Sáng ngày
10-10-2012, tại Hội trường Thư viện Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã long trọng
làm lễ trao giải thưởng năm 2012 và kết nạp hội viên mới của Hội. 5 tác phẩm in
năm 2011 được Hội đồng chấm giải của Hội bỏ phiếu nhất trí tặng thưởng gồm có,
giải thơ: Buổi câu hờ hững
(Nxb. Văn học) của Nguyễn Bình Phương; giải văn xuôi: SBC là săn bắt chuột (Nxb. Trẻ), tiểu thuyết của Hồ Anh Thái;
giải lý luận phê bình: Dĩ vãng phía
trước (Nxb. Hội Nhà văn), tư liệu văn học của Ngô Thảo; giải văn học
dịch: Lolita (tiểu thuyết của
Nabokov, nằm trong top 100 tác phẩm hay nhất thế kỷ XX, cũng là một trong 10
tác phẩm gây tranh luận nhiều nhất trên thế giới) của dịch giả Dương Tường
(Nxb. Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam); đặc biệt có giải thành tựu nghệ thuật cả
một đời văn, trao cho tập thơ Xem đêm
(Nxb. Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam) của nhà văn Phùng Cung đã quá cố – một
tác giả từng phải chịu nhiều năm tù tội trong vụ án Nhân văn – Giai phẩm mà đến
nay việc giải mật vẫn chưa thực hiện nhưng đã hé lộ đây đó nhiều điều oan
khuất: “Thời Nhân văn – Giai phẩm, ta bịt mồm họ, ta truy chụp, ta tố điêu. Ta
mất nhân tâm” (Lê Đức Thọ – Xin xem tiếp ở dưới). Hai giải trao cho tập thơ Xem đêm và cuốn tiểu thuyết Lolita được dư luận đánh giá là có
con mắt tri âm, và có cách cư xử đầy bản lĩnh.
Về việc kết nạp hội
viên mới, năm nay Hội Nhà văn Hà Nội đã kết nạp 26 hội viên, trong đó có những
người là nhà nghiên cứu phê bình, nhà văn lâu năm như Nguyễn Huệ Chi, Trương
Đăng Dung, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, Chu Văn Sơn,… cũng làm khán phòng
rộn lên những tiếng cười hứng thú. Dưới đây, BVN xin đăng bài diễn văn khai mạc của nhà phê bình Phạm Xuân
Nguyên và lời phát biểu của GS Nguyễn Huệ Chi tại buổi lễ đông vui, được báo
chí đưa tin sốt dẻo này.
Bauxite Việt Nam
--------------------------------
MỘT
MÙA GIẢI SUM SUÊ
(Báo
cáo tổng kết giải thưởng văn học 2012 của Hội Nhà Văn Hà Nội)
Phạm Xuân Nguyên
Vâng,
cho tôi được dùng từ “sum suê” để nói về giải thưởng văn học 2012 của Hội Nhà
Văn Hà Nội (HNVHN). Trong khung thời gian mười hai tháng (từ 1/7/2011 đến
30/6/2012) đã xuất hiện nhiều tác phẩm của các hội viên và người viết trên địa
bàn thủ đô có thể tham gia dự giải. Đó là một điều may mắn, thuận lợi. Và khi
có nhiều tác phẩm có khả năng vào giải như vậy, HNVHN đã khẩn trương tìm đọc,
thảo luận trong các hội đồng chuyên môn để lên một danh sách chung khảo xét
giải thưởng hàng năm của Hội.
Kết
quả, sau các phiên họp của các hội đồng văn, thơ, phê bình, dịch thuật, các tác
phẩm sau đây đã được đề cử vào danh sách chung khảo giải thưởng 2012 của HNVHN:
Văn
1.
SBC là săn bắt chuột (tiểu thuyết) – Hồ Anh Thái (Nxb. Trẻ, quý IV/2011)
2.
Thành phố đi vắng (tập truyện) – Nguyễn Thị Thu Huệ (Nxb. Trẻ, quý
II/2012)
3.
Lãng du (tập truyện) – Tạ Duy Anh (Nxb. Thời đại, 8/2011)
Thơ
1.
Buổi câu hờ hững (tập thơ) – Nguyễn Bình Phương (Nxb. Văn học, 9/2011)
Phê
bình
1.
Dĩ vãng phía trước – Ngô Thảo (Phương Nam Book & Nxb. Hội Nhà văn,
quý IV/2012)
2.
Phê bình văn học Việt Nam hiện đại – Trịnh Bá Đĩnh (Nxb. Văn học,
11/2011)
3.
Bình thơ - Vũ Quần Phương (Thái Hà Books & Nxb. Dân trí, quý
II/2012)
Dịch
thuật
1.
Lolita (tiểu thuyết, Nabokov) – Dương Tường dịch (Nhã Nam & Nxb. Hội
Nhà văn, 3/2012)
Thành
tựu về thơ
1.
Xem đêm (tập thơ) – Phùng Cung (Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, 5/2012)
Ngày
1.10.2012, Hội đồng giải thưởng của HNVHN đã họp để tiến hành công việc xét
giải năm nay. Hội đồng gồm có:
-
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội HNVHN, Chủ tịch Hội đồng
xét giải
-
Nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại, Phó chủ tịch HNVHN
-
Nhà thơ Bằng Việt, Ủy viên BCH HNVHN
-
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên BCH HNVHN
-
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Ủy viên BCH HNVHN
-
Nhà văn Lê Minh Khuê, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi
-
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Hội đồng thơ
-
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình
-
Dịch giả Đoàn Tử Huyến, Chủ tịch Hội đồng dịch thuật
Hội
đồng giải thưởng đã nghe các chủ tịch hội đồng chuyên môn báo cáo, phân tích
việc lựa chọn tác phẩm vào chung khảo và ý kiến đề nghị tác phẩm xứng đáng trao
giải. Các thành viên hội đồng giải thưởng đã bàn bạc, tranh luận về từng tác
phẩm trong danh sách chung khảo để tìm ra tác phẩm xứng đáng, nhất là ở hạng
mục có nhiều tác phẩm được đề cử. Sau khi thảo luận, hội đồng giải thưởng đã đi
tới sự đồng thuận cao và tiến hành bỏ phiếu trao giải. Kết quả bỏ phiếu, những
tác phẩm sau đã được trao giải thưởng 2012 của HNVHN.
