Saturday 13 October 2012

QUÁN VIỆT QUANH ĐẠI HỌC BERKELEY (Bùi Văn Phú)




10/13/2012

Tôi tốt nghiệp Đại học Berkeley năm 1983. Ba mươi năm qua, sau một thời gian làm việc ở nước ngoài, về lại Mỹ vẫn quanh quẩn bên ngôi trường mình đã chọn làm quê hương nên có nhiều kỉ niệm với nơi này, từ sinh hoạt sinh viên đến hàng quán.

Những cuối tuần có đấu bóng bầu dục tại Memorial Stadium, như cuối tuần vừa qua, phố xá rất tấp nập. Hàng quán đắt khách.

Thời xưa, sinh viên Việt đa số sống trong kí túc xá nên việc nấu nướng ít phải lo, thỉnh thoảng ghé vào La Vals uống bia, nhâm nhi pizza hay ăn ở Top Dog.

Top Dog nay vẫn còn nhưng La Vals thì không. Tiệm pizza dưới hầm này thời đó sinh viên Việt hay kéo vào sau những buổi văn nghệ và đã có lần đem đàn vào tiệm hát hò với nhau rất vui. Sau này La Vals đổi thành quán sushi, giờ lại bán pizza nhưng với thương hiệu Pepes.

Xe bán thức ăn Việt trước cổng Đại học Berkeley. (ảnh Bùi Văn Phú)

Phố Telegraph một thời được gọi là Phố Hippies nay không còn những tiệm photocopy, tiệm sách mà là nhiều cửa hàng ăn uống. Cuối thập niên 1970 Berkeley chưa có quán Việt. Bây giờ cả chục, rải rác quanh trường và dưới phố. Thức ăn Việt đã được nhiều người biết đến và thích.

Thời sinh viên của tôi muốn thức ăn Á Đông chỉ thấy cơm Tàu. Bên cổng phía bắc, ngày xưa có quán Dynasty. Hai món ở đây tôi thích là cold-cut chicken – gà hấp gừng chêm hành xanh, rưới xì dầu – và twice-cooked pork là món thịt heo thái to, mỏng xào với bắp cải. Mới qua Mỹ chưa lâu thì thích thịt gà là chuyện đương nhiên. Riêng món thịt heo, không biết xào nấu ra sao mà ăn thấy ngon lạ và không thấy nơi nào khác có món này. Ăn hai món cùng với cơm trắng, hai sinh viên chia nhau tốn 5 đô-la một người là khá đắt so với nếp sống đại học bấy giờ. Dynasty sau chuyển sang quán ăn Hàn và bây giờ là quán Mễ.

Đầu thập niên 1980 quán ăn Tầu không hiếm ở Berkeley. Dưới phố Shattuck và University có vài nhà hàng Hong Kong, Đài Loan.

Đối diện Dynasty là La Vals cửa bắc nay vẫn còn, nhưng rạp xi-nê bên cạnh và nhà sách đã dẹp, cửa hàng ăn mọc lên, trong đó có Phở Bar mới mở được hơn một năm. Lâu đời hơn có quán Camille gần đó cũng bán thức ăn Việt.

Phở Bar có trang trí nội thất rất mỹ thuật. (ảnh Bùi Văn Phú)
http://www.vietbao.com/images/upload/VB/2012/10_2012/13_10_2012/CD1/BuiVanPhu_20121010_QuanViet_H02_PhoBar.jpg

Phở Bar do hai phụ nữ Mỹ là Lauren và Jane làm chủ, đầu bếp là một chị người Việt. Hôm tôi ghé, chị nói nếu quen ăn phở bột ngọt sẽ thấy phở ở đây không ngon. “No MSG” ghi rõ ngoài cửa. Giá từ 8 đến 10 đô một tô. Tôi thích cách trang trí rất mỹ thuật của quán, cùng mầu xanh cây lá chung quanh. Vào giấc trưa, tuy đông người nhưng không gian quanh khu vực vẫn mang vẻ trầm lắng, không ồn ào như bên cửa nam.

Thời chiến tranh hai tiếng Việt Nam vang rền sân trường, nhưng khi tôi đến thành phố này định cư vào mùa hè 1975 thì không thấy có quán ăn Việt Nam nào. Khi vào trường, những lúc muốn thưởng thức món Việt sinh viên bọn tôi phải qua San Francisco, ở đó có Golden Turtle nổi tiếng với bún bò Huế, có nhà hàng Mai với nhiều món canh, xào. Xuống San Jose ăn Phở 13, con số không xui vì rất đông khách, hoặc ghé quán Petite Catina của nhạc sĩ Trần Quảng Nam uống cà-phê, nghe hát.

