Fri, 10/19/2012 - 16:13 — tuongnangtien
“Chỉ khi nào có sự thay đổi chế độ để
nước ta trở thành DÂN CHỦ thực sự, mới mong có sự cãi tổ toàn diện cho nền giáo
dục VN. Bằng không, tất cả mọi sửa chữa chỉ là VÁ VÍU và sẽ không đi đến đâu.”
Khách Qua Đường – độc giả trang Dân Luận.
Tháng Chín năm 1975, giáo sư Lý Chánh
Trung được mời ra Hà Nội để tham dự Hội Nghị Hiệp Thương Thống Nhất.
Chuyến đi được ông kể lại, với rất nhiều hào hứng:
“Ra Bắc, gặp một cô lái đò, cô hỏi: có phải
là giáo sư Lý Chánh Trung không? Đúng là tôi. ‘Trước 1975, cháu có đọc nhiều
bài viết của chú, cháu thích lắm...’
“Lý Chánh Trung tấm tắc đưa ra nhận xét: Trình
độ văn hóa ngoài Bắc cao. Chiến tranh như thế mà một cô lái đò cũng tìm đọc Lý
Chánh Trung ở trong Nam...” (Miền Đất Lạnh – Nguyễn văn Lục,
ĐCV).
“Chiến tranh như thế” (rõ ràng) cũng
có điểm rất ... hay, và người Việt quả là một dân tộc rất ... lạ.
Họ chỉ đọc sách trong thời chiến thôi hà. Gần bốn mươi năm sau, sau
khi đất nước hoà bình và thống nhất, và sau khi trình độ văn hóa
(thấp) ở miền Nam đã được nâng lên cho bằng với văn hoá (cao) ở miền
Bắc, trong một cuộc phỏng vấn dành cho VietNamNet – vào ngày 3 tháng 5 năm
2012 – ông Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, kiêm Giám Đốc Thái Hà
Books) rầu rĩ cho biết:
“Người Việt đọc chưa đến 1 cuốn
sách/năm!Không thiếu những cuốn sách quý chở tư tưởng hiện đại và tư duy mới về
Việt Nam, được dịch thuật một cách kì công. Nhưng câu chuyện về vỏn vẹn 500 bản in
cho mỗi đầu sách quý này, tính trên số lượng 88 triệu dân – tức là chỉ có xấp
xỉ 0,00057% dân số tiếp cận – quả là một con số giật mình.”
Chưa hết, báo Dân Trí vừa cho phổ biến công bố
của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Toàn Cầu (World Intellectual Property
Organization) – theo đó “VN đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và với
xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng.”
Thảo nào mà ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà
Nội, đã bầy tỏ sự lo lắng “rằng trong các vụ tụ tập, biểu tình phản đối
Trung Quốc, cũng có đa số là những người khiếu kiện đất đai bị lợi dụng để gây
phức tạp về an ninh – trật tự.” Tương tự, ông Nguyễn Văn Bình, TGĐNHVN, cũng
phàn nàn y như vậy: “Do dân trí VN chưa cao, nên người dân không biết ngân
hàng nào tốt hay xấu.”
Ở nước ngoài, Đại Sứ Đỗ
Xuân Đông cũng có nỗi băn khoăn tương tự: “Giá trị dân
chủ là cái đích, mà tất cả chúng ta đều mong tiến tới. Nhưng trình độ dân trí
của dân ta còn thấp lắm, nên chưa thể làm như vậy được.”
Nguồn ảnh:phamvietdao2.blogspot.com
Thế còn quan trí?
Câu trả lời xin được dành cho một nhân
vật (rất) có thẩm quyền, nhà báo Trương Duy Nhất:
“Trong thành phần Chính phủ, tôi cũng có
quen vài người. Hôm nọ ngồi tiếp chuyện một vị, ổng bất chợt hỏi:
– Nghe nói chú có nhiều bài viết hay lắm,
tìm thế nào để đọc được?