Giải
thưởng văn học 2012:
-
SBC là săn bắt chuột (tiểu thuyết) – Hồ Anh Thái (Nxb. Trẻ, quý IV/2011)
– 8/9 phiếu.
-
Buổi câu hờ hững (tập thơ) – Nguyễn Bình Phương (Nxb. Văn học, 9/2011) –
9/9 phiếu.
-
Dĩ vãng phía trước – Ngô Thảo (Phương Nam Book & Nxb. Hội Nhà
văn,quý IV/2012) – 9/9 phiếu.
-
Lolita (tiểu thuyết, Nabokov) – Dương Tường dịch (Nhã Nam & Nxb. Hội
Nhà văn, 3/2012) – 9/9 phiếu.
Giải
thành tựu về Thơ:
-
Xem đêm (tập thơ) – Phùng Cung (Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, 5/2012)
– 9/9 phiếu.
Như
vậy, giải thưởng 2012 của HNVHN ở cả bốn hạng mục thường xuyên đều có tác phẩm
được trao, khác với những năm trước có hạng mục để trống. Bên cạnh đó, năm nay
lại có giải Thành tựu. Đây quả là một mùa giải sum suê. Các tác phẩm được giải
đều được hội đồng giải thưởng nhất trí cao và đánh giá là hoàn toàn xứng đáng.
SBC
là săn bắt chuột –
cuốn tiểu thuyết chứng tỏ sự chuyên nghiệp trong nghề của nhà văn Hồ Anh Thái.
Ông luôn đổi mới cách viết, luôn lạ hóa chính mình trong cách khai thác và biểu
đạt hiện thực, và luôn cập nhật nắm bắt thực tại đời sống ở những vỉa tầng tươi
mới nhất. Giai đoạn “hậu Ấn Độ”, nếu có thể nói vậy, trong sự nghiệp sáng tác
của nhà văn đã được đánh dấu bằng những tiểu thuyết Cõi người rung chuông
tận thế, Mười lẻ một ngày, và tiếp theo tác phẩm được giải thưởng
năm nay, Hồ Anh Thái đã lại có một tiểu thuyết mới xuất bản là Dấu về gió
xóa. Tác phẩm SBC là săn bắt chuột vừa hiện thực vừa phúng dụ, vừa
thời sự vừa khơi gợi, tuy người đọc còn có thể đòi hỏi ở tác giả sự khái quát
nghệ thuật cao hơn. Dựng lên hai thế giới của chuột và của người song song nhau
trong khung cảnh trận lụt lịch sử năm 2008 tại Hà Nội, nhà văn đã đưa dẫn người
đọc vào một đời sống hỗn độn, nhếch nhác, ở đó con người phải vật lộn để tồn
tại và sống giữa dòng lũ những cái tầm thường, xấu xa cuốn trôi mình, làm hỏng
nhân cách mình. Nhà văn Ma Văn Kháng có nhận xét về nghề văn của SBC là săn
bắt chuột như sau: “Cuốn sách dựng nên một câu chuyện giả tưởng mà ăm ắp sự
sống hôm nay. Và đó chính là cái lý do khiến người đọc bị cuốn vào, bị mê đi
suốt 343 trang sách không mảy may bị sa sút về sự cường thịnh dạt dào. Không có
cuộc đời, không có một bản lĩnh văn hóa, tài năng thiên biến và rung động sâu
sa về cái đẹp, khó mà viết được như thế! Cuốn sách của Hồ Anh Thái dồi dào sự
sống còn được biểu hiện ở tầng ngôn ngữ, một lớp ngôn ngữ mang sắc thái thời
cuộc chịu sự biến hóa của một kiểu trò chơi”. Trao giải cho SBC là săn bắt
chuột, HNVHN đánh giá cao ý thức nghề nghiệp văn chương của nhà văn Hồ Anh
Thái.
Buổi
câu hờ hững
– tập thơ chứng tỏ một mức độ thành công của nhà thơ Nguyễn Bình Phương trên
con đường thơ riêng của mình. Tác giả hiện đang đeo hàm Thượng tá, Phó tổng
biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội này đã có bảy tập tiểu thuyết và năm
tập thơ xuất bản. Một khối lượng sách đáng nể của một người viết tuổi chưa đến
năm mươi. Nhưng đáng nể phục hơn là lối viết của Nguyễn Bình Phương: đó là một
thứ văn thơ không đơn giản, không rõ ràng theo kiểu thẳng đuột, dễ hiểu, mà có
tính chất dẫn dụ, khơi gợi, đi vào bề sâu thực tại và tinh thần. Ông có ý cách
tân thơ nhưng không ồn ào ở hình thức mà chú trọng ở cái nhìn, đem lại cho thơ
một vẻ đẹp trầm tư. Tập thơ Buổi câu hờ hững lắng đọng, tự tại, trong
một cái nhìn điềm tĩnh, thấu suốt về cuộc sống thường ngày, về chính mình.
“Phân chia bởi sắc màu / Bên này tím bên kia ẩn dụ / Giữa im ắng chợt nhói lên
ánh sáng của thịt da / Nhói lên tiếng rụng vỡ tan tành của quả / Cây phượng ven
hồ nhịu hình và ngã / Kéo theo bao hối lỗi trong đời / Đứng dậy, sũng ướt, đi
rồi tự hỏi /Viết là tìm thấy hay đánh mất? / Vậy là buổi chiều trở nên cực chật
/ Vậy là bằng những bước chân không rõ nghĩa, thật dài / Ta đủng đỉnh quay về
hiện tại” – đó là bức chân dung khi trống trải của nhà thơ. Một thái độ nghiệm
sinh cần thiết cho cuộc sống và cho thơ. HNVHN trao giải cho Buổi câu hờ
hững là ghi nhận một tác phẩm đánh dấu kết quả một quá trình sáng tạo thầm
lặng quyết liệt của tác giả.
