10/06/2012
05:25:00 PM
*Kế sách TÂM CÔNG
*Quốc sách DÂN BẢN
Qua tập QUÂN TRUNG TỪ MỆNH và các CHIẾU- BIỂU còn lại của NGUYỄN
TRÃI
Phải Chăng Nhóm Lam Sơn bội ước trong việc đoàn kết Kháng Minh
phò TRẦN ?
Đền thờ Nguyễn Trãi
Khi vào Lam Sơn tụ nghĩa, Nguyễn Trãi đã dâng tập Bình Ngô Sách
lên Lê Lợi và nhóm kháng chiến (khoảng 1416-1420), tập này đã mất nhưng theo
Ngô Thế Vinh, trong bài tựa Ức Trai Di Tập, thì sách không nói đến việc đánh
thành mà chỉ nói đến việc đánh vào lòng người ! May thay, tư tưởng quốc sách
của Nguyễn Trãi đã được kết tinh trong Bình Ngô Đại Cáo và trong các văn thư
gửi cho quân tướng nhà Minh suốt 9 năm kháng chiến (1418-1427).
TÂM CÔNG LÀ GÌ ?
Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi nêu rõ : Việc nhân nghĩa
cốt nhất ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì trừ bạo -hay : đem đại nghĩa
để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo…mưu phạt tâm công,
chẳng cần đánh mà khuất phục được địch.
Từ lý tưởng Thái hoà của chân Nho, hòa hợp âm dương, Nguyễn Trãi
xem việc trị nước như một nghệ thuật, Lễ Nhạc phản ảnh đạo Trời : hoà
bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của Trời…Vua rủ lòng yêu thương dân, chăn
dắt dân, khiến cho trong thôn cùng xóm hẻm không còn tiếng hờn giận oán than,
đó tức là giữ được cái gốc của nhạc.( NT Toàn Tập tr.19)
Trong 9 năm kháng Minh, kế sách Tâm Công-đánh vào lòng người-
của Nguyễn Trãi đã giúp quân ta chiến thắng mà không cần đổ máu trong rất nhiều
trận công thành : thành Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá, Diễn châu, Tây đô, Chí
Linh, Cổ lộng, Bình than, Tam giang, Diêu diêu, Đông quan (ít nhất 11 thành),
chỉ có 3 trận Trà long, Khâu ôn, Xương giang là phải dùng tới vũ lực. Mà ngay
những trận xô sát chiến lược phục kích, vây thành, diệt viện binh, cũng đã tiết
kiệm được xương máu quân sĩ và đạt kết quả cao : trận phục kích nhỏ như Khả
lưu, Bồ ải, lớn như Ninh kiều, Nhân mục, Xa lội, Chúc động, Tốt động, vây thành
diệt viện như Chi lăng, Cần Trạm, Lãnh câu, Đan xá, quan trọng nhất là trận
cuối, Đông quan, Tổng binh Vương Thông mở cửa thành ra hàng cùng với hàng vạn
quân Minh khi thấy viện binh Liễu Thăng (Chi Lăng) và Mộc Thạch đã bị tiêu
diệt, thêm thư dụ hàng của quân sư Nguyễn Trãi, lúc này ngồi trên chòi chỉ huy
cùng với Lê Lợi, thư trình bày rành rẽ lẽ được thua, phải trái, lấy nhân nghĩa
làm chủ đích cho quân Minh an toàn về nước, lập hội thề giữ đúng tín nghĩa giữa
tướng với tướng.
Tâm
công là chiến lược cao nhất trong các chiến lược, chiến thắng mà không cần đổ
máu, lấy chí nhân thương mạng sống người, tránh sát phạt thù hận oan
oán muôn đời. Trong sử Việt chỉ có quân sư Nguyễn Trãi thực hiện được kế sách
cao tuyệt này là vì ông là một bậc chân Nho, thấm nhuần đạo Việt, nắm được thế
mạnh của dân, hiểu được tâm lý kẻ địch, đầy lòng nhân ái, từ bi trên chiến
trường, hiểu rõ hậu quả của chiến trận, dù thắng hay thua, không lấy máu tử sĩ
để tô vẽthành hào quang anh hùng, không lấy xương khô để xây cao lâu đài danh
vọng.
