Saturday, 17 December 2016

OBAMA : PUTIN ĐỨNG ĐẰNG SAU VỤ NGA PHÁ BẦU CỬ MỸ (Người Việt Online)




December 16, 2016
.
Tổng Thống Barack Obama tại cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc. (Hình: AP Photo/Andrew Harnik)
.
WASHINGTON, DC (NV) – Trưa Thứ Sáu, Tổng Thống Barack Obama có một cuộc họp báo cuối cùng trong năm 2016 tại Tòa Bạch Ốc, trong đó, ông ngụ ý là tổng thống Nga đứng đằng sau vụ tin tặc Nga phá bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong cuộc họp báo dài gần hai giờ, Tổng Thống Barack Obama dành nhiều thời gian nói tới vụ tin tặc Nga xâm nhập hệ thống điện toán của cuộc bầu cử Mỹ.
Ông không công khai xác định rằng Tổng Thống Nga Vladimir Putuin là người trực tiếp chỉ đạo sự can thiệp vào bầu cử Mỹ mà chỉ nói việc này được thi hành “ở cấp cao nhất điện Kremlin.”
Nhưng ông nói thêm rằng ở Nga “không có chuyện gì xảy ra mà không được sự chấp thuận của ông Putin.”

Tổng Thống Obama cho biết khi gặp Tổng Thống Putin hồi Tháng Chín, bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, ông đã nói thẳng với ông Putin rằng “hãy chấm dứt đi” và cảnh cáo là sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu không làm như thế.
Tuy vậy, trong buổi họp báo này, Tổng Thống Obama không nêu ra chi tiết cụ thể nào về phản ứng có thể có của Mỹ.

Tổng thống mạnh mẽ chỉ trích những người Cộng Hòa về thái độ đằm thắm với tổng thống Nga và cho là điều ấy “có thể khiến Tổng Thống Ronald Reagan phải trỗi dậy dưới mồ.”
Theo ông, một thăm dò dư luận cho biết, hiện nay, hơn 1/3 người Cộng Hòa có thiện cảm với ông Putin so với chỉ có 10% hồi Tháng Bảy, 2014 (sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine).
Tổng Thống Obama cũng nói là ông muốn để cộng đồng tình báo Mỹ có cơ hội đưa ra một báo cáo về chuyện tin tặc Nga phá bầu cử Mỹ, trước khi ông mãn nhiệm. Nhưng ông cảnh báo là một số thông tin cần phải giữ bí mật, vì nếu công bố sẽ làm tiết lộ phương cách mà Mỹ có thể thu thập tình báo.

Sau đó, trả lời câu hỏi của một phóng viên, tổng thống nói ông không có ý kiến với việc cử tri đoàn có nên được thuyết trình để hiểu rõ những tình hình ấy trước khi họ bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày Thứ Hai sắp tới hay không.
Ðiều ấy chứng tỏ rằng Tổng Thống Obama không muốn dùng vụ can thiệp của Nga như một áp lực ảnh hưởng đến quyết định của các đại cử tri khi bỏ phiếu, nghĩa là ông không để tự mình phải chịu trách nhiệm nếu kết quả bầu cử bị đảo lộn.

Về vấn đề Trung Quốc và Ðài Loan, Tổng Thống Obama nói ông đã khuyên ông Trump “suy tính kỹ” trước khi có quyết định gì đối với chính sách “một nước Trung Hoa.”
Tổng thống cho biết đã nhiều lần nói chuyện qua điện thoại với ông Trump kể từ cuộc tiếp xúc lần đầu ở Tòa Bạch Ốc hai ngày sau bầu cử. Theo ông, lời lẽ trao đổi thân mật và nội dung hoàn toàn không mang tính chống đỡ dù có nhiều bất đồng ý kiến. Ông Obama cho rằng ông Trump tỏ ra lắng nghe, nhưng không thể nào chắc chắn là sẽ nghe theo lời khuyên của ông.

