BBC Tiếng Việt
12 tháng 12 2016
Các
quan chức trốn đi nước ngoài "có thể vì thông tin khởi tố hình sự đối với
họ, nếu có, đã bị tiết lộ" và đây là điều "khiến họ lo sợ" dẫn đến
việc họ tìm cách "né tránh lưới pháp luật", một luật sư từ TP Hồ
Chí Minh bình luận với BBC.
Mới đây, Bộ Công Thương công bố về trường hợp ông
Lê Chung Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power,
thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) "vi phạm kỷ luật lao động, tự ý đi nước
ngoài".
"Ông Dũng đã vắng mặt tại cơ quan kể từ ngày
21/10/2016 đến nay," trang web của Bộ này viết hôm 9/12.
"Ông Dũng thông báo cho Tổng công ty Điện lực dầu
khí về việc đang học tập ở Singapore."
"Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tiến
hành quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Lê Chung Dũng do vi phạm kỷ luật lao động,
tự ý đi nước ngoài."
Ông Dũng là trường hợp quan chức thứ ba liên quan đến
Tập đoàn Dầu khí "đi nước ngoài không về" sau ông Trịnh Xuân Thanh,
cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu
khí Việt Nam (PVC) và ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần
Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex).
Hôm 12/12, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật
Phạm Nghiêm, trả lời phỏng vấn của BBC từ TP Hồ Chí Minh.
BBC: Có ý kiến cho rằng việc chậm khởi tố những người như các ông Trịnh
Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng để họ bỏ trốn là vi phạm điều 294 Bộ luật
Hình sự (Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội). Tuy nhiên rất
khó để xử lý cơ quan điều tra, vì thay vì "chỉ tuân theo pháp luật"
khi khởi tố đảng viên, họ còn phải tuân theo Chỉ thị 15. Luật sư có bình luận
gì?
Luật
sư Phạm Công Út: Theo Chỉ thị 15 mà vừa qua dư luận phản ứng
gay gắt, cho rằng các đảng viên nếu là người vi phạm pháp luật sẽ được miễn trừ
trước pháp luật, vì ngành công an không được "trinh sát" đối với họ.
Điều này là không chính xác, vì Chỉ thị 15 của Bộ
Chính trị chỉ đưa ra những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng thông
qua sinh hoạt phê và tự phê trong nội bộ các cơ sở Đảng, hoàn toàn không có phạm
vi điều chỉnh nào để cho rằng "không được trinh sát đảng viên" cả.
Như vậy, nếu phát hiện đảng viên có sai phạm thông
qua đơn tố giác của quần chúng hoặc kết luận thanh tra thì các đảng viên dù
đương chức hay không đương chức đều có thể bị bắt giữ, bị truy cứu trách nhiệm
hình sự và bị kết án như mọi công dân khác.
Do đó, theo tôi thì ngoài sự "cả nể" ra, mọi
công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
BBC: Luật sư nghĩ gì về ba trường hợp gần đây nhất liên quan tập đoàn Dầu
khí Việt Nam trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố?
Luật
sư Phạm Công Út: Trước hết, họ trốn đi nước ngoài có thể vì
thông tin khởi tố hình sự đối với họ, nếu có, đã bị tiết lộ ra khiến họ lo sợ
nên phải cao chạy xa bay để né tránh lưới pháp luật.
Cũng có thể họ đã cuỗm được những khoản tiền ngân
sách đủ lớn để họ sống sung sướng ở nước ngoài, để mặc hậu quả là gánh nặng
kinh tế thâm hụt cho đất nước gánh chịu...
BBC: Theo luật sư, cần có những thay đổi nào về luật, pháp lý để việc chống
tham nhũng hiệu quả hơn?
Luật
sư Phạm Công Út: Theo tôi, để chống tham nhũng có hiệu quả thì
trước hết cần đến "tai mắt" của người dân thông qua việc giám sát
công khai đối với họ.
Lương họ phải cao, đảm bảo cuộc sống sung túc nhưng
có nhiệm kỳ, việc cất nhắc các quan chức không thể bằng tiền mà bằng thực tài
thông qua thi tuyển.
Hiện nay, nhiều vụ án lừa đảo về việc xin việc vào
ngành công an, ngành sư phạm, vào các cơ quan nhà nước, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm
các chức vụ... với những cái giá nghe nói là rất cao, có thể bằng cả một gia sản.
Như vậy, với đồng lương công chức nhà nước thấp đến
độ thua mức thu nhập của người lao động thì tại sao người ta phải đầu tư cả gia
sản của gia đình để cho một người trong gia đình có được một chân biên chế
trong nhà nước. Phải chăng đó là vốn "đầu tư" siêu lợi nhuận cho
tương lai con em của họ, sẽ có cơ hội thu nhập "khủng" bằng con đường
phi pháp sau này.
Vì vậy, chống tham nhũng cũng phải bắt đầu từ khâu
tuyển dụng, song song với quyền được giám sát của người dân.
BBC: Những điều luật sư muốn nói thêm từ góc độ pháp lý?
Luật
sư Phạm Công Út: Về mặt pháp lý, có lẽ nên chấm dứt những tình
tiết giảm nhẹ đối với các quan tham như có thành tích xuất sắc trong lao động học
tập, gia đình có công với cách mạng... vì họ thường là chủ thể để được hưởng
các tình tiết giảm nhẹ này mà dân thương khó có thể có.
Từ đó họ được giảm khung hình phạt, lẽ ra phải bị tử
hình vì tham nhũng thì lại được hạ khung hình phạt theo điều 46, 47 Bộ luật
Hình sự.
Thậm chí tới đây, không chỉ họ chỉ được giảm một
khung hình phạt xuống khung hình phạt liền kề mà còn được giảm đến hai khung
hình phạt theo Bộ luật Hình sự năm 2015.
Có nghĩa là hành vi phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt
nghiêm trọng sẽ chỉ còn là nghiêm trọng chứ không còn là rất nghiêm trọng, hoặc
đặc biệt nghiêm trọng nữa.
BBC: Ngoài ra, luật sư có bình luận gì về những tuyên bố "sắp bắt được Trịnh
Xuân Thanh" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lúc lại có thêm những
trường hợp tương tự bỏ trốn ra nước ngoài?
Luật
sư Phạm Công Út: Tôi tin rằng điều đó là có thật.
BBC: Tức là sắp bắt được ông Thanh ạ?
Luật
sư Phạm Công Út: Hy vọng là vậy.
---------------
Tin
liên quan
No comments:
Post a Comment