Tôi thật thà:
– Ôi, anh nhiều việc thế chắc nói dài dòng
không nhớ nổi đâu. Tốt nhất cứ vào gút- gồ gõ chữ Trương Duy Nhất là ra hết !
Vậy mà ổng trợn tròn mắt:
– Gút- gồ là cái chi rứa ?
Thật tình không dám cười vì sợ thất
thố!"
Ông Trương Duy Nhất (rõ ràng) là một
người vô cùng lịch sự và tế nhị. Không phải nhà báo nào cũng có
được những phẩm chất cao qúi đó. Bà Phạm Thị
Hoài (rành rành) là một “nhà” như thế:
“Những lời hùng biện
nổi tiếng của Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đang có
nguy cơ nhường vị trí đầu bảng cho phát ngôn của Bí thư Thành ủy Hải Phòng ngày 17.2.2012
tại CLB Bạch Đằng, trong đó ông Nguyễn Văn Thành cảnh
báo nguy cơ từ tai nạn truyền thông về sự cố trong lãnh địa do ông cai quản,
với hơn 1500 bài báo và ‘5 triệu người vào mạng Gú gờ chấm Tiên Lãng’...
Khả năng của Gú gờ là vô tận, chúng ta
biết. Nhưng vẫn bị bất ngờ, mà chính Gú gờ cũng sửng sốt. Một chương mới trong
lịch sử internet sắp mở. Gú gờ còn có thể chấm rất nhiều thứ khác.
Trước hết là chấm sự dốt nát của vị tiến sĩ
kinh tế, cử nhân luật, cử nhân Anh văn Nguyễn Văn
Thành, người lãnh đạo cao nhất của Hải Phòng, thành phố
trực thuộc trung ương lớn thứ ba trong toàn quốc, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Hà
Nội. Ở vị trí đó, theo cơ chế chia ghế của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn
Văn Thành hiện là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và có thể lên đến ủy viên Bộ
Chính trị.”
“Ai cũng có cái dốt của mình. Dốt mạng
không phải là tội. Nhưng trường hợp ‘Gú gờ chấm Tiên Lãng’ cho thấy hai điều
đáng gọi là rùng rợn:
Thứ nhất, tác giả của phát minh nói trên,
ông tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, là một trong 175 người lãnh đạo cao nhất của 90
triệu người Việt Nam, tức thuộc giới thượng lưu chính trị của đất nước. Thứ
hai, một sự dốt nát như thế chỉ có thể dõng dạc diễn thuyết như thế, khi nó
chắc mẩm rằng cử tọa còn ngu dốt hơn nhiều.”
Tôi đồ chừng rằng bà Phạm thị Hoài
có thành kiến hay tư thù (chi đó) với ông Nguyễn Minh Triết và Nguyễn
Văn Thành nên mới nặng lời đến thế. Chứ sự dốt nát của hai quan
chức này (nói nào ngay) cũng không tệ hại gì cho lắm, nếu so với
một vị lãnh đạo (kính yêu) khác – ông Nguyễn Tất Thành:”Ai đó thì có
thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai
được.”
Tất nhiên không phải mọi người họ
Nguyễn đều nói năng bậy bạ và nhảm nhí như quí ông Nguyễn Thế Thảo,
Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Văn Thành, hay Nguyễn Tất
Thành. Xin đơn cử một thí dụ, ông Nguyễn Gia Kiểng: “Ở mọi nơi mà nó
đã được thử nghiệm chủ nghĩa cộng sản đã chỉ là nghèo khổ, khủng bố, và tội
ác.”
Bác Kiểng nói không sai nhưng (e) hơi
bị thiếu. Nếu thêm hai chữ (“dốt nát”) nữa vào cuối câu – chắc chắn
– nghe sẽ đầy đủ và thuận nhĩ hơn: “Ở mọi nơi mà nó đã được thử nghiệm
chủ nghĩa cộng sản đã chỉ là nghèo khổ, khủng bố, tội ác, và ... dốt nát.”
