Lữ Giang
18-10-2012
Hôm 15.10.2012 cựu hoàng Norodom
Sihanouk của xứ Chùa Tháp đã qua đời tại Bắc Kinh. Di hài của ông được đưa về
Phnom Penh hôm 17.10.2012 và được đặt ở Hoàng cung trong ba tháng trước khi hỏa
táng. Chính phủ Kampuchia ra lệnh treo cờ rũ, còn dân chúng đeo băng đen với
gương mặt đẫm lệ.
THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU
Có thể nói cuộc đời của cựu
hoàng Sihanouk là biểu tượng cho thân phận của những nhà lãnh đạo của các nước
nhược tiểu, bị các cường quốc biến thành con bài.
Nhưng Sihanouk khác với Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh của
Việt Nam. Sihanouk thấy rõ những chuyện sẽ xẩy đến cho đất nước ông và ông đã
tìm mọi cách để thoát nạn, nhưng cuối cùng phải chấp nhận thân phận bi thảm của
một nước nhược tiểu. Một vài câu chuyện chúng tôi sẽ kể lại dưới đây, cho thấy
rõ điều đó.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
cũng bị Mỹ biến thành một con bài để thực hiện chính sách từng giai đoạn của Mỹ
tại Đông Dương. Nhưng điều đáng buồn là ông Thiệu chẳng biết Mỹ và Việt Cộng
đang làm gì trên đất nước mình, nên thường đưa ra những quyết định sai lầm. Khi
thấy miền Nam không còn phương thức cứu chửa, Mỹ đã ép buộc ông từ chức và dụ
Tướng Dương Văn Minh lên để đầu hàng, nhưng ông không hay biết điều đó và còn
hỏi Đại Sứ Martin: “Nếu tôi từ chức, viện trợ Mỹ có đến không?”
Đại Sứ Martin đã nhờ Đại Sứ
Mérillon của Pháp thuyết phục Đại Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống để
tuyên bố đầu hàng bằng cách nói với ông ta rằng chỉ có một mình ông ta mới có
thể nói chuyện với “phía bên bia” được. Đại sứ Mérillon cho biết ông đã liên
lạc với Hà Nội và họ đồng ý bàn với Dương Văn Minh về một giải pháp trung lập
hòa miền Nam. Nghe bùi tai, Dương Văn Minh chấp nhận. Nhưng sau khi tuyên bố
nhận chức, Dương Văn Minh cho người đi tìm Đại Sứ Mérillon thì ông ta đã biến
mất rồi. Thất vọng, ông quay lại với Thích Trí Quang. Trong suốt đêm 29.4.1975
ông ngồi đợi Thích Trí Quang đưa người “phía bên kia” đến nói chuyện, nhưng ông
bị cho leo cây nên phải tuyên bố đầu hàng!
Sihanouk không rơi vào tình
trạng hoang tưởng như hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh, nhưng ông
bị thời cuộc đưa đẩy, phải chấp nhận thân phận đắng cay.
Trước hết chúng tôi xin nói qua
tiểu sử của ông, sau đó nói về những biến cố đã đưa đất nước Kambuchia và cuộc
đời ông vào những ngày bị thảm để người Việt có thể rút kinh nghiệm.
VÀI DÒNG TIỂU SỬ
Quốc vương Norodom Sihanouk
sinh 31.10.1922 tại Phnom Penh, con của quốc vương Norodom Suramarit và vương
hậu Sisowath Kossamak. Thủa nhỏ ông học tiểu học ở École François Baudoin rồi học
trung học tại Lycée Chasseloup Laubat (nay là Trường Lê Quý Đôn) ở Sài
Gòn. Khi ông ngoại ông là quốc vương Sisowath Monivong băng hà, ngày 23.4.1941
Hội đồng Tôn tộc đưa ông lên làm vua. Ông đăng quang tháng 11 năm 1941. Vì Pháp
đô hộ Kampuchia từ 1863 nên tuy ông là vua, mọi việc đều do Pháp lo liệu hết.
Sau đó, ông được đi học về quân sự tại trường Saumur ở Pháp. Sau năm 1945, ông
liên tục đòi Pháp trao trả độc lập. Ngày 9.11.1953 ông lên nắm chính quyền,
nhưng đến năm 1955 ông nhường ngôi lại cho cha ông. Năm 1960 cha ông qua đời,
ông trở lại làm quốc vương.
