Tuesday, 9 October 2012

KHÔNG "THAM NHŨNG THẬT" THÌ CŨNG "TIẾN SĨ GIẢ" (Lê Trọng Hiệp)





Lê Trọng Hiệp

5-10-2012

Sau khi bổ nhiệm Dương Chí Dũng làm Cục trưởng hàng hải, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã bị lời ra tiếng vào, nếu không nói là bị đánh tơi bời trên báo chí. Bây giờ bổ nhiệm người thay thế Dũng là Nguyễn Nhật, Thăng cũng bị những lời vào tiếng ra tương tự.
Trước đây Thăng bị chỉ trích vì bổ nhiệm Dũng giữa lúc y bị cơ quan thanh tra phanh phui ra những sai phạm và dấu hiệu tham nhũng khi làm giám đốc tổng công ty hàng hải. Bây giờ Thăng bị chỉ trích vì bổ nhiệm một tiến sĩ giả làm cục trưởng.
Tuy nhiên đó không phải là lỗi của Thăng mà là “lỗi hệ thống”, là thực chất của bộ máy công quyền cộng sản, giống một bộ máy rệu rã từng chi tiết, đụng đến đâu cũng thấy hỏng hóc: không “tham nhũng thật” thì cũng “học vấn giả”.

Tiến sĩ giả làm cục trưởng

Câu chuyện được Cầu Nhật Tân nêu ra trong bài báo “Bộ trưởng Đinh La Thăng bổ nhiệm tiến sĩ rởm thay Dương Chí Dũng” đăng trên Blog của mình ngày 29/09/2012:
“Từ một nguồn tin trong vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GTVT, chúng tôi được biết đồng chí Đinh La Thăng vừa ký quyết định bổ nhiệm Tiến sĩ Nguyễn Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thay cho Dương Chí Dũng đã bị truy nã và bị bắt. Theo hồ sơ lưu tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Vụ TCCB Bộ GTVT thì ông Nguyễn Nhật có bằng Thạc sĩ Đại học Irvine và bằng Tiến sĩ Đại học Nam Thái Bình Dương. Cả hai trường Đại học này đều là trường rởm bị báo chí phanh phui suốt mấy năm qua.
Sáng 28/9/2012, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, thay mặt Bộ trưởng GTVT, đã công bố Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Nhật, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thay ông Dương Chí Dũng người đã bị truy nã và bị bắt. Theo hồ sơ lưu tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Nguyễn Nhật có bằng Thạc sĩ Đại học Irvine và bằng Tiến sĩ Đại học Nam Thái Bình Dương (Hoa Kỳ). Cả hai trường Đại học này đều là trường rởm bị báo chí phanh phui suốt mấy năm qua.”
[…]
Dư luận đang đặt câu hỏi lớn với Tiến sĩ Nguyễn Nhật:
Trình độ tiếng Anh của ông thuộc hạng “nửa chữ bẻ đôi không biết” thế mà làm cách nào ông nghiên cứu và bảo vệ được đề tài tiến sĩ bằng tiếng Anh? Mà đó là đề tài gì? Thời gian đào tạo tiến sĩ thông thường là 3-4 năm, bằng cách nào ông chỉ lấy bằng tiến sĩ trong 6 tháng. Trong 6 tháng đó, ông vẫn công tác nguyên vị tại Việt Nam.
Theo quy định của Việt Nam, đối với bằng/chứng chỉ do nước ngoài cấp, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT phải thẩm định và xác minh bằng văn bản. Vậy, trong bước thẩm định bổ nhiệm “Tiến sĩ” Nguyễn Nhật, Vụ TCCB Bộ GTVT đã làm việc với Bộ GD-ĐT chưa? Hay mặc nhiên Bộ GTVT chấp nhận đào tạo tiến sĩ chỉ cần 6 tháng?
Cần lưu ý là đồng môn với ông Tiến sĩ Cục trưởng Nguyễn Nhật còn có Tiến sĩ Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Văn Ngọc, lấy Bằng Tiến sĩ ĐH Nam Thái Bình Dương chỉ trong 6 tháng (thời điểm còn là Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) với 17000 USD.
