Friday 5 October 2012

SỰ THÊ THẢM CỦA CÁCH MẠNG TRUNG QUỐC (Nhà văn VŨ HUY QUANG)






Nhà văn VŨ HUY QUANG  (Hoa Kỳ)
Thứ ba, ngày 11 tháng chín năm 2012

Nhà văn Vũ Huy Quang ( áo pull đen)

Dòng lịch sử không chảy theo đường thẳng

“Chính quyền Mao này, chả phục vụ “giai cấp” nào cả, chỉ phục vụ “giai-cấp-Đảng” thôi; khởi đầu chủ trương lấy nông dân làm sức mạnh, (nông thôn bao vây thành thị). Nhưng sức mạnh nông dân đóng góp không cho nông dân hưởng kết qủa, nên đời sống nông dân không thay đổi gì; đến nỗi thời Đặng Tiểu Bình, ở Trung quốc số phận họ vẫn là, “nông dân thật nghèo, nông dân thật khổ, nông dân thật nguy hiểm”

Tham khảo:
-“The Tragedy of the Chinese Revolution” – Harold R. Isaacs. (Sự thê thảm của Cách mạng Trung Quốc)
-“Sử Trung Quốc” – Nguyễn Hiến Lê
-“On Stalin and Stalinism”- Roy A. Medvedev. (Về Stalin và chủ nghĩa Stalin)
-“Ch’en Tu-Hsiu (1879-19420 And The Chinese Communistt Movement” - Thomas. C. Kuo. (Trần Độc Tú và phong trào cộng sản Trung quốc)

Thỉnh thoảng tôi được vài người bạn từ phương xa đến thăm. Được hân hạnh gặp khách phương xa ghé đến, nhưng ai mà ít phương tiện, thì tôi cũng hân hạnh đến thăm họ. Người nào người nấy trên 70 cả rồi. Tâm sự hồi lâu với nhau, sau rồi những người ấy đều có chung câu hỏi,”Nếu không còn việc gì vui ngoài việc đọc sách, sao không chia xẻ với bàn dân thiên hạ những điều đọc được?” Dù tôi nêu bất cứ lý do gì để thoái thác, như “Đọc rồi viết bài điểm sách cũng không dễ. Đọc mà dịch ra thành sách, thì gặp nhiều khó khăn khác. Nào trích dẫn, ảnh minh họa, xin phép xuất bản, xin phép dịch thuật, kỹ thuật ấn loát…Có một mình, kém kỹ thuật, nên không làm gì.” Họ bảo, “Nếu cứ kể lại chuyện đọc sách…như bạn bè mỗi lần ngồi với nhau thế này cũng vui, thuật lại được tới đâu hay tới đó. Chả lẽ đọc xong rồi yên lặng? Sách ở đâu mà ra? Sách là do đời đem đến. Đọc rồi, sao không trả nợ đời, nợ người?” Tôi ngẫm nghĩ, thấy cũng có lý. (Phục nhất, là các cô làm ở Thư Viện tỉnh tôi ở, lần nào cũng niềm nở giúp đỡ cho tôi việc mượn sách). Cho nên tôi có bài viết không phải điểm, chẳng phải dịch này.
Trong 4 cuốn sách liệt kê ở trên, tôi thấy chúng đều quy về 1 điểm, là Sự thê thảm của Cách mạng Trung Quốc - trùng với nhan đề sách của Harold R. Isaacs - nên tôi làm sườn cho bài viết này, cộng với nhiều nhãn quan tứ xứ, mong có thể chứng minh là, “dòng lịch sử không chảy theo đường thẳng.”
         