Dĩ
vãng phía trước
– tập tư liệu chuyện văn chuyện đời một thuở của nhà phê bình Ngô Thảo. Nó được
viết ra từ một chứng nhân trong cuộc. Nó được viết ra từ một người có thẩm
quyền trong giới. Xin chú ý là người có thẩm quyền chứ không phải người có
quyền lực. Người có quyền lực có thể phát ngôn nhưng phát ngôn đó thường là áp
đặt, ít được bảo chứng từ tư cách cá nhân. Người có thẩm quyền có thể không
quyền lực, nhưng phát ngôn của họ lại mang sức nặng của chuyên môn, học thuật,
do đó phát ngôn ấy là khả tín. Tác giả sách này là một người trong cuộc, một
người có thẩm quyền. Cuốn sách bằng những tư liệu chân thực, sinh động đã giúp
người đọc thấy được đời sống văn học nước nhà những năm cận kề trước và sau
1975 sôi sục rất nhiều vấn đề, rất nhiều quan điểm, thấy được các nhà văn đã
trăn trở, nghĩ suy thực tâm thế nào trước trang văn và trước người đọc, thấy
được đã có những đấu tranh tư tưởng đôi khi quyết liệt, gay gắt ra sao trong
giới cầm bút. Đặc biệt những ghi chép sống từ các cuộc chuyện trò, trao đổi,
hội họp của giới văn chương đã cung cấp những tư liệu ròng, có một không hai,
cho những ai quan tâm tìm hiểu văn học Việt Nam ở một thời đoạn có nhiều phân
hóa, cung cấp cho người đọc và người làm sử văn học những cứ liệu quý báu. Viết
tư liệu như vậy cũng là một cách thế phê bình văn chương. Hơn thế, đó còn là
một cách nhập cuộc tích cực, vì dĩ vãng nhưng vẫn còn ở phía trước, quá khứ
nhưng vẫn đang là hôm nay. Tôi xin trích ra đây một vài đoạn để thấy cái công của
nhà phê bình Ngô Thảo và giá trị của tập sách Dĩ vãng phía trước.
-
Một nỗi sợ của nhà thơ Chế Lan Viên được nói với nhà văn Nguyễn Khải và Nguyễn
Khải thuật lại cho Ngô Thảo nghe trong một lần trò chuyện (1973): “Tôi xưa
chẳng biết sợ là gì. Rất tự tin. Vì tôi đúng, tôi có lý tưởng, trong sáng.
Nhưng bây giờ tôi đã cảm thấy sợ. Sợ thật sự đấy. Ngày xưa đến như một tay Tri
huyện, quyền lực nhất một vùng, nó cũng có những cái sợ của nó. Nào phải sợ một
tên phú hào giàu có. Khi cần còn vay, còn dựa thế lực của nó. Sợ một thầy phù
thủy, thầy cúng. Người đó giữ được dân mới được dân nghe nhiều hơn. Sợ thằng
tướng cướp, anh chị giang hồ trong vùng, nó để yên cho hay là quậy phá, tùy nó.
Có khi còn sợ một con đĩ, một cô đầu trong vùng, vì các cô ấy có các quan lớn
chở che, nên thế lực họ không thể xem thường. Sau nữa, còn phải nể sợ mấy ông
đồ, ông giáo, người từng dạy dỗ, chăn dắt thuở hàn vi. Bây giờ thì người có
quyền chẳng phải sợ ai nữa. Mọi thế lực, quyền thế nằm trong tay họ. Muốn gì
được nấy. Muốn gì nói nấy. Không còn giới hạn quyền lực. Đó là một tai họa cho
dân. Và sợ đó là một cảm giác khủng khiếp. Phải bạc tóc, qua rất nhiều chiến
thắng, quang vinh, thì mới biết tới cái sợ” (DVPT, tr. 136-137).
-
Một ý kiến của ông Lê Đức Thọ theo sự nhớ lại của nhà thơ Bảo Định Giang trong
bài phát biểu tại hội nghị đảng viên bàn về văn học (6/1979) được Ngô Thảo ngồi
bàn thư ký ghi lại: “Tôi nhớ, năm 1973, đồng chí Lê Đức Thọ gọi tôi lên. Đồng
chí hỏi: Nghe nói, báo Văn nghệ sắp có bài phê bình Người người lớp
lớp của Trần Dần phải không? Về xem lại đi. Chưa viết thì thôi, viết rồi
thì không đăng. Con người ta, ai cũng đối diện với ba chiều thời gian: quá khứ,
hiện tại và tương lai. Hai chiều sau, Trần Dần không có. Chỉ còn dĩ vãng, mà dĩ
vãng chỉ có một chút ấy thôi, đừng có đánh nữa. Đương thời, đó là một tác phẩm
tốt. Tôi phụ trách công tác tổ chức, tôi biết, con người ta luôn luôn phát
triển. Lúc này lúc khác có thể có những lệch lạc, vì thế, tính tác phẩm phải
tính tới tác giả. Đừng chỉ vì một tác phẩm mà truy chụp người ta. Thời Nhân văn
– Giai phẩm, ta bịt mồm họ, ta truy chụp, ta tố điêu. Ta mất nhân tâm” (DVPT,
tr. 333-334).
Trao
giải cho Dĩ vãng phía trước, HNVHN muốn khuyến khích cho mảng viết tư
liệu rất cần thiết, bổ ích, nhưng đang rất thiếu và chưa được quan tâm đúng mực
trong văn học nước ta.