Với ông Ngọc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập Đoàn Kiểm tra, xác minh vụ việc, kết luận: “Bằng Tiến sĩ không có giá trị sử dụng… trong nước” và nghiêm khắc phê bình, yêu cầu ông Ngọc “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Tiếp đó, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010-2015), diễn ra từ ngày 22 đến ngày 23-10-2010, ông Nguyễn Văn Ngọc đã không được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, sau đó bị mất chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhưng lại được đá hất lên Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan doanh nghiệp Trung ương.”
[…]
Chuyện thực chất của các tấm bằng của các đại học chỉ tồn tại trên “địa chỉ hộp thư” báo chí đã nói nhiều, khỏi cần phải bàn. Bản thân Nhật thì “tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết” nên Nguyễn Nhật đã lo lắng đánh phủ đầu trước: giấu biệt bằng cấp Mỹ.
Trả lời báo chí, Nhật cho biết mình không có bằng tiến sĩ, chỉ tốt nghiệp kỹ sư hàng hải tại Hải Phòng và “có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh do Đại học Quốc gia Hà Nội” cấp.
Nghĩa là Nhật phủi tay với bằng “Tiến sĩ Nam Thái Bình Dương” và chỉ nhận “thạc sĩ Hà Nội”.
Thế nhưng tin tức lại phanh phui ra: cái gọi là bằng “thạc sĩ Hà Nội” này chỉ là “sản phẩm liên kết đào tạo giữa ĐH Quốc gia Hà Nội với cái gọi là ĐH Irvine (Mỹ)”. Về sau liên kết này đã bị Thanh tra Chính phủ kết luận là “vi phạm nghiêm trọng pháp luật hiện hành về giáo dục đào tạo tại Việt Nam và văn bằng cấp trong chương trình này không có giá trị.”
Nhân chuyện này bàn lại các tiến sĩ có “thực chất” hơn tại Việt Nam. Năm 2010 hai ký giả Linh Anh và Tiến Đạt Câu đã báo động “Đào tạo tiến sĩ . “Chất” và “lượng”. Bài 1: Luận án nghiên cứu hay… nâng cấp?” trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 25.1.2010. Vào chuyện, hai tác giả trình bày:
Chất” và “lượng” trong đào tạo tiến sĩ (TS) đang là vấn đề nhức nhối đặt ra trước hệ thống giáo dục Việt Nam: Được “lượng” thì mất “chất” và được “chất” thì… “lượng” không còn. Điều đáng nói là thời gian gần đây, trước nhu cầu “Tiến sĩ hóa đã khiến không ít người nhận thức sai lệch rằng, làm luận án TS giống như mua một món đồ trang điểm, đến nỗi một lãnh đạo ngành giáo dục phải thốt lên: “Bằng TS không phải vật trang sức. Anh thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm TS, đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người!”.
Bài báo trên làm sáng tỏ một điều: nếu thời trước có tiến sĩ giấy thì thời XHCN nay có tiến sĩ bún - bánh tráng hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không chỉ có vậy, câu chuyện còn thể hiện sự thật mà một nhà văn Liên Xô từng hư cấu, sau được dịch sang tiếng Việt: bí thư đảng ủy của một Viện nghiên cứu sửa sang qua loa luận văn phó tiến sĩ của một nhân viên dưới quyền, thế là ông ta trở thành tiến sĩ, rồi giáo sư viện sĩ.