Đầu thập niên 1980 mới thấy có nhà hàng Việt ở Berkeley. Quán trên đường Số 6 có chủ là cựu sinh viên luật ở Sài Gòn. Tôi cùng mấy bạn ghé ăn vài lần vào những giờ gần đóng cửa và được chủ tiệm đón tiếp niềm nở, trò chuyện như người thân quen cho đến khuya. Lúc đó cũng có một quán Việt nữa nằm trên đường University, góc Bonar. Hai quán đều xa trường và chỉ mở được vài năm.

Bánh mì kẹp thịt được sinh viên ưa thích vì ngon và rẻ. (ảnh Bùi Văn Phú)

Cuối thập niên 1980, khi tôi về lại Berkeley thấy hàng quán thức ăn Á đông khá nhiều, nhất là Thái, Nhật và Ấn Độ nhưng cũng chưa thấy có thức ăn Việt quanh trường.

Ít lâu sau Vietnam Village mở cửa trong ngõ đối diện với La Vals trên đường Durant. Đây là quán Việt đầu tiên ở quanh Đại học Berkeley mà tôi biết. Quán nằm trong khu ăn uống với đủ loại thức ăn từ Mễ, Hàn, Hoa đến Mỹ, Mã, Nhật… Vietnam Village không rộng lắm, bán phở và nhiều món cơm với đồ xào. Chủ quán là anh Thư, một thời có sinh hoạt thanh niên sinh viên vùng bắc California. Thời trước phở và các món ăn ở đây mang nhiều hương vị Việt, nay đã đổi chủ và có hương vị tầu hơn.

Cuối năm 1991 có quán Heavenly Healthy Foods mở ra dưới tầng trệt toà nhà MLK ngay trong trường. Quán bán bánh mì, gỏi cuốn, phở, cơm ăn nhanh. Chủ quán là chị Hiếu, một thuyền nhân đến Mỹ năm 1981.

Hai năm trước giá thuê tăng lên gấp đôi nên chị bỏ đi. Năm ngoái tôi ghé vào chỗ cũ, gặp quán phở Saigon Eats do người Mễ làm chủ. Bánh to, thịt bò được xào lên trước khi chan nước lèo. Lõng bõng mỡ. Không ngon. Quán Phở của chủ Mễ nay cũng đã đóng cửa.

Sau một thời gian tranh đấu vì không còn cơ sở làm ăn, kể từ tháng 3-2012 chị Hiếu được cấp giấy phép cho đậu xe thức ăn trước cổng trường. Vẫn bánh mì, gỏi cuốn, cơm. Không còn bán phở. Chị cho biết trước nay sinh viên thích nhất bánh mì vì giá chỉ 2 đô 99. Các món khác như cơm, bún, gỏi cuốn từ 3 đến 6 đô một phần, cạnh tranh với bánh mì Subway ngay bên kia đường, 5 đô một ổ dài 30 phân. Xe thức ăn của chị mở cửa từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Nghỉ cuối tuần.


Le Petite Cheval đông khách giờ cơm trưa. (ảnh Bùi Văn Phú)

Khi Berkeley nở rộ quán ăn, thức ăn Việt cũng theo đà bung lên. Sau Vietnam Village, Heavenly Foods, dưới downtown có Saigon Express bán bánh mì và các món ăn nhanh. Mười năm trước quán này do anh Hoà, người gốc Quảng Ngãi, làm chủ.

Gần đó có Le Régal trên đường Center, trong khu ăn uống với quán Nhật, Mễ, Mỹ, Ba Tư, Hy Lạp. Thức ăn ở đây ngon nhưng cao giá. Một dĩa bánh xèo 11 đô 95. Phở hay bún thịt nướng giá từ 7 đô 95.

Nhà hàng Le Cheval nổi tiếng ở Oakland nay cũng có tiệm ở Berkeley bán phở và nhiều món xào Việt, Tầu, Thái, Sing. Cơm hai món, giá bình dân 5 đô 95 xu. Le Petit Cheval mở cửa đã 13 năm và đông khách vào giờ trưa.

Sau có quán Saigon trên đường University và phở Hoà trên đường Shattuck gần rạp United Artists. Hai quán này không còn. Giờ có bò bảy món Ánh Hồng mở được vài năm. Gần đó là Little Saigon mới khai trương có món gỏi cá salmon trộn với ớt quả chuông, hạt điều lạ miệng.

Ngày nay hàng quán đều lên mạng và thực khách có trang yelp.com để phê bình. Nói chung ăn uống tùy theo khẩu vị mỗi người nên có những khác biệt về thẩm định ngon dở giữa người Việt và người ngoại quốc, giữa người của ba miền nước Việt và ngay cả giữa người Việt lớn lên trong nước mắm hay trong bơ sữa.

