Ross
Douthat The
New York Times
Biên
dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Nguyễn
Huy Hoàng
Posted on 09/12/2016
Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 là một cuộc
khủng hoảng đối với chủ nghĩa bảo thủ; hậu quả của nó là một khủng hoảng của chủ
nghĩa tự do. Cánh hữu, bất ngờ giành được quyền lực, đang tạm dừng nhìn lại
mình trong lúc chờ xem chủ nghĩa Trump có ý nghĩa như thế nào trên thực tế.
Cánh tả, bất ngờ mất đi quyền lực, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu
tranh luận họ đã mất phương hướng như thế nào.
Rất nhiều lập luận đó đã xoay quanh khái niệm “chính
trị bản sắc,” được dùng để tóm gọn tầm nhìn về chủ nghĩa tự do chính trị như một
liên minh của các nhóm khác nhau – người đồng tính, da đen, gốc Á, gốc Tây Ban
Nha, phụ nữ, người Do Thái, người Hồi giáo, v.v. – gắn kết với nhau trong một
cuộc chiến chung chống lại bá quyền mục nát của người Mỹ Cơ Đốc giáo da trắng.
Tầm nhìn này đã có một sức hấp dẫn dễ nhận thấy
trong kỷ nguyên Obama, khi nó giành được Nhà Trắng hai lần và dường như hứa hẹn
giành được đa số chính trị lâu dài trong tương lai. Và chiến dịch tranh cử tổng
thống năm 2016 đáng lẽ phải củng cố lời hứa đó, vì nó là cuộc đối đầu giữa liên
minh đa dạng của chủ nghĩa tự do với tầm nhìn rõ ràng phản động của Donald
Trump.
Nhưng thay vào đó, năm 2016 lại phơi bày hai điểm yếu
của chủ nghĩa tự do: người da trắng theo đuổi một nền chính trị bản sắc của
riêng mình, và phụ nữ và các nhóm thiểu số không sợ Trump như đa số nhà tự do
chủ nghĩa dự đoán, và không thống nhất bầu cho Hillary.
Vì thế, giờ đây chủ nghĩa tự do bản sắc phải hứng chịu
chỉ trích từ hai hướng. Từ trung tả, nó bị phê phán là một thế lực phi tự do và
gây phân rã, đẩy những người da trắng, có thiên hướng tình dục đúng với sinh học,
và dị tính luyến ái có thiện chí sang cánh hữu và ngăn cản chủ nghĩa tự do nói
ngôn ngữ của giá trị chung. Từ cánh tả, nó bị phê phán là một biểu hiện của đặc
quyền giai cấp, ít quan tâm đến công bằng kinh tế miễn là người Hồi giáo dòng
Sufi đồng tính da đen được góp mặt trong show truyền hình siêu anh hùng mới nhất
trên Netflix.
Cả hai phê phán này đều có những điểm có lý. Nhưng
tôi không chắc chúng nắm bắt được đầy đủ sức kéo của một nền chính trị bản sắc,
nguồn năng lượng đưa nó lên trên những tầm nhìn dựa trên giai cấp và mang tính
hình thức về chủ nghĩa tự do.
Đúng là nền chính trị bản sắc thường phi tự do, cả
trong việc chú trọng vào những trải nghiệm nhóm hơn là chủ nghĩa cá nhân, lẫn
trong mạng lưới của những điều tuyệt đối về đạo đức –những từ cấm kỵ, những người
phát ngôn linh thiêng, những tranh luận bị cấm đoán – mà nó tìm cách giăng lên
diễn ngôn của chủ nghĩa tự do cánh tả. Đúng là nó cũng đề cao siêu hình hơn vật
chất, đề cao sự công nhận hơn sự tái phân phối.
Nhưng các xã hội tự do luôn phụ thuộc vào nền tảng
phi tự do hoặc “tiền tự do” (pre-liberal) để đáp ứng những nhu cầu đa dạng của
con người – ý nghĩa, sự thân thuộc (trong một cộng đồng), một chiều dọc về cuộc
sống con người, một hy vọng về sự bất tử – mà cả John Stuart Mill lẫn Karl Marx
đều không giải quyết thỏa đáng.
Trong lịch sử nước Mỹ, nền tảng đó có nhiều hình thức:
Những mối quan hệ của đời sống gia đình, quyền lực của tôn giáo (thường là Tin
Lành), một chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt, và một nền văn hóa Anglo-Saxon mà
người nhập cư được kỳ vọng là phải đồng hóa theo.
