Thursday, 18 October 2012

KINH TẾ VIỆT NAM "HẾT HƠI (VOA / BBC)




VOA
17.10.2012

'Kinh tế Việt Nam hết hơi' là tiêu đề bài viết của hãng thông tấn Al Jazeera sau khi Ban chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam bế mạc Hội nghị 6 hồi đầu tuần này.

Bài viết nói rằng Việt Nam từng là một con hổ kinh tế ở Ðông Nam Á, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số các quốc gia đang phát triển.

Năm 2007, Việt Nam đã thu hút được đầu tư nước ngoài nhiều hơn ba nước Philippines, Thái Lan và Indonesia gộp lại.

Nhưng trong những năm gần đây lạm phát tăng cao, và mới đây nhất Việt Nam đã bị hạ bậc tín dụng trên thị trường quốc tế.

Lạm phát tăng cao và thị trường nhà đất đóng băng đã góp phần làm tăng nợ xấu của ngân hàng.

Năm ngoái, ngân hàng trung ương đã đề ra kế hoạch tái cơ cấu ngành ngân hàng bằng việc sáp nhập và mua lại các ngân hàng yếu.

Tiến sĩ Jonathan Pincus, giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh nói Hội nghị 6 “chọn phương án tiếp tục chính sách này – tái cơ cấu hệ thống tài chánh và doanh nghiệp nhà nước là những mục tiêu dài hạn, cho dù tiến bộ đạt được với tốc độ rất chậm”.

Tiến sĩ Pincus nói tiếp rằng “không có nhiều chi tiết được đưa ra, nhưng chúng ta có thể đoán rằng sẽ có thêm sáp nhập các ngân hàng, và áp lực tiếp tục đặt lên đầu tư tài chính.”

Kinh tế vẫn đạt tăng tưởng ở mức 4,7%, tuynhiên nhiều dự án xây dựng lớn bị chủ đầu tư bỏ dỡ cho thấy dấu hiệu Việt Nam không còn là con hổ kinh tế giống cách đây vài năm nữa. Và thị trường nhà đất sụp đổ đang để lại cho ngân hàng những đống hỗn độn.

Nguồn: Reuters, Al Jazeera


BBC
Cập nhật: 14:29 GMT - thứ tư, 17 tháng 10, 2012

Tuần này dư luận tại Việt Nam quan tâm nhiều tới kết quả Hội nghị Trung ương 6, nơi Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng nói về “quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị”.

Ông Trọng cũng đã ‘thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân’ vì những sai lầm nghiêm trọng làm kinh tế ảm đạm, doanh nghiệp lao đao, đánh vào nồi cơm của hàng triệu người dân.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Chính trị lên tiếng trong tư cách là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Lần  Bộ Chính trị vào cuộc được chú ý gần nhất có lẽ là vào cuối tháng Bảy năm 2010 khi nhóm lãnh đạo đất nước kết luận những sai phạm của Vinashin "có thể ảnh hưởng xấu đến sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế".
Trong vòng một năm kể từ biến cố này, nền kinh tế Việt Nam lâm vào giai đoạn mà giới quan sát đánh giá là tồi tệ nhất trong những năm gần đây với lạm phát ở mức trên 20% trong khi khu vực tài chính và ngân hàng bộc lộ những yếu kém hết sức nghiêm trọng.
Giáo sư Carlyle Thayer từ Úc châu trong email gửi BBC vào ngày bế mạc Hội nghị Trung ương 6 viết “Tham nhũng đã trở nên nặng nề hơn dưới nhiệm kỳ của Thủ tướng Dũng vì ông ta không kiểm soát chặt...”
“Ông Dũng cho phép các tập đoàn của mình đầu tư lan tràn vượt ra ngoài các lĩnh vực chính của họ. Các tập đoàn đã vay nhiều và vung tay quá trán. Tham nhũng lan ra qua hệ thống xin cho qua mạng lưới vây cánh này,” ông Thayer bình luận.
Thủ tướng Việt Nam, tuy nhiên, cách đây khoảng một năm nói: "Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai."
Ông Dũng được Bấm báo chí dẫn lời phân giải rằng, về mặt nhân sự, bản thân ông "chưa hề quyết định một trường hợp cán bộ nào" liên quan các lãnh đạo của các tổng công ty và tập đoàn nhà nước.
"Nói là Thủ tướng thông qua nhưng đều là quyết định chung của Ban cán sự Đảng Chính phủ," ông Dũng được một báo điện tử dẫn lời.

'Trọng tài chính'
Giới quan sát cho rằng sau Hội nghị Trung ương 6, Chính phủ Việt Nam, với người đứng đầu là Thủ tướng Dũng, khó có thể duy trì nhiều quyền quyết định có tầm khuynh đảo về kinh tế.
Trách nhiệm giải trình (kinh tế) nay đang được chuyển dịch theo hướng sao để có động tác Bấm kiểm tra chéo từ trọng tài chính là Đảng thông qua các ban bệ của họ và trọng tài biên là Quốc hội.
Toàn bộ quá trình "tái cơ cấu khâu qui trách nhiệm" có thể xem là ở giai đoạn mới được bắt đầu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện rất nhiều khó khăn.

Báo tài chính Bloomberg ra ngày 16/10/2012 bàn về nguy cơ sa vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng thấp.
Tăng trưởng bị chững lại ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán với chỉ số VN Index đạt mức kém nhất châu Á năm 2011, giảm 18% kể từ tháng Năm năm nay.
 “Chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để cải cách kinh tế và phục hồi tăng trưởng cao một cách bền vững,” kinh tế gia Jonathan Pincus được dẫn lời.
“Khâu khó khăn nhất người ta cần làm là xây dựng thể chế, tạo lập hệ thống luật pháp nhằm thi hành luật lệ đặt ra đối với các định chế tài chính.”
Từng là điểm đến cho đầu tư nước ngoài mạnh nhất tại châu Á, Việt Nam đối diện rủi ro thua các nước láng giềng hiện đang trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.
Cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho Việt Nam giảm 28% trong 9 tháng năm nay cho với một năm trước.
FDI được giải ngân vào Malaysia và Indonesia tăng hơn 31%, dự kiến khoảng 89% tại Miến Điện, so với Việt Nam, nơi bị giảm khoản FDI giải ngân 7%, Bloomberg dẫn nguồn từ UNCTD.
“Miến Điện vào chính lúc này là điểm đến đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư toàn cầu, và các nước khác như Indonesia và Philippines cũng tương tự, trong bối cảnh một phần vì họ vỡ mộng về thực trạng hứa nhiều làm chẳng được bao nhiêu tại Việt Nam,” ông Mark Gillin, giám đốc AIM Capital Management Ltd. tại Tp HCM nói với báo tài chính này.
Việt Nam bị tụt 10 bậc trong Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu (Diễn đàn Kinh tế Thế giới) vào năm nay trong lúc Phippines tăng 10 bậc, thế chỗ cho Việt Nam.
Do đó, nhiệm vụ của Bộ Chính trị, với sứ mệnh là cơ quan lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong đó kinh tế đóng vai trò then chốt, là cần phải chuẩn bị và có hành động trước một "đề thi" mà dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư giao cho họ trong giai đoạn đầy nan giải về kinh tế hiện nay.





No comments:

Post a Comment

View My Stats