Trung Quốc có những mốc lịch sử:
1/ Cách Mạng Trung Quốc lần 1, thường gọi là cách mạng Tân Hợi (1911), lật triều đình phong kiến Mãn Thanh.
2/ Cách mạng Trung Quốc lần 2, gọi là “phong trào Ngũ Táp”: Từ tháng 5 ngày 30 năm 1925, nổi dậy ở Thượng Hải, đồng thời với nhiều tỉnh kỹ nghệ khác, cho đến tháng Chạp ngày 11, 1927 (công nhân bị tàn sát ở Thượng Hải), cùng với sự tàn sát cùng năm ở Canton (Quảng Châu).
(Số 30, hay “tam thập”, người Trung Quốc hay phát âm là “Táp”).
3/ Ngũ Tứ Vận Động (tháng 5 ngày 4, năm 1919), là biến cố sau cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, mà lãnh tụ là Trần Độc Tú, khởi từ 1915. Phong trào Cách Mạng Văn Hóa này, vô cùng quan trọng trong việc chuyển đổi đầu óc thanh niên hồi đó, bắt nguồn từ Tân Văn hóa, Tân Thanh niên do Trần Độc Tú – Lý Đại Chiêu khởi xướng, cùng các trí thức đương thời mà thành. (Tháng 5 ngày 4, 1919 cũng là ngày sinh viên xuống đường biểu tình phản đối tại Bắc Kinh nhân dịp phản đối chính quyền Đoàn Kỳ Thụy chấp nhận Hòa Ước Versailles mà phe Đồng Minh sau Thế chiến I, chia nhượng Sơn Đông cho Đức.)
Điều kỳ lạ, là Cách mạng lần 2, (1925-27) cũng gọi là Phong Trào Ngũ Táp, cả Hoa Lục cũng như Trung Hoa Quốc Gia (Đài Loan) đều rất ít đề cập, hoặc tránh không nhắc đến. Đây là giai đọan khởi từ cuối triều Mãn Thanh: Sau Ngũ Tứ Vận Động, là thời mà Trung Quốc đang chuyển mình. Có rất nhiều khuynh hướng: vừa muốn bảo thủ (“phục tích”: tôn quân, khôi phục ngôi vua); vừa muốn lập Quân chủ Lập hiến (như Anh-Nhật); vừa muốn theo Cộng Hòa (như Pháp); vừa muốn cách mạng giai cấp (triệt để như Cách Mạng Nga), trong lúc trên đất Trung quốc Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Nhật cùng hiện diện tại Trung Quốc, mỗi thế lực có ý đồ riêng, cùng tranh giành ảnh hưởng - tư bản thì muốn độc chiếm thị trường Á Châu…giữa lúc Trung quốc ở ngưỡng cửa thời khoa học kỹ thuật mới, đang du nhập tư tưởng thế giới mới. (Đầu thế kỷ 20, Trung Quốc có 10 triệu người du học, tản mác trên toàn cầu.)
Giữa những biến cố, có những khúc ngoặt do hoàn cảnh, do ý định của các thế lực quốc tế bên ngoài, do các đấu tranh gian khổ của người bị áp bức bên trong…đã đối chọi nhau. Thất bại của cuộc cách mạng lần 2, không chỉ vì sự sai lầm đường lối, thiệt thời cơ, thua nước cờ chính trị…mà còn là bài học do sự thiếu kiến thức về đấu tranh giai cấp mà ra. Kết qủa không chỉ tốn thời gian, hại vật lực, mà còn tổn phí oan uổng bao nhiêu xương máu.
Lịch sử Việt Nam và lịch sử Trung quốc gắn bó, soi chiếu lẫn nhau. Việt Quốc, Việt Cách, Việt Minh, Đồng Minh Hội, Tam Dân chủ nghĩa, Quốc Dân Đảng…các danh tính như Trương Phát Khuê, Lý Tế Thâm, Tưởng Giới Thạch, Cù Thu Bạch, Lý Lập Tam, Ngũ Tứ Vận Động và Quốc Tế Cộng Sản…đều không xa lạ với tai nghe, nhưng tài liệu đọc, thì không có mắt thấy…cho những ai muốn nghiên cứu lịch sử.
Thảng hoặc, cả hai chế độ muốn cho tất cả chìm vào quên lãng? Thời thực dân, dĩ nhiên chúng không cho biết, thông tin báo chí bị kiểm duyệt đã đành. Nhưng Lịch sử Việt Nam cận đại, miền Nam dưới chế độ Cộng hòa, thì chế độ Ngô Đình Diệm không muốn nói rõ tại sao Tưởng bỏ chạy trong khi Mỹ ủng hộ hết mình; miền Bắc không muốn động chạm đến Mao, vì Đảng CS TQ đã có thời cộng tác Quốc Dân Đảng tới ba lần. (Ngay như đến cuộc đè bẹp các nhà văn đòi tự do sáng tác từ “thời kỳ Diên An”, “Mao Thọai” chủ trương thế nào, Hoàng Thạch Vệ là ai, Hồ Phong đòi hỏi gì, Đinh Linh bị lưu đày thế nào…cũng không mấy ai rõ đầu đuôi; phong trào Trăm Hoa có ý định gì…cũng không được biết ngọn ngành. Muốn học hỏi khởi nguồn Đảng Cộng Sản Trung quốc, thì vướng ngay tới Trần Độc Tú, là nhân vật lịch sử mà “các Cụ lãnh đạo” ở Trung cũng như ở Việt đã lên án tàn mạt!)
Nhưng chìa khóa vào cái lâu đài chứa kho tàng lịch sử cứ mãi lấp lánh, ẩn hiện chập chờn mãi cho những ai muốn tìm nó. Khi có chiếc chìa khóa, như mở được cửa lâu đài. Chúng ta mở được cửa vào trong rồi, thôi thì vô vàn cánh cửa buồng khác nhau. Mỗi phòng là một kho chứa, nào nhân sự, nào thời sự, nào văn chương, lý luận, chủ nghĩa, chủ trương…mỗi cánh cửa mở ra, tàng trữ một kho tàng khác nhau.
Thomas C.Kuo, là tác gỉa “Trần Độc Tú (1879-1942) và Phong trào Cộng Sản Trung quốc” -1975; cùng Harold R. Isaacs, “Sự thê thảm của Cách mạng Trung quốc” -1938; và Roy A. Medvedev “Về Stalin và Chủ nghĩa Stalin” -1979…là vài cuốn sách cùng có mục đích, theo tôi, là muốn trao cho người đọc chiếc chìa khóa vào lịch sử cận đại Trung quốc.
Đành phải khái lược ít nhiều. Bẹnjamin I. Schwartz, giáo sư Sử của ĐH Harvard phải kêu lên,” Thời kì hợp tác Quốc Dân Đảng-Cộng Sản (1923-27) không còn nghi ngờ gì nữa, là một thời kì bối rối và phức tạp nhất của lịch sử cận đại.” (“Chinese Communism and the rise of Mao” – B.I. Schwartz, tr.46.) Trong thời kì này, nhiều nguồn thông tin khác nhau, cái nào cũng có lí, cái nào cũng đáng ngờ. Ngay cả tài liệu của Quốc Tế Ba cũng vậy. Các chính khách thì nói một đàng làm một nẻo.
Nếu chúng tôi cứ nói mãi về một nhân vật – bất cứ nhân vật nào - như Lý Đại Chiêu (trí thức), Diệp Đĩnh (tướng); Borodin (cố vấn); Phùng Ngọc Tường (sứ quân); Cù Thu Bạch (chính trị), cũng như cuộc chứng kiến của chỉ một nhà văn (như H.R.Isaacs)…cũng đủ mất nguyên một cuốn sách về họ. “Thủy Hử” chỉ có 108 anh hùng mà thôi, “Tam Quốc” chỉ có ngựa gỗ, trâu gỗ, cung tên, cùng mươi ông mưu sĩ mà thôi. Nay thì nào Mỹ Anh Đúc Nhật Nga Pháp, còn cả ngàn nhân vật biến hóa, lại thêm xe tăng, phi cơ, đại bác, chiến hạm…cùng hàng trăm triết gia, lý thuyết gia! Trước chỉ có nông dân khởi nghĩa. Nay thì công nông, tư sản, tư sản mại bản, tư bản, đế quốc…cùng hàng nghìn ông cố vấn.
Nay xin trở lại đề tài chính.
Trong số sách hiếm hoi - có thể là độc nhất - tôi đọc được về lịch sử cận đại Trung quốc mới đây bằng Việt ngữ, là cuốn “Sử Trung quốc” của Nguyễn Hiến Lê – 1998. Nửa phần sau (quan trọng nhất) nói về “Chiến Tranh Quốc Cộng”, (tên một chương của tác gỉa NHL đặt) tức là về thời kỳ Tưởng Giới Thạch tiến hành cuộc Bắc phạt, (đánh các sứ quân miền Bắc) năm 1937.
Tác gỉa Nguyễn Hiến Lê (NHL) không thích thối nát của Quốc, cũng như không ưa “độc tài’ của Cộng, nhưng danh nghĩa mà NHL gán cho cuộc Bắc Phạt của Tưởng Giới Thạch là “cuộc chiến Quốc Cộng”…thì có hấp tấp. Khi đối chiếu với dữ kiện lịch sử: Các sứ quân mà Tưởng làm đối tượng cho cuộc Bắc Phạt là Ngô Bội Phu, Diêm Tích Sơn, Trương Tác Lâm, Tôn Truyền Phương, Trương Học Lương, Dương Hổ Thành…đều là các “sứ quân chống Cộng” cả. Tưởng có khi nào chống Cộng trước đó? Ngay từ lúc thành lập Quốc Dân Đảng, đảng này đã có khuynh hướng hợp tác với Cộng Sản - do Tôn Dật Tiên và QTCS cùng thỏa thuận.
Đại diện QTCS đầu tiên là Gregori Voitinsky, người thứ hai là Maring (Hendricus Sneevliet), người thứ ba là Michael Borodin, rồi Pavel Mif…đều chủ trương QDĐ và CSTQ hợp tác, do chỉ thị của Stalin. Ban chấp hành (5 người) đầu tiên của QDĐ có Lý Đại Chiêu (CSTQ) là đại diện. Trong lịch sử thì có 3 lần hợp tác Quốc Cộng. Lần nào cũng có kết qủa bi thảm cho Đảng CSTQ. Nếu có tàn sát, thì không phải Cộng đánh Quốc, càng không phải Quốc đánh Cộng, mà chỉ là Tưởng giết công nhân nông dân, giết cả sinh viên, văn nhân, ký gỉa – nếu cần - để phục vụ cho tư sản mại bản (comprador). Không nhìn thấy giai cấp buốc gioa (Tư sản), không nhìn thấy Công Nông, và gán cho các cuộc nổi dậy của họ là Cộng sản nổi dậy, là trở ngại chính cho cuốn “Sử Trung Quốc.”

(còn tiếp)

Nhà văn Vũ Huy Quang  (Hoa Kỳ)
Thứ bảy, ngày 15 tháng chín năm 2012

(tiếp theo)

Lần trang sử cũ, thì đây là đời sống thợ thuyền trong xã hội thời đó:
Trong các hãng xưởng người ngọai quốc làm chủ ở Quảng Châu (Canton), Thượng Hải, Hán Khẩu, Thiên Tân cùng các thành phố khác, công nhân ở đó sống và lam lũ trong những điều kiện không khác công nhân ở Anh vào thời kỳ mới chớm của cách mạng kỹ nghệ. Đàn ông, đàn bà, cả trẻ con lao động, cho đến bây giờ (H.R.I viết lúc ở Thượng Hải 1931), họ vẫn làm 12, 14 và 16 giờ với đồng lương thấp là 8 jin (chinh - xu) 1 ngày, không có chút bảo đảm an tòan nào cho mạng sống hay vệ sinh tối thiểu. Một hệ thống ác độc cung cấp không ngừng cho hãng xưởng sinh lợi bằng cách thu dụng cả trẻ con lao động thường nhật là 18 tới 20 giờ một ngày, để đổi lấy bát cơm và mảnh ván để ngủ […] và không ai biết số tử vong của những người này.”(nếu người ta nhớ vật gía thời đó: 5 jin (chinh-xu) mua được 1 qủa trứng. 10 chinh là một hào (fen). Mười hào (fen) là một yuen. (nguyên - đồng). Gía thuê 1 căn hộ lúc ấy là 5 yuen/tháng.)
Đấy là vật giá Thượng Hải (và các tỉnh kỹ nghệ) trong thập niên ’30: Thượng Hải là thành phố có 3 triệu dân, với dân số từ thôn quê khổ cực đổ về không ai thống kê được. “Hàng năm số tử thi hài nhi, con trẻ vứt ra đường là 50,000, là số xác nhặt được trên đường phố Thượng Hải. Lưỡi cày gỗ vẫn có cùng với đường xe lửa. Xe người và súc vật kéo chạy cạnh xe hơi. Cùng lúc, tăng trưởng kỹ nghệ tạo nên giai cấp vô sản mới. Cuối 1916, có gần 1 triệu công nhân kỹ nghệ toàn quốc, số lượng tăng gấp đôi vào năm 1922. Tại các mặt trận Âu châu, có tới 200,000 lao động Trung quốc hiện diện ở đó. Họ học đọc, viết tiếng ngoại quốc cũng từ đó. Điều quan trọng, là họ thấy tận mắt đời sống công nhân Âu châu, cùng mức sinh hoạt của những người này.” Đó là mầm mống nổi dậy tại Trung Quốc. (The New Awakening, H.R.I, trang 41-2)
Cuộc nổi dậy của công nhân bị Tưởng giết tàn nhẫn không tưởng tượng được tại Thượng Hải (4-1927), NHL cho là vì lỗi Cộng Sản:
1/ Cộng “nổi dậy sớm qúa”.
Trước khi có nổi dậy Thương Hải, công nhân đã nổi dậy khi chưa có Cộng. 1905 tẩy chay hàng Mỹ, 1919 sinh viên công nhân nổi dậy chông Hòa Ước Vesailles ở Bắc Kinh…đã có Cộng sản ra mặt đâu? (Năm 1921 Trần Độc Tú mới lập Đảng CS).1926 công nhân tẩy chay bốc rỡ hàng Anh ở Quảng Châu, “Hương Cảng” thành “Thối Cảng” rồi thành “Tử Cảng”…đã có Cộng nào xúi bẩy đâu:
Chiếm lĩnh Nhượng địa Anh ở Hán Khẩu là hành động đột xuất của công nhân, ngày 3 tháng Giêng 1927. Họ nổi dậy “không có lãnh đạo, dù từ chính quyền, dù từ Quốc Dân Đảng, hay từ đảng chúng ta…” (Lettre de Shanghai, Paris do Nassonov, Fokine, và Albrecht, Paris, 1927.)
2/Khen Tưởng “có tài cầm quân”.
NHL dẫn chứng Tôn Văn bảo,”Mất 100,000 quân không thiệt hại bằng mất con người ấy (Tưởng)”. Nhưng năm 1923, Tưởng qua Moscow học quân sự. Năm 1924 về, là lúc trường Hòang Phố thành lập, được làm chỉ huy trường. Tôn Văn mất 1925, cho đến lúc đó Tưởng đã đánh trận nào đâu để Tôn Văn phải khen,”có tài cầm quân”? Để đánh Mao có 140,000 quân gốc nông dân trang bị chắp vá, Tưởng có 900,000 quân, dùng chiến thuật gọng kìm với cố vấn là tướng Đức Von Seeckt cùng 300 oanh tạc cơ…không kết qủa gì!
3/ “Học gỉa nào ở Tây phương cũng nhận rằng Tưởng có nhiều đức, có tư cách”.