Tâm công cao hơn địch vận, tiếng sáo của Trương Lương làm quân
Sở tan rã, còn thưdụ hàng của Nguyễn Trãi đánh thẳng vào lòng tướng địch, như
chơi cờ thế, chiếu tướng mà không cần ăn tốt, mà cũng không cần địch vận nhỏ
mọn, tiểu kế. Tâm công ở mức chiến lược, còn địch vận ở mức chiến thuật. Nguyễn
Trãi đã từng ngồi nói chuyện phong thuỷ với tiến sĩ Hoàng Phúc (khi Phúc bị
bắt), thư cho Thái giám Sơn Thọ, cho Vương Thông rất nho nhã gọi Sơn Thọ là lão
đại nhân, nhấn mạnh về nghĩa Vô Tín Bất Lập (đã hoà thì phải giữ chữ Tín
mà rút quân về), không vì một góc đất mà làm nhọc thiên hạ, thư cho bọn Phương
Chính, Mã Kỳ thì mạnh mẽ như mắng mỏ : …bảo cho mày nghịch tặc Phương Chính,
nay mày muốn đánh thì hãy tiến quân giao chiến, quyết sống mái một trận, đừng
làm khổquân sĩ hai nước làm gì… mày cứ đóng cổng giữ thành như mụ già là làm
sao? Ta e bọn mày không khỏi cái nhục khăn yếm vậy.
Cả 18 bức thư gửi cho Vương Thông
(trong số 59 bài trong tập Quân Trung Từ Mệnh), là tướng đang giữ thành Đông
quan-Thăng Long, lúc nhu, lúc cương, mang tất cả sử sách Trung Hoa ra biện luận,
quả là tâm công sách lược với một tướng địch có học vấn kiến thức :
…Cổ ngữ có câu : Nước xa không thể cứu lửa gần -giá viện binh có
tới cũng không ích gì cho sự bại vong…Nay tính hộ các ông có 6 điều phải
thua:…ở nước các ông quân mạnh ngựa tốt đóng cả ở miền Bắcđể phòng bị quân
Nguyên, không rỗi nhìn đến phương Nam, đó là điều phải thua thứ ba… ( trích các
thư gửi Vương Thông)…
…Tôi nghe : Múc một gáo nước, biển cả không vì thế mà vơi,
thêm một gáo nước, biển cả không vì thế mà đầy. Cho nên người dùng binh giỏi
không lấy sự thắng nhỏ mà mừng, không lấy sự thua to mà sợ…Nay các ông ngày
ngày mong đợi viện binh mà nói phao là viện binh sắp đến, thì có khác gì đang
trong mộng mà nói chuyện mộng không ?
… Tôi từng xem 384 hào Kinh Dịch, cốt yếu là ở chữ Thời…
Thư dụ hàng thàng Xương giang :...
Cáiđiều đáng quý ở người quân tử là biết thời thông biến, lượng sức xử mình.
Bây giờ giả có người mang trứng chim chống đỡ núi Thái, lấy càng bọ ngựa ngăn
cản bánh xe..lũ các ngươi có vài trăm quân giữ thành trơ trọi mà lại muốn kháng
cựvới ta…
…Một người tướng có nhân nghĩa thì muốn cho người sống mà ghét
việc giết người, một người tướng có tri thức thì biết xét thời cơ mà biết lượng
sức mình… Ta kính vâng mệnh Trời, lấy đại nghĩa chuyên việc đánh dẹp…
Thư gửi Liễu Thăng :.. Ta nghe : quân của vương
giả chỉ có dẹp yên mà không chém giết, việc nhân nghĩa cốt ởyên dân…Mà nước lớn
sẽ làm trọn được đạo lạc thiên, nước nhỏ cũng tỏ được lòng thành thực uý
thiên.
