Thursday, 25 October 2012

BÁO ĐẤT TỔ & HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN MINH (Viên Linh)




Viên Linh
Wednesday, October 24, 2012 5:52:04 PM

Khoảng cuối tháng 10, 1978 đài BBC loan đi một cái tin đơn giản: “Thượng Tọa Thích Thiện Minh, chiến lược gia của Phật Giáo Ấn Quang, đã chết trong nhà tù tại thành phố HCM.” Trong thực tế, ông mất ngày 17 tháng 10, và xác được tìm thấy giữa cỏ cây trong một cánh rừng ở Hàm Tân (Phan Thiết) vào ngày hôm sau.

Sở dĩ cái tin khiến cho người viết phải ghi nhớ, và tìm tòi thêm tài liệu, vì khoảng 1966, người viết gặp thượng tọa khi tới trụ sở Tổng Vụ Thanh Niên Phật Tử ở đường Công Lý cùng với anh Huỳnh Bá Huệ Dương, chủ nhiệm nhật báo Ðất Tổ. Tờ báo này lúc ấy được coi là diễn đàn tranh đấu của Phật Giáo mà người viết nhận trông coi tòa soạn, vì lệnh ông thầy cũ thời còn ở Chu Văn An Hà Nội, Giáo Sư Vũ Khắc Khoan, vào lúc dầu sôi lửa bỏng đã nghiêm nghị bảo học trò: “Cậu phải nhận làm tờ báo, vì chỉ còn có cậu.”

Nghề làm báo cho người cầm bút cái tự do chọn lựa, và sự tự do đương sự đạt được tỷ lệ thuận với nghiệp vụ, từ lúc làm phóng viên tới khi làm ký giả biên tập, và nhất là khi trở thành thư ký tòa soạn hay chủ bút một tờ báo. Lúc đầu tôi đã từ chối vì thế đứng của nó: Phật Giáo tranh đấu đang từng ngày từng tháng đả kích chính quyền quân nhân, trong khi là một nhà văn, nhà báo, con đường của tôi không cùng đường với các nhà vận động chính trị, dù hữu hay tả. Nhưng một mặt thầy Khoan đã giới thiệu, gần như chỉ định, hơn nữa, còn một ông thầy khác của tôi thời đệ nhị cấp ở Hồ Ngọc Cẩn là Giáo Sư Lữ Hồ nói vào, ông lại là người mỗi ngày viết một bài quan điểm nơi trang nhất, tôi khó mà từ chối.

Tờ báo ở tình trạng nguy hiểm đến nỗi mỗi buổi trưa, một cái xe hai mã lực nhấp nhổm chạy qua cửa tòa soạn ở đường Phạm Ngũ Lão, người lái xe có khi nhấn còi, có khi không, cho xe chạy chậm lại, không hề đậu hẳn, và trong khi xe chạy, ném vào tòa soạn một cuộn giấy bao quanh bằng một sợi cao su. Rồi xe chạy thẳng về phía đường Ðề Thám. Ðó là cách thầy Lữ Hồ giao bài Quan Ðiểm, hay bài “Film du Jour” - chuyện hàng ngày - cho tôi. Không bao giờ nói được một lời với nhau, song tôi biết ông vui, vì thấy ông là thấy hàm răng Fernandel nở rộ trắng nhởn. Sau này tôi biết Thượng Tọa Thích Thiện Minh chính là đầu não của Ðất Tổ, và tôi được đưa đến gặp thượng tọa.

Ba năm sau khi Hà Nội chiếm được Sài Gòn, ngày 13 tháng 4, 1978, cộng sản bắt giam Thượng Tọa Thiện Minh, cố vấn Viện Hóa Ðạo, giam giữ tại trại T20 tại số 4 Phan Ðăng Lưu, Bình Thạnh.

Tài liệu chính thức của giáo hội chép: “Sau vài tháng giam giữ ở trại giam T20, CSVN đã chuyển Hòa Thượng Thích Thiện Minh sang khám Chí Hòa, ở đây nhà nước ra lệnh tra tấn hòa thượng đến chết... Sau đó [họ] đã âm thầm đưa xác hòa thượng ra trại cải tạo Hàm Tân (Phan Thiết). Ba hôm sau, nhà nước mới thông báo cho Hòa Thượng Thích Trí Thủ thay mặt Viện Hóa Ðạo ra Hàm Tân nhận xác. Theo Hòa Thượng Trí Thủ và vài vị tăng sĩ tháp tùng thuật lại thì xác Hòa Thượng Thiện Minh bị bầm tím, có dấu hiệu của sự đánh đập và siết cổ.” (Phật Giáo Việt Nam, biến cố và tư liệu, (1975-1995), Phật lịch 2540 -1996, Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, Los Angeles, trang 23). Theo một bài trên báo Hoa Ðàm, có thêm chi tiết: “Hình ảnh cuối cùng của HT Thiện Minh mà người ta thấy là một thi thể được che phủ kín mít nằm tại một khu rừng ở Hàm Tân ngày 18 tháng 10, 1978. HT Trí Thủ, viện trưởng VHÐ, nhìn thi thể của Th.T Thiện Minh lần chót [cho biết]... thi thể bầm đen và râu tóc trắng xóa mọc dài. (Quảng Thành, Tưởng nhớ HT Thiện Minh, Hoa Ðàm số 7, 9 tháng 10, 1993).