Thực ra, Tưởng là con rắn 3 đầu:

Rắn Cerberus canh cửa Địa ngục có 3 đầu.
Đầu 1 quay sang phải, trông như Thái Kỷ Đạo, chủ trương bảo thủ của QDĐ ở Quảng Châu, vừa tán thành thuyết cộng tác Quốc Cộng của Borodin, vừa chống cánh Tả QDĐ của Uông Tinh Vệ, vừa sát hại ngầm đại diện Cộng sản Trung quốc. Thuộc nhóm “Tây đồi” của Tôn Văn, chỉ “theo thuyết Tam Dân”, không nhìn nhận Macxít, cho là ngoại lai.
“Tháng Năm 1926, Tưởng Giới Thạch  đến trước Đại Hội Lao Động Tòan quốc ở Quảng Châu, nơi có 500 đại biểu của 400 nghiệp đòan cùng đại diện của 1,240,000 tổ chức công đòan, trong đó có 800,000 thành viên đã tham gia hàng trăm họat động chính trị kinh tế từ tháng Tám năm ngóai, Tưởng trơ trẽn đứng trước các đại biểu công nhân, y tự xưng là “tiểu đệ” (shun ti) với công nhân. Y la to, “Thời này, công–nông nên kết đòan tại Quảng Châu, cùng đánh đuổi bọn phản-cách-mạng, củng cố nền tảng chính quyền quốc gia. Nếu thế, ai cũng thấy là công nông sẵn sàng cùng chiến đấu chống đế quốc, bằng sức mạnh của chính các đại ca ở đây, chẳng cần quân đội.” (“Tragedie of Chinese Rev.” tr. 88)
Đầu 2, giống Tưởng, to tiếng tuyên bố cách mạng quốc gia, cách mạng theo thuyết Tam Dân, và cách mạng vô sản thế giới…là một. Đây là cách lấy lòng Comintern mà Stalin là tiếng nói tối hậu. Nhưng Tưởng chỉ muốn làm cách mạng ngoài miệng, thực tâm chỉ thích tàn sát mỗi khi công-nông nổi dậy. Công nhân bị tàn sát vì họ không phòng bị, bị lừa rằng Tưởng ủng hộ họ làm cách mạng. Tưởng tàn sát họ để làm gì? Bảo vệ họ khỏi “họa Cộng sản”?
Đầu 3, Ngoài chủ trương nịnh nọt lừa đảo công nhân, Tưởng xin tham gia làm hội viên Quốc tế Cộng sản, nhưng mục đích chỉ cốt được trợ giúp tài vật cùng súng ống viện trợ của QTCS để tạo sức mạnh quân sự cho y. Tưởng đảo chánh ngay trong tả phái Quốc Dân Đảng để củng cố độc tài quân sự. Thấy Liễu Chung Khải bị ám sát, Uông Tinh Vệ, Tống Khánh Linh…phải bỏ chạy. Súc mạnh Tưởng chiếm được, chỉ để cho mình, dùng để ủng hộ giai cấp tư sản mại bản, buốcgioa Trung quốc.
“Đức” của Tưởng? Xin hỏi các xác chết công nhân ở Hán Khẩu, Quảng Đông, Hồng Kông, Thượng Hải. (Xác chết công nhân nổi dậy, chỉ ở Quảng Châu (Canton, thủ phủ Quảng Đông) đã đếm được, là 5,700 xác, bó lại như bó củi trên xe bò, đem đi chôn sau tàn sát của QDĐ - Lý Tế Thâm ngày 20 tháng Ba, 1926).
“Tài” của Tưởng? NHL viết,”Ngay kẻ thù của Tưởng, một tướng Nhật, cũng khen:”Tưởng Giới Thạch hơn hai nhà độc tài châu Âu là Hitler và Mussolini nhiều (sic) rất nhiều (sic). Mặc dầu ông ấy chống lại Nhật muốn giải thoát Mãn Châu để ngăn cản sự bành trướng của Nhật, nhưng chúng tôi không thể không nhận rằng ông ấy có tài, giỏi (sic).”(tr.613 Nguyễn Hiến Lê,“Sử T.Q”).
Có lẽ câu này là một câu nịnh sơ hở nhất, dù là tướng Nhật hay tướng Mỹ nào đó mà NHL viện dẫn. Hitler và Mussolini đều hùng biện, có tài vận động quần chúng, thành cao trào một thời. Tưởng làm sao so sánh nổi? Tưởng chỉ đi đêm và được sự ủng hộ của các Bố Gìa trong Xã Hôi Đen, được tay chân chúng là đám du côn Thượng Hải, Quảng Đông họat động cho, để làm Mật Vụ khủng bố cho Tưởng. Tưởng cũng chỉ khéo lấy lòng Tôn Văn…Có vận động nổi cao trào quần chúng bao giờ? Tưởng có bao giờ muốn chống Nhật? - Nếu có, sao có sự biến Tây An? (là vụ Trương Học Lương đã bắt cóc Tưởng, làm Tưởng phải thề thốt kháng Nhật.)
“Tư cách” của Tưởng? Xin hỏi các bố gìa Hòang Ứng Vĩnh, bố già Đỗ Đại Nhĩ, các xóm ăn chơi…cùng các băng đảng ngầm buôn thuốc phiện, các găng tơ chứa thổ đổ hồ ở các thành phố kỹ nghệ, nhóm “Thanh đảng” giúp Tưởng thanh toán Nghiệp đòan, lùng bắt thanh niên tham gia cách mạng cho vào các nhà tù, như nhà tù Long Hoa. Cũng xin hỏi các chủ nhà băng, các tư sản mại bản đã đóng góp tiền cho Tưởng ra sao. Chuyện xảy ra ở khách sạn Majestic đêm 18 tháng Ba, 1926, gọi là “Majestic dinner”, một đêm đánh dấu thỏa thuận của Tưởng với giới tài phiệt Thượng Hải, Tưởng đã được chia chác thế nào, lấy được bao nhiêu tiền đóng góp của tài phiệt. Sau đó, Tưởng ra lệnh cấm công nhân tranh đấu, đình công!

Sự thê thảm của Cách mạng Trung quốc là gì?

Là một cuộc cách mạng vô sản kiểu Mao, vừa theo QTCS, vừa không được Stalin ủng hộ (Stalin chỉ ủng hộ Tưởng). Mao bị Tưởng đuổi chỉ có  trường chinh…đến Diên An; chạy xong thì Tưởng chạy ngược ra Đài Loan…thành Mao chiếm được cả Trung quốc. Mao theo thuyết Stalin, “xã hội chủ nghĩa trong 1 xứ” - xứ nào theo thuyết Mácxít theo kiểu riêng nước ấy…tùy địa phương, tình tự dân tộc của mình một cách tài tình - vừa theo thuyết cộng tác giai cấp (4 giai cấp), để đẻ ra chính quyền Mao từ 1949 cho đến nay.
Chính quyền Mao này, chả phục vụ “giai cấp” nào cả, chỉ phục vụ “giai-cấp-Đảng” thôi; khởi đầu chủ trương lấy nông dân làm sức mạnh, (nông thôn bao vây thành thị). Nhưng sức mạnh nông dân đóng góp không cho nông dân hưởng kết qủa, nên đời sống nông dân không thay đổi gì; đến nỗi thời Đặng Tiểu Bình, ở Trung quốc số phận họ vẫn là, “nông dân thật nghèo, nông dân thật khổ, nông dân thật nguy hiểm.”