Thư gửi Lương Minh,Hoàng Phúc : Nay
các ông mang quân đi xâu vào nội địa người chính là bị hãm vào thế trong miệng
cọp, muốn tiến không được, muốn lui không xong, còn ta thì thế chẻ tre, sau khi
chẻ được mấy đốt, cứ lọng lưỡi dao mà dọc đi, thật không khó gì…
Thư Đầu Mục Nước An Nam Gửi Các Vị Tỳ Tướng Thiên Triều :…Các
ôngđều là người Trung quốc, đạo nhân nghĩa, lẽ thành bại, được, mất, xưa nay
thường ngày đã được học tập, tất biết rõ rồi, tôi chẳng cần nói đi nói lại làm
gì nữa. Thư nói không hết lời.
…Vương giả không lừa dối bốn biển, bá giả không lừa dối láng
giềng…
Thư gửi Tổng Binh Quan, Thái Phó Kiêm Quốc Công
( Mộc Thạch) : …Lòng của thánh nhân tức là lòng của Trời Đất về việc ban
mệnh, về việc đánh dẹp, một khi vui mừng, một khi tức giận, toàn là do lòng chí
công của Trời Đất, không có mảy may ý riêng trong đó.
…Từ đời xưa, đế vương trị thiên hạ chẳng qua chỉ có chín
châu, mà nước Giao Chỉ lại ở ngoài chín châu đó. Xét từ xưa Giao Chỉ không phải
là đất của Trung quốc rõ lắm rồi. Lại khi buổi đầu đã dẹp yên ( Giao Chỉ) Thái
Tông Hoàng đế đã có chiếu tìm con cháu họ Trần để giữ việc thờ cúng. Thế là ý
của Triều đình vẫn không cho đất Giao chỉ là đất của Trung quốc…Huống chi, đất
ở ngoài xa không dùng gì, nếu giữ thì chỉ tốn cho Trung quốc, ai bảo là đại
nhân ngày nay ở ngoài cửa ngoại thành, rút quân về mà không có danh nghĩa ?
Thư dụ thổ quan đi với giặc ở thànhĐiêu Diêu có
câu : Quạ đi về quê cũ, cáo chết quay đầu về núi, cấm thú còn thế, huống nữa là
người? Các ngươi vốn là dân Tày Việt, dòng dõi văn minh..bọn các ngươi
nếu biết rửa lòng đổi dạ, bỏ nghịch theo thuận, hoặc làm nội ứng, hoặc ra đầu
hàng..nếu không tội các ngươi còn nặng hơn giặc Ngô đấy.
Văn Tấu Cáo Liệt Thánh Nhà Trần :
..Thần Lê Lợi thực lòng sợ hãi, cúi đầu giập trán, kính cẩn tâu dưới bệ đức Thế
Tôn HoàngĐế… Tổ phụ nhiều đời chịu ơn nước, đời đời làm cận thần, nghĩa phải
hết trung gia sức..Năm Ất Tỵ (1425) tìm được Trần Mỗ ở đất Lão Qua là cháu ba
đời của đức Nghệ Tôn, năm nay đã chính đại hiệu đế thờ Tôn Xã…Thế thực là Trời
dựa Hoàng Trần, cho nên thành công được chóng…cúi nhờ Liệt Thánh hoàng đế rủ
lòng giúpđỡ, tiêu diệt quân Minh
PHÉP TRỊ NƯỚC THEO TRUYỀN THỐNG DÂN BẢN VIỆT
Ngoài văn chương trác tuyệt, Nguyễn Trãi với trí não quân sư, có
hoài bão trị dân theo lý tưởng Nghiêu Thuấn, ông mang cái tâm của Khương Tử Nha
dựng nghiệp Chu,đặt quốc sách trị nước lấy nhân nghĩa làm đầu, an dân làm đích.
Qua các văn thưchiếu, biểu, hậu thế nhìn rõ “lòng sáng như sao Khuê ”
(lời vua Lê Thánh Tông ) của bậc quân sư Việt :
-Chiếu Cầu Hiền Tài :…Vậy hạ lệnh cho các văn võ
đại thần, công hầu đại phu, từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều cử một người…nếu
có tài văn võ, có thểtrị dân coi quân, thì trẫm sẽ tuỳ tài trao chức...
