Monday, 22 October 2012

SỰ SỤP ĐỔ CỦA BẠC HY LAI - DI SẢN CỦA MAO (Le Monde / Thụy My RFI)




Le Monde

Được đăng bởi Thụy My RFI vào lúc 21:55
Chủ nhật, ngày 21 tháng mười năm 2012

(Le Monde 15/10/2012) Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình được xây dựng để ngăn chận những cực đoan của chủ nghĩa mao-ít, với việc từ bỏ đấu tranh giai cấp, thiết lập cơ chế tập thể lãnh đạo và việc chuyển đổi quyền lực một cách có tổ chức. Và theo một thỏa ước kỳ lạ, mà việc đóng băng cải cách chính trị sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 càng làm đậm nét : vừa cộng sản lại vừa tư bản. Duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng vẫn mở cửa cho cạnh tranh và cho nền kinh tế.

Bạc Hy Lai, mà đảng Cộng sản vừa khai trừ để có thể đem ra xét xử, là hiện thân sống động của mâu thuẫn to lớn đó. Ông Bạc vừa rất « đỏ » ở Trùng Khánh, lại vừa nổi bật trong lãnh địa trước đó ở Đại Liên với sự năng động của mình. Ông ủng hộ các công ty tư nhân, nay đã trở thành những tập đoàn lớn của Trung Quốc.

Việc chuẩn bị cáo buộc ông Bạc với các tội trạng được mở rộng là lạm dụng quyền lực và tham nhũng, như Tân Hoa Xã đã đưa tin hôm 28/9, đã làm tăng đáng kể thách thức cho ê-kíp lãnh đạo sắp tới, sẽ được đại hội Đảng thứ 18 ngày 8/11 bầu ra. Tập thể lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ sẽ phải tìm được những câu trả lời thỏa đáng cho những xáo trộn mà thành viên xuất sắc của giới quý tộc đỏ, cách đây một năm muốn vào Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã trở thành kẻ giơ đầu chịu báng.

Có hai biến động vừa bền bỉ vừa mang tính biểu tượng cao. Đầu tiên là quan hệ với chủ nghĩa mao-ít. Lấy cảm hứng từ chủ nghĩa duy ý chí mang tính xã hội của « cánh tả mới » ở Trung Quốc, và các tư tưởng được phái Tân Mao truyền đạt, « mô hình Trùng Khánh » do Bạc Hy Lai thực hiện cố gắng chữa trị những biến tướng của « nền kinh tế thị trường theo hướng xã hội chủ nghĩa » (bất bình đẳng ngày càng tăng, tham nhũng…). Bạc Hy Lai sử dụng những phương thức trừng phạt triệt để như trong chiến dịch chống mafia, nhân danh đạo đức cộng sản : sự trong sáng cách mạng. Thế nhưng những « tội danh chủ yếu » mà người kiến trúc sư của mô hình Trùng Khánh bị cáo buộc, đã làm mất đi sự khả tín của giải pháp quản lý này.

Điều này dẫn đến sự xáo trộn thứ hai, đó là nạn tham nhũng có hệ thống trong các gia đình và phe nhóm mở rộng của các lãnh đạo. Cùng với các anh chị em mình và các bạn làm ăn, Bạc Hy Lai và vợ tiêu biểu cho cơ cấu « một gia đình, hai chế độ » trong giới cầm quyền - một thành viên trong gia đình làm chính trị, còn những người khác làm kinh doanh - mà nhà nghiên cứu Hà Thanh Liên (He Qinglian) đã tố cáo từ năm 2000. Các công cụ chống tham nhũng hiện nay vẫn không đụng chạm đến chiến thuật kiếm tiền trên, vì chính nhờ nó mà các gia đình lãnh đạo có thể kết hợp làm kinh tế.

Tại Trùng Khánh, ông Bạc đã lăng-xê một cách thái quá « nền văn hóa đỏ » được gắn liền với Mao Trạch Đông, và tái sử dụng các phương pháp độc đoán đối với các kẻ thù của nhân dân. Tất cả vì mục đích vừa tảo thanh vừa mang tính chính trị : tái lập quyền lực từ địa bàn Trùng Khánh, nơi mà vị « thái tử đỏ » vẫn còn bất mãn vì bị « lưu đày » năm 2007. Tờ báo chính thức Quang Minh nhật báo đã lên án Bạc Hy Lai, ngay sau hôm ông này bị chính thức khai trừ đảng, là đã sử dụng đến « một mô hình chính trị sai lạc (tức Cách mạng văn hóa) đã đưa Trung Quốc đến một thảm họa chưa từng có ».

Hơn nữa, điều này còn nằm trong tinh thần « Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử Đảng từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ». Cái « lịch sử được thương thảo » về di sản của Mao Trạch Đông, được ĐCSTQ thông qua vào năm 1981, nhận định là Mao đã phạm phải « sai lầm khuynh tả nghiêm trọng » trong Cách mạng văn hóa, nhưng vẫn xác nhận những đóng góp của Mao - theo như câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình : « Mao, đó là 70% tích cực và 30% tiêu cực ». Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã nhắc đến nghị quyết trên khi công bố việc ngưng chức Bạc Hy Lai hồi tháng Ba.

Thế nhưng nếu ngày nay Đảng Cộng sản thấy cần phải nhắc nhở ranh giới « tả khuynh » không được vượt qua, thì có lẽ nhận định năm 1981 đã bắt đầu lỗi thời. Và việc dựng dậy Mao Trạch Đông cho các mục đích chính trị và dân tộc chủ nghĩa, trong một Trung Quốc hậu Thiên An Môn, đang đạt đến những giới hạn cuối cùng - theo nhận xét của giáo sư Ben Xu, trong cuộc hội thảo về việc vận dụng tư tưởng Mao, do Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Pháp tổ chức tại Hongkong.

Từ ba thành tố của chế độ mà Mao là cha đẻ, lý thuyết đấu tranh giai cấp từ lâu đã bị xếp xó. Chỉ còn lại chủ nghĩa xã hội của Mao, nối kết với đạo đức trong sạch và chủ nghĩa duy ý chí trong những năm tháng khốn khó. Giáo sư Xu làm việc tại Hoa Kỳ giải thích, trong một Trung Quốc đầy ắp hàng hóa ngày nay, chủ nghĩa trên không còn được ai tin tưởng, và những hành động thái quá của Bạc Hy Lai lại tặng thêm một cú đòn mới. Cho đến nỗi đã làm nhiễm độc trụ cột cuối cùng của chế độ : đó là nguyên tắc độc đảng. Nào ai biết được, khi phơi bày bấy nhiêu vụ tham nhũng và lạm dụng quyền lực của Đảng, lại không dẫn đến việc suy luận Mao chính là cội nguồn của « tội tổ tông » ?

Trong cùng một cuộc hội thảo trên, giáo sư Thụy Điển Torbjörn Lodén của trường đại học City University ở Hongkong cho rằng, nạn tham nhũng « là do sư độc quyền chính trị của Đảng, và khả năng các nhà lãnh đạo ban phát ân huệ cho thân nhân mình hay các đối tác làm ăn của mình », hơn là những lệch lạc của việc tự do hóa, như quan điểm của phe Tân Mao.

Khi hạ bệ Bạc Hy Lai, Trung Quốc qua đó đã gián tiếp thanh toán một mảng di sản của Mao Trạch Đông ? Có thể lắm chứ !

Mời đọc lại:








No comments:

Post a Comment

View My Stats