Saturday, 3 December 2016

VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ MỸ TRONG NHỮNG NGÀY TỚI (Trùng Dương)




Trùng Dương
December 2, 2016

Life goes on – Dòng đời vẫn tiếp tục, Mặt trời cũng vẫn mọc – The sun also rises. Một đôi người bạn khuyên tôi từ sau cái đêm xảy ra cơn địa chấn chính trị tại Mỹ khi thấy tôi vẫn buồn và bận tâm về kết quả đã đưa một người như ông Donald Trump lên nắm vận mệnh của một quốc gia mạnh nhất hoàn cầu và đã từng là biểu tượng của tự do, dân chủ và nhân quyền cho những nước hiện đang thiếu những thứ đó.

Có người còn tỏ ra hiểu biết hệ thống chính trị tại Mỹ ân cần khuyên tôi: “Ôi dào, lo làm gì. Chính trị Mỹ có truyền thống và khả năng tự kiểm soát và quân bình hóa – check and balance – ấy mà, lo gì.” Một chị bạn bên Pháp viết điện thư cho tôi, bảo: “Tụi bay bên Mỹ chỉ phải chịu đựng có bốn năm thôi. Coi dân Việt Nam kìa, đã trên nửa thế kỷ bị tụi Cộng Sản độc tài, ngu dốt cai trị không biết tới bao giờ mới nhìn thấy tương lai, thì sao!”

Trước bầu cử, chẳng thuộc đảng nào, Dân Chủ hay Cộng Hòa, mà chỉ là bỏ phiếu cho người ứng cử viên mà tôi tin sẽ có thể giúp duy trì những giá trị nhân bản, dân chủ, dân quyền, cùng nỗ lực bảo vệ môi trường cho con cháu chắt tôi, thú thật đã có lúc tôi tự nhủ nếu ông Trump đắc cử, không có blog hay trang Web nhà để đóng, không còn nơi nào để di cư tới nữa như hai lần di cư trước (vì nước Mỹ đã là trạm cuối cùng của đời một người đã ngoài 70 rồi), có lẽ tôi sẽ… không đọc báo nữa.

Nhưng kết quả là tôi còn đọc báo tới mấy lần hơn trước, tới độ có mấy cuốn sách đang đọc dở chừng, bên cạnh nhiều dự án viết khác, mà cũng xếp qua một bên để đọc tin. Có lẽ, kể từ dạo về hưu khỏi nghề báo, tôi đọc tin tức nhiều như vài tuần qua. Ðọc ngày không đủ, đọc trước khi đi ngủ, đọc lúc vừa banh mắt dậy, trên cái iPad đang muốn làm reo vì vừa cũ vừa bị dùng hơi nhiều, thỉnh thoảng tự dưng tắt ngúm chơi.

Khi nhìn thấy một tương lai trong đó cái khả năng tự kiểm soát và quân bình của hệ thống chính trị Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi kết quả cuộc bầu cử vừa rồi, nghĩa là một đảng sẽ nắm không chỉ quyền hành pháp, lưỡng viện lập pháp, và (trong một tương lai không xa) cả tư pháp (vì trong Tối Cao Pháp Viện liên bang hiện có một chỗ trống và một vị thẩm phán sắp về hưu mà vị tổng thống tới sẽ chỉ định người của mình), do một người tính khí bất thường; bịa đặt một cách vô tội vạ, không đúng ý mình thì cho là gian lận (“Ta đây cũng đã thắng phiếu phổ thông đấy nếu đã không có hàng triệu cử tri bất hợp pháp”); khích động những thành phần lâu nay vẫn sống ngoài rìa xã hội hay trong bóng tối (trong đó có đảng Ku Klux Klan), bạ ai cũng dọa phạt, dọa bỏ tù, dọa cắt nguồn tài trợ, dọa trấn nước, dọa đoạn giao, dọa rút ra (như với Thỏa Hiệp Paris về khí hậu thay đổi, và tổ chức Liên Minh Quân Sự Bắc Ðại Tây Dương – NATO), cái con người ấy sẽ cầm cân nẩy mực nơi trú chân cuối cùng này của tôi, làm sao tôi không ưu lo, và cảm thấy trong tôi dấy lên một mối bất nhẫn.

