Monday, 15 October 2012

2 NGÀY TẠI BUDAPEST : DIỄN ĐÀN CHO MỘT NƯỚC TÀU DÂN CHỦ & Á CHÂU (Nguyễn Thị Cỏ May)




03:24:am 15/10/12

Diễn đàn Quốc tế kỳ V để vận động toàn cầu yểm trợ Dân chủ ở Tàu và Á châu năm nay tổ chức suốt hai ngày 8 và 9 tháng 10 tại Budapest, Thủ đô Hung-gia-lợi (Hungary), một nước thuộc khối Đông âu cũ.

Diễn đàn qui tụ khoảng 120 người hầu hết là người Tàu tới từ gần khắp thế giới: Hồng kông, Đài loan, lục địa, nhiều Tiểu bang Mỹ và Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh, Thụy sĩ, Tiệp, Hung, … Có 3 người Tây tạng Đại diện Đức Đạt-lai Lạt-ma, 5 người Tân cương, 3 chánh khách Âu châu: Bộ trưởng Chánh phủ Đức, Cựu dân cử Hung và Thụy điển. Và 2 người Việt Nam, một người được mời trình bày về Việt Nam và một bà mời làm thông dịch Việt-Tàu. Ngôn ngữ chánh cho 2 ngày ở Diễn đàn là tiếng Tàu. Ba vị khách âu châu nói tiếng Anh cũng được chuyển qua tiếng Tàu.

Nội dung trung tâm của những bài phát biểu của nhiều nhân chứng nạn nhân trực tiếp nhằm tố cáo chánh sách độc tài cộng sản với những tội ác kinh hồn của Mao trạch đông từ lúc làm cuộc cách mạng cộng sản để cướp chánh quyền. Số người thuyết trình khá đông, có hơn 20 người, nên nhẹ phần thảo luận.

Chiều ngày 7 tháng 10

Cỏ May đi từ Paris, ngày mùng 6 tới Vienne, Thủ đô Áo quốc, để qua ngày 7 tháp tùng theo một Cô bạn đi từ Franfort đổi xe lửa ở Vienne, để cùng nhau đi Budapest tham dự Diễn đàn Dân chủ khai mạc ngày hôm sau. Xe lửa từ Vienne đi Budapest chỉ mất 2 giờ 45. Xe chạy gần như liên tục giống như xe đi ngoại ô của một thành phố lớn.

Hơn 16 giờ rưỡi, xe tới Ga phía đông Budapest. Tên Thủ đô Budapest được ghép lại bởi 2 phần: Buda nằm phía Tây sông Danube là thành phố xưa của xứ Hungary mang màu sắc văn hóa, đẹp hơn, thơ mộng hơn Pest. Còn pest nằm phía Đông sông Danube là Thành phố Hành chánh và kinh tế. Hungary cũng có một thời oanh liệt trước khi bị cộng sản đô hộ. Trong thời gian bị cộng sản, Hungary vẫn còn là xứ cởi mở về xã hội kinh tế hơn nhiều nước cộng sản khác.

Chúng tôi tới nhà Ga Budapest Đông. Xuống xe, đi ra cửa. Trước và sau chúng tôi thấy có vài nhóm người á châu cùng tiến ra cửa. Cô bạn cùng đi bảo có lẽ những người này cũng đi tham dự Diễn đàn Dân chủ? Nói xong, cô ta đi chậm lại để quan sát. Nghe họ nói chuyện với nhau bằng tiếng tàu, cô bạn của Cỏ May bắt chuyện ngay làm quen. Quả thật họ đều đi dự Diễn đàn Dân chủ. Thế là cùng nhận nhau “những kẻ đồng hội, đồng thuyền” rất dễ dàng. Tới phòng khách nhà Ga, những người Tàu gặp người trong ban tổ chức ra đón. Chúng tôi được mời cùng đi với họ nhưng phải đợi chuyến sau vì xe không đủ chỗ cho một chuyến.

Cô bạn của Cỏ May nhận xét vội phải chăng những người Tàu này là dân lục địa tới nên họ rất ít “giao tế”. Họ chỉ chào vừa đủ và như khi đi đổi tiền ở bên cạnh đây, họ cũng kéo nhau đi, không hỏi mình có cần đổi tiền hay không?

