Thursday 4 October 2012

QUYỀN CON NGƯỜI TẠI VIỆT NAM (Nhất Nam)





Nhất Nam
Thứ Sáu, 05/10/2012

Quyền con người là sự kết tinh những giá trị cao đẹp nhất trong nền văn hóa của nhân loại, được hình thành với sự đóng góp của tất cả các quốc gia, dân tộc, giai cấp, tầng lớp và cá nhân con người trên trái đất.

Năm 1945, tổ chức Liên hợp quốc được thành lập, quyền con người đã được quy định cụ thể trong hàng trăm văn kiện pháp luật quốc tế, trở thành một hệ thống tiêu chuẩn pháp lý toàn cầu được mọi quốc gia tôn trọng và thực hiện. Không dừng lại ở đó, hiện nay, các quốc gia, dân tộc trên thế giới đang hướng tới xây dựng một nền văn hóa nhân quyền, một khái niệm và mục tiêu rộng hơn so với thực thi các quy định pháp luật về nhân quyền, nhằm giáo dục, phổ biến, bảo vệ quyền con người.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về quyền con người, tuy nhiên định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc được đánh giá là tiệm cận với vấn đề nhân quyền, theo đó: Quyền con người là những đảm bảo pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người.

Hiện nay, trên thế giới có hai cách tiếp cận quyền con người:

- Thứ nhất, học thuyết quyền tự nhiên là các quyền không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay nhà nước nào và không một chủ thể nào, kể cả các nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người; t
- Thứ hai, học thuyết quyền pháp lý cho rằng các quyền con người không phải là những gì bẩm sinh, vốn có một cách tự nhiên, mà phải do các nhà nước quy định trong pháp luật. Đây là học thuyết được phần lớn các quốc gia trên thế giới vận dụng trong việc thực thi quyền con người, quyền pháp lý đã giới hạn quyền con người trong khuôn khổ pháp lý và phụ thuộc vào lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội, điều này xuất phát từ thực tế hiện nay các quốc gia, chủ thể vi phạm nhân quyền thường là các cơ quan công quyền, công chức nhà nước hoặc các chủ thể khác có quyền lực trong xã hội. Như vậy, quyền con người có được bảo vệ hay không phụ thuộc vào ý chí, quyền lợi giai cấp thống trị, và sự nỗ lực của mỗi người dân trong xã hội đó. Về vấn đề này, ngài Sérgio Vieira De Mello, nguyên Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc, người đã tử nạn khi đang làm việc tại chiến trường I-Rắc năm 2003, từng phát biểu: “Văn hóa nhân quyền có được sức mạnh lớn nhất từ những mong muốn và hiểu biết của mỗi cá nhân. Trách nhiệm bảo vệ nhân quyền thuộc về các nhà nước. Nhưng chính những hiểu biết, tôn trọng và mong muốn về nhân quyền của mỗi cá nhân là điều mang lại kết cấu và sức bật hàng ngày cho nhân quyền”.

Ở Việt Nam, quyền con người được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Như vậy đã rõ, Việt Nam vận dụng học thuyết quyền pháp lý trong thực thi và đảm bảo nhân quyền, và nhân quyền ở Việt Nam chỉ được bảo vệ, đảm bảo trong pháp luật quốc gia, sau đó mới đến các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Nhà nước Việt Nam đã đề cao pháp luật quốc gia hơn văn bản pháp lý quốc tế. Điều này thể hiện bản chất giai cấp trong đảm bảo quyền con người, đặt quyền con người dưới lợi ích giai cấp, nhằm duy trì địa vị thống trị xã hội, vô hình chung đã cản trở sự phát triển của tự nhiên của quyền con người.

Chính phủ Việt Nam kể từ ngày thành lập (1945), đã tham gia phần lớn các Công ước quốc tế về đảm bảo quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị…và hàng loạt văn bản pháp lý quốc tế khác.

