Được đăng ngày Thứ bảy, 20 Tháng 10 2012 08:29
Hội nghị trung ương 6, khóa 11 của ĐCSVN đã
bế mạc trong bế tắc. Nó đã là hội nghị trung ương dài ngày và công phu nhất
trong lịch sử đảng này.
Ba tháng chuẩn bị, ba tuần lễ họp liên tục
bộ chính trị và ban bí thư, sau cùng là 15 ngày họp ban chấp hành trung ương.
Để không đi đến được một kết luận nào, kể cả quyết định kỷ luật thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng mà toàn thể bộ chính trị nhất trí đề nghị, dù những sai phạm
của ông Dũng - về mọi mặt chính trị, kinh tế, cũng như đạo đức - đã quá nghiêm
trọng. Quyết định duy nhất là lập lại ban nội chính trung ương và ban kinh tế
trung ương, hai cơ quan của đảng đã bị bãi bỏ vì tạo ra chòng chéo và tắc nghẽn
giữa đảng và nhà nước và giữa chính trị và kinh tế. Quyết định này chỉ là theo
lại một vết xe đổ.
Ông tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã khóc trước ống kính truyền hình khi đọc diễn văn bế mạc. Ông khóc vì hội nghị thất bại thê thảm và đảng cộng sản
không tìm được lối thoát. Thái độ của ông khiêm tốn, thành khẩn và đáng trân
trọng, nó trái ngược hẳn với thái độ của những người tiền nhiệm của ông khi họ
huênh hoang kéo đất nước vào thảm kịch. Như
năm 1945 khi ông Hồ Chí Minh áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin và tiêu diệt mọi
chính đảng không cộng sản, với kết quả là nội chiến. Như năm 1960 khi hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ quyết định một cuộc
chiến huynh đệ tương tàn mới làm đất nước tan hoang và sáu triệu người chết. Như năm 1975 khi cũng chính hai ông này
thay vì thực hiện hòa giải và hoà hợp dân tộc thì đã thi hành chính sách bỏ tù và hạ nhục tập thể đối với
miền Nam để cóp nhặt trọn vẹn mô hình Liên Xô sắp phá sản. Như vào giữa thập niên 1980 khi hai ông Nguyễn Văn Linh và Lê Đức
Anh áp đặt thân phận chư hầu Trung Quốc lên đất nước với sự đồng lõa của ông Đỗ
Mười.
Nhưng tiếng khóc
của ông Trọng là một tiếng khóc rất đáng sợ. Nó báo hiệu một tai họa lớn cho đất nước mà
ông và đảng của ông vừa không thể vừa không muốn tránh. Việt Nam đang đứng trên bờ vực thẳm của một sụp đổ toàn
diện. Các ngân hàng đều trong tình trạng không còn khả năng thanh toán; trái
bong bóng địa ốc đang xì hơi và đang tạo ra cả một làn sóng phá sản. Chính phủ
và các tập đoàn kinh tế nhà nước đã tích lũy một khối nợ không lồ lớn hơn tổng
sản lượng quốc gia và không có khả năng hoàn trả. Có giải pháp nào? Không thể
trông đợi ở đầu tư nước ngoài. Năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO và tỏ vẻ muốn
hội nhập với thế giới khối đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã lớn hơn tổng số
đầu tư nước ngoài tại mọi nước khác trong vùng, nhưng các nhà đầu tư đã dần dần
bỏ đi sau khi thất vọng vì sự tham nhũng, quan liêu và ngu dốt của các quan
chức; họ sẽ không trở lại vì tình hình Việt Nam tiếp tục tồi tệ hơn thay vì cải
thiện. Hoa Kỳ và các nước
dân chủ sẽ không cứu giúp vì chính quyền CSVN đã tuyên bố cương quyết duy trì
chủ nghĩa Mác-Lênin, xiết chặt quan hệ xã hội chủ nghĩa anh em với Trung Quốc
và đang gia tăng đàn áp một cách hung bạo những người đòi dân chủ và nhân quyền
một cách ôn hòa. Chỉ còn lại một
giải pháp là cầu cứu Trung Quốc với cái giá phải trả là làm chư hầu một cách
ngoan ngoãn hơn nữa và từ bỏ một cách quan trọng chủ quyền trên Biển Đông. Đó
là chọn lựa của đảng cộng sản. Cần lưu ý là chính sách đối ngoại không hề
được bàn đến trong hội nghị này. Cũng cần lưu ý là trong bộ chính trị cũng như
ban bí thư không hề có chuyên viên ngoại giao nào. Họ đã quyết định xong chính sách đối ngoại.
Một hiện tượng mới trong hội nghị này là nhận lỗi. Bộ
chính tri nhận lỗi trước ban chấp hành trung ương, ban chấp hành trung ương
nhận lỗi trước đảng và nhân dân. Nhận lỗi nhưng vẫn giành độc quyền cai trị tuyệt đối và vô hạn
định. Nhận lỗi như vậy chỉ là thóa mạ nhân dân, bởi vì phải đánh giá dân tộc
Việt Nam rất thấp người ta mới có thể vừa nhìn nhận mình chẳng ra gì vừa khẳng
định mình phải đứng trên tất cả. Nếu lương thiện thì chính đảng cộng sản phải
nhận tội trước nhân dân Việt Nam và xin rút lui.
Không thể chờ đợi ở những người lãnh đạo
cộng sản thái độ lương thiện đó. Sự nhận lỗi của ban chấp hành trung ương ĐCSVN
cũng như tiếng khóc của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắm mục đích chuẩn bị cho một
tình trạng rất bi đát sắp tới cho đất nước và những chịu đựng đau đớn sắp được
áp đặt lên nhân dân Việt Nam.
Đất nước đang lâm nguy. Tình thế này đòi
hỏi mọi người Việt Nam yêu nước và lương thiện, trong cũng như ngoài chế độ,
nhanh chóng bắt tay nhau trong một cuộc chiến đấu chung để áp đặt những thay
đổi phải có.
Thông Luận
No comments:
Post a Comment