Lolita – bản dịch một tác
phẩm thuộc hàng nổi tiếng nhất, gây tranh cãi nhất của văn học thế giới thế kỷ
XX, và cũng là một tác phẩm khó dịch nhất. Dịch giả Dương Tường đã có một sự
nghiệp dịch thuật to lớn, đã có nhiều thành công trong lĩnh vực này, nhưng ông
đã phải dành hai năm liền cho cuốn tiểu thuyết lớn của V. Nabokov. Hội đồng
nhận định bản dịch Lolita tuy còn một số chỗ gây tranh cãi về cách dịch,
cách hiểu văn bản, nhưng đây là một bản dịch trực tiếp từ tiếng Anh công phu,
tâm huyết, có thể coi là tác phẩm dịch “để đời” của dịch giả, đưa lại cho độc
giả một kiệt tác của văn chương thế giới được ở mức cao nhất có thể.
Tôi
phải nói thêm điều này: không có bản dịch nào là trọn vẹn tuyệt đối theo nghĩa
đồng nhất với bản gốc. Có thể nói, có bao nhiêu bản dịch thì có bấy nhiêu tác
phẩm khác nhau của cùng một nguyên bản. Cho nên chính ông Dương Tường đã có lần
đề nghị mỗi bản dịch phải được đề tên tác giả – dịch giả song đôi, vì bản dịch
đó cũng là duy nhất gắn với dịch giả đó, còn khi sang dịch giả khác thì đã là
một tác phẩm khác tuy vẫn cùng một tác giả. Le Petit Price của Antoine
de Saint-Exupéry chỉ có một trong tiếng Pháp, nhưng sang tiếng Việt đã có
khoảng chục bản: Cậu hoàng con (Exupéry – Trần Thiện Đạo, 1966), Hoàng
tử bé (Exupéry – Bùi Giáng, 1973) – cùng mang tên này còn có các bản dịch
của Vĩnh Lạc (1994), Trịnh Nhất Định (2000), Nguyễn Tấn Đại (2005), Châu Diên
(2007), Em bé con nhà trời (Exupéry – Nguyễn Thành Long, 2000). Nhiều
người dịch đi dịch lại cuốn này vì họ thích tự mình dịch, vì họ không thỏa mãn
với những bản dịch của người khác. Độc giả có được nhiều bản dịch như thế càng
hay, ai hợp với lối dịch nào thì đọc bản dịch đó. Và càng đọc nhiều bản dịch
của cùng một tác phẩm lại bổ sung được cho nhau, thêm được cho mình nhiều sắc
màu ngôn ngữ tình cảm của từng người dịch in dấu trong dịch phẩm.
Bản
dịch nào cũng có những sai sót không tránh khỏi, vấn đề là sai đến mức độ nào,
sai ở cách dịch hay cách hiểu. Xét tổng thể, bản dịch Lolita của Dương
Tường là có chất lượng, đáng tin cậy. HNVHN trao giải cho dịch phẩm này căn cứ
vào bản in mới nhất của Lolita, có sửa chữa của dịch giả, vừa để khẳng
định một bản dịch, vừa cũng để cho thấy lao động dịch thuật văn học đòi hỏi sự
cẩn trọng và nghiêm túc.
Giải
thành tựu không nằm trong hạng mục giải thường xuyên của HNVHN, nhưng tùy vào
hoàn cảnh từng năm xét thấy có tác phẩm đáng trao thì Hội sẽ có quyết định
riêng. Quy chế giải thưởng đã nói rõ: “Ngoài giải chính thức, tùy hoàn cảnh
từng năm mà Hội Nhà văn Hà Nội có thể trao giải thành tựu. Giải thành tựu là
nhằm tôn vinh lao động sáng tạo một đời người của những nhà văn có nhiều tác
phẩm xuất sắc, có nhiều đóng góp cho văn học ở thủ đô và trên cả nước, có tiếng
vang lớn trong dư luận. Căn cứ trao giải thành tựu vẫn là tác phẩm, nhưng là
tác phẩm mang tính tuyển tập, toàn tập, tổng kết một sự nghiệp văn chương”. Đây
không phải lần đầu HNVHN trao giải Thành tựu. Năm 2005 lần đầu tiên giải Thành
tựu này đã được trao cho tuyển tập thơ trữ tình thế giới của nhà thơ Bằng Việt
để ghi nhận đóng góp dịch thuật của ông. Sau đó nó đã được trao cho tập Trần
Dần thơ (2008) và cho tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
của Lưu Quang Vũ (2010).
Năm
nay, giải Thành tựu về thơ trao cho tập Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung
được nhất trí cao, rất xứng đáng. Nhà thơ Phùng Cung sinh năm 1928, tham gia
cách mạng từ 1945, lên chiến khu Việt Bắc năm 1949 hoạt động văn hóa văn nghệ.
Tháng 10/1956 ông viết truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” đăng báo Nhân
văn số 4. Năm 1961 ông bị tù mãi đến năm 1973 mới được ra. Từ đó cho đến
khi qua đời năm 1997 ông sống ở Hà Nội. Năm 1995 ông được in tác phẩm đầu tiên
duy nhất của mình là tập thơ Xem đêm ở Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin.
Nhà hoạt động chính trị và văn hóa Nguyễn Hữu Đang cùng nhà thơ Phùng Quán,
những người anh em hoạn nạn của ông, đã góp tiền, chạy tiền để in tập thơ này
cho ông. Ở đây cũng phải kể đến công lao của nhà thơ Quang Huy khi đó là Giám
đốc Nxb. Văn hóa – Thông tin. Xem đêm được tái bản năm 2012 có bổ sung
thêm một số bài thơ (cả tập là 303 bài), thêm truyện ngắn “Con ngựa già của
chúa Trịnh” và thêm những bài viết của Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Phùng Quán.
Đó là tập thơ của cả một đời người và một nhà thơ có khi chỉ cần một tập thơ
như vậy đã đủ cho cả một đời người. Đó là một bằng chứng thuyết phục cho thơ
đích thực và sức sống của thơ. Trường hợp Phùng Cung là vậy, và HNVHN trao giải
Thành tựu về thơ cho tập Xem đêm chính để khẳng định điều đó.