Tuy nhiên, theo báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ, Anh về tình hình nhân quyền và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, cho thấy tồn tại nhân quyền lớn nhất tại Việt Nam trong những năm qua là sự giới hạn nghiêm ngặt từ phía chính quyền đối với các quyền chính trị của công dân; việc gia tăng các biện pháp hạn chế quyền tự do dân sự cũng như vấn nạn tham nhũng trong hệ thống tư pháp, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Những vi phạm nhân quyền được nêu lên trong bản báo cáo bao gồm sự ngược đãi vẫn tiếp diễn của cảnh sát đối với các đối tượng trong quá trình bắt giữ, chẳng hạn như sử dụng các biện pháp có thể gây tử vong hay các điều kiện giam giữ khắc nghiệt; việc bắt giữ tuỳ tiện những nhà hoạt động chính trị và không tiến hành xét xử công bằng và nhanh chóng những đối tượng này.

Ngoài ra, bản báo cáo cũng chỉ ra nạn lạm quyền chính trị, tham nhũng tràn lan và sự thiếu hiệu quả đã bóp méo hệ thống tư pháp. Chính phủ không ngừng hạn chế quyền riêng tư và tự do bày tỏ ý kiến, ngôn luận, tụ tập, hội họp; tình trạng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến tăng cao. Bản báo cáo cũng cho hay, Chính phủ ngày càng hạn chế quyền tự do internet cũng như được cho là có liên đới đến nhiều vụ tấn công vào những website chỉ trích Nhà nước, theo dõi các nhà blogger bất đồng chính kiến, bắt giam và gây áp lực đối với nhiều blogger ở trong nước. Ngày càng nhiều blogger và các nhà hoạt động hòa bình đã bị bắt và bỏ tù theo luật về an ninh quốc gia.

Chính sách tôn giáo của Nhà nước được áp dụng không đồng đều, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo vẫn tiếp tục xảy ra ở các địa phương, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền duy trì sự cấm đoán đối với các tổ chức nhân quyền độc lập, hạn chế quyền thành lập và tham gia công đoàn độc lập của người công nhân.

Việt Nam không chỉ vi phạm nghiên trọng nhân quyền các quyền chính trị, mà còn vi phạm trong quyền dân sự, hàng loạt vi phạm trong các vụ vi phạm trong quản lý, thu hồi đất đai của nông dân, điển hình là vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), vụ Văn Giang (Hưng Yên) và hàng loạt vụ di dời dân để làm thủy điện, nhưng không chăm lo tái định cư…cho thấy chính quyền vi phạm nghiêm trọng quyền con người trong thu hồi đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, kẻ hở của hệ thống pháp luật, để kẻ có chức có quyền trục lợi; đồng thời cũng cho thấy xuất hiện lợi ích nhóm, một số chính sách trong phát triển kinh tế không vì lợi ích cộng đồng, mà vì lợi ích một nhóm người, lợi ích giai tầng trong xã hội.

Trong nỗ lực nhằm cải thiện quyền con người tại Việt Nam, có rất nhiều cá nhân, tổ chức cộng đồng người Việt tại hải ngoại, cũng như trong nước, không mệt mỏi đấu tranh, dấn thân, gây áp lực buộc Chính phủ Việt Nam phải đảm bảo, thực thi nhân quyền. Đầu năm 2012, cộng đồng người Việt tại Mỹ, đại diện là tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, nhạc sĩ Trúc Hồ…cùng hàng trăm người ký thỉnh nguyện thư nhân quyền gửi đến Nhà trắng, đề nghị Chính phủ Mỹ dùng ảnh hưởng của mình gây áp lực yêu cầu Chính phủ Việt Nam thả tự do vô điều kiện cho những nhà hoạt động dân chủ đang bị giam giữ, cụ thể là linh mục Nguyễn Văn Lý, Hoà thượng Thích Quảng Độ, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, blogger Điếu Cày, blogger Tạ Phong Tần, nhạc sĩ Việt Khang... Có thể nói nỗ lực nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam của cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã gây được sự chú ý, ảnh hưởng nhất định đối với chính giới Mỹ.

Song song đó, rất nhiều nhà hoạt động dân chủ trong nước cũng đang ngày ngày tranh đấu vì những giá trị của tự do, dân chủ, dù họ có thể bị đàn áp, bỏ tù bất kỳ thời điểm nào. Thực tế, những gì đang xảy ra thời gian gần đây cho thấy, rất nhiều nhà hoạt dân chủ bị “khủng bố” tinh thần và đặc biệt là việc chuẩn bị xét xử blogger Điếu Cày, blogger Tạ Phong Tần, một lần nữa réo lên tiếng chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Nhất Nam

Sài Gòn, tháng 9/2012.






No comments:

Post a Comment

View My Stats