Sẽ trả đũa Nga
Hôm Thứ Năm, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền thanh NPR, ông Obama cho hay Mỹ sẽ có hành động trả đũa Nga về vụ tấn công mạng xảy ra trong thời gian có cuộc tranh cử ở Mỹ năm nay.
“Tôi nghĩ rằng khi một chính quyền ngoại quốc nào tìm cách ảnh hưởng tới sự công chính của bầu cử tại quốc gia chúng ta, việc phải có hành động đối phó là điều chắc chắn. Một số các hành động này có thể là công khai và được tiết lộ; một số hành động khác có thể sẽ không như vậy,” ông Obama cho hay.

Phát ngôn viên Tổng Thống Nga Vladimir Putin lập tức đáp trả, nói rằng Tổng Thống Obama cùng các phụ tá của ông đã đổ lỗi cho Nga mà không đưa ra bằng chứng nào.
Trong một phát biểu được các cơ quan truyền thông nhà nước Nga loan đi, phát ngôn viên Dmitry Peskov của ông Putin nói rằng chính phủ Mỹ nên “hoặc là ngưng nói về việc này hay đưa ra bằng chứng nào đó, nếu không thì thật là không ra gì.”

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Steve Inskeep trong chương trình “Morning Edition” của đài phát thanh NPR, ông Obama không bình luận về bản tin của báo Washington Post tuần qua, vốn sau đó được các cơ quan ngôn luận khác xác nhận, rằng cơ quan tình báo CIA đã đi đến kết luận rằng Nga can dự vào cuộc bầu cử Mỹ với mục đích rõ ràng là giúp ông Donald Trump thắng cử.
Ông Obama nói rằng hiện cuộc điều tra được sự phối hợp giữa các cơ quan tình báo Mỹ vẫn còn đang được tiến hành và ông chờ đợi bản báo cáo phải được đệ trình trước ngày 20 Tháng Giêng, 2017.
Ông nói rằng khi có được bản báo cáo này mọi người sẽ có hình ảnh rõ ràng về cuộc tấn công cũng như các lý do, tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng có một điểm căn bản mà ai cũng nhìn thấy: đó là cuộc tấn công của tin tặc Nga tạo thêm nhiều khó khăn trong thời gian tranh cử của bà Clinton hơn là đối với ông Trump.

FBI ủng hộ quan điểm CIA là Nga can thiệp
Ông James Comey, giám đốc FBI, và ông James Clapper, giám đốc Tình Báo Quốc Gia (DNI), ủng hộ đánh giá của CIA là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, một phần để giúp ông Donald Trump thắng cử, theo Washington Post, trích lời giới chức Hoa Kỳ, hôm Thứ Sáu.
Sự ủng hộ của ông Comey đối với kết luận của CIA cho thấy lãnh đạo của ba cơ quan này đồng ý với nhau về ý định của Nga, khác với những đề nghị của một số nhà lập pháp nói rằng FBI không đồng ý với CIA.

“Hồi đầu tuần, tôi gặp riêng với Giám Ðốc FBI James Comey và Giám Ðốc DNI James Clapper, và có một sự đồng thuận mạnh mẽ giữa chúng tôi về mức độ và dụng ý của Nga trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống,” ông John Brennan, giám đốc CIA, nói trong một thông điệp gởi cho nhân viên của cơ quan này, theo các giới chức Mỹ, những người đọc được thông điệp này, cho biết.
“Cả ba chúng tôi cũng đồng ý là các tổ chức của chúng ta, cùng với các tổ chức khác, cần tập trung vào việc hoàn tất việc xem xét kỹ lưỡng vấn đề này, một chuyện được Tổng Thống Barack Obama ra lệnh thực hiện, và do DNI đứng đầu,” thông điệp của ông Brennan cho biết thêm.

