Radio Free Europe/Radio Liberty, 22/10/2012
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
23/10/2012
“Từ Stettin ở Baltic đến Trieste ở Adriatic,
một bức màn sắt đã phủ xuống bao trùm Châu Âu. Đằng sau bức màn đó là tất cả
thủ đô của các nhà nước cổ đại của Trung và Đông Âu. Warsaw, Berlin, Prague,
Vienna, Budapest, Belgrade, Bucharest và Sofia, tất cả những thành phố nổi
tiếng này và cư dân sống quanh những thành phố đó đang nằm trong cái tôi gọi là
khu vực bị Liên Xô chi phối (Soviet sphere), và tất cả đều lệ thuộc, bằng cách
này hay cách khác, vào không chỉ tầm ảnh hưởng của Liên Xô mà còn vào mức độ
kiểm soát rất cao và, trong một số trường hợp, ngày càng tăng của Moscow.”
Những lời trích dẫn trên từ bài diễn văn cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill
đọc ngày 5/6/1946 tại Đại học Westminster ở Fulton, Missouri, được dùng để mở
đầu chương giới thiệu cuốn sách “Iron
Curtain: The Crushing of Eastern Europe, 1944-56” (Bức màn sắt: Cuộc
thâu tóm Đông Âu, 1944-1956) của Anne Applebaum sắp ra mắt tuần này.
Bìa sách phát hành ở Mỹ
Bìa sách phát hành ở Anh
Cuốn sách này là một nỗ lực mới tìm hiểu quá
trình Liên Xô thiết lập bá quyền và bành trướng chủ nghĩa cộng sản sang Đông Âu
sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, thông qua những cứ liệu trực tiếp từ nguồn.
Bằng vốn liếng tiếng Ba Lan và tiếng Nga của chính mình, cộng với sự hỗ trợ của
hai nhà nghiên cứu và biên dịch viên ở Đức và Hungary, tác giả đào sâu nghiên
cứu các tài liệu Liên Xô mới công bố gần đây, các văn khố của các cơ quan mật
vụ (IPN ở Warsaw, ÁBTL ở Hungary, BstU [của Stasi] ở Berlin), của cơ quan nhà
nước, tổ chức văn hóa nghệ thuật và truyền thông ở Đông Âu, đồng thời phỏng vấn
nhiều người từng sống qua thời kỳ đó. Qua đó, tác giả khám phá cách Liên Xô hủy
hoại các thể chế địa phương, giết người, khủng bố, và áp dụng nhiều thủ đoạn để
thiết lập một hệ thống kiểm soát kéo dài trong mấy chục năm.
Anne Applebaum là nhà báo viết chuyên mục
cho Washington Post và Slate. Bà tốt nghiệp cử nhân tại Đại học
Yale (Mỹ) và thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London (Anh), thông
thạo tiếng Anh, Pháp, Ba Lan và Nga. Bà chuyên về lịch sử chủ nghĩa cộng sản và
việc phát triển xã hội dân sự ở Trung và Đông Âu, và đã viết nhiều sách về các
chủ đề này, trong đó có “Gulag: A History” (Lịch sử nhà tù Gulag)
giành được Giải Pulizer năm 2004. Chồng bà, Radosław Sikorski, là Ngoại trưởng
Ba Lan. Sau đây là bài phỏng vấn Anne Applebaum của Vladimir Dubinsky, phóng
viên ban tiếng Nga của Radio Free Europe/Radio Liberty (Đài phát thanh Châu Âu
Tự do / Đài phát thanh Tự do).
Cuốn sách của chị tập trung vào ba nước – Đông Đức,
Hungary và Ba Lan. Vì sao chị chọn ba nước này?
Tôi chọn như vậy chính vì ba nước này quá khác biệt, và
có những kinh nghiệm hết sức khác nhau về chiến tranh. Đức lúc đó hẳn nhiên là
nước Đức Quốc xã, Hungary trước đó từng là một nước đâu đó lưng chừng ở giữa,
một đồng minh có lúc hài lòng có lúc bất mãn của Hitler, và dĩ nhiên Ba Lan là
một đồng minh và rất tích cực [tham gia chống Hitler].
Ba nước này có lịch sử gần đây khác nhau. Điều khiến tôi
quan tâm là dù có những khác biệt về văn hóa, về ngôn ngữ và về lịch sử chính
trị gần đây, đến khoảng năm 1950, nếu ta nhìn khu vực này từ bên ngoài, ba nước
này trông giống hệt nhau.
Trong lời tựa, chị cho biết một trong những mục đích của
cuốn sách là nghiên cứu lịch sử của những nước toàn trị và những phương pháp
được các nhà độc tài dùng để đàn áp dân chúng. Có thể rút ra bài học gì từ lịch
sử ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Âu?
Nghiên cứu giai đoạn này, ta rút ra nhiều bài học. Một là
Stalin đã chuẩn bị rất kỹ càng trước khi đến Đông Âu. Ví dụ, ông đã chuẩn bị
lực lượng công an và mật vụ cho từng nước trước khi đặt chân đến những nước đó.