Tất nhiên nỗi ưu lo này của tôi không thể so sánh với nỗi lo âu của hàng trăm ngàn các em gốc Hispanic được cha mẹ đem tới đây một cách bất hợp pháp khi còn nhỏ và hiện đang được luật DACA – Deferred Action for Childhood Arrivals được chính phủ của ông Obama ban hành để tránh cho các em không bị trục xuất ngõ hầu tiếp tục việc học. Làm sao so sánh được với nỗi lo âu của những người Mỹ theo đạo Hồi chưa gì đã nhận được thư nặc danh đe dọa trục xuất, tập trung (như người Mỹ gốc Nhật hồi Ðệ Nhị Thế Chiến), kinh hoàng khi thấy nhà cửa, đền thờ bị phá hay tường vẽ những dấu hiệu swastika của Ðức quốc xã. Mới hôm qua (Thứ Hai 28 tháng 3) một thanh niên đạo Hồi nổi cơn cầm dao đâm loạn xạ ở trường đại học tiểu bang Ohio, làm 22 người bị thương, rồi chính cậu ta bị cảnh sát bắn chết. Người ta nghi là khủng bố. Tôi cảm thấy có nhiều phần cậu này bị khủng hoảng tinh thần vì những gì đang diễn ra, quá sức chịu đựng của một người không có nhiều khả năng đề kháng trước các áp lực từ mọi phía, và có lẽ cả cảm giác bị loại ra ngoài, không thuộc về cái xã hội mà gia đình mình đã tới cách đây hai năm, tưởng đã tìm được chốn yên ổn đề sinh sống, học hành?

Ðến tôi còn có lúc cảm thấy tinh thần bất ổn, mặc dù không, hay chưa, bị đe dọa gì.

Mà nào phải mình tôi cảm thấy bất ổn. Cả thế giới cùng không thể ngờ. Một phụ nữ mãi tận Ukraine khi được đài National Public Radio – à, tôi cũng còn nghe phát thanh cả ngày nữa, bên cạnh việc đọc tin trên iPad – hỏi cảm thấy sao, chỉ thốt lên được một câu: “Grief! Sầu muộn!”

Từ khi gọi nơi này là quê hương, tôi đã đi bầu tổng thống dăm bẩy lần. Có lần ứng cử viên tôi ủng hộ thắng, có lần thua. Ai thua hay ai thắng, tôi vẫn an tâm lo đời sống riêng của mình, vẫn đưa con cái đi học, vẫn đi chợ lo cơm nước cho gia đình, vẫn lúi húi viết bài – phần lớn không công – chống Cộng hoặc văn học cho các báo Việt ngữ, có lúc tham gia công cuộc kháng chiến tranh đấu cho quê hương thứ nhất, vẫn cắp sách đến trường để mở mang trí tuệ và để tự lập về kinh tế, vẫn đi làm, vẫn về hưu và đi du lịch, vui với bằng hữu, góp sức cho cuộc tranh đấu cho quê hương thứ nhất sớm thoát khỏi một chế độ phi nhân bản.

Tôi yên tâm lo những thứ đó vì biết người lãnh đạo quê hương thứ hai này của tôi, dù không do mình bầu, nhưng là người biết tôn trọng những giá trị nhân bản muôn thuở mà đất nước này đã giúp tôi ý thức một cách sâu sắc, và trân quý hơn tất cả vàng bạc châu báu trên đời này gộp lại.

Lần này thì khác. Dưới bầu trời mây bão vần vũ đen nghịt hứa hẹn một cơn giông tố chưa biết sẽ tàn hại tới mức nào, tôi đã cố phóng cái nhìn của tôi tới hai năm tới khi có bầu lại Quốc Hội, tới bốn năm tới khi bầu lại tổng thống. Tôi cũng đã nghĩ tới việc tham dự một cách tích cực hơn vào hành trình chính trị – khác với một số bạn người Việt của tôi, coi chính trị là cái gì ghê tởm không nên dính vào, và tôi thường cười bảo họ, “Thế anh/chị có ghê tởm cái việc mình đã đến đây tị nạn không, vì đó chính là một biểu tỏ chính trị cao nhất mà anh/chị đã thực hiện?”

Những gì đang diễn ra vẫn khiến tôi không thể không quan tâm. Tôi cảm thấy như bị thất lạc. Nhưng tôi không muốn bỏ cuộc. Không muốn quay lưng lại với cuộc đời.

Một buổi sáng tôi đọc trên iPad bài ý kiến của ban chủ biên nhật báo The New York Times, tờ báo đã ủng hộ ứng cử viên thua cuộc. Trước viễn ảnh có thể có nhiều chuyên viên sẽ có thể từ nhiệm vì lương tâm đòi hỏi, nhóm chủ biên kêu gọi, “Stay on, for your country – Hãy ở lại, vì đất nước chúng ta” (The New York Times, ngày 14 tháng 11, 2016).