Hoạ cộng sản sẽ qua và (rất) có vẻ
sắp qua nhưng nghèo khó, bạo lực, tội ác, và dốt nát (chắc) sẽ còn
ở lại hơi lâu. Bao lâu thì tùy vào cái cách chúng ta tiếp nhận, cũng
như xử lý những “di sản” thổ tả này trong những ngày tháng tới.
Riêng đối với sự dốt nát, hãy thử
nhìn sang nước láng giềng xem người dân Miến Điện đang rục rịch
phản công lại với giặc dốt ra sao trên mảnh đất khốn cùng của họ –
theo như tường thuật của Từ Khanh, từ Yangon:
“Sau khi được trả tự do, Daw Suu vận
động thành lập 36 ‘trường’ tư. Đúng hơn nên gọi là ‘trường thí’ vì học sinh
không phải đóng tiền, dành cho các gia đình nghèo không đủ sức cho con theo học
trường nhà nước (đủ thứ phí)... Chúng tôi bàn sẽ thuê xe đi thăm bốn trong 36
trường của Daw Suu nằm ở ngoại vi Yangon....
Khái niệm ‘trường’ sẽ không đúng khi đến
các ngôi trường này, vì mỗi trường chỉ gồm một lớp học. Cả bốn cái trường đều
nằm trên những khu vực sinh lầy và hôi hám xa trung tâm Yangon vài chục cây
số...
Một trong những
lớp học vừa được dựng lên trên những khu sình lầy, ở
ngoại ô Yangon. Ảnh: Từ Khanh.
"Sau suốt ngày dài, chúng tôi từ giã
bốn ngôi trường trong tâm trạng buồn bã nhưng tràn đầy hy vọng và phấn khích.
Nền giáo dục Miến Điện, như ở mọi thể chế không tự do, bị thui chột và đồng
dạng. Bảy mươi phần trăm sinh viên đại học đều học hàm thụ, mỗi năm chỉ tập
trung ở trường tám ngày. Trên năm mươi phần trăm trẻ em thất học. Những đứa trẻ
được đến trường công thì cha mẹ phải đóng phí học thêm để thầy giáo kèm thi.
Nhà chùa, dưới chế độ quân phiệt, đóng vai trò hướng dẫn cuộc sống đời và đạo.
Nhưng dù thực trạng não nề nhưng một con
đường mới đang thắp sáng trước mắt. Những ngôi trường của bà Aung San Suu Kyi
là một định hướng chiến lược, dù gần ba trăm giáo viên tình nguyện đang dạy
trên 20.000 học sinh đều chưa qua trường lớp sư phạm, phần lớn mới học xong
trung học. Một khởi sự đầy nhọc nhằn trong bầu khí dân chủ đang chuyển biến
ngoạn mục trên quê hương đã quá nhiều lầm than.
Bắt đầu trang bị cho thế hệ mới những điều
không được nói trên nửa thế kỷ qua từ khi nhà độc tài Ne Win chiếm quyền năm
1962.Bắt đầu công khai cấy ý thức dân chủ, thế nào là quyền căn bản của con
người. Các lớp học trong chùa suốt năm thập niên qua tiếp tục dạy con người trở
thành kẻ hiền lương trong mọi hoàn cảnh. Họ đã đạt được mục tiêu đó. Những
chuyển động tài bồi dân trí hiện nay đang hướng về những kiến thức thời đại.
Dạy làm người hiền lương là điều khó nhất nhưng họ làm được, trang bị những tri
thức thời đại là điều tất nhiên sẽ thành.”