Bún, bánh tráng và… xã hội đen

Chuyện xảy ra ngày 4.12.2009 tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM (ĐHBK) khi 10 vị giáo sư và tiến sĩ ngành cơ khí thuộc Hội đồng Khoa học nhà nước hầm hầm bước ra khỏi phòng họp sau một trận cãi vả phun nước bọt.
Cùng hầm hầm bước ra phòng họp là nghiên cứu sinh tiến sĩ mới bị đánh hỏng tên TTS. Vì sợ lôi thôi, báo SGGP chỉ dám để tắt là TTS, tìm kiếm trên các tài liệu khác thì được biết ông tiến sĩ hụt này có tên là Trần Trường Sơn. Ông tiến sĩ hụt này không chỉ hầm hầm mà còn lời ra tiếng vào như một ông say rượu, giận còn hơn 10 ông kia và thề thốt là sẽ kiện ĐHBK và Hội đồng Khoa học nhà nước ra tòa.
Vụ đụng độ này bắt nguồn từ một buổi trình bày luận án tiến sĩ chuyên ngành “Công nghệ chế tạo máy” tổ chức trước đó bốn tháng, cũng tại ĐHBK. Đó là ngày 10.8.2009, khi ĐHBK tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ: “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”.
Nghe thật hay nhưng thực chất thì:
- “Sản phẩm dạng màng sợi từ gạo” chỉ có nghĩa là bún và bánh tráng, gọi theo tiếng Bắc là bánh đa.
- Các “kỹ thuật” hay thiết bị đã có sẵn, luận án này chỉ hướng đến việc “nâng cao chất lượng và năng suất”.
Bằng tiến sĩ Việt Nam được xem là thiếu thực chất nhưng thủ tục thì rất rườm rà. Để lấy bằng tiến sĩ thì các nghiên cứu sinh tại Úc chỉ cần nộp luận án cho các thành viên hội đồng giám khảo, có gì từng thành viên sẽ yêu cầu nghiên cứu sinh bổ sung, hoàn chỉnh, viết lại hay bác bỏ. Còn tại Việt Nam thì phải tổ chức thuyết trình, ra thông báo cho công chúng (sinh viên, giới nghiên cứu) đến dự. Tại đây nghiên cứu sinh phải qua được các câu hỏi “phản biện” của “hội đồng khoa học”. Muốn trở thành tiến sĩ thì phải trả lời trót lọt các câu hỏi chất vấn của hội đồng này.
Theo thủ tục thì nghiên cứu sinh phải giới thiệu đề tài, cam đoan rằng mình nghiên cứu đề tài này một cách trung thực, không sao chép của ai. Trần Trường Sơn cũng vậy, anh ta nhấn mạnh rằng mình là người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu kỹ thuật tráng bánh và làm bún.
Tuy nhiên theo tường thuật thì nghiên cứu sinh này đã lộ vẻ lúng túng ngay từ lúc bắt đầu, trình vấn đề một cách lủng củng, thiếu mạch lạc, không nêu bật được những điểm trọng tâm hay những tìm tòi mới trong luận án của mình.
Sau đó thì Hội đồng Khoa học (HĐKH) gồm 7 thành viên nêu câu hỏi phản biện và nghiên cứu sinh này bị căng như dây đàn: hơn 10 câu hỏi và gần như anh ta không trả lời nổi câu nào.
Một thành viên HĐKH chất vấn: “Đề nghị nghiên cứu sinh phân biệt phương pháp Box Hunter (phương án quay) và phương án tổ hợp cấp 2 của UYNXON đã ứng dụng trong luận án…”.
Với câu này anh ta gãi tai.
Một thành viên khác hỏi: “Nghiên cứu sinh giải thích thế nào là nâng cao hiệu quả sản xuất …”.
Với câu này, anh ta chỉ biết gãi đầu.