THẤY TRƯỚC MÀ BƯỚC KHÔNG
QUA
Năm 1960, Việt Cộng chính thức
dùng lãnh địa Kampuchia làm sào huyệt tấn công Việt Nam Cộng Hòa. Sihanouk chắc
chắn không ưa Cộng Sản rồi, vì Cộng Sản lúc nào cũng chờ cơ hội để lật ông và
cướp chính quyền. Nhưng Việt Cộng không phải là kẻ thù duy nhất. Sihanouk đã
tạo cho ông đến ba kẻ thù cùng một lúc: Đế quốc Mỹ, Việt Cộng và VNCH. Việt
Cộng thì ngang nhiên chiếm đất Miên như chỗ không người, lại còn thành lập các tổ
chức Miên Cộng để làm công cụ. Nhưng chuyện Việt Cộng thì hạ hầu phân giải.
Trước mắt Sihanouk, Đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất, luôn âm mưu đảo chánh
để lập chính quyền tay sai.
Năm 1970, khi tình thế xoay
chiều, Sihanouk thấy rõ thế nào Mỹ và VNCH cũng sẽ hành quân qua Miên để phá
sào huyệt của Việt Cộng, nên ông đi vận động Trung Quốc, Liên Hiệp Quốc và các
nước Âu Châu nhờ đuổi Việt Cộng giúp. Đợi cho Sihanouk lên đường đi thuyết
khách, Mỹ dùng Tướng Lon Nol làm đảo chánh ngày 18.3.1970 và lật đổ Sihanouk.
Thế là VNCH mở hành quân qua Kampuchia như trên đất mình!
ĐÀNH ÔM NHAU HÔN THẮM
THIẾT.
Lúc đó Sihanouk đang ở Pháp,
ông chửi Mỹ rất ỏm tỏi. Nước Pháp, mặc dầu đã yểm trợ Sihanouk từ đầu, nhưng
khi thấy tình thế như vậy, đã báo cho Sihanouk rằng không thể dùng đất Pháp làm
võ đài đánh võ tự do được. Sihanouk đành phải dọt qua Bắc Kinh. Tại đây,
Sihanouk lại gặp những tên đang ôm “mối cựu thù” với ông, tức những tên Miên
Cộng đã từng bị ông lột trân truồng ra giữa ba quân thiên hạ mà tẩm quất, đó là
Khieu Samphan, Hou Nim, Hou Youn và Saloth Sâr, tức Pol Pot! Nhóm này đã
lập Đảng Nhân Dân (Pracheachon), nhờ Trung Cộng và Việt Cộng giúp “giải
phóng” Kampuchia! Nhưng trước cái cảnh tha phương cầu thực này, cả hai bên đành
tạm quên mối cựu thù, ôm nhau hôn rất là thắm thiết. Sau đó, cùng nhau lập cái
gọi là Mặt Trận Liên Hiệp (FUNC) và Chính Phủ Liên Hiệp (GRUNC)
để chống đế quốc Mỹ và tay sai Lon Nol!
LIÊN MINH ÂM PHỦ
Tháng 3 năm 1973, Khmer Đỏ đem
Sihanouk về thăm “vùng tự do” ở Kampuchia. Sihanouk phải chấp nhận chuyến đi
đầy nguy hiểm này để chứng minh cho thế giới rằng chính ông là người lãnh đạo
kháng chiến chống Mỹ kíu nước, chớ không phải bọn Pol Pot. Nhưng sau đó
Sihanouk lại trở chứng, tuyên bố sẽ từ chức khi chiến thắng. Lời tuyên bố này làm
Khmer Đỏ chới với. Mao Trạch Đông phải can thiệp bằng cách nhắc khéo Sihanouk: “Nầy! Nầy! Chớ quên rằng những gì đã thỏa thuận giữa hai bên còn
quan trọng hơn những bất hòa đó nghe!"
Ngày 17.4.1975, nhờ Việt Cộng
đánh giúp, Khmer Đỏ đã chiếm được Phnom Penh. Không thấy bóng dáng Sihanouk đâu
cả! Nhưng tới tháng 9, Khmer Đỏ lại lôi Sihanouk về đi họp Liên Hiệp Quốc! Ấm
ức trong bụng lắm, nhưng quan thấy Trung quốc bảo đi sủa thì phải đi sủa thôi.
