phải dấu giếm nếu như nó đã
được duyệt? Tại sao người ta vẫn tiến hành xây dựng khi quy hoạch chưa được duyệt?
Sự công khai minh bạch trong xã hội bây giờ thực sự là một điều xa xỉ, ngoại
trừ việc công khai ăn cướp...
Đến chị Dậu cũng phải sắn tay áo lên
liều một phen thì hà cớ gì dân tôi lại chịu để chủ đầu tư ăn cướp như thế?
No comments:
Post a Comment