Phùng
Cung đã sống cuộc đời mình nhiều trầm luân, khổ ải, nhưng chính vì thế mà thơ
ông lại đưa đến sự ngạc nhiên lớn cho người đọc. Ông ngẫm cuộc đời mình như
cánh bèo “lênh đênh muôn dặm nước non / dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh”. Ông
chết điếng cuộc đời mình như cây cà bị sâu róm cắn trụi “kiếp cà / duyên tím / phận
xanh / cõi bẩn thỉu / cố xanh, cố tím / Ngoem ngoém tối ngày mồm róm / cành
suông chết điếng tím xanh”. Nhưng ông tự tin vào chất người như trà Tân Cương
của mình “quất mãi nước sôi / trà đau nát bã / không đổi giọng Tân Cương”. Nhà
thơ chống chọi được với hoàn cảnh thời thế là nhờ có Mẹ: “Mồ hôi mẹ / Tháng
ngày đăm đăm nhỏ giọt / Con níu giọt mồ hôi / Đứng dậy làm người”, nhờ có Làng
mà từ cõi tù trở về nhìn dáng lạt bó rau, nhìn dấu chân bùn ông nhận được ra
quê. Thơ Phùng Cung cho ta thấy cái tài của ông trong việc sử dụng tiếng Việt
thôn quê được nâng lên thành ngôn ngữ thơ, trong cái nhìn cảnh sắc đời sống
nông thôn và nông dân, trong sự nén lặng và bùng nổ âm thầm của tâm tư cá nhân
ở từng câu từng chữ. Những bài thơ ngắn như những nét tạc sắc gọn mặt người,
mặt đất. Lấy như chỉ một cái nắng thôi mà nhà thơ đã cho người đọc thấy bao
nhiêu là nắng khác nhau chỉ ở thôn quê mới có và chỉ người nào sống thật với
thôn quê bằng tấm lòng hồn hậu, con mắt trong sáng mới thấy ra: nắng ngã
tương, nắng phơi rơm, nắng đồng trinh, nắng hàn vi, nắng hoa ngâu, nắng thừa,
nắng cánh cam, nắng rươi, nắng ghé, nắng dứ, nắng tía, nắng hoang… Nhận xét
của nhà thơ Hoàng Cầm có thể nói thay cho cảm nhận chung của mọi người về tập
thơ này: “Có lẽ từ xưa đến nay, ở nước ta chưa có một tập thơ nào về một vùng
quê nghèo khổ lại súc tích, cô đọng mang tính truyền thống và hiện đại sâu sắc
như tập Xem đêm… Có thể nói, đây là tư liệu quý giá về về đời sống cả về
ngôn ngữ nhân dân vùng trung du Bắc Bộ rộng lớn trước đây. Mỗi bài thơ, có khi
chỉ một câu, đều như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào
tim những luồng rung động thấm rất sâu”.
May
mắn là Phùng Cung đã có thơ để lại làm chứng cho chất người của ông. Tập thơ mà
khi trao bản thảo cho người con trai, ông đã nói “có cái này là đóng góp cho
đời… con phải biết hãnh diện”. Thơ ông là lý lịch đời ông, nói theo lời nhà thơ
Phùng Quán, là bức chân dung chân thực cốt cách và tâm hồn ông, giải được nỗi
buồn của ông khi có lần tự họa: “Tôi nhúng ngón tay / Vẽ mình trong đĩa nước /
Vẽ muôn ngàn lần / Ngón đau – đĩa cạn / Biết đến bao giờ / Tôi mới vẽ nên
tôi…”. Chúng ta, những người đọc, cám ơn ông trong lao khổ vẫn giúp ta biết yêu
thương xót xa con người. HNVHN biết ơn ông về những bài thơ hay, sâu sắc, và
hãnh diện được trao giải thưởng Thành tựu về thơ cho ông để khẳng định một tác
phẩm, vinh danh một nhà thơ.
Giải
thưởng văn học 2012 của HNVHN đã được xướng danh và trao tặng. Xin chúc mừng
những người được giải và cám ơn họ đã có những tác phẩm hay cho chúng tôi được
vinh dự trao giải. Cám ơn các Nhà xuất bản Trẻ, Văn học, Hội Nhà văn, và các
Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam, Phương Nam đã cho ra đời những tác phẩm
hay để HNVHN có cơ hội lựa chọn trao giải xứng đáng. Cám ơn các phương tiện
truyền thông đại chúng đã tích cực hợp tác với HNVHN, kể từ khi giải thưởng
được công bố các phóng viên báo đài (Lao động, Thể thao & Văn hóa, Hà
Nội mới, Tuổi trẻ, Thanh niên, Sài Gòn tiếp thị, Truyền hình Thông tấn…) đã
nhiệt tình đưa tin, viết bài cổ vũ, ủng hộ cho giải thưởng, tạo nên sự cộng
hưởng và tác động tốt đẹp trong đời sống văn học ở thủ đô và cả nước. Chúng ta
hy vọng và chờ đón mùa giải thưởng năm sau của HNVHN sẽ càng sum suê hơn nữa.
Thưa
quý vị và các bạn,
Bên
cạnh niềm vui có một mùa giải thưởng sum suê thành công, hôm nay HNVHN lại có
niềm vui được đón nhận những hội viên mới. Hàng năm số lượng người viết muốn
gia nhập Hội thêm đông, thậm chí có những nhà văn nhà thơ ở các địa phương khác
cũng muốn được kết nạp vào hội nhà văn thủ đô. Đó là một vinh dự, tự hào cho
HNVHN. Càng vinh dự hơn nữa khi ngày càng có thêm nhiều những người cầm bút tên
tuổi thuộc các thế hệ đến với Hội. Như Nguyên Ngọc, Trần Đình Sử, Lại Nguyên
Ân, Đỗ Minh Tuấn… thời gian trước. Và như Nguyễn Huệ Chi, Trương Đăng Dung, Đỗ
Bích Thúy, Nguyễn Bình Phương, Chu Văn Sơn… lần này. Sự hiện diện của các anh
chị làm tăng thế giá cho Hội, khiến Hội thêm tự hào. Thay mặt BCH HNVHN tôi
chào mừng và chúc mừng các nhà thơ nhà văn nhà phê bình dịch thuật đã trở thành
hội viên mới của HNVHN hôm nay.