Mình chợt nhớ lại người Tàu lục địa ở lậu trong khu phố Belleville Paris XX, họ không bao giờ biết xếp hàng khi chờ đợi, không bao giờ nói tiếng cảm ơn hay xin lỗi khi phải làm. VC từ Bắc vào trong những ngày đầu sau 30/03/75 cũng vậy. Tất cả đều cùng học tập một hệ thống giáo dục, từ học đường đến đảng, đoàn giống y như nhau. Hỏi họ tại sao không biết xin lỗi và cảm ơn được họ trả lời “không cảm ơn vì mọi người làm việc đều nhằm phục vụ đảng và nhơn dân cả”. Xin lỗi là thứ tiểu tư sản, giả dối. Ta có “tự phê, tự kiểm” văn minh hơn cả vạn lần.

Đứng đợi xe trong nhà Ga, chúng tôi tự động chia ra làm 2 nhóm riêng ra, phân biệt rất rõ. Bỗng Cỏ May nhìn thầy trên mặt kiếng của một quán bán báo, bánh kẹo, có dáng một mẩu giấy với mấy dòng chữ Hung trong đó chữ NEM viết lớn và đậm nét, vội bảo cô bạn ở đây dân Hung có bán chả giò Việt Nam tại quán bán báo? Vì người Pháp gọi chả giò là “nem”. Còn nem theo nghĩa thông dụng của người Việt Nam, đó là “nem chua”. Cô bạn trông thấy liền nói giờ này mà có chả giò ăn thì hay lắm. Nói xong, cô ta tiến tới hỏi người chủ quán. Ông này biết bập bẹ tiếng Đức, trả lời NEM không phải chả giò mà có nghĩa là KHÔNG. Câu đó có nghĩa là “Ở đây KHÔNg có bán thẻ điện thoại”. Nghe qua, chúng tôi có dịp cười hả hê làm tiêu tan sự mệt nhọc vì đường xa và cả ý muốn ăn chả giò.
Về khách sạn, lấy phòng, hồ sơ tham dự Diễn đàn, thẻ cá nhân cài trước ngực cho ngày mai xong, chúng tôi lang thang đi ra phố kiếm ăn tối dưới trời mưa tầm tã nên thầm nghĩ không biết bác Hồ ngày xưa xuống tàu tìm job cứu đói bản thân và gia đỉnh có gian khổ như chúng tôi hôm nay không?

Ngày 8 tháng 10

Hội trường cách khách sạn mươi phút đi bộ. Đúng 9, Ông Phí Lương Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Dân chủ Trung quốc, Trưởng Ban tổ chức Diễn Đàn, tuyên bố khai mạc.

Ts Klaus Rose, Bộ trưởng trong Chánh phủ Đức nói về lịch sử gần đây của Hung trong quá trình thay đổi dân chủ và nhấn mạnh đến hiện tình kinh tế xã hội. Cựu dân biểu Hung nhắc lại đất nước của ông dưới thời cộng sản vừa khôi hài là lúc đó ông ốm nhom, chớ không mập phì như hiện nay.

Ông bảo ngày nay phải nói ra những điều mình biết về cộng sản, tội ác của cộng sản. Giữ im lặng là có tội, tội đồng lõa với tội ác. Ông nói rất nồng nhiệt như có dịp được phơi ra hết ruột gan của mình với mọi người.

Ông người Thụy điển góp thêm lời tố cáo tội ác cộng sản cũ ở Đông âu. Ông tỏ ra rất nhiệt tình với những người tranh đấu chống độc tài cộng sản nên ông có mặt suốt hai ngày, cho tới lúc bế mạc.

Tới phiên các diễn giả nạn nhân cộng sản Tàu lần lượt lên diễn đàn. Đại diện Đức Đạt lai Lạt ma chuyển lời chào mừng đại hội của Ngài. Ông mở lời vừa ngụ ý khôi hài “Tôi không ưa người Hán. Không bao giờ tôi muốn thấy mặt người Hán nhưng hôm nay vì Dân chủ, tôi phải vui vẻ ngồi chung với người Hán”. Ông kể tội ác của cộng sản Trung Quốc nhằm tiêu diệt dân tộc Tây tạng trong lúc người Tây tạng chỉ đòi hỏi được tự trị để tránh thảm nạn bị tiêu diệt. Một Đại diện của Chánh phủ Tây tạng lưu vong nói khác. Ông đòi độc lập và phủ nhận lập luận Tây tạng là dân tộc thiểu số của Trung quốc. Trái lại, Tây tạng là một dân tộc nguyên vẹn và độc lập. Cung cách, y phục, giọng nói đủ giới thiệu ông là một cán bộ tranh đấu trên đấu trường. Chỉ trong chốc lác, ông thâu phục ngay sự quan tâm và cảm tình của hội trường.

