Saturday, 27 October 2012

CUỘC CHIẾN ĐẤT ĐAI GIỮA DOANH NGHIỆP & NGƯỜI DÂN, CHÍNH QUYỀN KHÔNG THỂ VÔ CAN (Phương Bích)




Thứ bảy, ngày 27 tháng mười năm 2012

Đêm thứ 15, sau trận bị dân tôi “đánh úp”, chiếm lĩnh “trận địa”, đơn vị thi công đã phải rút quân.

Rời bến

Lưu tình tiễn

14 ngày qua, đám công nhân vật vờ ngồi cùng chúng tôi, họ cũng chả sung sướng gì, cũng là nạn nhân như dân tôi thôi. Họ mà biết chủ đầu tư chưa đền bù cho dân, thì bố bảo họ cũng chả dám liều.

Tôi nghĩ, dù người ngu độn mấy cũng hiểu, đời nào chính quyền chịu thua dân, để mấy ông bà ra chặn đơn vị thi công, ngang bằng bảo mấy ông chính quyền mắt mũi để đâu mà cho đám dân đen làm bậy thế? Hẳn “thằng” nào làm bậy đã rõ!

Chỗ dân tôi ngồi canh đất chỉ cách UBND phường vài trăm mét. Rốt cục ai làm bậy thì chính quyền cũng không thể vô can, vì trách nhiệm của họ là giám sát mọi hoạt động xã hội trên địa bàn họ “cai quản”. Vậy mà khi có tranh chấp xảy ra, họ cứ lơ đi, y như chả liên quan gì đến họ.

Họ không thể vô can, vì chính họ nằm trong cái guồng máy ấy. Từ chuyện dân tôi chuyển đi thế nào, rồi phá dỡ nhà ra làm sao. Sau khi phá rồi thì đã làm gì, họ là người nằm trong cái tổ chức đó, thế nhưng dân hỏi đến thì cái gì họ cũng bảo không biết.

Tôi chia sẻ thông tin lên mạng. Mọi người chúc mừng từ hôm tiến hành đánh úp. Sau đó, chuyện dân tôi già trẻ lớn bé thay phiên nhau canh đất, mọi người đều cảm thông lắm. Nay nghe tôi thông báo “quân địch” đã bỏ trận địa, dân mạng lại chúc mừng! Chúc mừng!

Tôi là người trong cuộc, đương nhiên không hề ngộ nhận về tình cảnh của mình. Kẻ thù hữu hình còn dễ chiến đấu, chứ kẻ thù vô hình khó hơn nhiều. Đuổi họ đi không khó, nhưng bắt họ ra mặt mới khó. Gần 4 năm nay, chủ đầu tư cứ nấp sau lưng chính quyền, định bắt chẹt dân tôi. Nhưng người tính không bằng giời tính. Họ tưởng lừa được dân tôi ra khỏi nhà, tưởng dán cho nó cái nhãn nhà nguy hiểm là cướp ngay được của thiên hạ đấy à? Chả gì dân tôi ở đây 30 năm, có giấy tờ đàng hoàng, đâu phải từ trên giời rơi xuống mà tự tiện lấy không đất của chúng tôi thế.

Dân tôi cặm cụi đi hỏi, cũng đọc điều này khoản nọ, biết rằng đất này không thuộc diện thu hồi (luật đất đai 2003). Thế mà UBND thành phố vẫn hồn nhiên ra quyết định thu hồi đất, bảo là đất của chủ đầu tư quản lý. Đời thủa nhà ai thu hồi đất của chủ đầu tư xong rồi lại giao cho chính chủ đầu tư để sử dụng lâu dài. Thế cái sổ đỏ nhà tôi do chính họ cấp để vứt vào sọt rác à?

Đã thế, đọc cái căn cứ của quyết định thu hồi, mấy ông bà ở ủy ban lại lấy cái quy định về thu hồi đất...làm nhà ở nông thôn tại địa điểm dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội, để làm căn cứ thu hồi đất chung cư giữa khu Thành Công mới ngộ. Hóa ra dân chúng tôi là nông dân, và khu Thành Công là địa điểm cư dân nông thôn! Tương tự bên Giảng Võ cũng là nông thôn! Suy ra xa xưa hơn nữa thì Việt Nam là văn minh lúa nước, nên thủ đô cũng sẽ là địa điểm cư dân nông thôn!