Sủa xong, Sihanouk quay về Phnom Penh và sống tủi nhục ở đó hơn ba năm, cho đến
ngày 6.1.1979, khi Việt Cộng đã chiếm Phnom Penh, ông được một máy bay Trung
Quốc đưa về Bắc Kinh.
CHƠI TRÒ CẠO ĐẦU
Trong truyện ký “Norodom
Sihanouk - Prisonnier des Khmers Rouges” (Norodom Sihanouk - Tù nhân của
Khmer Đỏ), Sihanouk đã cho chúng ta thấy thân phận của một Quốc Trưởng
chính phủ liên hiệp quốc cộng như thế nào.
Sihanouk và gia đình được đưa
đến ở lâu đài sang trọng Khemarin dành cho một vị Quốc Trưởng và không phải làm
việc gì cả. Ông tự gọi mình là “Quốc Trưởng thất nghiệp”. Một hôm, nhân được
đưa đi thăm đền Ankkor, Sihanouk mới có dịp được thấy những cảnh điêu tàn của
quê hương. Buồn quá, ông làm đơn từ chức gởi lên Angkar, cơ quan quyền lực tối
cao của Khmer Đỏ, viện lý do đau ốm. Cả hai Phó Thủ Tướng là Khieu Samphan và
Son Sann phải đến gặp Sihanouk để trấn an. Khiêu Samphan bảo đảm Khmer Đỏ sẽ
không giết ông và ông vẫn là Quốc Trưởng muôn năm...
Mới đầu tháng 4 năm 1976, phái
đoàn Quốc Hội đến trình diện Sihanouk, thế mà đến ngày 17.4.1976, khi thấy mọi
cơ chế đã vững vàng, Khiêu Samphan đột nhiên tuyên bố Sihanouk là một nhà yêu
nước, sau đó trình Quốc Hội chấp thuận một quyết định gồm ba điểm:
1.- Chấp nhận đơn xin từ chức
của Sihanouk.
2.- Xây dựng một tượng Sihanouk
ở PhnomPenh.
3.- Cấp cho Sihanouk 8000 Mỹ
kim một năm.
Khieu Samphan lên làm Quốc
Trưởng. Sihanouk xin đi chữa bệnh ở Trung Quốc, nhưng Khieu Samphan từ chối,
viện lý do: “Chủ
nghĩa đế quốc Mỹ, đặc biệt là CIA, đang tìm cách tách ông ra khỏi chúng tôi.”
Bắt chước Thủ Tướng Vũ Văn Mẩu
của ta, Sihanouk cạo đầu và tiến hành một cuộc kháng cự thụ động. Kể từ đây,
Sihanouk không còn được ra khỏi lâu đài của ông, một lâu đài được ông mô tả như
một cái chuồng bò.
Kiểm điểm lại gia đình, ông
giựt mình nhận ra rằng 5 đứa con, 14 đứa cháu và cha mẹ của chúng đã bị Khmer
Đỏ đưa đi mất tích.
KHI CON QUẠ SỔ LỒNG
Chiều 3.1.1979 Khieu Samphan
báo cho Sihanouk biết ông được giao sứ mệnh đi Liên Hiệp Quốc để bảo vệ chính
nghĩa của dân tộc Khmer và tố cáo Việt Nam xâm lược. Ông nghĩ thầm: “Thế là con quạ sắp sổ lồng rồi!” Nhưng rồi ông nghĩ lại liền: “Khmer Đỏ đúng hay sai, cũng là
dân tộc ta. Việt Nam mới là kẻ thù truyền kiếp”. Do đó, ông quyết định sẽ
giúp Khmer Đỏ trong việc tố cáo Việt Nam xâm lược.
Nhưng ngày 6.1.1979, một phi cơ Trung Quốc đến Nam Vang chở
Sihanouk và gia đình qua Bắc Kinh. Ngày 7.1.1979, khi Sihanouk đang dự tiệc
mừng hội ngộ thì nghe tin Việt Cộng đã chiếm Phnom Penh. Ngày 8.1.1979, Trung
Quốc đưa Sihanouk ra họp báo để tố cáo bọn bá quyền Việt Nam xâm lược.
Cuối tháng 1 năm 1979, Hội Đồng
Liên Hiệp Quốc họp, Trung Quốc lấy dây xỏ mũi kéo Sihanouk đi theo. Được Trung
Quốc lên dây cót, Sihanouk hát y chang như đã thu vô. Ông tố cáo Việt Nam đủ
điều và cương quyết bảo vệ “chính nghĩa Kampuchia dân chủ.” .