Đại diện Tân cương tố cáo sự đàn áp và chủ trương đồng hóa của Trung quốc. Đại diện Pháp luân công tố cáo tội ác Trung quốc nhằm tiêu diệt tổ chức tín ngưỡng của họ và bán nội tạng tù nhân khi xử tử. Ông nói tiếp “Vụ khủng bố ngày 9-11 ở Nữu Ước làm thiệt mạng 3 ngàn người. Thật rùng rợn. Cả thế giới chấn động và kinh tởm khủng bố. Nhưng đó chỉ là khủng bố cá nhân. Khủng bố của cộng sản là cả một cái đảng, cả một chế độ làm khủng bố. Nó kinh khủng đến mức nào nữa?”.

Trong số diễn giả, có một vị người Tàu cao tuổi hơn hết, nay 80 tuổi, từng bị tù thời Mao trạch đông, bắt đầu tố cáo tội ác của chế độ, thuật lại lời Mao trạch đông “Tôi nói nhiều lời hay nhưng cán bộ không chịu ghi chép để học tập và làm theo. Những lời đó bị thất lạc hết nên khi cán bộ làm điều gì cũng hỏng bét”. Ông tiếp “Trước đây, ở Trung quốc, 5 người mặc chung 1 cái quần. Nay mỗi người có ít nhứt 1 cái quần, đó là nhờ đảng cộng sảng đã đem lại cho họ”.

Đại diện Quốc dân đảng ở Đài loan nêu lập trường Đài loan là một quốc gia, chớ không phải là một tỉnh lẻ của Trung quốc. Ông trình bày tiến trình thực hiện dân chủ ở Đài loan và thừa nhận chế độ dân chủ hiện nay hảy còn nhiều khuyết điểm nhưng vẫn còn tốt đẹp hơn ở trong lục địa cả vạn lần. Đài loan thống nhứt với lục địa chỉ khi nào Trung quốc thay đổi theo chế độ dân chủ tự do.

Còn Hồng Kông không muốn thống thuộc lục địa vì nếu thuộc về Trung quốc thì nền văn minh của Hồng kông sẽ mất ngay do chế độ cộng sản man rợ ở Trung quốc ra tay tiêu diệt tận gốc.

Từ Trung quốc tới tham dự Diễn đàn, có 3 người trong đó có Bà Gao Yu, ký giả và tù nhân của chế độ độc tài. Bà bị tù nhiều lần và tất cả 12 năm 7 tháng. Bà bị tù lần đầu vì đòi sửa đổi Hiến pháp và cải tổ chánh trị.

Bà được giải thưởng nhân quyền Hellman, giải Báo chí thế giới, giải ký giả can đảm, giải Phụ nữ kiên cường dũng cảm.

Bà cho biết, trước khi đi, công an khuyên bà chớ nên đi. Tới ngày đi, bà trốn đi vì công an bận rộn cho đám tang của một nhà báo, nhà văn hơn chín mươi tuổi. Ông lớn tiếng chống đảng cho tới ngày mất. Bà trở về chắc chắn bà sẽ bị công an kêu hỏi. Nhưng bà không sợ vì đã từng ở tù. Nhờ ở tù lâu ngày nên bà đươc nhiều nước biết tên và nhờ đó mà tụi công an không muốn làm phiều nhiều. Ở Tàu, người ta có kinh nghiệm “cá nhỏ thường bị mắc lưới (công an) nhưng cá lớn được dễ giải hơn. Với lại bà chỉ đi tham dự Forum chớ không gia nhập Liên đoàn Dân chủ Trung quốc nên có bị phiền chớ không bị nguy hiểm.