HNVHN
nếu tính từ khi là một Chi hội văn học trong Hội văn học nghệ thuật Hà Nội
thành lập vào năm 1966 thì đã có gần nửa thế kỷ tồn tại. Đến nay HNVHN đã có
hơn năm trăm hội viên và đang trở thành một hội nghề nghiệp có vị thế và uy tín
trong giới văn học và trong xã hội. Được thế là nhờ sự nỗ lực đóng góp của
nhiều thế hệ hội viên qua các thời kỳ, đặc biệt là nhờ sự định hướng đúng đắn
cho tầm vóc của Hội. Theo tôi, đặc thù của HNVHN là “ba trong một”: HNVHN là
một hội của địa phương, nhưng địa phương đó là Hà Nội, mà Hà Nội là thủ đô. Là
một Hội chuyên ngành mang tính chất “ba trong một” nên HNVHN có tính địa phương
nhưng phải vươn lên tầm thủ đô, có tính phong trào nhưng phải đạt tới đỉnh cao.
Nghĩa là phải làm sao cho khi nhìn vào HNVHN mọi người thấy đây là một hội nghề
nghiệp địa phương Hà Nội thủ đô. Điều này là khó, nhưng khó không có nghĩa là
không làm được, và thực tế là Hội đang từng bước làm được điều đó. Các hoạt
động trao giải thưởng và kết nạp hội viên hàng năm chúng tôi luôn đề cao chất
lượng chính là theo phương châm “ba trong một” này. Và uy tín của Hội vì thế đã
được nâng cao.
Cám
ơn các anh chị đã vào HNVHN. Chúng ta cùng chúc cho nhau dồi dào sức sáng tạo
để văn học Việt Nam ở thủ đô Hà Nội và trong cả nước có thêm những tác phẩm mới
mang giá trị nghệ thuật cao, để HNVHN càng đi tới càng trẻ trung, năng động.
Hà
Nội 10-10-2012
P.X.N.
Tác
giả gửi trực tiếp cho BVN
*
* *
MẤY LÝ DO KHIẾN TÔI
NẠP ĐƠN VÀO HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI
Nguyễn Huệ Chi
Thưa
toàn thể anh chị em hội viên có mặt tại đây, thưa ông Chủ tịch Hội Phạm Xuân
Nguyên và Ban chấp hành Hội. Tôi phải gọi đích danh ông Chủ tịch Hội là vì
chính ông là một gương mặt hấp dẫn đã thu hút tôi, khiến tôi không thể không
nộp đơn xin vào Hội Nhà văn Hà Nội.
Tôi
xin mượn một câu thơ của nhà thơ Cao Bá Quát làm năm 1841 tại nhà lao Thừa Phủ
ở Huế để ví von về mình. Cao Bá Quát là nhà thơ nổi tiếng, khi được cử làm Sơ
khảo Trường thi Thừa Thiên, do yêu quý những thí sinh có tài song lại mắc vào
cái lỗi sơ suất viết chữ phạm húy theo quy định thời ấy, đó là lỗi rất nặng,
phải đánh hỏng, Cao muốn cứu vớt họ, bèn dùng muội đèn hòa son sửa những chữ
phạm húy cho 24 quyển văn, kết quả lấy đỗ được 5 người, nhưng việc phát giác,
nên ông bị tống lao. Đúng ngày trùng cửu là ngày ông vào ngục vừa tròn một năm,
ông nhờ lính ngục sửa một bữa tiệc thết các bạn tù. Trong tiệc, ông đọc một bài
thơ và nói lời mở đầu rằng, tôi là người già nhất hội nhưng nay lại là người
trẻ nhất, vì sau khi vào ngục mới ngộ ra được nhiều điều, và “nếu có may mà
không chết cũng sẽ không còn là cái “tôi” khi trước nữa; ngày hôm nay chính là
ngày sinh thứ nhất của gã Mẫn Hiên (biệt hiệu của Cao Bá Quát) này đây”.
Về
phần tôi – Nguyễn Huệ Chi – , tuy chưa phải là người già nhất trong Hội vì trên
tôi còn nhiều bậc đàn anh, như anh Dương Tường đang ngồi ngay trước mặt… dù thế
tôi cũng thuộc loại già rồi. Vậy mà hôm nay tôi mới được vinh dự đứng trong
hàng ngũ hội viên Hội nhà văn Hà Nội, vậy thì đúng như Cao Bá Quát nói, tôi
chính là một “người già trẻ nhất” ở đây.
Lý
do tôi vào Hội là ham vui. Người ta nói “vui đâu chầu đấy”, ở tuổi này, cũng
muốn tìm cái vui cho nó thư thái. Vì thế, tôi đã để ý xem nơi nào quả thật là
vui để tìm đến. Sau nhiều buổi dự ké một số cuộc họp như các buổi lễ kỷ niệm
các nhà văn quá khứ Lê Văn Hòe, Nguyễn Triệu Luật… tôi thấy cung cách tổ chức
của Hội rất chu đáo, người điều hành làm việc xông xáo và dồn hết tâm huyết vào
công việc, không qua loa chiếu lệ cho xong vì tâm trí còn để vào những việc
khác – tình trạng quá phổ biến ở nhiều nơi mà mình được thấy hoặc được nghe dư
luận râm ran than phiền. Nhưng tâm huyết mà lại không vì một động cơ nào khiến
người ta vẩn lên một mối băn khoăn ngờ vực. Đúng đây là một nơi vui thực, không
vui gượng, thời buổi này mà tìm được một nơi vui thực hẳn là hiếm. Thế thì tội
gì mà không vào, trong khi nhiều bậc đàn anh như Nguyên Ngọc… đã lần lượt rủ
nhau vào cả. Thôi thì dù có chậm muộn cũng phải cố mà leo lên tàu thôi. May mắn
làm sao đến hôm nay đã được toại lòng.
