Tuesday 9 October 2012

KHÔNG VĂN MINH, KHÔNG THÀNH THỰC & CŨNG KHÔNG HIỆU QUẢ (Nguyễn Hưng Quốc)




09.10.2012

Đầu tháng 10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ban hành chỉ thị về “nếp sống văn minh” với nội dung chính là đám cưới của các gia đình cán bộ trong thành phố phải, thứ nhất, không mời quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì không quá 600 người); và thứ hai, không được tổ chức ở những nơi sang trọng và đắt tiền như khách sạn năm sao hay các khu du lịch cao cấp.

So với bản dự thảo ngày 28 tháng 9 trước đó, chỉ thị này có hai điểm khác biệt. Thứ nhất, người ta bỏ quy định về số mâm cỗ (trước, quy định tối đa là 50 mâm; sau, hoàn toàn không nhắc đến chuyện ấy). Thứ hai, phương châm họ đề ra cho việc tổ chức đám cưới, trước là “trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm”; sau, chữ “trang trọng” được thay thế bằng chữ “vui tươi”: “vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”.

Chung quanh chỉ thị này, có nhiều chuyện đáng nói; nhưng quan trọng nhất là: có thực những quy định về việc tổ chức đám cưới như vậy nhằm “thực hiện nếp sống văn minh” như lời các lãnh đạo Hà Nội nói hay không?

Theo tôi, câu trả lời là: Không.


Chưa cần đi sâu vào chi tiết các quy định ấy, ngay bản thân một chỉ thị như vậy, tự bản chất, đã là phản văn minh rồi!

Khái niệm văn minh có nhiều nội dung khác nhau, nhưng một trong những biểu hiện nổi bật nhất của văn minh là sự phân biệt giữa không gian riêng tư (privacy) và công cộng (public).

Tiểu tiện hay đại tiện ngoài đường: Không văn minh. Mặc quần áo ngủ đi tung tăng ngoài đường: Không văn minh. Giỏng tai lên nghe lén chuyện của người khác: Không văn minh. Dí mắt vào phòng ngủ hay phòng tắm của người khác: Không văn minh. Tất cả đều là những sự vi phạm ranh giới giữa hai không gian riêng tư và công cộng.

Tuy nhiên, các ví dụ nêu trên chỉ liên quan đến bình diện xã hội. Trên bình diện chính trị, biểu hiện của văn minh là chính phủ (đại diện cho không gian công cộng) không được vi phạm vào không gian riêng tư của các cá nhân.

Ở các nước tự do, dân chủ và văn minh, không bao giờ chính phủ nhúng mũi vào đời sống riêng tư của các công dân hay công chức cả. Rời khỏi công sở, ai muốn làm gì thì làm. Họ đi ăn ở tiệm nào ư? – Mặc họ! Họ đi chơi với ai ư? – Mặc họ! Họ tổ chức đám cưới hay đám tang ở đâu, với bao nhiêu khách mời ư? – Cũng mặc họ! Nhiệm vụ của nhà nước là phải tôn trọng và bảo vệ thế giới riêng tư ấy của mỗi người. Vi phạm là phạm luật.

Còn ở Việt Nam? Nhân danh “văn minh”, chính phủ lại ra những chỉ thị về số khách mời và địa điểm tổ chức đám cưới. Nó nghịch lý. Và nó quái đản.

Thật ra, tính chất nghịch lý và quái đản ấy không phải chỉ xuất phát từ việc dốt mà còn từ một lý do khác nữa, quan trọng hơn: che giấu sự thật.

Tại sao nhà cầm quyền cấm các cán bộ tổ chức đám cưới quá xa hoa và linh đình như vậy?

Ông Phạm Quang Nghị giải thích: “Đám cưới phải tổ chức ở những nơi bình dân, phù hợp với mức thu nhập chung của mọi người, vì sẽ có cả người thu nhập thấp, thu nhập trung bình đi ăn cưới. Nếu tổ chức ở khách sạn 5 sao, những người này sẽ băn khoăn đưa bao nhiêu tiền mừng cưới, nếu đưa ít thì sau này sẽ nghĩ ngợi.”