Hàng năm Cục quản lý văn bản của Bộ Tư pháp vẫn tuýt còi các cơ quan ban ngành của nhà nước, về những văn bản ban hành trái thẩm quyền. Nhưng xem ra chả ai bị xử lý về những sai phạm đó. Chắc tuýt còi để cho vui thôi.
Thực ra chính quyền cũng biết thừa, dự án này là kinh doanh nhà ở, lấy vốn của doanh nghiệp (CĐT) xây lên, bán kiếm lời, chứ có lấy vốn ngân sách đâu mà chính quyền đòi đứng ra định đoạt chuyện mua bán giữa chủ đầu tư với nhân dân? Đương nhiên vì lý do tế nhị, “đấu sĩ” CĐT sẽ được ưu ái hơn đấu sĩ nhân dân khi giải quyết tranh chấp.
Chỉ có điều khôn ngoan không lại với giời. Suốt 4 năm được ưu ái thế mà đấu sĩ CĐT cứ núp sau lưng trọng tài, không chịu đối mặt với nhân dân. Vụ thi công trộm đầu tiên, dân căng lều giữ đất 26 ngày. Chính quyền bỏ mặc “con đỏ” dãi nắng dầm mưa. Sau bị dân kéo nhau lên “ăn vạ” ở cửa quận, bấy giờ mới rặn ra được cái văn bản tạm ngừng thi công.

Sau hơn 2 năm im ắng, chả hiểu CĐT ỷ ôi thế nào xoay được mấy cái “bùa” giấy phép, lừa được một đơn vị thi công khác xuống thi công trộm. Đến lúc thấy dân kéo xuống không cho thi công, chính quyền không ra mặt “đỡ “ thì mới té ngửa ra là bị ăn “quả lừa”.

Hai nạn nhân vêu mặt ngồi chờ ngoài công trường. Trước lạ sau quen, tỷ tê to nhỏ với nhau đủ chuyện. Dân hỏi, bao giờ chúng mày rút? Thằng đội trưởng thi công bảo, thì cháu bảo nếu các anh ấy không thương lượng được với dân các bác thì chúng em phải rút thôi.

A! Đến ngày thứ mười ba mười bốn, đơn vị thi công đòi rút thì CĐT bảo hẵng khoan, chờ thứ năm này quận họp xong xem binh tình thế nào đã.

Ra thế! Họ chờ một cuộc giải cứu từ phía chính quyền đấy! Chứ họ đâu có ý định gặp dân để thỏa thuận?
Không hiểu nếu dân tôi không làm một cuộc “nổi loạn” thì sự thể sẽ đi đến đâu? Họ sẽ làm xong móng. Họ sẽ rao bán nhà để huy động vốn. Và việc bao giờ thì cái nhà ấy nó xây xong, hay dăm ba năm nữa vẫn chỉ là cái móng, như bao nhiêu dự án dở dang khác trên địa bàn thành phố Hà Nội này?

Trong tay người dân chúng tôi không hề có bất cứ một thứ giấy tờ gì, ngoài các biên bản đo vẽ xác minh hiện trạng về cái ngôi nhà cũ, mà giờ đây nó đã trở thành “hồn ma bóng quế”.

Họ thì có nhà lớn nhà bé, chứ dân tôi chỉ có độc một cái để chui ra chui vào. Thế nên dân tôi quyết “sống mái” đến cùng, chứ không đời nào ngồi im chờ họ cướp được.

Buổi trưa tất tả từ công trường về, vội dọn bữa trưa cho bố, cơn giận bỗng bốc hỏa lên đầu:

-           Bố thấy không? Cả đời bố vào sinh ra tử từ lúc cái nhà nước này chưa ra đời, vậy mà bây giờ đến một cái nhà cho mình cũng không có nốt. Bọn họ còn ở truồng khi bố đi làm cách mạng thì nay nhà lớn nhà bé vẫn chưa thỏa. Bố được cấp cho căn hộ ở cái nhà chung cư cũ nát, bây giờ nó cũng phá béng đi mất rồi, trong tay bố bây giờ chỉ là cái tờ giấy thôi. Bố có đợi được đến lúc trở về căn hộ mới của mình không?

Bố hơi ngơ ngác một chút. Khổ thân bố! Nửa tháng nay tôi chạy qua chạy lại lo chuyện nhà cửa, bố ăn uống cũng thất thường theo. Có bữa bố ăn bánh bích quy trừ bữa vì tôi không về kịp. Nghĩ thế tôi lại càng căm cái bọn tham lam. Đến bố tôi là thủ trưởng cũ của họ mà họ còn không từ, thì những người dân khác hẳn họ coi không bằng cỏ rác.







No comments:

Post a Comment

View My Stats