Một
lý do nữa, cũng ở tuổi này, người ta đều muốn tìm một địa chỉ để đặt chân, nói
những lời hơi sáo một chút là muốn “tìm một mái ấm” để đến đấy giao lưu, chia
sẻ, tâm tình với bạn bè nhiều lứa tuổi, nhằm “vợi bớt cô đơn”. Nhưng cũng phải
chọn sao để khi đặt chân vào thì chân vẫn là chân của mình chứ không phải đến
một lúc nào đấy bỗng… trở thành chân người khác mà mình vô tình không hay, hoặc
đến khi rút chân ra nhìn lại mới biết chân mình đã biến thành… chân gỗ. Sau
nhiều dịp quan sát, tôi thấy Hội này có thể là một địa chỉ giúp mình yên tâm,
rằng mình sẽ vẫn cứ là mình, đặt chân vào thì chân mình vẫn giữ được nguyên
vẹn. Nói cách khác, trong tình hình hiện tại, đây là một nơi bày ra những cuộc
chơi bình đẳng, dân chủ, và làm cho người ta có cảm tưởng có được cái quyền tự
do sáng tạo, mà thông qua những lần bầu bán giải thưởng như lần trao giải vừa
diễn ra ít phút trước đây, ai cũng thấy có cái không khí lành mạnh, công bằng,
không bị những mặc cảm nặng nề ám ảnh, lại chưa phạm vào quy tắc cốt yếu: người
chấm giải cũng là chấm cho mình; những việc như thế có giá trị nuôi dưỡng niềm
tin, như những mạch sống ngầm kích thích hứng khởi lâu dài đối với người sáng
tác, làm đà cho những sáng tạo đến một lúc nào đấy tự nó sẽ bứt lên. Điều này
khiến tôi ít nhiều liên tưởng đến Tự lực văn đoàn, một tổ chức văn học bậc nhất
của Hà Nội và của cả nước tính đến hôm nay mà năm nay vừa tròn 80 năm sinh.
Tôi
xin vào Hội cũng còn một lý do là Hội chúng ta là một hội hoạt động trên một
địa bàn đặc biệt: đất Thăng Long – Hà Nội. Nơi đây có cả một truyền thống văn
hóa văn học rực rỡ với một bề dày nghìn năm. Trở về trước biết bao là hiện
tượng văn học chói sáng, nhưng từ những năm 30 thế kỷ trước, cũng có những hiện
tượng đột xuất mà nay đang hiện diện trước mắt chúng ta: 80 năm “Thơ mới”, 80
năm Tự lực văn đoàn, hoặc ngày 23-10 sắp tới đây là 100 năm sinh Vũ Trọng
Phụng… Ấy vậy nhưng, trong tình hình hiện nay, mảnh đất giàu tài nguyên văn hóa
Thăng Long – Hà Nội hình như đang cần báo động về một nguy cơ mất mát, suy
thoái mà tuy không phải người nào cũng nói được ra nhưng chắc những ai có tấm
lòng với Hà Nội đều cảm thấy bất an. Có những giá trị bỗng nhiên bị đảo ngược,
có tình trạng đang nguyên lành biến thành nham nhở, có không ít việc làm công
nhiên hủy hoại những gì cả dân tộc và nhân dân Thủ đô cố giữ gìn trong suốt bao
nhiêu thế kỷ, nhưng lại nhân danh cái tốt, cái phải, cái có quyền – và tất
nhiên đằng sau nó là cái có tiền. Vậy thì vào Hội, cũng là mong cùng với tất cả
các hội viên, có già có trẻ, nhưng chủ yếu là anh chị em trẻ, với sức trẻ của
mình, chúng ta hãy cố gắng, bên cạnh việc bền bỉ tạo ra những giá trị tinh thần
mới, còn góp phần khám phá lại, đồng thời giữ gìn và cứu vãn lấy những giá trị
bất hủ của Thăng Long – Hà Nội trong hàng nghìn năm, không để chúng biến mất vì
sự tàn bạo và trơ tráo của mọi thế lực ngu tối, cộng với thế lực của đồng tiền.
Xin
cám ơn tất cả các bạn.
N.H.C.
*
* *
Phụ lục:
GIẢI THƯỞNG CỦA HỘI
NHÀ VĂN HÀ NỘI: CÔNG TÂM VÀ UY TÍN
Bài: & ảnh: An Vũ – Lãng Ma
(TT&VH Online) – Sáng 10/10, phía
bên trong và sảnh hội trường (tầng 2) thuộc Thư viện Hà Nội chật cứng người đến
dự lễ trao giải thưởng văn học và lễ kết nạp hội viên của Hội nhà văn Hà Nội.
Năm
2012, quả là mùa bội thu khi các giải thưởng văn học được xướng tên với đủ bốn
thể loại: văn xuôi, thơ, lý luận văn học, dịch thuật và thêm giải Thành tựu
trọn đời. Không những thế, hơn 26 hội viên mới được kết nạp, cũng ở bốn ngành.
Năm
2012 giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội ở bốn hạng mục thường xuyên đều có tác
phẩm được trao, khác với những năm trước có hạng mục để trống. Bên cạnh đó năm
nay lại có giải Thành tựu. Cụ thể:
Giải thơ: Buổi câu hờ hững
(Nxb. Văn học) của nhà thơ Nguyễn Bình Phương; giải thưởng thành tựu: Xem đêm (Nxb. Hội Nhà văn & Công
ty Nhã Nam), tập thơ của nhà thơ Phùng Cung; văn xuôi: SBC là săn bắt chuột (Nxb. Trẻ), tiểu thuyết của
nhà văn Hồ Anh Thái; lý luận phê bình:
Dĩ vãng phía trước (Nxb. Hội Nhà văn) của nhà văn Ngô Thảo; văn học dịch: Lolita (tiểu
thuyết Nabokov) của dịch giả Dương Tường (Nxb. Hội Nhà văn & Công ty Nhã
Nam).
