BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ
Thứ tư 17 Tháng
Mười 2012
Ba tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tối qua 16/10/2012, hai ứng cử viên Barack Obama và Mitt Romney dã gặp nhau
trở lại trong cuộc tranh luận tay đôi trên truyền hình. Cuộc tranh luận lần này tập trung
chủ yếu vào các vấn đề bên trong nước Mỹ. Giới quan sát quan tâm đặc biệt đến cuộc đối mặt này, bởi cả hai đối thủ đều đang ở thế giằng co rất sát sao trong các cuộc thăm dò tỷ lệ phiêu bầu.
Khác với lần đầu, ứng cử viên đương kim tổng thống Mỹ B. Obama đã tỏ ra chủ động, thoải mái và chiếm được ưu thế trên các hồ sơ thiết thân với đời sống của người dân Mỹ.
Từ Washington, nhà báo Phạm Trần phân tích cuộc tranh luận trên truyền hình của hai đối thủ chính trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng:
Nghe
(08:35) : Nhà báo Phạm
Trần-Washington 17/10/2012
Được đăng ngày Thứ tư, 17 Tháng 10 2012 10:38
Cuộc tranh luận lần II diễn ra tại thính phòng của trường Đại Học Hofstra
University, thị trấn Hempstead, tiểu bang New York. Dẫn chương trình là nữ ký giả
Candy Crowley, Trưởng Ban Liên Lạc Chính Trị Sự (Chief Political Correspondent)
của chương trình truyền hình CNN.
Cuộc tranh luận lần II là cuộc tranh luận theo các câu
hỏi trực tiếp trên các vấn đề của chính sách đối ngoại và đối nội trước cử tọa
là 82 cử tri Hoa Kỳ chưa có quyết định chọn ứng viên nào, các cử tri này được
Viện Thống Kê Gallup chọn lựa.
Chỉ còn 3 tuần nữa là đến cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ
2012, có những nơi đã bắt đầu vòng bầu cử sớm, nên cuộc đua càng lúc càng lên
cơn sốt.
Bầu không khí cuộc tranh luận lần này đã cháy bỏng ngay
từ phút đầu, mặc dù cuộc tranh luận diễn ra trong một thính phòng và các ứng
viên phải đối mặt trực tiếp với cử tọa, do đó yếu tố tâm lý hòa nhã và bình
tĩnh rất được coi trọng.
Để bù lại cho lần thất bại trong cuộc tranh luận lần I,
Tổng thống Obama hung hăng mở đầu cuộc tranh luận bằng cách tấn công ngay vào
đối thủ Romney khi chỉ trích các Đảng Cộng Hòa không ủng hộ chính sách cứu trợ
tài chính cho nghành công nghiệp sản xuất xe ô-tô và cho rằng các dự án kinh tế
của Thống Đốc Romney gây sức ép cho tầng lớp trung lưu.
Obama nói: "Thống đốc Romney nói ông có một kế hoạch
5 điểm. Nhưng Thống đốc Romney không có kế hoạch 5 điểm. Ông chỉ có một kế
hoạch 1 điểm: Kế hoạch đó là người giàu chơi chung với nhau trên một quy luật
khác" (“Governor Romney doesn’t have a five-point plan. He has a
one-point plan: that plan is that folks at the top play by a different set of
rules.”)
Obama cũng cố sức cáo buộc các chính sách năng lượng của
Romney, khi trước đây chỉ trích nghành công nghiệp than mà bây giờ lại ủng hộ.
Romney đáp trả rất từ tốn mạch lạc. Ông nêu bật sự thâm
thủng của chính quyền Obama do sự chi tiêu quá đà và buộc chính quyền phải tăng
thuế gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông Romney cáo buộc thất bại về
kinh tế của chính quyền của Obama không phải lỗi của Ông Dầu Hỏa, Ông Khí Đốt
hay là Ông Than. ("This has not been Mr. Oil or Mr. Gas or Mr. Coal.”).
Ông Romney tiếp tục chất vấn Obama về trách nhiệm của chính quyền khi sản lượng
sản xuất dầu thô của Hoa Kỳ tụt giảm nghiêm trọng, làm giá xăng tăng vọt trong
suốt nhiệm kỳ 4 năm của Obama. Cho nên "tầng lớp trung lưu đã bị đè bẹp
trong suốt 4 năm qua" ("The middle class has been crushed over the
last four years"), ông Romney khẳng định như thế.
Bầu không khí căng thẳng lên, khi Obama ngắt lời:
"Sự thật không phải thế ("It's just not true.")
Nhìn thẳng vào mặt Obama, ông Romney gay gắt: "Đó là
hoàn toàn sự thật." ("It's absolutely true.")