Tổng thống tân cử Donald Trump lâu nay vẫn một mực bác bỏ những khám phá của cộng đồng tình báo Mỹ về chuyện Nga đột nhập vào hệ thống điện toán tại Hoa Kỳ.
Hai cơ quan CIA và FBI từ chối bình luận khi được hỏi về chuyện này, vẫn theo Washington Post.
CIA có chia sẻ những đánh giá mới nhất với một số thượng nghị sĩ chủ chốt trong một buổi họp kín tại Quốc Hội, khoảng hai tuần trước đây, trong đó, dựa trên nhiều nguồn tin tình báo.
Ðặc biệt, các nhân viên CIA nói với các thượng nghị sĩ rằng, ngày càng có dấu hiệu cho thấy “khá rõ” là giúp ông Trump đắc cử cũng là một trong những mục tiêu của Nga, theo các giới chức này, nói trong điều kiện ẩn danh vì họ không được nói về những vấn đề liên quan đến tình báo.
Các giới chức CIA và FBI không tin là Nga chỉ có “một mục đích” trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử. Ngoài việc giúp ông Trump, các giới chức tình báo nói với các nhà lập pháp rằng, Moscow còn có mục đích làm giảm lòng tin của người dân đối với hệ thống bầu cử tại Mỹ.

Hồi tuần trước, trong một cuộc họp khác tại Hạ Viện liên quan tới tình báo, một giới chức phản gián cao cấp của FBI tạo cho các nhà lập pháp của cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ một cảm giác là FBI không đồng ý với đánh giá của CIA, theo các giới chức có mặt trong cuộc họp cho biết.
“Sự thật là hai cơ quan này không bao giờ khác nhau, ngay từ đầu,” một giới chức nói về quan điểm của FBI và CIA.
Trong thông điệp gởi cho nhân viên CIA, ông Brennan nói phía hành pháp cung cấp tất cả chi tiết về vấn đề này cho các nhà lập pháp và nhân viên của họ từ hồi mùa Hè.
“Trong những ngày qua, tôi có nói chuyện với nhiều thành viên Quốc Hội, cập nhật họ về sự đánh giá này, cũng như cân nhắc những gì cần thiết trong khi tiến hành sự việc,” ông Brennan viết như vậy. “Nhiều nhà lập pháp – nhưng xui xẻo là không phải tất cả – hiểu vấn đề và trân trọng tầm quan trọng và mức độ của nó, và họ rất ủng hộ những gì chúng ta đang làm.”

Sau cuộc họp báo của tổng thống, hai ủy ban tình báo của Quốc Hội cho biết sẽ thực hiện cuộc điều tra lưỡng đảng đầy đủ về vụ Nga xâm nhập bầu cử Mỹ.
Thượng Nghị Sĩ Richard Burr (Cộng Hòa-North Carolina), chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, và Dân Biểu Devin Nunes (Cộng Hòa-California), chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, nói rằng sẽ duyệt xét tất cả những gì mà giới tình báo Mỹ đã phát hiện.

Về cuộc chiến Syria
Tổng Thống Obama tố cáo Syria, Nga, Iran, có bàn tay vấy máu về những gì xảy ra tại thành phố Aleppo, và cả thế giới lên án vụ này. Tổng thống nhìn nhận rằng cuộc nội chiến kéo dài gần sáu năm ở Syria là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà ông phải đương đầu. Nhưng mặc dầu thất bại trong sự chấm dứt xung đột, trong buổi họp báo, ông không nêu ra được một chiến lược nào mới của Mỹ.
Ông giải thích là Mỹ không muốn và không thể đảm nhận trách nhiệm toàn bộ cuộc khủng hoảng Syria vì việc làm ấy không hiệu quả. Sẽ phải cần sử dụng nhiều quân sau khi đã vướng mắc và tốn kém quá nhiều và quá lâu vào chiến tranh Afghanistan và Iraq. Ông không được Quốc Hội ủng hộ và công pháp quốc tế không cho phép hành động ấy. Thêm nữa, quân nổi dậy chưa đủ khả năng sẵn sàng để nắm chính quyền trong khi Nga và Iran vẫn ủng hộ chế độ của Tổng Thống Bashar al-Assad. Tổng Thống Obama giải thích là trong hoàn cảnh đó, ưu tiên số một mà ông phải chọn lựa là cái gì tốt cho nước Mỹ.