Qua lời giải thích ấy, chúng ta thấy ngay, theo ông Phạm Quang Nghị, ở Việt Nam hiện nay có ít nhất hai thành phần thu nhập khác nhau: một, “bình dân”, là “mức thu nhập chung của mọi người” và hai, thu nhập cao của các cán bộ. Các cán bộ có thể có thừa tiền để tổ chức đám cưới ở những khách sạn năm sao hay khu du lịch cao cấp. Nhưng, ông Phạm Quang Nghị đề nghị: hãy vì khách mời nghèo khó - những người có thể lo lắng về số quà cưới, các cán bộ nên tổ chức đám cưới ở “những nơi bình dân”.

Đó chỉ là một cách nói. Ở Việt Nam, ai cũng biết, lâu nay chuyện quà cáp hoàn toàn bị biến chất. Gọi là quà nhưng thực chất lại là hối lộ. Quà tết: hối lộ. Quà Trung Thu: hối lộ. Quà cưới: cũng hối lộ nốt. Điều người ta cân nhắc khi tặng quà không phải là nơi tổ chức. Mà là chức vụ của người ấy. Đối với thủ trưởng càng cao cấp và càng có quyền lực, người ta càng phải tặng những món quà đắt giá. Dịp Tết Trung Thu vừa qua, ở Hà Nội, người ta thấy có những chiếc bánh trung thu lên đến mấy trăm đô la, gọi là “bánh chỉ dành cho thủ trưởng” (“for the boss only”). Giá một chiếc bánh như thế bằng lương cả tháng của nhân viên. Nhưng họ vẫn mua. Vẫn phải mua. Nếu không, họ có thể bị thủ trưởng ghét bỏ, từ đó, mất việc.

Bắt các cán bộ phải tổ chức đám cưới ở những nơi bình dân, do đó, không phải vì áy náy lo cho các khách tham dự. Người ta chỉ ngại việc phô trương giàu có của cán bô gây bất mãn cho dân chúng. Nói một cách khác, kín đáo hơn: Là “những đầy tớ của nhân dân”, quý vị nên cố gắng che giấu bớt sự giàu có của mình. Đừng để dân chúng thấy. Đừng gây phản cảm. Nó bất lợi về chính trị. Vậy thôi.

Nhưng không tổ chức đám cưới ở những khách sạn năm sao và các khu du lịch cao cấp thì người ta tổ chức ở đâu?

Cùng lúc với chỉ thị trên, tôi đọc được, cũng trên báo chí trong nước, bản tin này: Một cán bộ xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có sáng kiến rất hay, có lẽ sau này sẽ được nhiều cán bộ khác bắt chước: Đám cưới của ông diễn ra vào chiều Thứ Tư, ngày 26/9. Không có tiền hoặc không muốn quá “xa hoa”, ông trưng dụng ngay trường Trung học cơ sở (tức trường cấp 2) tại địa phương làm nơi tổ chức tiệc cưới. Phòng học được dọn dẹp làm nơi ăn uống. Khuôn viên trường học rất rộng, tha hồ tiếp khách.

Nhưng như vậy thì học sinh đi đâu?

Thì được nghỉ học. Chứ sao?

Xin lưu ý: đó chỉ là một cán bộ xã thôi đấy nhé.

Chỉ cần đối chiếu hai bản tin trên với nhau, chúng ta thấy ngay những nỗ lực - nếu đúng là nỗ lực - của chính quyền Việt Nam hiện nay trong việc ngăn chận tham nhũng hay lạm quyền của cán bộ chỉ như cách dùng thuốc dán để trị một căn bệnh ung thư.

Đó chỉ là những trò che đậy giả dối. Chúng không thành thực. Và cũng không hiệu quả.



* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats