Saturday 27 October 2012

BAO CÁT TẬP ĐẤM DÁT VÀNG MADE IN CHINA CỦA MITT ROMEY (Vũ Anh Mai)




10/27/2012

Viết theo bài: How Mitt Romney Invested Millions in Outsourcing trên trang mạng của tờ báo chuyên đầu tư Forbes, ngày July 12, 2012.

Trong cả 3 cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống Hoa kỳ vừa qua, ông Mitt Romney luôn luôn đả kích chính quyền Obama không đủ mạnh tay với Trung quốc trong quan hệ mậu dịch song phương, nên đã làm mất hàng triệu việc làm trong ngành kỹ nghệ sản xuất của Hoa kỳ. Đáp trả những tấn công đó, ông Obama lập đi lập lại rằng: chính Romney đã đầu tư hàng triệu Mỹ kim cho các công ty Trung quốc đưa đến hậu quả mất việc làm cho công nhân Mỹ. Có thật là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa này đã đầu tư bạc triệu vào các công ty Trung quốc hay không?

Tờ báo đầu tư tài chánh Forbes đã đăng bài: Làm thế nào Mitt Romney đầu tư hàng triệu vào việc Outsourcing (tạm dịch Xuất Việc Ra Ngoài) dựa trên bài viết Romney Invested Millions in Chinese Firm That Profited on US Outsourcing, của tác giả David Corn, đăng trên tạp chí chính trị Mother Jones. Bài viết kể trên đưa ra những bằng chứng về việc ông Romney đã đầu tư ra sao vào công ty Global-Tech của Trung quốc trong cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.

Hoạt động kinh doanh của ông Romney trong thế giới tài chánh

Vào năm 1984, ông Romney là một trong 5 thành viên sáng lập công ty tài chánh Bain Capital, quản lý một quỹ đầu tư, hiện nay, đã lên tới 66 tỉ Mỹ kim. Trong 2 năm 1991-1992, ông giữ chức vụ Tổng quản trị (CEO), và đã tạm nghỉ để ra tranh cử chức thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusette cho nhiệm kỳ bắt đầu vào năm 1994. Sau khi tranh cử thất bại, ông quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, ông đã tạm nghỉ thêm một lần nữa, vào năm 1999, để điều hành Olympic mùa đông tại Salt Lake City, tiểu bang Utah. Vào đầu năm 2002, ông thực sự rút lui ra khỏi vai trò tổng giám đốc điều hành để hoạt động chính trị. Một hợp đồng về hưu với Bain Capital trong 10 năm, khiến mỗi năm vẫn đem về hàng triệu Mỹ kim tiền lời cho Mitt, vì ông vẫn còn nắm giữ các cổ phiếu trong công ty.

Đầu tư vào công ty Global-Tech của Trung quốc

Mặc dù, ban tranh cử của ông Romney luôn cải chính rằng: ông Romney đã rời khỏi công ty Bain Capital vào năm 1999 để điều hành Ủy ban thế vận mùa đông ở Salt Lake, nhưng các hồ sơ của cơ quan SEC, Cơ quan giám sát liên bang về thị trường chứng khoán, lại cho thấy một sự thật khác hẳn.

Theo hồ sơ của SEC, vào ngày 17/4/1998, công ty Brookside Capital Partners Fund, một công ty liên doanh với Bain Capital, báo cáo sở hữu 6.13% cổ phiếu của công ty Hong Kong, tên là Global-Tech Appliances, chuyên sản xuất các đồ dùng điện gia dụng tại các nhà máy tại tỉnh Dongguan, Trung quốc. Vào tháng tám cùng năm, số cổ phiếu Global-Tech của Brookside tăng lên 10.3%. Cả 2 hồ sơ khai với cơ quan SEC cho thấy, ông Mitt Romney là chủ sở hữu thực thụ của các cổ phần, đồng thời là tổng giám đốc (CEO), chủ tịch hội đồng quản trị và giới chức điều hành của Brookside. 2 hồ sơ trên được khai bởi ông Dominic Ferrante, giám đốc điều hành của Brookside và Bain Capital. Như vậy ông Mitt Romney là người duy nhất kiểm soát công ty Brookside.

Tài liệu giữ tại SEC không cho biết rõ số tiền đầu tư cụ thể vào công ty Global-Tech của ông Romney là bao nhiêu, tuy nhiên, theo thời điểm mà công ty của ông mua 748 ngàn cổ phiếu lần đầu tiên, với giá là $19 Mỹ kim, có nghĩa là công ty Brookside đã phải bỏ ra ít nhất là $14.2 triệu Mỹ kim.

Cuối năm 1998, trong hồ sơ khai với SEC, công ty Brookside đã giảm số cổ phiếu từ 10.3% xuống còn 4.63%, phần còn lại được sang nhượng cho công ty Sankaty High Yield Asset Investor LTD- một công ty mang quốc tịch đảo quốc Bermuda nhưng lại chính do ông Mitt Romney là sở hữu chủ, giám đốc điều hành và chủ tịch hội đồng quản trị. Như vậy, 10.3% giá trị cổ phiếu của Global-Tech, được chia ra cho 2 công ty đều trực thuộc quyền sở hữu của ông Mitt Romney.

Không cần phải là chuyên gia về tài chính mới biết chuyện các đảo quốc đều là thiên đường trốn thuế.Do đó, việc ông Mitt Romney tạo nên một công ty mang quốc tịch đảo quốc Bermuda, nơi không đòi hỏi nguồn gốc tài chánh cũng là chuyện dễ hiểu. Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng: Mitt đã khôn khéo tính trước con đường làm chính trị nên che giấu lai lịch nguồn gốc vốn tư bản của Mỹ đầu tư vào Trung quốc để hưởng lợi vì chiến thuật “xuất việc ra ngoài” nước Mỹ.

Báo cáo lưu giữ tại SEC cho biết, ở thời điểm ngày 25/3/1999 công ty Brookside và Sankaty sở hữu 9.11% cổ phiếu của Global-Tech và chính Romney là sở hữu chủ cả Brookside lẫn Sankaty.

Theo hồ sơ của SEC, vào tháng 8 năm 2000, Brookside và Sankaty bán trọn cổ phiếu đang giữ của Global-Tech. Trong hồ sơ của SEC, không tiết lộ con số lời lỗ của Mitt Romney trong vụ đầu tư này.

Ai bị thiệt thòi vì sự phát triển của Global-Tech

Chỉ cần nói đến sự thành công của Global-Tech thì sẽ suy luận ra một cách dễ dàng ai là người thiệt thòi vì sự đầu tư vào công ty sản xuất tại Trung quốc này.

Vào khoảng thời điểm mà Romney đầu tư vào chứng khoán của Global-Tech, công ty này cho biết đã thu được lợi nhuận kỷ lục từ các công ty Hoa kỳ “xuất việc ra ngoài” cho họ. Trong một thông cáo báo chí vào ngày 4/9/1998, Global-Tech cho biết đang tạm ngưng việc mở rộng, với trị giá là $30 triệu Mỹ kim, cho các nhà máy của họ ở Dongguan, vì đối tác thương mại là Sunbeam, một công ty kỹ nghệ phía Hoa kỳ, đang cắt giảm đặt hàng. Tuy nhiên, tổng giám đốc của Global-Tech, John C.K.Sham, tuyên bố: "Mặc dù, những khách hàng như Sunbeam không “xuất việc ra ngoài” nhanh chóng như chúng ta chờ đợi, chúng tôi vẫn tin rằng, về đường dài khuynh hướng “xuất việc ra ngoài” của các công ty Hoa kỳ vẫn sẽ tiếp tục." Theo báo cáo vào giữa năm 1998, công ty Global-Tech ghi nhận một con số lời kỷ lục lên đến $118.3 triệu Mỹ kim, tăng 89% so với năm trước. Không chỉ sản xuất cho Sunbeam, công ty Global-Tech lại thêm khách hàng từ các công ty kỹ nghệ gia dụng khác của Hoa kỳ như Hamilton Beach, Mr.Coffe, Protor-Silex, Revlon và Vidal Sassoon.

Như vậy, tiền đầu tư từ các công ty như Brookside, Sankaty của ông Mitt Romney, đã giúp cho công ty Global-Tech xây dựng thêm những nhà máy ở Trung quốc để sản xuất cho các công ty kỹ nghệ Hoa kỳ tìm cách giảm chi phí bằng cách “xuất việc ra ngoài” cho các công ty Trung quốc.

Với kế sách “Outsourcing-Xuất việc ra ngoài”, chỉ có các công nhân tại Hoa kỳ thì thất nghiệp, còn chủ nhân của các quỹ tư bản như ông Mitt Romney và chủ nhân ông của các công ty kỹ nghệ Hoa kỳ lại thu lợi nhiều hơn vì giá nhân công rẻ mạt ở Trung quốc trong thời gian đó.

Bao cát tập đấm dát vàng made in China

Các bình luận gia chính trị Hoa kỳ hay so sánh Trung quốc bằng hình ảnh bao cát tập đấm bởi 2 ông ứng cử viên khi có dịp thì luôn lên gân tố cáo nước này, để tranh thủ ủng hộ của cử tri. Câu hỏi được đặt ra là: Với những khoản lợi nhuận to lớn khi đầu tư vào các công ty ở Trung quốc như Global-Tech, ông Romney có thật sự vung quyền vào bao cát dát vàng made in China không?

Vũ Anh Mai - vuanhmai@aol.com

Forbes    7/12/2012 @ 3:48PM

The GOP candidate decries China poaching US jobs. But at Bain he held a large stake in a Chinese company that did just that.
By David Corn  | Wed Jul. 11, 2012 8:10 PM PDT





No comments:

Post a Comment

View My Stats