Sau cuộc chính biến tháng 11, 1963 một hai tháng, tại Sài Gòn báo chí mọc lên giống như một loài hoa đất bừng nở sau một trận mưa dài. Trong thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, từ 1954 tới 1963, báo chí có tự do, song số báo hiện diện ít oi, có sẵn một số cung cách hoặc từ thời Pháp ở “Sè goòng,” hay từ Hà Nội đem vào, có thể kể Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, Tiếng Chuông của Ðinh Văn Khai, Buổi Sáng của Tam Mộc, Tự Do của Tam Lang-Mặc Ðỗ, Ngôn Luận của Hồ Anh, trong đó các báo có khuynh hướng Thiên Chúa Giáo La Mã chiếm ưu thế. Ngay từ 1964, chưa đầy một năm sau chính biến ảnh hưởng của Phật Giáo, số nhật báo ra nhiều hơn, ồn ào hơn, có thể kể Sống của Chu Tử, Tiến của Ðặng Văn Nhâm, Tiếng Vang của Quốc Phong, Tin Mới của Nguyễn Ang Ca, Dân Chủ của Vũ Ngọc Các, Dân Ta của Nguyễn Vỹ, Ðất Tổ của Huỳnh Bá Huệ Dương (Tổng Vụ Thanh Niên Phật Tử), Ðuốc Nhà Nam, trong đó các báo có khuynh hướng Phật Giáo gặp thời. Nhưng tới thời Ðệ Nhị Cộng Hòa, với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, các báo của vài chủ nhiệm Công Giáo (như Xây Dựng của LM Nguyễn Quang Lãm, Hòa Bình của LM Trần Du) khỏe khoắn hơn nhiều báo khác. Thời này, “cách mạng thành công” tức là sau 1964, các chủ báo thuộc thành phần ô hợp hơi nhiều, đến nỗi chính phủ phải ra các nghị định như muốn làm chủ nhiệm phải có 7 năm hành nghề ký giả (sắc luật 10/64), tuy thế, sự ô hợp ấy còn rất nghiêm minh so với các chủ báo Việt ngữ ở hải ngoại thời báo chợ, nhiều người xuất thân chuyên gia sửa hộp số xe hơi, chụp hình dạo trước chợ ABC, hay giám đốc tiếp thị cửa hàng cà phê xóm nhỏ, v.v...

Công và tội của các lãnh tụ tôn giáo, chính trị, quân sự không phải là việc đánh giá của kẻ đương thời, chưa đủ thời gian thẩm định, và cũng không có thẩm quyền để thẩm định. Thượng Tọa Thích Thiện Minh từng lãnh đạo Phật Giáo, trong có Tổng Vụ Thanh Niên Phật Tử ở dưới quyền, và có tờ nhật báo Ðất Tổ trong tay. Bài viết này, nhân kỷ niệm ngày kỵ của ông, chúng tôi nhắc đến một khía cạnh của báo chí đương thời, trong đó diễn đàn Ðất Tổ đã được sự tham gia của một số văn nghệ sĩ trí thức. Tôi còn nhớ một đặc phái viên của Ðất Tổ là ký giả Nguyễn Khắc Nhân, bạn thiếu thời của tôi. Năm 1966 anh làm Ðất Tổ cùng tôi và sau này ra hải ngoại, anh làm chủ nhiệm báo Người Việt ở San Diego, lấy tin tức từ Người Việt Quận Cam. Anh đã bán lại tờ Người Việt San Diego cho người khác, và hiện đã về hưu, nửa năm ở San Diego, nửa năm ở Sài Gòn. Một hôm năm 1966 vừa đi dự họp báo của ông Nguyễn Cao Kỳ về, anh cười cười thú vị: “Cha Kỳ nhắn tụi mình, bảo tao, là các anh Ðất Tổ, chúng ta cùng còn trẻ cả, tại sao không ngồi lại nói chuyện với nhau, mà các anh cứ viết những bài chửi chúng tôi quá đáng.” Ý Nguyễn Khắc Nhân như là có nên thảo luận với nhau không, tôi đoán như thế. Nhưng chỉ tuần lễ sau đó thôi, người trẻ râu kẽm ra lệnh đóng cửa báo Ðất Tổ.

Hòa Thượng Thích Thiện Minh tên khai sinh là Ðỗ Xuân Hàng, người Quảng Trị, xuất gia năm 10 tuổi, tốt nghiệp Cao Ðẳng Phật Học và từ 1952 từng cầm đầu phái đoàn ra Hà Nội họp ở chùa Quán Sứ để đi đến việc thành lập Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc.

Sư ông Nhất Hạnh có làm bài thơ khóc bạn nhan đề Mây Trắng Thong Dong trong có đoạn như sau:

Nhớ thuở xưa - khi ngươi còn là đám bạch vân bay thong dong
ta theo nguồn múa ca đi về đại dương mênh mông, [...]
Kịp đến khi thấy trần gian quằn quại lệ chảy thành dòng
thì ngươi biến thành mưa, nhỏ giọt tuôn tràn đêm đông
Hai bàn tay ngươi dập nát, thương ôi,
xích xiềng vẫn chưa tháo được [...]
Hiên ngang không lùi bước chừ,
dù phía trước dày đặc hầm chông
ngươi thản nhiên đưa mắt nhìn bạo lực chừ,
như nhìn vào khoảng không.

Sống chết là chi chừ, ép uổng nhau sao được?
... Bây giờ thoát đi, xiềng xích không còn buộc nổi chân thân,
ngươi trở về kiếp xưa mây trắng,
thảnh thơi trên bầu mênh mông.

(VL, 10.2012, viết tặng anh Huỳnh Bá Huệ Dương)


----------------------------------------------



(BAN HƯỚNG DẪN GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM HẢI NGOẠI)




No comments:

Post a Comment

View My Stats