ĐÀNH VỀ QUÊ HƯƠNG THỨ
HAI!
Lợi dụng cơ hội ngàn năm một
thủa này, Sihanouk vào xin Mỹ tị nạn chính trị, Mỹ tiếp rất tử tế, nhưng lắc
đầu lia lịa về cái chuyện xin tỵ nạn. Sihanouk buồn lắm. Thấy thế, Đặng Thiệu
Bình bồi thêm:
“Anh đã từng nói anh
coi Trung Quốc là ‘quê hương thứ hai’, tại sao anh phải đi tìm nơi nào khác mà
không chọn ‘quê hương thứ hai’ này?”
Còn có nơi nào chịu chứa chấp
đâu mà chọn? Sihanouk đành trở lại “quê hương thứ hai”!
Ngày 22.6.1982, Trung Quốc dẫn
Sihanouk đến Kuala Lumpur, Mã Lai, ký với Son Sann và Khieu Samphan (Khmer
Đỏ) thành lập cái gọi là “chính phủ liên hiệp” quốc cộng lần thứ hai để
chống bọn bá quyền Việt Nam và tay sai là Heng Samrin. Ký xong, mực chưa ráo,
Sihanouk nói với các ký giả:
“Đó là một sự liên hiệp
nhục nhã! Một sự liên hiệp không trông sạch và cũng không có gì vẽ vang. Một sự
liên hiệp đáng ghê tởm. Một hiệp ước với quỷ sứ!...”
Năm 1982, Sihanouk trở thành
Chủ tịch bù nhìn của Chính Phủ Liên Hiệp Kampuchia Dân Chủ gồm có Đảng
Funcinpec, Mặt trận giải phóng Kampuchia của Son Sann và Khmer Đỏ. Quân Việt
Nam rút khỏi Campuchia năm 1989, để lại chính phủ thân Việt Nam do Thủ tướng
Hun Sen lãnh đạo.
Với Hiến Pháp mới. Kampuchia đã
chọn một chế độ được Son Sann mô tả là một chế độ “quân chủ lập hiến”, vua chỉ
trị vì chớ không cai trị. Ngày 14.11.1991, Sihanouk trở về Kampuchia sau 13 năm
lưu vong. Năm 1993, Sihanouk lại trở thành quốc vương Kampuchia và con trai
ông, thái tử Norodom Ranariddh làm thủ tướng đầu tiên.
Do bệnh tật, ông phải đi lại
chữa trị ở Bắc Kinh nhiều lần. Tháng 1 năm 2004, ông sang sống lưu vong tại
Bình Nhưỡng rồi Bắc Kinh. Ngày 7.10.2004, lấy lý do sức khỏe kém, ông tuyên bố thoái
vị. Ngày 14.10.2004, Hội đồng Tôn Tộc bầu Norodom Sihamoni, một trong những
người con trai của Sihanouk, lên làm quốc vương mới. Sihanouk qua đời tại Bắc
Kinh lúc 2 giờ 25 ngày 15.10.2012, thọ 90 tuổi. Bản tin ngày 17.10.2012 của đài
RFI cho biết:
“Thủ đô Cam Bốt treo đầy
những bức chân dung khổng lồ cựu vương đang tươi cười, và những người dân mặc
đồ tang trắng, cầm quốc kỳ ùn ùn kéo về thành phố. Phát ngôn viên chính phủ
Khieu Kanharith cho biết đã có trên 100.000 người trên các đường phố Phnom Penh,
và nhiều người khác đang tiếp tục đổ về.
Thân phận của Sihanouk và đất nước Kampuchia quả đúng là thân phậm
ngậm đắng nuốt cay. Nhưng Sihanouk vẫn được đa số quần chúng mộ mến vì ông đã
trở thành huyền thoại. Một người dân Kampuchia tên là Sam Sivorn, 58 tuổi, nói
với hãng thông tấn Pháp AFP: “Tôi sẽ
nhớ Ngài. Tôi đến đây để khóc và giải tỏa nỗi buồn. Dưới sự trị vì của Ngài,
chúng tôi đã sống hạnh phúc. Ngài chưa từng làm hại ai cả.”
Ngày 18.10.2012
Lữ Giang
------------------------------
No comments:
Post a Comment