Dương Trung Quốc / Linh Thư (Vietnamnet)
Danlambao
24-10-2012
"Thái độ thành khẩn của
Thủ tướng làm an lòng dân. Tâm lý người dân đã nghe nhiều sự thành khẩn,
thừa nhận khuyết điểm ở mức độ khác nhau của các thành viên Chính phủ, giờ đây
là người đứng đầu Chính phủ, nên điều mong muốn là có hình thức giám sát để có
thể đánh giá sự sửa chữa đó được thể hiện trong thực tiễn..." - Dương Trung Quốc
Linh Thư (Vietnamnet) - Đánh giá thông điệp của Thủ tướng trước Quốc hội
"làm an lòng" nhân dân, ĐBQH Dương Trung Quốc mong muốn có hình thức
giám sát để đánh giá sự sửa chữa của Chính phủ được thể hiện trong thực tiễn.
Ông Dương Trung Quốc trao đổi với VietNamNet bên hành lang Quốc hội sáng nay
(23/10):
Theo ông, thông điệp của Thủ tướng
trong bài phát biểu tại Quốc hội hôm qua có tạo sự kết nối với những điều dân
đang chờ đợi như thế nào?
Với việc Thủ tướng nhận trách nhiệm
của mình với tư cách cá nhân, một cán bộ cao cấp của Đảng, với tư cách Thủ
tướng, người đứng đầu Chính phủ, tôi cho là làm sáng tỏ vấn đề Hội nghị TƯ 6
vừa đưa ra.
Thái độ thành khẩn của Thủ tướng
làm an lòng dân. Tâm lý người dân đã nghe nhiều sự
thành khẩn, thừa nhận khuyết điểm ở mức độ khác nhau của các thành viên Chính
phủ, giờ đây là người đứng đầu Chính phủ, nên điều mong muốn là có hình thức giám sát để có thể đánh giá sự
sửa chữa đó được thể hiện trong thực tiễn.
Báo cáo trước Quốc hội, người đứng
đầu Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong điều hành, quản lý,
với những chỉ tiêu không đạt. Cá nhân ông lưu tâm vấn đề nào đang tạo ra cản
trở cho những nỗ lực chung?
Tôi nghĩ cần có sự chia sẻ nhất
định. Nền kinh tế của chúng ta đang có những khó khăn vô cùng to lớn, nằm chung
trong khó khăn của nền kinh tế thế giới vì đất nước hội nhập nhiều rồi.
Nhưng trong việc đưa ra mục tiêu
thay đổi, tôi nghĩ quan trọng là thay đổi ngay cách nhận thức. Một ý kiến mà
tôi phát biểu từ rất lâu là "hội chứng GDP" mà chúng ta không bao giờ
phân biệt GDP tích cực hay tiêu cực. Bên cạnh tham nhũng, có một cái mà tôi cho
là chưa đề cập đúng mức là lãng phí, cực kỳ lãng phí. Lãng phí ngay trong lĩnh
vực hoạt động kinh tế quan trọng.
Tạo dựng kênh lắng nghe
Ông từng đề cập đến chỉ số lòng tin
của Chính phủ và "năng lực lắng nghe" tại kỳ họp trước của Quốc hội.
Liệu điều ông kỳ vọng sẽ đem đến ý nghĩa thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?
Tôi cho lắng nghe là cần thiết.
Chúng ta không hoàn toàn lý thuyết hóa câu nói "cách mạng là sự nghiệp của
toàn dân". Sự sáng suốt luôn luôn từ phía người dân. Quan trọng là mình có
nắm bắt được không, có tập hợp được không, có phát huy được không, và đó gần
như là "thuật" cầm quyền. Vì thế nếu Chính phủ quan tâm, bên cạnh cơ
quan tư vấn thì cố gắng có kênh lắng nghe các tổ chức xã hội, các tổ chức nghề
nghiệp, rồi những tổ chức chính trị xã hội.
Tôi nhắc lại, ngày xưa, Bác Hồ bận
như vậy nhưng rất quan tâm đọc báo, thể hiện thái độ của mình đối với mỗi bài
báo, kiểm tra lại, rồi khen đâu, thưởng đâu rất rõ ràng. Tôi thấy có rất nhiều
vấn đề báo chí nêu lên mà không thấy cơ quan của Chính phủ trả lời khiến người
dân không biết ai đúng, ai sai. Vì thế bên cạnh những bộ máy nằm trong tổ chức
của Chính phủ thì Chính phủ cần hết sức tạo dựng kênh để tiếp cận những ý kiến
của người dân và phản hồi cho người dân yên lòng.
Bỏ phiếu tín nhiệm phụ thuộc chất
lượng ĐBQH
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý
kiến dự thảo đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội,
HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Có thể chờ đợi đề án này sẽ tạo ra tác động như thế
nào trong việc đánh giá chỉ số tín nhiệm, lòng tin đối với cán bộ, lãnh đạo?
Việc này thực thi những điều Hiến pháp quy định mà lâu nay chúng ta chưa đưa vào cuộc sống. Nghị quyết này của Quốc hội tôi cho sẽ đáp ứng lòng mong mỏi của
người dân nhưng để thực thi, băn khoăn nhất của tôi không phải về phía vấn đề
thủ tục mà là chất lượng của chính các đại biểu Quốc hội.
Người đại biểu Quốc hội liệu có
thật khách quan, đủ năng lực để có thể đưa ra những quyết định phù hợp lòng
dân, nhất là cử tri của mình? Trong khi cách bỏ phiếu kín có thể dẫn đến việc
người dân không giám sát được vị đại biểu mình bầu ra có thái độ cụ thể như thế
nào.
Ở nhiều nước, một trong những yếu
tố người ta quan tâm là bên cạnh việc Quốc hội, các tổ chức dân cử giám sát bộ
máy hành pháp thì còn có những điều kiện để cho người dân giám sát được chính
đại biểu Quốc hội của mình để họ quyết định có tiếp tục tín nhiệm hay không tín
nhiệm ở kỳ sau.
Vì thế, tôi cho rằng hiện nay khó
khăn của chúng ta là làm sao để cho mỗi quyết định của đại biểu Quốc hội thể
hiện thái độ của mình thì người bầu ra họ biết được đại biểu đó đã hành xử như
thế nào. Điều đó hết sức quan trọng. Cũng như việc bỏ phiếu ở các nước, người
ta bỏ phiếu xong, trừ những bỏ phiếu kín thì tất cả tính danh của đại biểu Quốc
hội, thái độ công khai của họ hiển thị trên màn hình hay các hồ sơ mà người dân
có thể tiếp xúc được.
No comments:
Post a Comment