-Chiếu Bàn về Phép Tiền Tệ :…Tiền là huyết mạch
của dân, không thể thiếu được. Nước ta vốn là nơi sản xuất nhiều đồng, nhưng
tiền đồng cũ đã bị người Hồ ( Hồ quý Ly) tiêu huỷ, trăm
phần chỉ còn một phần…Vì rằng tiền giấy là vật vô dụng mà cho lưu hành ở trong
dân hữu dụng, thực không phải là cái ý yên dân dùng của…Nhưng đời xưa có người
cho rằng vàng bạc, da lụa, tiền thực, tiền giấy, các vật ấy đều có thể cân
ngang nhau được, thế thì thứ gì là hơn ?...Vậy trẫm ra lệnh cho các đại thần
trăm quan và các sĩ phu trong ngoài, ai hiểu rõ thời vụ đều bàn bạc về thểlệ
dùng tiền, thế nào cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không đến nỗi lấy điều
muốn của một người mà cưỡng ép muôn nghìn người…bàn định sớm tối rồi tâu lên,
trẫm sẽ thân hành chọn lọc để thi hành…
-Chiếu Truyền Bách Quan không được làm những việc
xưng tụng công đức viển vông cùng bày đặt lễ nghi yến hạ linh đình…
-Chiếu Cấm các quan tham lam lười biếng có
đoạn phê bình họ Hồ : Họ Hồ đã dùng gian trí để cướp lấy nước, lại lấy gian
trí để hiếp lòng dân. Yêu người gần, vị tình riêng…người trung trực bị khoá
miệng, kẻ lương thiện phải ngậm oan… Bè đảng riêng tây phải dứt, thái độ cố
phạm phải chừa. Coi việc nước là việc mình, lấy điều lo của dân làmđiều lo của
chính mình… Ôi! cầm sắt không hoà thì phải đổi điệu thay dây tìm thanh âm đúng,
xe trước đã đổ nên đổi đường tránh vết theo sang lối ngay…
- Chiếu răn bảo Thế Tử Nguyên Long (sau
này là vua Lê Thái Tông) :…thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan
nhân. Chớthưởng bậy vì tư ân, chớ phạt bừa vì tư nộ…Đừng thích tiền của mà xa
xỉ, đừng gần thanh sắc mà hoang dâm…
LẠM BÀN :
- Ngay sau khi kháng chiến thành công, 1428, Nguyễn Trãi được
phong chức cao, Thượng Thư Bộ Lại ,Quan Phục Hầu, Nhập Nội Hành Khiển, nhưng bị
Lê Lợi và gia tộc họ Lê nghi ngờ trong vụ Tả Tướng Trần Nguyên Đán (bị bức tử
phải nhảy xuống sông tự tử) Thái Uý Phạm Văn Xảo (bị giết vì âm mưu chống đối
?), Lưu Nhân Trú (nhóm kháng chiến áo đỏ-Thái Nguyên) bị giết, và chính Nguyễn
Trãi cũng bị hạ ngục ít ngày rồi sau được Lê Lợi thả ra. Nguyễn Trãi tuy làm
quan, ở tuổi 50, nhưng thường lui về Côn Sơn nghe thông reo suối chảy. Rõ ràng
có sự nghi kỵ giữ nhóm trí thức cao cấp Lạc Việt Bắc bộ, người Kinh, với nhóm
gốc Mường, Lê Lợi, Lê Sát, Lê Vấn.. ít học, nhóm Mường rừng núi này không chắc
đã nói sõi tiếng Việt, cộng với phe hoạn quan Lương Đăng, Đinh Thắng gốc
Tầu…luôn luôn kèn cựa.
- Văn thư để lại cho thấy nhà Trần còn ảnh hưởng lớn, trong dân
chúng ý chí phục Trần vẫn dai dẳng cả nhiều đời sau, đối với nhà Minh họ Trần
vẫn là chính thống, do đó Lê Lợi năm 1425 vẫn phải tìm Trần Cảo dựng lên làm
vua (Tờ tấu cầu phong và Tờ tấu tìm con cháu họ Trần, Thư (mượn lời) Trần
Cảo gửi Tổng binh Vân Nam), vẫn chưa tỏ lộ ý khác, lúc này Lê Lợi chỉ dám
xưng là Đầu Mục nước An Nam. Phải chăng nhóm Trần Nguyên Hãn quả thật có ý
đồphục Trần và đồng lòng kháng chiến cùng nhóm Lam Sơn trong ý nguyện chung đó
? và sau khi thành công họ Lê đã bội ước- bội ước với họ Trần, và xảo ngôn với
nhà Minh ?