Kể từ lúc này, ông Obama cố ngắt lời Romney, buộc ông
Romney phải lên tiếng: "Lát nữa, ông sẽ có cơ hội để nói. Bây giờ tôi đang
nói mà." ("You'll get your chance in a moment. I'm still
speaking.")
Vấn đề kinh tế, rõ ràng ông Romney hơn hẳn đối thủ. Ông
cho rằng phải cắt giảm ngân sách chi tiêu quá mức của chính phủ, cải tổ lại
toàn bộ chính sách thuế khóa để đem nghành công nghệp sản xuất của Hoa Kỳ trở
lại bản xứ thay vì phải đầu tư ra ngoại quốc, đặc biệt là đầu tư sản xuất Trung
Quốc, vì lý do thuế đánh vào nghành công nghiệp Hoa Kỳ quá cao và kinh doanh
thương mại với đối tác Trung Quốc thật sự không lành mạnh. Ông Romney nói rằng
Hoa Kỳ cần có nhà lãnh đạo kinh tế mới để hồi sinh, không được để nền kinh tế
Hoa Kỳ trì trệ mãi với con số thất nghiệp cứ ở mức 8%. Ông Romney nói:
"Chúng ta không thể sống được như thế này nữa. Chúng ta phải cố vực dậy
nền kinh tế." (“We don’t have to live like this. We can get this
economy going again.”).
Obama thì cho rằng chính sách kinh tế của mình đã đưa nền
kinh tế gần hồi phục, và cho rằng các chính sách của ông Romney là mơ hồ, chỉ
làm lợi cho người giàu và thiệt hại cho người nghèo.
Về các chính sách đối ngoại, lần này cả 2 ứng viên bên
tám lạng người nửa cân, không ai hơn ai kém.
Obama nêu lên những thành tích của chính phủ mình như
giết chết được trùm khủng bố Osama Bin Laden và rút quân ra khỏi Iraq. Romney
lại dồn Obama vào thế phòng thủ khi nhắc lại thất bại ngoại giao và chính sách
an ninh lỏng lẻo làm thiệt mạng 4 nhà ngoại giao bao gồm cả Đại Sứ Hoa Kỳ tại
Benghazi, Libya.
Ông Romney tiếp tục cáo buộc Tòa Bạch Ốc rằng trong cuộc
tranh luận giữa hai ứng viên Phó Tổng Thống vào tuần trước, ông Biden đã nói
rằng "chúng tôi không được báo cáo" ("we weren't told")
về việc phải tăng cường biện pháp an ninh cho các Tòa Đại Sứ. Thế nhưng trong
buổi điều trần trước Quốc Hội ngày hôm đó, các viên chức ngoại giao cho biết đã
thông báo với Tòa Bạch Ốc về các yêu cầu buộc phải tăng cường an ninh cho các
Tòa Đại Sứ ở Trung Đông. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã quả quyết vấn đề này
đã được báo cáo đầy đủ, thế nhưng cả Tổng Thống và Phó Tổng Thống chẳng màng
quan tâm. Hơn thế nữa, vào cái ngày dầu sôi lửa bỏng đó, Tổng Thống vẫn đang
trên đường đi Las Vegas vận động quyên góp tài chánh cho chiến dịch tranh cử mà
không quay về Tòa Bạch Ốc lo sự vụ. Ông Romney cho đó chính là vấn nạn, câu hỏi
phải trực diện của chính quyền Obama về các chính sách ngoại giao tại Trung
Đông.
Obama sau đó lên tiếng nhận trách nhiệm và hứa tiếp tục
điều tra những sai trái.
Đảng Cộng Hòa đang cố đánh mạnh vào chính sách đối ngoại
của chính quyền Obama cũng như các chính sách kinh tế làm lụn bại nền kinh tế
Hoa Kỳ để lung lay tư tưởng của các cử tri còn đang phân vân chọn lựa.
Đảng Dân Chủ thì cố gìn giữ khoảng cách mong manh tại 9
tiểu bang then chốt có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc cuộc bầu cử — những tiểu
bang mà lá phiếu cử tri đoàn có giá trị hơn lá phiếu cử tri.
Theo CNN chi tiết kết quả thăm dò trên từng đề tài:
Về khả năng lãnh đạo Romney đạt 49% so với 46% của Obama;
Về vấn đề thâm thủng ngân sách quốc gia Romney vẫn thắng
điểm rõ rệt với 59% và 36% cho Obama;
Về các chính sách thuế khóa là 51% cho Romney và 44% cho
Obama.
Thế nhưng kết quả chung của cuộc
thăm dò dư luận của CNN cho thấy con số ngược: Obama dẫn điểm trong cuộc tranh
luận lần II này với 46% và Romney là 39%.
Hoàng Vũ tường trình
No comments:
Post a Comment