Đại diện Liên đoàn Dân chủ Trung quốc tại Nhựt bổn tới tham dự cùng với một phụ nữ trẻ người Nhựt. Bà cho biết ở Nhựt hiện nay, có nhiều người Nhựt, Đại hàn, Đài loan, Hồng kông kết hợp thành một tổ chức chống Trung quốc bành trướng, xâm lược. Tổ chức đang hoạt động mạnh.

Liên đoàn Dân chủ Trung quốc nhân cơ hội có Diễn đàn, có Đại diện các nơi về đông đủ, bầu lại Ban chấp hành mới vì ông Chủ tịch Phí Lương Dũng đã làm Chủ tịch từ 9 năm rồi. Ông than phiền ai cũng nói cùng tiếng nói dân chủ, cho mục tiêu dân chủ, nhưng lại chia rẽ nhau, có nhiều người tách ra làm tổ chức khác khi không đồng ý chuyện gì đó. Nghe ông than phiền, Cỏ May thầm nghĩ phải chăng người Tàu học được bài học chia rẽ ở người Việt Nam chúng ta?

Ban chấp hành mới được bầu với Bà Thịnh Tuyết làm Chụ tịch. Bà là ký giả và nhà văn. Tham dự Diển đàn phần đông là ký giả, nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu, biên khảo. Nhìn qua, ai cũng nhận thấy có khá nhiều thanh niên tham dự. Họ sinh trưởng tại hải ngoại, theo học trường Âu Mỹ mà vẫn nói tiếng tàu lưu loát như những người sanh ra và trưởng thành tại trong nước. Họ dịch trôi chảy tiếng Anh qua tiếng tàu và ngược lại. Như những người thông dịch được đào tạo chuyên nghiệp.

Tổ chức và điều hành Diễn đàn trong hai ngày rất chu đáo. Những bài thuyết trình rất hay, có chiều sâu, sát với tình hình hiện nay ở Tàu. Diễn giả người Tàu ăn nói rất hùng hồn. Không thấy ai cầm giấy đọc, ngoài một cô gái Đài loan trẻ nói về lịch sử Đài loan.

Phía người Việt Nam tham dự, Ông Nguyễn văn Trần gởi bài phát biểu trước được dịch ra tiếng anh và tiếng tàu nên tại chỗ chỉ vắn tắt phủ nhận hai điểm mà hai diễn giả người Tàu nêu lên, theo báo Hồng kông và báo Đức, là ở Việt Nam có bầu cử tự do hơn ở Trung quốc và có cải tổ chánh trị theo hướng dân chủ tự do.

Ông cũng phản bác một vị nhắc lại lời của Hồ Chí Minh “ …Chế độ do dân, vì dân …” và lời này có ghi vào Hiến pháp Việt Nam. Ông giải thích Hiến pháp đầu tiên năm 1946 không được ban hành. Bản Hiến pháp kế tiếp không có chữ tự do. Các Hiến pháp năm 58, 82 và 92 có ghi quyền dân chủ, tự do nhưng theo “qui định của luật pháp” nên được công an tùy tiện suy diễn để đàn áp dân chúng, những người yêu nước, bỏ tù những nhà báo, ngang nhiên cướp giựt tài sản của nhân dân ,…

Ông Nguyễn Văn Trần kết luận “Suốt từ hôm qua, quí vị tố cáo tội ác cộng sản Trung quốc và riêng tội ác của Mao trạch đông, với tư cách những người am hiểu nghiêm chỉnh vì có nhiều vị lớn tuổi từng là nhân chứng sống, tức nạn nhân trực tiếp, tôi chỉ nhắc lại lời của Hồ Chí Minh nói với cán bộ Trung ươngBác có thể sai lầm, chớ hai vị này, vừa chỉ ảnh Staline và Mao trạch đông, là hai người không bao giờ sai lầm”.
Mà chế độ hiện tại ở Việt Nam chủ trương học tập và làm việc theo tư tưởng của Hồ chủ tịch, tức một thứ chế độ Hồ Chí Minh không Hồ Chí Minh, thì tôi nghĩ quí vị chắc đã hiểu thực chất của chế độ như thế nào rồi. Đó là chế độ rập khuôn theo đường lối của hai vị tôn sư của Hồ chí Minh là Mao trạch đông và Staline, có phần nặng về phía Mao hơn“.

© Nguyễn Thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt





No comments:

Post a Comment

View My Stats