Trước khi mất, Lê Lợi dường như đã hồi tâm, dặn Thái tử Nguyên
Long phải đối xử tử tế với Nguyễn Trãi, về sau Nguyễn Trãi làm phụ chính như
quốc phụ cho vua trẻ Lê Thái Tôn, Thị Lộ vào làm Lễ Nghi học sĩ, nhất là từ năm
1439 khi nhà vua đã lớn, 17-18 tuổi, ra lệnh giết Tể tướng Lê Sát , bọn quyền
thần Lê Ngân , Lê Hy, Lê Linh… Nhưng mâu thuẫn giữa nhóm này nhóm kia vẫn chưa
hết, để cuối cùng 1442, Nguyễn Trãi và thị Lộ bị tru di. ĐVSK Toàn Thư cũng
phải ghi Lê Lợi là ông vua hiếu sát.
Cho nên, kế sách Tâm Công thì được thi hành trong thời chiến,
mà kế sách Nhân Nghĩa Trị Dân thì không được ứng dụng vào thời bình. Lý
tưởng Trị quốc Dân bản của Nguyễn Trãi rất rõ trong các Chiếu, Biểu trích dẫn,
ông chủ trương một đường lối quân vi khinh, dân vi bản, chuyện nước mang
ra bàn bạc chung ( như tiền tệ), triều đình lễ nghi giản dị,quan chức thanh
liêm ( chính Nguyễn Trãi là mẫu mực với đời sống cơm dưa muối, áo vải thô
như một thiền sư). Ba năm cuối được trọng dụng, quá ngắn ngủi 1439-1442, không
đủ để Nguyễn Trãi thi thố hết tài năng đức độ chí khí của một Khương Tử Nha.
Kể từ sau đời LÝ-TRẦN tk 11-14, Đại Việt mất dần bản
sắc Văn Lang- đồng tôn tam giáo, đồng quy dân tộc, đồng tiến
xã hội- Nguyễn Trãi là nhân vật còn giữ được hồn Việt giữa
một triều đình tràn đầy vô minh và lạc hồn nước. Mãi 22 năm sau, 1464 vua Lê
Thánh Tôn mới tẩy oan cho ông và đã phần nào phục hoạt tư tưởng Nguyễn Trãi qua
bộluật Hồng Đức dân bản Việt ( mà chính Nguyễn Trãi đã có ảnh hưởng rất lớn
trong luật thư, trong các điều lệ răn quân binh-như cấm tà đạo, không được vô
tình, khi mạn, gian dâm…ngay khi đang vây thành Đông quan 1427).
* Bài học lịch sử : một chất xám như Nguyễn
Trãi rất hiếm trong sử Việt, sau này có lẽ chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm đời Mạc là
có thể so sánh. Cả hai vị không gặp được Thời như thời thịnh pháp Lý-Trần, là
vì một nước phải có tôn giáo làm bàn đạp tâm linh nối kết dân chúng, vua quan
chỉlà nhân sự chính trị , thiếu chất keo tâm linh thì việc lớn khó thành.
Nguyễn Trãi thiếu hẳn một khối người đồng tâm hiệp lực an dân trị nước, một
Khổng Minh mà thiếu Lưu Bị, còn Nguyễn Bỉnh Khiêm thì có vua Mạc nghe lời nhưng
vua Mạc chỉ có tai trâu không nghe nổi chim phượng hát (ngoại trừ 10 năm Mạc
Đăng Doanh !).
Nước Việt ta từ đời Lê trở thành lạc Việt, đi lạc và
đi lệch truyền thống Văn Lang, từ khi lấy Nho độc tôn dẫn đạo, rồi tiếp tới Tây
trí, Mác xít… thì đúng là Ma đưa lối Quỷ đưa đường, rất khó thoát ra khỏi mê lộ
hỗn loạn.