Với những câu câu hỏi khái quát và liên quan trực tiếp đến vấn đề chuyên môn nhưng anh ta cũng vò đầu hay bứt tóc nên ai cũng ngơ ngác, không biết “nghiên cứu sinh” này “nghiên cứu” cái gì.
Nhưng điều càng làm người ta ngơ ngác hơn khi kết quả bầu chọn cho thấy 5 trong 7 thành viên “Hội đồng khoa học” bỏ phiếu thuận, trong đó có cả chủ tịch hội đồng. Điều này có nghĩa là luận án đã được xem là “đủ trình độ tiến sĩ” và Việt Nam sẽ có thêm ông nghè bún – bánh tráng Trần Trọng Sơn.
Tuy nhiên Trần Trọng Sơn chỉ là ông nghè hụt.
Ngay khi chủ tịch hội đồng thông báo kết quả của luận án thì một cán bộ của ĐHBK là thạc sĩ N.L.Q. trong khán giả bên dưới đứng bật dậy, gầm lên:
- “Tôi khẳng định những cam kết của nghiên cứu sinh là không trung thực. Đề tài luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh T.T.S. không phải là đề tài thực hiện đầu tiên ở Việt Nam. Cách đây 5 năm (năm 2004) tôi đã thực hiện và chế tạo thành công thiết bị này và đề tài này cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghiệp cấp bằng sáng chế…”.
Cả hội trường nhốn nháo và ông thạc sĩ này tấn công tấp tới. Ông cho biết ông đã nhiều lần đưa tay xin phép phát biểu ý kiến nhưng bị chủ tịch hội đồng lờ đi. Lúc này các chuyên gia mới bắt đầu bung ra mổ xé nội dung luận án.
Theo họ thì đây là một luận án tiến sĩ “treo đầu dê bán thịt chó”. Đề tài của luận án là “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo” nhưng nội dung chỉ là đề án, là chế tạo máy tráng bánh rế công nghiệp.
Bánh tráng rế là loại bánh tráng làm bằng sợi gạo, giống như bánh hỏi và nhỏ hơn, được sử dụng để làm chả giò. Các loại máy làm bánh tráng rế thì đang ê hề trên thị trường, chẳng cần phải nghiên cứu mất công.
Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy của ĐHBK, cho rằng luận án rất sơ sài: đề tài không ăn khớp với nội dung, trình bày thì thiếu logic, chương trước tréo ngoe với chương sau, phần tính toán thì mơ hồ vừa không khớp với thực tế, không đủ độ tin cậy. Thậm chí trong luận án còn có quá nhiều lỗi về chính tả. Điều lạ là một luận án tiến sĩ sai ngay từ căn bản như thế mà vẫn được 5 trong 7 thành viên hội đồng khoa học chấp thuận.
Sự vụ bị làm ầm ĩ và ngày 28.10.2009, ĐHBK ra công văn “Hủy kết quả đánh giá của Hội đồng Chấm luận án cấp Nhà nước ngày 10.8.2009 của Trần Trường Sơn.”
Sau đó, ngày 4.12.2009 ĐHBK tổ chức buổi góp ý cho luận án với Trần Trường Sơn và sau một trận cãi vả đầy nước bọt, hai bên hầm hầm bước ra, mặt mày đỏ gay.
Trước đó, từ lúc bị khiếu nại cho đến lúc ra quyết định hủy kết quả chấm, hiệu trưởng và trưởng khoa cơ khí của ĐHBK liên tục bị gọi điện thoại hay nhắn tin dọa tạt axít hay phóng hỏa đốt nhà.
Đáng nói hơn là chuyện của Giáo sư Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước, là cơ cấu có trách nhiệm cố vấn cho ĐHBK trong vấn đề chuyên môn. Sau khi tham dự lễ bảo vệ trên đường về nhà, ông đã bị 2 thanh niên theo dõi và cướp chiếc cặp táp trong đó có tài liệu báo cáo.