(còn tiếp)

Nhà văn VŨ HUY QUANG  (Hoa Kỳ)
Thứ tư, ngày 19 tháng chín năm 2012

(tiếp theo)

Lại nữa,
“Trên tất cả, toàn sức nặng cùng uy tín của Cách mạng tháng Mười cùng Quốc tế Cộng Sản đã không hề đặt sau lực lượng vô sản và nông dân Trung quốc như một lực độc lập riêng rẽ, lại đi làm sức đẩy cho giai cấp tư sản quốc gia. Vì như thế, đưa đến kết qủa là càng đi tới gần cách mạng, càng tan nát, các lãnh đạo Cộng Sản càng bị tận diệt. Cái nền móng tạo ra, về sau lúc nào cũng rung rinh, dù chống đỡ đến đâu cũng vậy. Và đó, là sự thê thảm của Cách mạng Trung quốc.”(Theo H.R.I)
Nhưng sự thê thảm của cách mạng Trung quốc, theo Roy A. Medvedev (R.A.M) thì cho rằng, vì Stalin đã đẻ ra Mao: Chính sách ủng hộ Quốc Dân Đảng của Stalin (Quốc tế 3) là Quốc Cộng hợp tác đã thất bại, nên Tưởng mới thua, Mao mới chiếm đuợc Hoa Lục. Thê thảm khác nữa, là chế độ Mao y hệt chế độ “xã hội chủ nghĩa trong một xứ” của Stalin, xứ nào có kiểu cách mạng của riêng xứ đó, đã đưa đến các nước xã hội chủ nghĩa đem quân đánh nhau (Trung –Xô; Trung-Việt) và cùng nhau đưa đến sự thờ phụng lãnh tụ…một cách lố bịch.
Sự thê thảm cách mạng Trung Quốcđối với Nga Xô-viết, theo Roy A. Medvedev, là vì Stalin ủng hộ Mao, cho nên Mao thành công, mới có chế độ Mao-ist (sẽ nói thêm ở dưới).

Nhưng Stalin là người thế nào?

Sau khi Stalin chết, (1953) thêm vào những thư của Lênin dọa cắt đứt liên lạc với Stalin được khám phá, người ta còn phát giác ra vài tài liệu trong Thư khố đảng, thí dụ, một mảnh viết ngắn của Tito gửi thẳng cho Stalin được tìm thấy trên văn phòng của Đại Lãnh tụ:
“Đồng chí Stalin, [Tito viết] Tôi yêu cầu đồng chí ngưng ngay việc gửi khủng bố đến Nam Tư để giết tôi. Người của tôi đã bắt được bảy tên, một tên đem theo súng lục, tên khác đem theo lựu đạn, tên thứ ba đem theo bom,v.v. Nếu chuyện này không ngưng ngay, tôi sẽ gửi đến Moscow một người của tôi thôi, và không cần phải gửi thêm đâu.(1)“On Stalin and Stalinism” – Roy. A. Medvedev (tr. 145).
Ngay trong mảnh giấy này, đọc kỹ, chúng ta cũng vẫn có nụ cười được, khi người ta nhớ lại câu,”Áo ông trắng giữa mây hồng/Mắt ông hiền hậu miệng ông mỉm cười”, và người ta tự hỏi, không biết “ông” ăn ở thế nào, mà “ông” nhận được lá thư rùng rợn tình đồng chí như thế?
Đối với người không tin có chủ nghĩa Stalin (Staliniêng), thì tiêu biểu là Solzhenitsyn, (Bài phỏng vấn Solzhenitsyn tại Thụy Điển, Russkaya mysl, ngày 16 tháng Giêng, 1975) cho rằng “Stalin là người kế nghiệp Lênin, chỉ theo đường lối Cộng Sản của Lênin một cách mù quáng, máy móc”, là một lý luận không có dạng khác nào sai lầm hơn, làm nền tảng cho việc chống chủ nghĩa Cộng Sản: Stalin do Lênin mà ra. Tóm lại, đó là lý luận sai.
Grigrory Tartakovsky nhận định:
Phải, với sự tai hại của Stalin tạo ra mà chúng ta vô phúc thừa hưởng, chúng ta đã trả gía qúa đắt, cái gíá khủng khiếp trả cho bất cứ thành qủa nào có được trong những năm Stalin lãnh đạo Nga Xô-viết. Đúng thế, phải nhận rằng không còn một đảng Cộng Sản (kiểu Staliniêng) nào bây giờ nữa […] Ngoài ra, vẫn phải nhận rằng vẫn còn có những đảng Cộng Sản như Ý, Pháp hay Thụy Điển…vẫn hùng hồn nhấn mạnh vào sự tin tưởng lý tưởng Cộng Sản, vào sự từ khước đặt niềm tin vào cái chủ nghĩa mà Stalin đã bóp méo, từng cứ bị gọi là Xã hội chủ nghĩa và Cộng Sản chủ nghĩa.” (Vremya I my, #15, 1977, tr. 201-3)
Nhiều người đến nay cũng còn tin Stalin thực hiện Cộng Sản chủ nghĩa song hành chủ nghĩa Dân tộc (Nga). -Thế sao Stalin thủ tiêu chính Dân tộc mình? - Nếu Stalin làm cách mạng, thì sao lại “cách mạng từ trên xuống”?, - Lại vừa diệt nông dân lẫn công nhân? - Phải chăng chuyên chính vô sản là chuyên chính đảng, - Với nước độc-Đảng và Đảng-độc-khối? Đại Nga và Đại Hán có khác gì nhau? Chủ nghĩa Cộng Sản ở các nước Á Châu, trung thành với đường lối Cha già, theo truyền thống, (như ở Bắc Hàn…) được gọi là “Mácxít–Khổng giáo”!

Sao chỉ dưới triều đại Stalin mới có nhiều lối phỉ báng ngược ngạo đến thế?

Chả hạn, Tito là: “1/ Trốtkít, là 2/ Bulkharít, là 3/Phátxít, là 4/ “Đầy tớ đế quốc”, trong khi nay thì không còn ai nhớ rằng ai mới là người bị khoác cho tiếng “Trốtkít” đầu tiên! – Đó là Lênin, phải. Chính Lênin là người đầu tiên bị nhóm sơ khai Bolsheviks-Menshevik đang cãi cọ khoác cho danh hiệu ấy! Nhưng Leo Trốtki lại không bao giờ được gọi là “Trốtkít”…mà chỉ bị là “Gián điệp Đức, Chống đảng, phản cách mạng”…mà thôi! Ngoài ra Bulkharin đã từng bảo Stalin là Trốtkít! Stalin cũng đã tố cáo Bulkharin là Trốtkít!
Trốtkít là chữ thật bí hiểm, được gán cho rất, rất nhiều nghĩa: Găng tơ; Gián Điệp Đức; Gián Điệp Nhật; Ăn tiền của Nhật; Phản Cách Mạng; Kẻ thù thâm độc nhất của Lêninnít; Hút thuốc phiện (tin mới nhất từ Việt Nam, trên Internet năm ngoái); Bôi thuốc độc lên thương binh Cộng Sản, chỗ cần tiếp tế súng đạn thì chúng không đem tới, chỗ không cần chúng lại đem tới; Chống Đảng; Chống Liên-xô…Có khi bắt được là bắn luôn; Có khi đưa ra tòa xử án mới bắn; Cũng có khi không cần xử; Có khi bắt được là bỏ tù luôn…(!) Mặt bên kia của tấm tranh, là Stalin đứng trên đầu toa xe lửa, vung đoản kiếm đánh tan quân thù! Còn Stalin? Chính Stalin giúp cho Mao thống nhất Trung quốc sau Thế chiến II. Rất nhiều học gỉa phương Tây cũng đã nghĩ như thế. Nhưng một học giả Nga, Lev Kopelev nhận định ngược lại:
Cuộc Trường Chinh chỉ huy bởi Mao và Chu Đức trong 1931-33 ngược với chỉ đạo của Comintern. Mao được bầu làm chủ tịch của Đảng CSTQ năm 1935, lên thay người của Comintern là Vương Minh, vì Stalin muốn Vương Minh hợp nhất với QDĐ lập thành ‘Mặt trận Thống nhất chống Nhật’ dưới lãnh đạo của Thống Chế Tưởng Giới Thạch. Từ lúc Nhật chiếm Mãn Châu năm 1931, cho đến tận 1945, Liên bang Xô viết chỉ thực tâm ủng hộ ‘người làng giềng hiếu hòa’ là Tưởng Gới Thạch về mọi mặt. Comintern đã tiếp tế cho Tưởng vũ khí cùng kỹ thuật tác chiến, gửi cho Tưởng cả cố vấn quân sự cùng phi cơ, phi công chiến đấu; trong khi gíup cho quân Cộng Sản (Tứ Lộ quân và Bát Lộ quân) và trong vùng Cộng Sản kiểm sóat thì tòan những lời chúc mừng suông, có chăng là, chỉ gửi qua vài Bác sĩ cùng vài ‘cố vấn chính trị’, mà tòan là nhân viên tình báo, để dò xét ban lãnh đạo CSTQ. Năm 1945, khi quân đội Liên bang Xô viết chiếm Mãn Châu, chính họ đã chặn không cho quân Cộng Sản vào tiếp thu. Năm 1946, Stalin, qua áp lực Anh-Mỹ đòi, phải rút quân Nga khỏi Mãn Châu, thì Mao chỉ được thông báo cho biết tin, sau khi vài sư đòan của Tưởng đã được Mỹ không vận đến Mãn Châu. Dù quân Mao có gần hơn nhiều, quân Cộng Sản chỉ thu được vài kho vũ khí của Nhật để lại, hay thu được một số ‘rất rộng lượng’ từ ‘quân đội anh em’ là quân Nga, như tiếp thu khu giải phóng có đường sắt xe lửa Miền Đông, cũng là chỉ loanh quanh trong khu vực lân cận mà Nga đã chiếm, chuyển cho ‘quân Trung quốc anh em’. Trong những năm 1946-48 ‘quân đội ‘anh em’ này chỉ được trang bị súng ống tịch thu được từ tàn quân Quốc Dân Đảng, là súng của Nhật hoặc Mỹ. Họ cũng thu được số lớn pháo binh Sô viết và súng máy, nhưng là từ các tướng QDĐ đầu hàng. Sự thắng thế của quân Cộng Sản không làm Stalin vui chút nào – thực ra, Stalin còn lo là khác. Đúng vào những năm đó, Nam Tư bắt đầu khởi vẻ khó chịu với Stalin, nên cái kẻ ở miền xa (Viễn Đông) kia là Mao, có thể còn bướng hơn, khó trị hơn, sẽ là kẻ đương đầu nguy hiểm hơn, mạnh hơn so với Tito, cùng những kẻ bướng bỉnh khác - biết đâu được - sau này. Cho nên, khi thắng trận cuối cùng, kết qủa không còn cách gì đảo ngược được, cái thắng của Mao-ít, đang được tâng lên cao trong mọi mặt tuyên truyền, Stalin đòi hủy ngay hiệp ước giao hòan Xe lửa Miền Đông, Tân Cương cùng các căn cứ hải quân ở Lữ Thuận, Đại Liên…Cùng lúc là gài vào bằng được cố vấn quân sự Nga trong tòan thể quân đội Trung Quốc, đến từng đơn vị một. Chiến tranh Triều Tiên do Stalin khiêu khích làm Trung Quốc dính vào, thành một trận chiến tranh cục bộ với Hoa Kỳ, chỉ cốt làm suy yếu Trung Quốc, và tăng gia sự lệ thuộc vào Nga. Đó là tất cả sự thật lịch sử của quan hệ Xô-Trung…”
(Lev Kopelev, Lozh pobedila tolko Pravda, tài liệu chưa phát hành [Bài này mới được thể hiện qua dạng Anh ngữ trong Samizdat Số #1 (Merlin Press, London, 1977 - san nhuận bởi Roy Medvedev.]
(Roy A. Medvedev “On Stalin and Stalinism”, tr. 143-4)