Đáng kể nhất là ở Ba Lan, ông bắt đầu tuyển công an từ năm 1939. Dĩ nhiên xưa
nay ta vẫn luôn biết ông ta đã chuẩn bị, tuyển mộ, và tổ chức các đảng cộng sản
kể từ thời Cách mạng Bolshevik trở đi.
Ta cũng biết được Liên Xô quan tâm đến những loại thể chế nào nhất. Ví dụ, ở bất cứ nơi nào Hồng Quân tràn đến, một trong
những thứ đầu tiên họ tiếp quản là đài phát thanh. Họ rất tin vào công tác
tuyên truyền, và sức mạnh của tuyên truyền. Họ tin rằng nếu tiếp cận được quần
chúng bằng phương tiện hữu hiệu nhất khả dĩ thời đó, tức là radio, thì họ sẽ
thu phục được quần chúng rồi có thể chiếm và giữ quyền lực.
Ta cũng hiểu được một số nỗi ám ảnh và nỗi lo của họ. Từ
những ngày ban đầu của Liên Xô, các đại diện Xô Viết ở Đông Âu cũng rất quan
tâm đến cái mà hiện nay chúng ta gọi là xã hội dân sự. Bởi vậy họ rất quan tâm
đến những hội nhóm tự tổ chức. Nghĩa là cả những đảng chính trị lẫn những hội
như câu lạc bộ bóng đá, câu lạc bộ cờ. Mọi loại hình hội nhóm tự tổ chức đều là
mục tiêu được Liên Xô chú ý và trong một số trường hợp bị trấn áp ngay từ lúc
ban đầu.
Mặc dù Liên Xô có những bước chuẩn bị tỉ mỉ để bành
trướng ảnh hưởng của mình ở Đông Âu, chị viết rằng thời gian đầu có rất nhiều
đảng chính trị, quyền sở hữu tư nhân, và truyền thông tự do được phép nở rộ.
Vậy xem ra kế hoạch chiếm đóng ban đầu của Liên Xô không hoàn hảo à?
Họ đâu có lập một kế hoạch hoàn hảo. Họ đã hoạch định một
cách chiến lược. Họ không biết phải mất bao lâu để chiếm đóng những nước này
hoặc thay đổi hệ thống chính trị ở các nước đó, và quả thực chúng tôi tìm được
một số bằng chứng cho thấy họ nghĩ sẽ mất rất lâu – 20 năm hoặc 30 năm – trước
khi Châu Âu hóa thành cộng sản.
Ngay từ ban đầu, họ cũng nghĩ rằng sớm muộn gì họ và
những tư tưởng của họ sẽ được ưa chuộng. Bởi vậy, một trong những lý do họ tổ
chức bầu cử (có một số cuộc bầu cử tự do ở khu vực này, cụ thể là ở Hungary,
Đông Đức và Tiệp Khắc ngay trong thời kỳ đầu) là vì họ nghĩ họ sẽ thắng. Họ
nghĩ, như anh biết đấy, Marx đã dạy chúng ta rằng đầu tiên sẽ có cách mạng tư
sản, rồi sẽ có cách mạng cộng sản, và sớm muộn gì giai cấp công nhân cũng sẽ
giác ngộ, họ sẽ giác ngộ chính họ là những lực lượng dịch chuyển của lịch sử,
và họ sẽ hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản là con đường đúng đắn và họ sẽ bầu chúng
ta lên nắm quyền.
Rồi họ vô cùng ngạc nhiên khi thực tế không diễn ra như
thế trong một số trường hợp. Một trong những lý do khiến họ quay ngoắt chấm dứt
những bằng chứng dân chủ ban đầu là họ thất cử. Thua trong những cuộc bầu cử
ban đầu đó, họ nhận ra là sẽ thua nữa trong vòng tiếp theo, nên quyết định
ngừng tổ chức bầu cử.
Xe tăng Liên Xô trên đường phố Budapest trấn áp cuộc nổi dậy chống chính
quyền cộng sản bù nhìn ở Hungary hồi tháng 10/1956
Theo sách của chị, Stalin không chỉ có ý đồ áp đặt ý thức
hệ ở Đông Âu. Ông ta còn có ý đồ địa chính trị và thậm chí cả thương mại nữa.
Có nhiều lợi ích thương mại về phần Stalin. Chủ yếu là
chuyển các phân xưởng ra khỏi Đức. Liên Xô đúng là đã chiếm đóng, tháo dỡ, đóng
kiện, và chuyển ra khỏi Đông Đức, Hungary và cả Ba Lan (lúc đó chưa được biết
đến nhiều) những nhà xưởng, đường ray tàu hỏa, ngựa và gia súc. Tất cả mọi hàng
hóa vật chất đều bị đưa ra khỏi những nước này và chuyển đến Liên Xô.
Có một nhận định mà tôi không bàn sâu trong cuốn sách của
mình: một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công thời hậu chiến của Liên Xô
là họ đã chiếm đóng và tiếp quản hoạt động sản xuất công nghiệp ở những nước
này. Sau chiến tranh, bản thân Liên Xô rất yếu và thậm chí có nhiều nạn đói,
như ta đã biết.