26 tác giả chính
thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Hà Nội năm 2012, gồm: Nguyễn Huệ Chi,
Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, Chu Văn Sơn, Trương Đăng Dung, Nguyễn Xuân
Thủy, Vương Cường, Thủy Hướng Dương, Tạ Văn Hoạt, Cao Ngọc Thắng, Bùi Quang
Thanh, Ngô Đắc Thảo, Phạm Thị Phương Thảo, Mai Huy Trân, Bình Nguyên Trang,
Nguyễn Duy Yên, Phạm Xuân Đào, Nguyễn Trọng Huân, Nguyễn Thị Hòa, Linh Lê,
Nguyễn Chu Nhạc, Nguyễn Thị Nụ, Nguyễn Quỳnh Trang, Lê Huy Bắc, Phong Tuyết,
Nguyễn Trần Thái.
TT&VH Online đã ghi lại hình ảnh Lễ trao giải thưởng văn học
và kết nạp hội viên năm 2012 của Hội Nhà văn Hà Nội:
Hình
: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phát biểu khẳng định các tác phẩm đoạt giải đều
được Hội đồng giải thưởng nhất trí cao và đánh giá hoàn toàn xứng đáng.
Hình
: Khán phòng chật cứng người tham dự Lễ trao giải và kết nạp Hội viên của Hội
Nhà văn Hà Nội. Ngồi hàng đầu từ trái sang có ông Nguyễn Minh Nhựt – Giám đốc /
TBT Nhà xuất bản Trẻ, ông Nguyễn Anh Vũ – Phó giám đốc Nhà xuất bản Văn học,
ông Vũ Hoàng Giang – Phó giám đốc Công ty TT Nhã Nam, nhà nghiên cứu Lại Nguyên
Ân và nhà giáo / nhà nghiên cứu văn học Chu văn Sơn.
Hình
: Các tác giả nhận giải thưởng văn học năm 2012, từ trái qua: nhà thơ Nguyễn
Bình Phương, nhà phê bình Ngô Thảo, dịch giả Dương Tường, con trai của nhà thơ
Phùng Cung và do nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đại
diện trao tặng.
Hình
: Nhà phê bình Ngô Thảo quyết định trao toàn bộ số tiền giải thưởng của mình
tặng cho cây viết thơ trẻ Hồng Thủy Tiên đến từ Tây Nguyên, với mong muốn cô có
thể mua được một cái laptop phục vụ cho việc học hành và sáng tác.
Hình
: Hồng Thủy Tiên bật khóc vì xúc động…
Hình
: Dịch giả Dương Tường phát biểu ý kiến. Ông chia sẻ về dịch phẩm Lolita – với
hai năm dịch cần mẫn, cẩn thận cùng mong muốn cầu toàn nhất có thể. “Giờ một
bên mắt trái của tôi gần như hỏng, để nhìn được chữ, lắm khi tôi phải dùng kính
lúp. Tôi đã dịch trong điều kiện sức khỏe gần như suy kiệt… Lolita là tác phẩm
mà tôi vô cùng yêu quý trong mấy năm gần đây, và là tác phẩm thuộc diện dịch
khó nhất… Nếu có sai sót trong bản dịch này, thì đó là do trình độ của tôi, chứ
không phải là tôi dịch ẩu”.
Hình
: Đại diện cho Công ty TT Nhã Nam, ông Vũ Hoàng Giang bày tỏ sự cảm ơn chân
thành đến giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Nhã Nam luôn có duyên với giải thưởng
của Hội Nhà văn Hà Nội, lần này, Nhã Nam nhận hai giải: Dịch thuật với Lolita
của dịch giả Dương Tường, và Thành tựu trọn đời với tập thơ Xem đêm của nhà thơ
Phùng Cung
Hình
: Các tác giả đoạt giải thưởng giao lưu và chia sẻ tại buổi lễ. Riêng nhà thơ
Nguyễn Bình Phương từ chối phát biểu với nụ cười hiền, như theo nhà phê bình
Phạm Xuân Nguyên giải thích: anh là thế, luôn âm thầm, lặng lẽ viết.
Hình
: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trao quyết định kết nạp Hội viên Hội nhà văn Hà
Nội 2012.
Hình
: Mảng văn xuôi, có Linh Lê là nhà văn nhỏ tuổi nhất, cô sinh năm 1986, ngoài
ra còn có hai nhà văn quân đội Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy và nhà văn Nguyễn
Quỳnh Trang, đến từ báo Thể thao & Văn hóa
Hình
: Nhiều nhà thơ được kết nạp, chưa thấy gương mặt thực sự trẻ xuất hiện lần
này. Nhà thơ Nguyễn Bình Phương sau khi nhận giải thì cũng nhận luôn quyết định
kết nạp, trở thành hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Một tin vui là trong lần kết
nạp này, có hai bố con cùng song hành vào Hội, đó là nhà thơ Cao Ngọc Thắng
cùng con dâu là nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang.
Hình
: Sự góp mặt của nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi làm buổi kết nạp hội viên thuộc
lĩnh vực Nghiên cứu Lý luận Phê bình thêm long trọng.
Hình
: Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi dí dỏm: “Tôi vào hội vì sức hút của nhà phê
bình Phạm Xuân Nguyên…”
Buổi
lễ kết thúc vào gần 11 giờ trưa, với những nụ cười và những bó hoa tươi thắm
trên tay các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả được giải và được kết
nạp. Tất cả hồ hởi ra ngoài sảnh, cùng dự tiệc nhẹ. Muôn ly rượu được nâng lên,
hòa với niềm vui chung của một năm đong đầy các giải thưởng.
A.V. & L.M.
XEM HÌNH NƠI TRANG
CHÍNH : http://www.boxitvn.net/bai/41932
No comments:
Post a Comment