(còn tiếp)

Nhà văn VŨ HUY QUANG  (Hoa Kỳ)
Thứ hai, ngày 24 tháng chín năm 2012
                   
(tiếp theo)

Nhưng có những chuyện khó hiểu hơn:

Sự thật là ngay trước khi Đại Hội Đảng thứ mười chin Stalin còn quá mức lỗ mãng với cả Molotov,Voroshilov và Mikoyan, khi nhiều lần bảo vào mặt họ, rằng họ làm gián điệp cho Anh quốc.Ông ta còn nói với Fadeyev rằng Erenburg và Pavlenko cũng là gián điệp. Thêm nữa, trong phiên họp khoáng đại sau Đại Hội Đảng thứ Mười chin, không ai ngờ Stalin còn đòi được cất khỏi nhiệm vụ, lý do ‘tuổi đã cao’. Nhưng buổi họp, đã không chấp thuận Stalin từ chức (trái với Avtorkhanov thêm vào), còn gây ra trong buổi họp một không khí tôi tớ hơn bao giờ hết với lãnh tụ. Khi Stalin loan báo là ông ta muốn được ra đi khỏi chức vụ ‘để nghỉ ngơi’, phản ứng trong phòng họp náo loạn, từ khắp mọi xó xỉnh của phòng họp vang lên tiếng kêu khóc, nào, ‘Stalin thân yêu’, ‘Ôi cha gìa của con’ vân vân. Các Hội viên trung ương ngồi hàng đầu ghế, sụp xuống đất, qùy gối, kêu gào xin Stalin đừng từ chức. Stalin ‘đồng ý’ với họ, cùng lúc tỏ ra sự không hài lòng với vài thành viên trong Bộ Chính trị…” (R.A.M, “On Stalin and Stalism” tr.157)
Nếu Stalin có thể được yêu đến như thế, ngay với người trong cùng một phòng với mình, thi người chỉ ở xa, cũng có thể tả Stalin, “mắt hiền hậu, miệng mỉm cười…” cũng không có gì là khó hiểu lắm. Kiểm soát được sự suy nghĩ quần chúng bằng bộ máy truyền thông khổng lồ, bền bỉ…làm mất đi sự suy nghĩ độc lập trong xã hội là kết qủa của tâm lý tập thể một thời.
Mặt kia của tuyên truyền tán dương, là tuyên truyền phỉ báng. Phỉ báng lâu dài cũng có kết qủa tương tự. Nhưng phỉ báng mà còn tạo ra được cả những tài liệu mạo hóa một cách hệ thống đi kèm, thì phát hiện được sự mạo hóa phải mất một thời gian rất lâu. Rất hiếm người có khả năng, dám lao tâm khổ tứ làm việc này. Làm sáng tỏ sự bôi nhọ bất công, không phải có lợi cho người đã chết, vậy thì để cho ai? Trước hết, chính là để cho những người từng về hùa với sự bôi nhọ mà không tự biết: Về hùa với sự mạo hóa, là duy trì chướng ngại cho sự hiểu biết, chỉ phá vỡ sự tìm hiểu sâu xa của người khác, cùng là tự mình mất dịp học hỏi rằng, chính mình có quyền tự quyết định: Ý chí tự do, suy nghĩ độc lập mới là quyền cao quý nhất của con người.
Thomas .C. Kuo, tác gỉa cuốn “Trần Độc Tú…” là tìm hiểu ngọn ngành nhất về con người mà, “Nói về lịch sử cận đại Trung Quốc, không ai có thể bỏ quên được Trần Độc Tú.”
Điều trùng hợp kỳ lạ của lịch sử, là 3 nhân vật Stalin, Trotsky, Trần Độc Tú sinh cùng năm: 1879. Trotsky khinh Stalin là dốt; Stalin căm ghét Trotsky vì Trotsky nói sự thật; còn Trần theo Cách Mạng Tháng Mười lại bị họa hại vì cùng khuynh hướng chính trị với Trotsky; mà Trotsky đã nửa đời người, còn muốn học thêm tiếng Trung Quốc…để “đọc Trần Độc Tú”! (Trotsky ngoài chuyện viết tiếng Nga, còn viết được tiếng Slav, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý…và vài ngôn ngữ nữa - mà ông tự nhận là “rất tồi”.)
Cả hai đều tự nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, văn tự rất sớm. (Trần Độc Tú còn là nhà ngữ học xuất sắc). Cả hai đều cùng làm báo rất sớm, cùng họat động cách mạng đồng thời, tuy ở hai nước khác nhau. Cả hai từng là những cây bút nghị luận biệt tài, gây chấn động. Cả hai cùng chung sở thích nghiên cứu và giỏi ngọai ngữ. Cả hai, cùng bị phỉ báng, cùng bị bôi nhọ tột bậc, lâu dài nhất…trong lich sử nhân loại cận đại: Người ăn tiền Đức, người ăn tiền Nhật, cùng phản cách mạng, cùng là gián điệp cho nước ngoài, và cùng phản bội nước mình! Trotsky không được đồng chí cũ nào họat động đồng thời đọc điếu văn sau khi ông qua đời (1940): Các đồng chí bạn đồng hành của Trốt ki đã bị thanh trừng hết; Trần còn được đồng chí - dù bị tù vì cộng tác với mình - mà đến khi được phóng thích, vẫn công khai trân trọng, “được sự lãnh đạo của Trần Độc Tú, là một vinh dự”. Trích:
Chúng tôi tưởng niệm Trần Độc Tú, con người ngọai hạng của chính trị Trung Quốc và thế giới. Để tưởng niệm ông, những người Trốtkít chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn người khác. Chúng tôi nôn nao hồi tưởng lại thời ông còn làm Tổng Bí Thư cho tổ chức của chúng tôi. Đó là điều vinh dự.
(“China’s Urban Revolutionaries” – Gregor Benton, (trang 202) trích lời Trịnh Siêu Lân (Zheng Chaolin) tưởng niệm Trần Độc Tú, - sau khi Trịnh, tù nhân chính trị, nhà họat động Cộng Sản, nhà văn, dịch giả, người đã bị cả hai chế độ Mao lẫn Tưởng bỏ tù tổng cộng 27 năm không tội danh. Sau khi được thả, Trịnh viết những dòng trên khi đã 90 tuổi.)
Những chuyện này xảy ra ở Bác Kinh. Cộng Sản Tàu, xem ra tiến bộ như…Cộng Sản Nga. Vì Nga đã phỉ báng Trốt kít, nhưng chỉ đã rửa tiếng cho Bukharin cùng nhiều người khác, chưa dám rửa tiếng cho Trốtki, cho đến nay, mấy ai dám nhắc gì đến Trốtki. Xem ra, thừa nhận sai lầm trong chính trị, khó hơn cai trị công-nông-binh vạn lần! Ở Trung Quốc, đã rửa tiếng cho Lưu Thiếu Kỳ, Lý Lập Tam…nhưng không đả động gì tới chuyện rửa tiếng cho Trần Độc Tú! Cả hai đều cùng theo con đường của Mác, là con đường quan tâm tới giới lao động nghèo khổ.
Tôi phì cười cho cái những người gọi là “thực tiễn” với sự khôn ngoan của họ. Nếu ai đó muốn thành con bò, thì người đó có thể dễ dàng quay lưng với đau khổ con người, rồi cứ việc chăm sóc cho bộ da của người đó. Nhưng tôi lại coi tôi rất không thực tiễn, nếu tôi chết mà không hòan tất cuốn sách của tôi, ít nhất cũng dưới dạng bản thảo.”
-Karl Marx
Bản tự thuật ghi chữ viết tay của ông, trước khi từ trần 15 tháng sau, trên bản thảo cuốn “Tư Bản Luận”. (Tháng Ba, ngày 14, 1883. London.)
(“CAPITAL”, ấn bản U.S.A 1952. University of Chicago: “I laugh at the so-called “pratical” men and their wisdom. If one want to be an ox one can easily turn one’s back on human suffering and look after one’s skin. But I should have regarded myself as really impractical had I died without finishing my book, at least in manuscript.”