Phải chăng Stalin có ý định tạo một kiểu vùng đệm giữa
Liên Xô và phương Tây bằng cách chiếm đóng Đông Âu vì sợ rằng phương Tây rốt
cuộc có thể tấn công Liên Xô?
Liên Xô thực sự không nghĩ như vậy. Những người chiếm
đóng Đông Âu và những người cộng tác với Liên Xô không nghĩ theo cách đó. Các
tướng lĩnh và các sĩ quan NKVD (tiền thân của KGB – N.D.) đến khu vực này nghĩ
rằng họ mở rộng những ranh giới của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và chẳng
chóng thì chầy họ sẽ di chuyển từ Đông Âu sang Tây Âu.
Chị viết rằng Liên Xô bắt đầu thanh lọc sắc tộc ở Đông Âu
ngay sau khi chiếm đóng. Ai là nạn nhân chính, và đâu là những động cơ của việc
chọn những nhóm sắc tộc cụ thể để thanh lọc?
Sau chiến tranh, Liên Xô muốn thanh lọc sắc tộc theo
nghĩa thuần túy nhất, tức là tạo ra những nước thuần nhất. Những nạn nhân chính
và đầu tiên của quá trình này là người Đức. Hiệp ước Potsdam [giữa các nước
đồng minh Anh, Mỹ và Liên Xô, về việc tái thiết nước Đức thời hậu chiến – N.D.]
đã thỏa thuận rằng người Đức sẽ được đưa ra khỏi những lãnh thổ này, vì nhiều
nơi đã là lãnh thổ đa sắc tộc trong hàng trăm năm. Hàng triệu người Đức thực sự
bị đưa đi và thay bằng người Ba Lan hoặc ở vùng Sudetenland thay bằng người Séc
và Slovak.
Quá trình thanh lọc sắc tộc diễn ra tỉ mỉ hơn nhiều so
với ký ức ta thường có hiện nay. Hàng triệu người bị buộc phải lên tàu rời khỏi
đất nước, và tôi nên nhấn mạnh hai điểm về chuyện này. Thứ nhất, chính đảng
cộng sản ở nhiều nước này đảm nhận thực hiện quá trình này. Thứ hai, việc này
nhận được sự ủng hộ rất cao. Việc trục xuất người Đức được xem là một thành tựu
vĩ đại của các đảng cộng sản, và đó cũng là cảm nhận thời đó, dù hẳn nhiên rất
tàn bạo và trong nhiều trường hợp không công bằng. Những người Đức đã sát cánh
trong cuộc kháng chiến của Ba Lan bị trục xuất chung những người Đức từng là
phát xít.
Sau chiến tranh, người Đức bị trục xuất khỏi nhiều vùng đa sắc tộc ở Đông
Âu.
Một cuộc trục xuất khác – một trong những đợt trục xuất
lớn khác trong khu vực này – là việc trao đổi người Ba Lan và người Ukraine.
Khi biên giới Ba Lan được chuyển sang phía Tây, khiến một số khá lớn người Ba
Lan còn ở lại Liên Xô, và một số người Ukraine ở lại vùng thuộc Ba Lan, vậy là
có quyết định trao đổi, một đổi một. Đó không phải là quá trình dễ dàng, vì
nhiều người trong số đó đã sinh sống ở những ngôi làng đã tồn tại hàng thế kỷ,
nên không muốn ra đi. Có những lúc phải dùng đến vũ lực hay đe dọa, và có lúc
thực sự đã nổ ra đụng độ giữa người Ba Lan và người Ukraine ở những vùng phía
đông này; chuyện này thì thế giới không được biết rõ lắm.
Mặc dù có đàn áp, Liên Xô tìm được những đồng minh ở Đông
Âu hăng hái cộng tác và đích thân tích cực nhúng tay vào bạo lực. Những người
này là ai? Họ có ấp ủ niềm tin chính trị gì hay họ là những kẻ cơ hội tầm
thường chỉ mong giành quyền lực bằng cách hợp tác với Moscow?
Tôi nghĩ họ là cả hai. Họ vừa là kẻ cơ hội, vừa là người
có niềm tin. Nên nhớ rằng bởi vì người ta có niềm tin nào đó không có nghĩa đó
là người có đạo đức hay người tốt. Bọn phát xít cũng có niềm tin của chúng,
chúng tin hệ thống của chúng đúng đắn. Có nhiều người tin rằng lối tư duy này
là đúng và đã được Marx chứng minh bằng khoa học. Nhiều người trong số họ mù
quáng tin vào ý thức hệ đó và đồng thời họ là kẻ cơ hội; họ hiểu rằng nếu họ
tuân thủ đường lối của đảng và nếu gần gũi với Moscow, họ sẽ vẫn còn nắm quyền.
–
Bản tiếng Anh: ‘Interview: Anne Applebaum
Discusses ‘The Crushing Of Eastern Europe’, Radio Free
Europe/Radio Liberty, 22/10/2012
Bản tiếng Việt: Phạm Vũ Lửa Hạ, Blog lên đông
xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2012/10/23/iron-curtain/
No comments:
Post a Comment