Ông Obama cũng dùng dịp này để trình bày về những thành quả của chính quyền ông qua hai nhiệm kỳ, từ phục hồi kinh tế, giảm mức thất nghiệp, cho đến những đổi mới về chính sách ngoại giao như bình thường hóa quan hệ với Cuba.
Ông cũng đề cập đến những công tác còn dang dở như chiến tranh chống ISIS, tình hình Trung Ðông, và thẳng thắn nhìn nhận những thất bại chính trị của đảng Dân Chủ qua bầu cử tổng thống và Quốc Hội. (HC, V.Giang, Ð.D.)

----------------------------------------
BBC Tiếng Việt
17 tháng 12 2016

Tổng thống Barack Obama nói ông đã từng ra lệnh cho ông Vladimir Putin "dẹp trò tấn công mạng" trong một cuộc đối thoại về truy cập lén email trước kỳ bầu cử Mỹ.
Với ngụ ý rằng Tổng thống Nga biết về các vụ truy cập mạng, ông Obama nói: "Ở Nga chằng có chuyện gì xảy ra mà lại thiếu Putin."
Tổng thống Obama nói ông đã cảnh báo ông Putin về hậu quả nghiêm trọng tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng Chín.
Một tháng sau đó, Hoa Kỳ cáo buộc Nga can thiệp vào tiến trình dân chủ của họ.
Ông Obama hứa sẽ phản ứng "tương xứng" với việc email của Đảng Dân chủ và của chủ tịch chiến dịch tranh cử của ứng viên Hillary Clinton bị truy cập lén.
Ông dường như tỏ ý rằng Hoa Kỳ có thể tấn công bằng sức mạnh mạng của riêng mình, và nói: "Bất cứ điều gì họ làm ảnh hưởng tới chúng tôi, chúng tôi có khả năng làm như thế với họ".
Phát biểu của ông Obama được đưa ra trong cuộc họp báo cuối năm.

Trong khi đó, bà Hillary Clinton lần đầu tiên quy thất bại bầu cử tổng thống Mỹ cho tin tặc Nga.
Bà nói với các nhà tài trợ đảng Dân chủ rằng Tổng thống Putin có "bất mãn" khi bà mô tả bầu cử quốc hội Nga năm năm trước là bị dàn xếp.
Bà cũng nói việc giám đốc FBI James Comey công bố thư đã khiến bà thua tại một số bang chủ chốt.
Trong khi đó, tin tức nói FBI ủng hộ đánh giá của CIA rằng Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ.
Trong thông điệp gửi nhân viên, Giám đốc CIA John Brennan tuyên bố ông đã gặp ông Comey và giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper, và "có đồng thuận mạnh mẽ về quy mô, tính chất, dự định của Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống".
Báo New York Times dẫn lời bà Clinton: "Putin công khai đổ lỗi cho tôi vì nhân dân Nga nổi giận, đó là liên hệ trực tiếp giữa những gì ông ta nói khi đó và những gì ông ta làm trong bầu cử này."
"Đây là cuộc tấn công đất nước chúng ta."

Hôm thứ Năm, một phát ngôn nhân Nhà Trắng nói Tổng thống Putin liên quan các cuộc tấn công mạng.
Vụ để lộ các email đã làm mất mặt đảng Dân chủ vào thời điểm quan trọng trong chiến dịch tranh cử.
CIA nói động cơ của Nga là tạo thuận lợi cho ông Donald Trump, nhưng không công bố bằng chứng.
Ông Trump, người thắng cử, bác bỏ tuyên bố này, gọi nó là "ngớ ngẩn" và có động cơ chính trị.
Giám đốc FBI James Comey gây quan tâm khi ông loan báo điều tra máy chủ email của bà Clinton, 11 ngày trước bầu cử. Vụ này được ngừng hai ngày trước khi cử tri Mỹ đi bầu.

No comments:

Post a Comment

View My Stats