Con đường vào chủ nghĩa Mác của Trần Độc Tú.

Sau Thế chiến I, Hội nghị Hòa bình thế giới đưa đến kết qủa chủ nghĩa quân sự thắng thế (các nước thắng trận chia chác nhau), nên Trần kêu gọi người Trung quốc phải mở rộng con đường đấu tranh, không nên chỉ lấy ái quốc làm phương châm, mà lấy tranh đấu cho nhân phẩm con người và công chính quốc tế (tr. 76-78) thay vì chỉ có biết chống Nhật (Trần Độc Tú, “Những sản phẩm của Nhật chúng ta nên bài bác” (Tháng Giêng , ngày 1, 1920). Chán chường với “dân chủ” Tây phương, Trần lắng nghe ý kiến của John Dewey, với ý niệm dân chủ kiểu Mỹ, là các thành phố độc lập, phát huy theo địa phương, các “hội phường dân chủ” sản xuất để phát triển kinh tế. Với cách mạng Nga thành công, Trần là người Trung quốc đầu tiên hiểu ra thông điệp Bolshevik, và ảnh hưởng của Trần trên sinh viên, trí thức thật lớn. Sau Thế chiến, với ê chề của Hòa Ước Versailles mà các cường quốc chia chác với Nhật trên đất Trung quốc, làm biến cố Ngũ Tứ nổ bùng, do sinh viên Đại Học Bắc Kinh xuống đường phản đối chính quyền Đoàn Kỳ Thụy, rồi thành phong trào tiến tới Xã hội chủ nghĩa khởi đầu từ đó. Trần thấy Lênin đối với Trung quốc còn bình đẳng hơn khi so Tây phương đối với Trung quốc. Lý Đại Chiêu có lẽ là người đầu tiên nhận thức rằng chiến thắng của người Bolshevik là chiến thắng của giai cấp lao động và là chiến thắng của lao động tòan thế giới, cùng khai màn cho làn sóng cách mạng thế giới. (Lý Đại Chiêu, “Chiến thắng của chủ nghĩa Bolshevik”, Tháng Mười, 15, 1918.)
Theo Trương Quốc Đào, Trần quyết định tổ chức ĐCSTQ trước khi Voitínsky đến Trung Quốc, Khi đến Voitínsky đến Trung Quốc, đã tiếp xúc được với Lý Đại Chiêu, qua viên giáo sư Nga dạy ở Đại Học Bắc Kinh, là Sergei A. Polevoy, để sau đó được giới thiệu đến Trần Độc Tú.

Khởi thủy hợp tác QDĐ và ĐCSTQ:

Có 3 lần QDĐ và ĐCSTQ hợp tác: Lần 1, ngày 26 tháng Giêng 1923, Tôn Văn và Joffe ký chung tuyên cáo. Lần 2 ngày 5 tháng Tư 1927, Trần Độc Tú và Uông Tinh Vệ ký chung tuyên cáo. Lần 3, sau sự biến Tây An ngày 29 tháng Chạp, 1936 cả hai đồng ý thành lập “Mặt trận quốc gia thống nhất” không ký văn bản. “Bát lộ quân” thuộc Hồng quân chính thức gia nhập khối quân đội của QDĐ ngày 10 tháng Chín, 1937. (tr.334, H.R.I)
Theo Thomas C. Kuo, cũng thừa nhận hợp tác QDĐ và Liên minh Xôviết, vào ngày 26 tháng Giêng 1923, và hợp tác QDĐ-Cộng sản thành hình qua tuyên cáo chính thức Tôn Văn-Joffe ở Thượng Hải, nhưng sau biến cố chiến hạm Trung Sơn của Tưởng ở Quảng Châu, 20 tháng Ba, 1926, Trần Độc Tú đề nghị võ trang lực lượng Cộng Sản để tự vệ trước Tưởng Giới Thạch, Comintern từ chối đề nghị này. Trần đề nghị đổi chính sách “hợp tác nội bộ đảng” thành “liên minh nội bộ đảng” (hai đảng “nhập một”, khác với hai đảng “liên minh” – hoạt động cùng, nhưng riêng rẽ) cũng bị bác. Moscow gửi Voitínsky lần nữa qua để thi hành chính sách “hợp-tác” như cũ. Sau đó Tưởng mở cuộc tàn sát Thượng Hải. Trần bị tố cáo là phản bội đồng chí. Bị QTCS truất chức bí thư. Sau đó Trần bị điềm chỉ, QDĐ bắt được đưa ra tòa, kết án 13 năm rồi vào tù ở Giang Tô. Đến khi có biến cố Lư Cầu Kiều, Trần thành ra được tạm thích (parole) năm 1937.
Ngày 25 tháng Chạp 1936, Tưởng được thả sau “sự biến Tây An”. Tháng Giêng 1937, một thỏa thuận hợp tác mới, có tên “Mặt trận thống nhất” để chống Nhật giữa QDĐ và CS, thành hình. Tháng Tám 1939, Moscow ký hòa ước với Đức. Hitler chiếm Ba Lan, mở đầu Thế chiến II. Trần thấy thế, coi chế độ Stalin không khác chế độ toàn trị quân sự của Hitler.
Tháng 7 ngày 31, Trần vẫn tin tưởng vào “dân chủ vô sản” (chuyên chính vô sản) vẫn là nền tảng chính cho chủ nghĩa Lênin, qua một văn bản gửi cho người bạn (Lien-ken). Suốt năm 1941, Trần bệnh nặng.
Mùa xuân 1942, sau khi viết 3 văn bản cuối cùng bày tỏ ý kiến riêng về tình hình quốc tế, sự tham gia vào nghĩa vụ quốc tế sau Thế chiến, Trần qua đời (bệnh sơ gan) tại nhà riêng ở Thường Xuân (Chiangchin), Trùng Khánh ngày 27 tháng Năm, 1942.Thọ 63 tuổi.
Cả ba lần hợp tác với QDD Trần không những không đồng ý, đã bị động, đầy thiện ý, còn vướng vào tình thế khó xử, mà vẫn lãnh trách nhiệm trước những tổn thất nặng nề của Cộng Sản, thay cho mọi trốn chạy trách nhiệm của Stalin. Ngày 1 tháng Tư, 1927 bản hợp tác Quốc Cộng được ký ở Thượng Hải giữa Trần Độc Tú và Uông Tinh Vệ. Ngày Tưởng tàn sát Thượng Hải, 27 tháng Tư 1927, thì Trần đang ở trên đường đi Vũ Hán giữa 12 đến 16 tháng Tư, (Thomas C. Kuo, tr. 279) lúc cao triều cách mạng trong Đảng đang xuống. Thế mà khi Tưởng bắn giết công nhân, lùng bắt cán bộ Cộng sản, thì từ Comintern lẫn Đảng CSTQ đều lên tiếng cáo buộc ông…(về sau, thì cả QDĐ cũng bắt Trần cho vào tù). Tất cả tội vạ đổ cho Trần Độc Tú.