Trình độ tiến sĩ

Những trường hợp luận án tiến sĩ “đầu voi đuôi chuột” như Trần Trường Sơn thì rất nhiều nhưng bị lật tẩy như anh ta thì rất là hy hữu. Nếu thạc sĩ N.L.Q. không làm ầm câu chuyện thì Việt Nam lại có thêm một tiến sĩ dỏm.
Nhiều năm trước đó, trong hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, Tiến sĩ Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau Đại học, đã kể lại những truờng hợp cười ra nước mắt. Theo bà thì khi Bộ GD & ĐT thẩm định lại 17 bài thi môn Anh văn của các thí sinh Thái Nguyên dự kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 2005 của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, họ đã phát hiện chỉ có… 2 bài đạt điểm trên trung bình. Thế nhưng trước đó thì 17 bài đều đạt điểm cao.
Nhưng “vui” nhất là những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Một nghiên cứu sinh tại Học viện chính trị quốc gia làm luận án tiến sĩ về đề tài “phát triển đảng” được yêu cầu viết lại bản tóm tắt nội dung luận án, và phải viết sao cho làm nổi bật những tìm tòi mới của mình. Viết đi viết năm bảy lần, bản thông tin tóm lược luận án để giới thiệu cái mới của anh ta chính là một khoản trong Điều lệ Đảng: “Phát triển Đảng cho quần chúng ưu tú và quần chúng đó phải tự nguyện xin vào Đảng”.
Nghĩa là những ông tiến sĩ học thuộc lòng và những luận án tiến sĩ sao chép, không có sự nghiên cứu, không gắn bó với thực tiễn.
Tuyệt đại đa số các luận án tiến sĩ là những đề tài vô thưởng vô phạt, phần lớn là trò thu thập tư liệu để tổng kết một vấn đề đã xảy ra chứ không thể hiện tính chất nghiên cứu nào cả. Trong danh mục hàng trăm luận án đã bảo vệ thành công bằng tiến sĩ, đa số thường là các đề tài như:
- “Xu hướng phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở…”
- “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành… ở nước ta qua khảo sát ở…”
- “Những chuyển biến kinh tế xã hội của…”
- “Quá trình nghiên cứu và giới thiệu văn học… ở Việt Nam”…
Vân vân. Với các đề tài vớ vẩn như thế, chẳng ai buồn nghĩ đến việc áp dụng chúng vào thực tế.
Theo Giáo sư Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) thì các nghiên cứu sinh hiện tại thường né tránh các đề tài nghiên cứu nghiêm túc. Thay vào đó, họ chọn các công trình nghiên cứu nhẹ nhàng nhưng nấp bóng các nhà khoa học đang giữ công tác lãnh đạo hoặc các giáo sư đầu ngành để dễ thông qua. Lý do là trên thực tế khác là các vị nhà khoa học giữ chức vụ lãnh đạo thì luôn bận rộn trong công việc quản lý nên không thể nghiên cứu sâu trong chuyên môn nữa. Mà khi đã bám vào các công trình một thời của các nhà lãnh đạo này, họ dễ làm các vị trên “sướng” lên vì được đánh bóng tên tuổi. Trong khi đó thành viên của hội đồng xét duyệt thì lại cả nể, nhờ thế mà cơ hội thành tiến sĩ càng cao.
Đó là chưa nói đến việc mua chuộc bằng tiền, bằng gái vì ở Việt Nam hiện tại không có cái gì mà người ta không mua được.
Chính vì vậy nên việc “đào tạo tiến sĩ” ở Việt Nam chỉ mang tính hình thức, hoàn toàn thiếu thực chất. Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nhưng vẫn không nắm vững những phương pháp nghiên cứu chuyên môn, thậm chí không có khả năng viết được một bài báo khoa học theo tiêu chuẩn hàn lâm.