“Với hàng ngàn công chức – Dân Chủ, Cộng Hòa và độc lập – việc đắc cử của Donald Trump đang tạo nên một tình thế khó xử: Nên ở lại hay ra đi?

“Ðây là những bạn đàn ông và đàn bà khắp nước đang phục vụ trong Bộ Tư Pháp, Giáo Dục, Quốc Phòng, Bảo Vệ Môi Trường, và nhiều nữa. Nhiều người chắc chắn đã bầu cho ông Trump. Song có nhiều người đang tuyệt vọng, lo âu không chỉ cho đất nước mình mà còn cho công ăn việc làm của mình sẽ đổi thay – và cho trách nhiệm đạo đức của riêng mình.

“Câu trả lời của tôi cho một đại đa số quý bạn là: Chúng tôi cần các bạn.
“Chúng tôi cần sự chuyên nghiệp của các bạn, kinh nghiệm chuyên môn của các bạn, niềm tôn trọng đối với các quy tắc dân chủ tiêu chuẩn và giá trị của nước Mỹ của các bạn. Hãy ở lại. Xin hãy ở lại, cho đất nước chúng ta. […]

“Bốn năm tới đây, cái khả năng kiểm soát quan trọng nhất đối với những cơn bốc đồng của ông Trump mà ta đã thấy – tính nóng nẩy làm ta dựng tóc gáy, tính bất an không kềm hãm được, sự tàn ác khi bị chạm tự ái của ông ta – sẽ không đến từ Quốc Hội hay tòa án hay một nhóm đối lập. [Sự kiểm soát ấy] sẽ đến từ những người [như các bạn] có trách nhiệm thi hành các công vụ trong chính quyền của ông ta. […]

“Ở lại không có nghĩa là cắm đầu làm theo những chỉ thị từ Hoa Thịnh Ðốn – mà khác xa thế nhiều. […] Nếu chính quyền ông Trump mon men để lộ sự độc tài – nhũng lạm quyền hành chưa từng thấy, ra lệnh cho quân đội một cách tắc trách và trái luật – thì đó là lúc các bạn có bổn phận không thi hành, và hãy từ chức.”

Tôi bật dậy khỏi giường – tôi đọc bài bình luận trên iPad lúc vừa thức giấc và còn đang nằm trên giường. Như người vừa được thêm sức. Tôi vẫn còn báo chí dòng chính, tức Ðệ Tứ Quyền – The Fourth Estate (*) đứng với tôi đấy chứ. Tôi không còn cô độc.

Việc đầu tiên tôi làm hôm đó, một tuần sau ngày bầu cử, đó là ghi tên trở thành một độc giả của The New York Times. Tôi vui khi nghe biết từ sau ngày bầu cử tờ báo đã nhận được trên 40,000 độc giả dài hạn mới. Tôi có thêm đồng hành.

Rồi tôi ngậm ngùi, muốn ứa nước mắt, khi nghĩ: Dân tộc của quê hương thứ nhất của tôi không có cái may mắn như tôi. Họ không có báo chí đứng với họ. Họ không có Ðệ Tứ Quyền này bảo vệ họ và trông chừng, kiểm soát, chỉ trích hành xử của chính quyền giùm họ. Họ không có ai cả.

[TD, 11-2016]

Chú thích:

(*) Ðệ Tứ Quyền – The Fourth Estate, chỉ giới truyền thông, đặc biệt là báo in, hay “the press.” Nguyên thủy là một cụm từ do Edmund Burke, chính khách, tác giả, triết gia người Ái Nhĩ Lan, thế kỷ thứ 18, đã dùng trong cuộc tranh biện nghị trường vào năm 1787 đòi cho báo chí được phép tường trình các buổi họp tại House of Commons của Anh Quốc.
Trong thời kỳ tranh cử vừa qua, một câu nói của ông Burke đã được nhiều người sử dụng, đó là câu: “Ðiều duy nhất cần thiết cho sự đắc thắng của cái ác là việc người tử tế không làm gì hết – The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.” Cũng từ đó đã có nhiều kiến nghị, thư ngỏ phủ nhận ứng cử viên Donald Trump. Trong số đó có lá thư ngỏ của một nhóm mà chẳng ai bao giờ nghĩ họ sẽ công khai lên tiếng: đó là 10 cựu sĩ quan vẫn âm thầm cầm chiếc cặp chứa khóa bom nguyên tử đi theo các vị tổng thống Mỹ công tác khắp nơi.




No comments:

Post a Comment

View My Stats