(còn tiếp)

Nhà văn VŨ HUY QUANG (Hoa Kỳ)
Thứ sáu, ngày 28 tháng chín năm 2012

Nguyên lai việc tố Trốtkít tại Trung Quốc là gián điệp cho Nhật.

Những vu vạ trắng trợn nhất cho Trần đều có kế hoạch: Bài đầu tiên ký tên Khang Sinh. Khang Sinh là cán bộ học từ Nga về.
Khang Sinh quê ở Tượng Sơn, mạn đông Sơn Đông. Năm 1921, học trong lớp dạy của Cù Thu Bạch tại Đại Học Thượng Hải, rồi gia nhập Đảng CS. Giữa 1925-28, hoạt động trong phong trào Nghiệp đoàn do Tường Dĩnh, lúc ấy là bí thư phân bộ Thượng Hải, lãnh đạo. Sau được làm nhân viên an ninh cho ban An ninh chính trị Thượng Hải. Sau cuộc tan rã hợp tác Quốc Cộng năm 1927, Khang Sinh sang Moscow du học, ở đó cho đến 1937 thì về Trung Quốc - cùng Vương Minh (tên họat động của Trần Thiếu Vị) và Trần Vân. Rồi là thành viên trong ban Tổ chức tại Diên An, phụ trách về An ninh tình báo. Khi Khang Sinh viết bài tố Trần Độc Tú là Trốtkít và là gián điệp Nhật, nhiều người cũng đoán ngay lý do Đảng CSTQ hẳn có chủ ý khi ĐCSTQ để Khang Sinh là người đứng tên bài tố cáo đó.
Trong những năm Trần tạm thích, ông sống ở Nam Kinh, thời kỳ mà Trần muốn giải tỏa mọi nghi ngờ ông sẽ lập chính đảng khác. Ông thường nói với người thân cận rằng ông sẽ không có ý định đó. Trước khi Nam Kinh rơi vào tay quân Nhật tháng Chạp 1937, (do Tưởng đánh điện ra lệnh cho Tướng Đường Sanh Chí rút lui, bỏ Nam Kinh cho Nhật ngày 11, đến ngày 13 thì quân QDĐ rút xong hết) Trần đã đi Vũ Hán, ở đó ông diễn thuyết vài lần, kêu gọi chống Nhật. Cùng lúc ông viết những bài nghị luận trên “Chính Luận tuần báo”, “Dân Ý tuần báo”. Tư tưởng của ông vẫn được quần chúng kính trọng, nhưng không được lòng Đảng Cộng Sản.
Trên số tuần báo Tiền Phong, cơ quan ngôn luận chính của Đảng CSTQ ở Diên An, có bài trong mục “Diễn Đàn” (mục chính luận cốt yếu), đăng ngày 20 tháng 11, 1937, nhan đề “Ông Trần Độc Tú đi đâu?” Bài viết gỉa vờ như thấy quan điểm của Trần Độc Tú mới đây, tuy khác với tư tưởng của nhóm Trốtkít Trung quốc, khi mà ông kêu gọi đoàn kết chống Nhật để được quần chúng ủng hộ, nhưng bài báo chỉ trích tư tưởng ông thực ra không biết làm cách nào để thực hiện mục đích. Cơ quan ngôn luận của Mao chêm lời bình luận,
“Tư tưởng của ông Trần vẫn là tư tưởng thời Ngũ Tứ Vận Động – tuy thân thể đang tự do, nhưng tinh thần vẫn còn ảnh hưởng tâm lý tiểu tư sản”.
Sau đó, một bài dài hơn nữa cũng của Khang Sinh, “Để tiêu diệt Nhóm Trốtkít là gián điệp cho Nhật và là kẻ thù chính của quốc gia” (“Chỉnh Phong” số 29-30, ngày 28-29 tháng Giêng, 1938) trong đó tố cáo,
“Ông Trần và “bè lũ Trốtkít” dung dưỡng cho sự xâm lăng của lính Nhật “để đổi lấy viện trợ tiền bạc của Nhật”.
Ngay hôm sau, trên các báo chính ở Vũ Hán, như “Đại Công Báo”, “Vũ Hán nhật báo”, “Sao đảng nhật báo” đều đăng Thư Ngỏ của những trí thức tên tuổi, các Lãnh tụ Quốc Dân Đảng, các ký gỉa, đồng thanh phản bác, rằng “những giọng lưỡi của kẻ ngọai cuộc không có quyền can thiệp vào đường lối, lý tưởng của Đảng CSTQ”.
Thế mà, báo Cộng Sản tại Diên An, như “Chỉnh Phong”, “Tín Hoa nhật báo”, sau đó vẫn buộc Trần là gián điệp một cách vô sở cứ như cũ – dù,
Tư cách cùng nhân phẩm của ông Trần đối với quốc dân không ai chối cãi được, và những kêu gọi kháng Nhật của ông thì dân Trung quốc, ai cũng biết. Chữ “Phản bội” chính ra để chỉ ngược lại cho những kẻ tố cáo ông.” (“Đại Công Báo, tháng Ba, 16-1938).
Mọi cáo buộc nêu đích danh Trần Độc Tú đã phải chấm dứt ngay từ hồi đó.
(Cách đây vài năm, có lần cạnh ngay nhà, tôi có quen vợ chồng hàng xóm người Trung, cựu sinh viên Bắc Kinh qua Mỹ làm việc. Khi hỏi họ về Trần Độc Tú, họ trả lời ngay, như cái máy - rằng Trần là “người sai lầm, hợp tác với Nhật”. Chúng tôi không có dịp tiếp xúc thêm nữa. Những điều họ phát biểu, là điều họ được dạy từ trong sách giáo khoa hồi nhỏ. Nhưng thế mới biết, phỉ báng có tác dụng lâu bền thật.)
Giọng lưỡi tố cáo của Khang Sinh này, nghe quen thuộc lắm, nhất là trùng với thời kỳ Đảng CSTQ ở Diên An. Lại liên tưởng tới “Tọa Đàm Diên An”, “Mao Thoại” cùng những oan khuất của nhiều nhà văn muốn li khai khỏi quyền lực chính quyền.
Nhưng sự thê thảm nhất của thế hệ chúng ta, là chúng ta đã không hiểu nhiều nhặn gì về chủ thuyết Cộng Sản đã đành, chúng ta cũng chẳng hiểu lắm về chủ thuyết Tam Dân.
Khi mà các luồng sóng tư tưởng chính trị thế giới tràn tới Trung Quốc năm 1919, Quốc Dân Đảng mới từ đó mà thành hình. Những “quyền” mà họ đòi cho được, đều lấy quyền lợi của giới trí thức tư sản bảo thủ làm chính, là yếu tố triệt sản cho tương lai, là thành tố bất lực cho đấu tranh. Họ không có thực lực nào cả, tùy thuộc hoàn toàn vào những quyền lực thực sự đang nắm trong tay các sứ quân. Tôn Dật Tiên, lãnh tụ của phái trí thức tư sản triệt để này, đem chiêu bài có vẻ trí thức du học là Tam Dân chủ nghĩa, (dân tộc, dân quyền, dân sinh) không kế họach nào, chỉ muốn hoạt động với mục đích là sử dụng quân lực của các sứ quân nào quyền bính lúc ấy, chống với phe yếu thế hơn hầu thống nhất giang sơn. (Sun Yat-sen, The International Development of China, New York 1922, p.xi; Memoir of a Chinese Revolutionary, London, 1927, pp. 179-83). Cho nên ngày 16, tháng Giêng, 1922 khi Tôn đòi cách chức Trần Quýnh Minh, Tôn không biết mình chỉ hữu danh vô thực, lại đòi sử dụng quyền Tổng Thống mà không thực quyền, Trần Quýnh Minh đã cho quân bao vây dinh Tổng Thống của Tôn ở Quảng Châu, làm Tôn phải chạy trốn ra chiến hạm, ở đó năm-mươi-bốn ngày.Thuyết Tam Dân không có gì cụ thể, lại mơ hồ (Trần Độc Tú phê bình là chủ thuyết đống rác, tên “vua con Phổ Nghi” nói Tam Dân cũng được) thì làm sao có thể làm cách mạng Trung Quốc? “Dân tộc” của Tôn Văn, là chủ trương lấy dân đa số lấn dân thiểu số (Tạng Mãn Hồi Mông, sẽ được ớ dưới dân tộc Hán, là “TỘC” có số đông nhất. “Dân quyền”, không dính gì đến dân chủ hết, quần chúng chỉ coi như đang trong thời kì giám hộ của Tôn Văn và các lãnh đạo khác của QDĐ, rồi dân sẽ tiến tới thời kì tự quyết sau. Không có gì là ý niệm dân chủ phương Tây dính đến “Dân quyền” của Tôn Văn cả. “Dân sinh”, trong một nước nông nghiệp, thì Tôn Văn đề rằng, “giới hạn tư bản” và “bình hóa quyền sở hữu đất đai”, hai công thức bao quát với nhiều thay đổi cách giải thích thế nào cũng được coi là đúng. “Giới hạn tư bản”, Tôn Văn chỉ tỏ ý giữ cho Trung Quốc không rơi vào tay người nhiều vốn (tư bản) qua ngả đầu tư ruộng đất (?), còn “bình hoá quyền sở hữu đất đai”, Tôn Văn cho là kế họach để điều chỉnh sự bất công đã bóp nghẹt thôn quê, để cho, ”ai đã sở hữu đất trong quá khứ cũng không bị thiệt”. Kế họach là sẽ được giải quyết bằng cách lượng lại giá đất “với sự thỏa thuận của địa chủ”, và mọi chuyển nhượng đất đai trong tương lai sẽ do nhà nước chỉ định gía cả. Sức mua sẽ do chính quyền định giá sao cho thích hợp với dân cày. (Tôn Dật Tiên, “Tam Dân Chủ Nghĩa”, Thượng Hải 1927, tr.431-34). Nhưng bao năm trời, Tôn không minh định chính sách này, vì ngại đụng chạm đến những thành phần trong QDĐ vốn là đại địa chủ. Tôn không bao giờ đề cập đến đấu tranh giai cấp, cùng sự tham gia đông đảo quần chúng vào cách mạng Tam Dân.
Quốc gia chủ nghĩa của Tôn Văn cũng không làm gì để chống các ông chủ ngọai quốc đại diện của đế quốc đang ở trên đất Trung Quốc. Cho đến khi làm Tổng Thống (Tổng Lý) Trung Quốc, Tôn Văn chỉ tỏ thái độ khúm núm, hứa cho các ông chủ nước ngoài đang hiện diện Trung Quốc sẽ có đặc quyền trong tương lai, để “hai bên cùng có lợi” khi Trung Quốc phát triển kỹ nghệ, kinh tế về sau. Một khi triều đình Mãn Thanh sụp đổ, Tôn Văn hứa - nhất định những trái khoán mà nhà Mãn Thanh còn nợ đế quốc, chế độ Dân Quốc mới sẽ lãnh trả. Sau Thế chiến, Tôn Văn hi vọng các ông chủ mới thắng trận sẽ ban phúc, giúp đỡ QDĐ để có sự “hợp tác” mà “hai bên cùng có lợi”. Cho nên đã “ngây thơ” tin là sẽ có sự hợp tác chân thật giữa Trung Quốc và các Đế quốc: Trung Hoa Dân Quốc sẽ cùng Đế quốc đồng “thịnh vượng kinh tế”. Ông ta hi vọng mối thơ mộng đồng quê này với đế quốc, cùng hát khúc ca ngày mùa với họ…sẽ làm cho “đấu tranh giai cấp” không bao giờ xảy ra, và “mâu thuẫn giữa các nước tư bản với nhau” sẽ tránh được trong tương lai. ”Không bao giờ có Thế Chiến nữa, như ý muốn của Tổng Thống Wilson và Hội Quốc Liên”! (The Chinese Social and Political Science Review, Peiping, April-October, 1934, p.113)
Ngay trong năm đầu tiện chống Nhật, giai cấp buốcgioa Trung Quốc chỉ chiến đấu phòng thủ. Thành qủa chỉ làm tiêu hao được Đế quốc Nhật, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ không hiệu qủa gì cho việc chặn Đế quốc tấn công, và cũng chắc chắn là không đưa tới mục đích giải phóng quốc gia. Vẫn sợ giai cấp lao động hơn là sợ đế quốc, buốc gioa Trung Quốc chỉ còn trông vào Hoa Kỳ và Anh quốc viện trợ. Các thế lực này, chưa chuẩn bị cho việc bá chủ Thái Bình Dương, chỉ viện trợ nhỏ giọt cho QDĐ, trong khi liên hệ ngọai giao của họ với Nhật chưa ngã ngũ.. Áp lực của Mỹ với Nhật, chỉ trong mục tiêu là cuộc tranh giành ưu thế Thái Bình Dương. Những phản đối văn bản đối với Nhật, chỉ là chuẩn bị cho tuyên truyền trong dư luận quần chúng Mỹ, và dọn đường cho việc tung ra mặt trận mới bằng chiến hạm, bằng ưu thế không quân từ các căn cứ dưới đất. Nga Xôviết, thì nội bộ đang khủng hỏang, chỉ trợ giúp QDĐ cho có bề mặt…Cho nên khi giới lãnh đạo buốc gioa Trung Quốc, chỉ còn trông vào hoặc Nhật, hoặc Anh-Mỹ, dùng bên này chống bên kia, không trông mong gì vào quần chúng. Cuộc chiến chống đế quốc Nhật chỉ đi đến thắng lợi nếu như được quần chúng ra sức ủng hộ, một khi họ ý thức là cuộc chiến đấu của họ là cho chính họ. Không có được điều này, thì không bao giờ có kết qủa gì. Đây là điều QDĐ không bao giờ hiểu.
Sự tan rã của quân đội QDĐ không do tài cầm quân của Mao-Chu mà ra. QDĐ là đảng của tư sản, hậu thuẫn của nó là giới tài phiệt. Khi chiến tranh kéo dài 8 năm, thu hút rất nhiều phí tổn, đồng thời kỹ nghệ, thương mại đình trệ, kinh tế tê liệt làm lạm phát đến một mức chưa bao giờ thấy, chỉ có chết chóc và nạn đói trước mắt làm quần chúng, kể cả tư sản, kể cả giới chức cấp dưới, nền móng của chính phủ QDĐ cũng muốn chấm dứt sự ủng hộ QDĐ. Cuối Thế Chiến, chính giai cấp buốcgioa Trung Quốc đã kiệt quệ cũng chán ngán Tưởng, Chế độ của Tưởng bị thối rữa tận gốc…Sự trông chờ tiếp viện của QDĐ chỉ còn trông vào một mình Mỹ.
Khi Nhật đã bị quét khỏi Trung Quốc, đế quốc Anh – lúc đó rất yếu, cũng chỉ rút về Hồng Kông và Cửu Long. Đế quốc Mỹ duy nhất còn lại chỉ muốn độc chiếm thị trường Trung Quốc qua sự trợ giúp tay sai Đế quốc của Tưởng, sẽ cùng phối hợp chống Sô-viết. Đó là lúc Mỹ đổ viện trợ vật lực cho Tưởng. Khi Mỹ nhận ra sự thối nát của chế độ Tưởng cùng sự tăng trưởng tiềm lực của Mao, đã gửi tướng Marshall đến Trung Quốc, với kế hoạch đặc biệt là thuyết phục Tưởng cùng lúc cải tổ chế độ, cùng lúc thỏa hiệp với Mao, chờ thời cơ.
Nhưng Tưởng vì ngu xuẩn, bướng bỉnh, lại là đại diện cho giai cấp buốc gioa và địa chủ Trung Quốc, chỉ điên cuồng chống Cộng, đã từ khước. Chính sự từ chối đề nghị Marshall là việc Tưởng làm hòa với Mao, đã giết chết kế hoạch Marshall, cho nên Mỹ bỏ mặc cho Tưởng chống Mao. Thêm vào đó, tình trạng cuối Thế Chiến không cho phép Mỹ tự tạo ra, hay mở một cuộc chiến mới với bất cứ đồng minh nào. Xong Thế chiến, là lúc lính Mỹ đòi hồi hương. Hoa Kỳ không thể đơn độc phát động một thế chiến khác để chống Sôviết - điều mà ngay cả đồng minh của Mỹ là đế quốc Anh cũng phản đối. Cho nên khi quân Mao phản công, lính Mỹ cũng rút, bỏ mặc chế độ Tưởng. Quần chúng nghèo khổ dĩ nhiên không muốn chiến đấu cho giai cấp buốc gioa, chính quân lính, cán bộ của QDĐ cũng muốn bỏ mặc Tưởng. Hoa Kỳ thì đứng ngoài, giữ thái độ “Chờ và xem” (Wait and see”). Đó là hậu quả thêm vào lí do vì sao quân Tưởng tan rã, bỏ súng tháo chạy trước khi gặp địch.
Nhưng thôi, để dịp khác, sẽ xin nói tiếp chuyện sử sách. Nếu có dịp, để thấy thủ đoạn tiêu biểu “chống Cộng điên cuồng“của Tưởng Giới Thạch, chúng tôi sẽ trở lại lịch sử Trung Quốc trong thời kỳ này: “Cuộc chính biến của QDĐ ngày 12 tháng Tư 1927 tại Thượng Hải.”
Bởi vì còn các nạn nhân khác, còn những điều bị che đậy khác, và những bi thảm mà chúng ta chỉ biết loáng thoáng bấy lâu …

VHQ
7-2012






No comments:

Post a Comment

View My Stats