“Nhà chùa, dưới chế độ quân phiệt, đóng
vai trò hướng dẫn cuộc sống đời và đạo." Chùa chiền, thánh thất,
giáo đường ở Việt Nam không có cái may mắn đó. Đám tướng lãnh ở
Yangon (xem chừng) cũng không chuyên nghiệp và chu đáo như những vị
lãnh tụ kính yêu ở Hà Nội hay ở Bắc Kinh, theo như ghi nhận của Dương Kế
Thằng:
“Từ nhà trẻ đến đại học, sứ mệnh chính là cấy thế giới
quan cộng sản vào tâm trí của học sinh, sinh viên các cấp. Các viện nghiên cứu
khoa học xã hội, đoàn văn công, cơ quan truyền thông và trường học tất thảy đều
trở thành công cụ cho sự độc quyền của Đảng về tư tưởng, tinh thần và quan
điểm, và tất cả các cơ quan này liên tục tham gia nhào nặn tâm hồn của thế hệ
...”
“Trong hoàn cảnh suy nghĩ và thông tin bị bưng bít như
vậy, chính quyền trung ương dùng bộ máy độc quyền của mình cho công tác lâu dài
là làm cho mọi người thấm nhuần các giá trị cộng sản đồng thời phê phán và bài
trừ bất cứ giá trị nào khác. Bằng cách này, tâm trí của giới trẻ hình thành
những cảm xúc rõ rệt và sâu sắc về đúng/sai và yêu/ghét, và những cảm xúc đó
hóa thành niềm khao khát mãnh liệt muốn biến các lí tưởng cộng sản thành hiện
thực. Lúc đó, bất cứ lời nói hay hành động nào phản đối hay đi chệch khỏi những
lí tưởng này sẽ bị toàn thể mọi người nhất loạt đả kích(*).”
Nạn nhân của
chế độ quân phiệt, ngó bộ, dễ thoát hơn là nạn nhân của chế độ
cộng sản – theo như nhận xét của giáo sư Cao Huy Thuần: “Ở Myanmar, dù tướng tá có hư hỏng, văn hóa đó vẫn còn tốt, xã hội đó
vẫn còn tốt, con người ở đó vẫn còn tốt, vẫn còn cùng nhau chia sẻ một đạo đức
chung.”
Từ Khanh, qua bài viết thượng dẫn, cũng có nhận xét (gần)
tương tự: “Người Miến Điện, khi bị cai
trị bằng súng đạn, vẫn có một sức mạnh bền bĩ nhờ tín ngưỡng. Họ dùi mài niềm
tin trong im lặng, thâm trầm, y cứ vào lời dạy của giáo chủ để làm phương châm
sống. Sự dùi mài niềm tin ấy trở thành máu thịt, rèn luyện họ thành những trí
tuệ biết tập trung vào công việc. Những đền đài và tượng đài vĩ đại nhất thế
giới của họ không làm bằng sự tự mãn, bằng xương máu, hoặc để được ghi vào sách
Guiness, mà được tỉ mỉ dựng xây từ thế hệ này qua thế kỷ khác, bằng công và của
chắt chiu từng ngày.”
Về tín ngưỡng, cũng như về văn hoá –
xem chừng – nước Việt không có những ưu điểm tương đồng. Vì thế, trong
việc đối phó và xóa bỏ vô số những điều ngụy tín đã thấm sâu vào
lòng người, dân Việt chắc sẽ gặp rất nhiều trở lực. Dù vậy, chúng
ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta sẽ nói KHÔNG với sự ngu xuẩn, dối trá và bất
nhân. (**)
Tưởng Năng Tiến
(*) Dương Kế Thằng – Nền chính trị hại dân
của Mao trong thời kì Đại Nhảy vọt ở Trung Quốc: Lời nói đầu cho cuốn “Bia mộ”
(2). Nguồn: Tạp chí “Trung Hoa đương đại” (2010), số 19 (66), tháng 9,
trang 755-776). Bản tiếng Anh
(The Fatal
Politicsof the PRC's
Great Leap Famine: the preface to Tombstone).Bản tiếng Việt ©
2012 pro&contra; © 2012 Bùi
Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ.
(**) Alan Phan – Gạch Nối Giữa
Giáo Dục Và Tự Do.
No comments:
Post a Comment