Cơn khát tiến sĩ

Năm 2000, chính phủ Việt Nam công bố Đề án 322, vạch ra mục tiêu đào tạo cán bộ trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân ở nước ngoài hay hợp tác với nước ngoài để đào tạo. Năm 2009 Ban điều hành Đề án 322 đã tổng kết: sau 9 năm thực kiện, ban đã chọn gần 3,000 sinh viên đưa đi du học tại hơn 30 nước khác nhau, trong đó nhiều nhất là Nga, Úc và, Mỹ, với kinh phí đào tạo trung bình khoảng 25,000 Mỹ kim một năm cho mỗi sinh viên.
Trong 6 năm đầu tiên, đã có 18 sinh viên phải về nước giữa chừng, trong đó có 13 người ở Nga bị buộc thôi học vì học lực kém, 3 người ở Pháp không đủ trình độ ngoại ngữ, một người học tiến sĩ ở Úc nhưng chỉ lấy được bằng… thạc sĩ. Ngoài ra còn có một số không theo hết chương trình do bệnh, không chịu được thời tiết khác biệt.
Hiện Bộ đã cấp gần 1,000 suất học bổng thuộc Đề án 322, trong đó 700 suất đào tạo tiến sĩ , 200 suất đào tạo thạc sĩ, 30 thực tập sinh.
Nhưng vẫn chưa đủ.
Năm 2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo trình lên chính phủ đề án “Phấn đấu đào tạo 20,000 tiến sĩ để các trường đại học có tối thiểu 30% tiến sĩ vào năm 2020”.
Theo “Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009–2020” thì đến năm 2020 Việt Nam sẽ đạt ỷ lệ cứ 10,000 dân sẽ có 450 sinh viên. Theo tỷ lệ này thì lúc đó Việt Nam sẽ có khoảng 4.5 triệu sinh viên.
Với tiêu chí 20 sinh viên cho một giảng viên thì năm 2020 sẽ phải có 225,000 giảng viên đại học và cao đẳng. Dự thảo cũng nêu chỉ tiêu có 15% tiến sĩ ở bậc cao đẳng và 30% tiến sĩ ở bậc đại học, tính ra lúc đó Việt Nam phải có 60,000 tiến sĩ. Hiện tại Việt Nam có khoảng 15,000 tiến sĩ, do đó trong 12 năm tới phải đào tạo thêm 45,000 tiến sĩ. Tuy nhiên chưa chắc toàn bộ tiến sĩ đều gắn bó vói công việc giảng huấn do đó cần phải tính trừ hao và do đó cần ít nhất là 50,000 tiến sĩ.
Trong khi đó, cả năm 2008 một cơ sở đào tạo lớn như ĐH Quốc gia TPHCM thì năm cũng chỉ cho “ra lò” được 37 tiến sĩ mà “chất lượng” hãy còn rất đáng nghi ngờ. Vậy, làm gì để có thể đạt được con số trên, chưa nói đến trình độ thật sự của các tiến sĩ.

Đào tạo tiến sĩ để làm gì?

Nhưng vấn đề chính là giới làm chính sách tại Việt Nam vẫn không hiểu thực chất kỹ năng của một người được đào tạo cấp bằng tiến sĩ. Vì hoàn toàn hiểu sai về kỹ năng làm việc của người có bằng tiến sĩ đúng nghĩa nên họ đưa ra những “chiến lược” hay “quyết tâm” rất tức cười.
Lấy thí dụ tháng 8 năm 2009 Thành ủy Hà Nội đưa ra “quyết tâm đến 2020 có 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ.”
Trên thực tế thì hiện tại chưa có bộ máy chính quyền nào nhiều quan chức có bằng tiến sĩ như chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên cũng hiếm có chính quyền nào làm việc kém hiệu quả như chính quyền Việt Nam. Một hiện tượng “dị thường” ở Việt Nam khi mà trong bộ máy nhà nước và kinh doanh của Việt Nam thì số người có bằng tiến sĩ cao hơn hẳn Nhật, một quốc gia có thu nhập đầu người gấp 75 lần Việt Nam. Khá nhiều người có học vị tiến sĩ vẫn tham gia công việc quản lý trong xã hội phương Tây nhưng đó là những kẻ có thực tài, và họ chiếm tỷ lệ rất ít.
Trình độ của một tiến sĩ là trình độ của một người nghiên cứu sâu, họ có thể đi sâu trong chuyên môn ngành hẹp của mình hay tham gia công tác đào tạo, truyền đạt kiến thức ngành hẹp của mình cho sinh viên tại các đại học. Họ không được đào tạo để làm người quản lý, là mẫu người không cần biết sâu nhưng biết càng nhiều càng tốt, thứ nào cũng biết một ít, cái chính là khả năng điều hợp và dùng người.
Chính vì mục tiêu “tiến sĩ hóa lãnh đạo” nên càng tạo ra hiện tượng chạy bằng và mua bằng của các quan chức và làm nẩy sinh nhiều chuyện cười ra nước mắt. Thí dụ chuyện nợ bằng: chưa có bằng trung học nhưng cứ học, lấy bằng đại học và thạc sĩ truớc, còn bằng trung học thì cho nợ, thì bổ túc nộp sau!

Lê Trọng Hiệp






No comments:

Post a Comment

View My Stats