Mỗi nền tảng trong số này thường thể hiện những điều
tệ hại của chủ nghĩa phi tự do: bất khoan dung tôn giáo, phân biệt chủng tộc và
chủ nghĩa sô vanh, sự đàn áp quyền lực cá nhân và gia đình. Nhưng chúng cũng
cung cấp những nền tảng chung về đạo đức, văn hóa và siêu hình mà các nhà cải
cách chính trị – những người theo chủ nghĩa bãi nô, những người truyền bá phong
trào Tin mừng xã hội (Social Gospellers), những người theo Chính sách Kinh tế mới
(New Dealers), những người đấu tranh cho dân quyền – dựa vào để mở rộng hứa hẹn
của chủ nghĩa tự do.
Ngược lại, phần lớn nền chính trị cánh tả sau thập
niên 1960 là một thử nghiệm trong việc cắt đứt các xã hội phương Tây khỏi những
nền tảng đó, như lời bài “Imagine” (Tưởng tượng) của John Lennon. Không thiên
đường hay tôn giáo, không quốc gia hay biên giới hay lòng trung thành địa
phương dưới bất kỳ hình thức nào – đây thường là những giá trị của phe trung tả
và cực tả, của các nhà tân tự do vốn mong quản lý nền kinh tế tư bản toàn cầu,
và của các nhà tân Marxist vốn mong vượt qua.
Không may là những giá trị của “Imagine” đơn thuần
là không đáp ứng đủ những nhu cầu của đời sống con người. Con người có một ước
vọng đoàn kết mà chủ nghĩa thế giới không thể thỏa mãn, những lợi ích phi vật
chất mà sự tái phân phối không thể đáp ứng, và sự khao khát những điều linh
thiêng mà chủ nghĩa thế tục không thể trả lời.
Vì thế, khi tôn giáo hao mòn, gia đình suy yếu, và
lòng yêu nước phai nhạt, các hình thức nhóm bản sắc khác chắc chắn sẽ tự khẳng
định mình. Không phải ngẫu nhiên mà nền chính trị bản sắc đặc biệt mạnh mẽ ở
các trường đại học ưu tú, những thể chế hậu tôn giáo và hậu dân tộc chủ nghĩa tự
ý thức nhất; cũng không phải ngẫu nhiên mà những làn sóng gần đây của các cuộc
biểu tình ở các trường đại học và hoạt động xã hội và đạo đức hóa tình dục thường
xuyên gợi nhớ về phong trào tái thức tỉnh tôn giáo. Sinh viên đại học hiện nay
sống trọn vẹn nhất trong xã hội không tưởng kiểu Lennon mà chủ nghĩa tự do hậu
thập niên 1960 tìm cách xây dựng, nhưng thường thấy nó không thoải mái: Người
sinh viên ấy muốn có cảm giác thuộc về một cộng đồng, một nền tảng đạo đức cá
nhân, và một tiêu chuẩn về công lý cao hơn tiêu chuẩn mà một nền chính trị cả
hình thức đơn thuần lẫn vật chất tuyệt đối cung cấp.
Vì vậy, với chủ nghĩa tự do ngày nay, vốn phải đối mặt
với một chủ nghĩa dân tộc cánh hữu và những mâu thuẫn nội bộ của chính mình, việc
giải quyết những yếu kém chính trị của chính trị bản sắc bằng cách trở nên dân
túy và bớt đúng đắn chính trị hơn có thể sẽ không đủ. Cả hai điều này sẽ là những
thay đổi đáng muốn, nhưng chúng vẫn không thể đáp ứng được nhiều nhu cầu của
con người. Với những nhu cầu đó, một tầm nhìn sâu sắc hơn chủ nghĩa tự do đơn
thuần vẫn là cần thiết – một cái gì đó như “vì Chúa và gia đình và đất nước,”
dù nghe có phản động.
Nó phản động, nhưng nó chính là những điều nền tảng,
lâu đời hơn mà chủ nghĩa tự do ngày nay đã đánh mất. Cho đến khi tìm lại được
chúng, nó sẽ phải đối mặt sự phân lập trong nội bộ liên minh của mình cũng như
chủ nghĩa Trump từ bên ngoài, và nó sẽ đấu tranh để chế ngự cả hai.
Ross Douthat, cây viết xã luận của The New York Times, là tác giả cuốn Bad Religion: How We
Became a Nation of Heretics (New York: Free Press, 2012)
Nguồn: Ross Douthat, “The
Crisis for Liberalism,” The New York Times, 19/11/2016.
No comments:
Post a Comment