Hỏi ý kiến sinh viên về thức ăn Việt quanh trường, Yến Vũ mới tốt nghiệp khoa Pháp ngữ cho biết cô “thích quán Oriental với món cơm thịt heo. Giá phải chăng từ 6 đến 9 đô cho một phần ăn”. Nghĩa-Piotr Trọng Lê, sinh viên khoa kinh tế thì “thích nhất là bún thịt nướng ở đây”. Trong khi sinh viên năm thứ hai Diana Dương “ưa món mì bò kho, tuy giá hơi cao”. Quán Oriental của cô chú Hai mở cửa đã hơn hai mươi năm.

Vietnam Village là quán Việt cạnh trường lâu đời nhất. (ảnh Bùi Văn Phú)

Cựu sinh viên Yến Vũ còn “thích bánh mì Heavenly Foods và thịt nướng que khi bán hạ giá chỉ 1 đô”. Diana Dương “không thấy thức ăn ở quán này ngon, dù giá rẻ. Diana thích phở trong quán Phở K&K, trên đường Telegraph.”. Các món khác cô chê. Diana nói cô đã phải “hạ thấp tiêu chuẩn về hương vị Việt từ ngày vào trường”.

Theo cựu sinh viên Lê Quang Tuấn, tốt nghiệp thạc sĩ năm 2008 thì “không có quán ăn Việt nào ngon quanh trường hay dưới downtown”. Muốn thức ăn Việt anh Tuấn thường qua Oakland.

Còn Tiến sĩ Trang Hùng Phong, theo học ở Berkeley từ năm thứ nhất cho đến khi nhận bằng tiến sĩ vi sinh học và hiện làm việc trong trường, anh thích “món bún thịt nướng ở Ánh Hồng hay Le Régal ngon, tuy giá hơi cao”. Muốn ăn nhanh, anh ghé Saigon Express.

Derek Phan cũng thích quán Saigon Express vì “phở có xách, chín, bắp, nạm, gầu, bò viên và bánh mì thì có đủ patê, dưa chua, ngò, bơ và giá cả hợp lí, bánh mì 2 đô 75 xu, phở khoảng 7 đô”.

Là một du sinh từ Việt Nam, Derek đang học năm thứ ba khoa chính trị kinh doanh và tự nhận là thường ăn các hàng quán Việt quanh trường. Anh nhận xét: “Thức ăn Việt ở đây đa dạng và món ăn khá phong phú, nhưng chỉ vài món để lại ấn tượng mạnh.”

Theo Derek, Le Cheval “gây cảm tình đặc biệt và là quán Việt rộng, sang nhất quanh trường. Ở đó nổi bật nhất là cơm nâu (brown rice) ăn với bò xào, bò kho hay đậu hũ kho. Còn bánh mì và phở rất chi là chán vì không đủ thành phần”.

Về thức uống, anh nhận xét: “Hầu hết các quán đều có gắng cho thực khách thưởng thức cafe với fin cafe đặc trưng của Việt Nam, nhưng chất lượng thật khó mà so sánh với cafe đúng quy cách ở Việt Nam. Riêng Saigon Express có bán các loại chè khá ngon như chè bắp, xoài, chuối, đậu trắng với nước cốt dừa, giá 2 đô cũng vừa”.

Bàn chuyện ăn uống thì ai cũng biết món phở của người Việt đã được cả thế giới biết đến. Cuộc đời tôi đã ăn có đến cả nghìn tô đủ loại. Tuy thế, thỉnh thoảng vào một quán ở San Jose vẫn thấy có những món phở lạ như: phở đập, phở bê thui, phở hải sản, phở gà đi bộ. Rồi Nghe quảng cáo phở ngầu pín ăn rất bổ cho quý ông, coi phần dịch tiếng Anh tôi cũng phải phì cười. Trước đây tôi có thử, công hiệu ra sao chẳng biết nhưng không thấy ngon nên chẳng mê. Đến giờ tôi chỉ nghiền tái vè dòn.

Cuối tuần qua cùng gia đình lang thang dưới phố Berkeley và có ghé quán CU Sushi ăn trưa. Tên tiệm nghe đã buồn cười. Nhìn thực đơn lại có “Orgasm Salad” (sà-lát cực sướng) ngay đầu bảng các món đặc biệt mà giật mình. Có bạn nào đã thử món Nhật này chưa?

© 2012 Buivanphu.wordpress.com






No comments:

Post a Comment

View My Stats