Trạng Trình viễn tưởng : Thiên sinh hữu nhất anh hùng, Thuấn
Nghiêu là chí, Cao Quang là tài…Thần châu thu cả mọi nơi vẹn toàn… Lạc Việt
đã vào thế cùng, cùng tắc biến, một vị Thánh xuất hiện sẽ đưa con dân “Núi
thắt cổ bồng mà có Thánh sinh” ra khỏi mê lộ, phục hoạt non nước
vinh quang chói lọi minh châu Trời Đông chăng ?
Hạ Long Bụt sĩ
THAM KHẢO CHÍNH
-Đại Việt Thông Sử-Lê Quý Đôn
( quyển II ghi khá nhiều Chiếu, Biểu của Nguyễn Trãi viết cho Vua ) bản dịch
của Trúc Viên Lê Mạnh Liêu-bản 1973 Sài gòn, in lại 1996 xb Đồng Tháp.
-Nguyễn Trãi Toàn Tập-Nhà xb
KHXH Hànội 1976, những trích dẫn trên chúng tôi thêm bớt một vài chữ cho lời
văn sáng sủa trôi chảy hơn mà không thay đổi ý chính. Một số tư liệu mới do học
giả Trần văn Giáp tìm ra.
-Nguyễn Trãi và Bản Hùng Ca Đại
Cáo –Bùi văn Nguyên-nhà xb KH XH-Hànội 1999-Thường !
-Nghìn Xưa Văn Hiến –tập
III-Trần Quốc Vượng-Nhà sách Trung Tự-2000-Hay !
-HoàngĐế Lê Thánh Tông- Chủ
biên Nguyễn Huệ Chi- Nhà xb KH XH 1998-Gồm nhiều tác giả-Riêng bài của Trần
Quốc Vượng xuất sắc đánh đổ mọi biện luận xưa nay đề cao quá đáng Lê
Thánh Tôn : thật ra vua LTTôn rất hiếu sát, giết anh ruột Khắc Xương, giết 4
vạn người Chàm, bắt sống 3 vạn…theo Nho Tầu từ văn chương đẽo gọt tới tập tục
bắt vợ để tang chồng 3 năm,đặt 24 điều giáo huấn thuần Nho, bỏ văn hoá dân gian
như tuồng chèo (khác Trạng Lương Thế Vinh đề cao Chèo, Toán học), năm 1496 ốm
nặng mà vẫn còn tự khoe Thơ mình hay hơn Thơ Lý, Đỗ, Âu, Tô !- Bắt họ Trần đổi
sang họ Trình vì họ Trần vẫn còn ảnh hưởng mạnh trong dân chúng . Vua Thánh Tôn
lấy con gái Nguyễn Trãi, giả làm cô gái câm vào cung vua, vua nạp nhiều cung
phi sau chết vì bệnh dâm ô phong tình ( tr.83-108)
-Theo Wikipedia/Nguyễn Trãi : Nhị
Khê Nguyễn Tộc Thế phả chép câu : Lê Lợi vi vương, Nguyễn Trãi vi thần,
là do Nguyễn Trãi viết truyền ra, khiến bọn Lê Sát, Phạm Vấn bất mãn, Đinh Liệt
phải hoá giải xin Nguyễn Trãi đổi thành ; Lê Lợi vi quân, bách tính vi thần.
Nhưng theo Gia phả của Lưu Nhân Chú thì chính Lưu Nhân Chú và cha là Lưu
Trung, anh rể là Phạm Cuống (là nhóm kháng chiến Áo Đỏtừ Thái Nguyên vào
Lam sơn- sau cũng bị Lê Lợi giết hết) mới là người nghĩ và thi hành kế tuyên
truyền này. Hợp lý hơn vì NT chẳng lẽ tự mình sánh bên Lê Lợi vi vương mình là
vi thần để tuyên truyền !
- Các bộ sử của Trần Trọng Kim, Phạm
Văn Sơn, Hoàng Cơ Thuỵ, Lê Mạnh Hùng, Đào Duy Anh, Khâm Định, ĐVSK Toàn Thư, ĐV
SK Tiền Biên.v..v.. Google Search, Wikipedia và các sách văn học như Nam Ông
Mộng Lục, Văn Bia Đời Mạc…etc
No comments:
Post a Comment