..Một số người lo ngại một Donald Trump dân túy sẽ
đưa nước Mỹ vào vòng độc tài cá nhân, phe nhóm, đảng phái như tại một số quốc
gia khác. Điều đó không thể xảy ra trong sinh hoạt chính trị Mỹ. Ngoài nguyên tắc
đối trọng (checks and balances) giữa ba ngành, sự đối trọng còn diễn ra trong nội
bộ mỗi đảng và đối trọng giữa cử tri và đại diện cử tri diễn ra trong suốt nhiệm
kỳ của họ... Bốn năm tới mới chính là thời gian để hiểu, đo lường và đánh giá
hiệu quả các chính sách đối nội và đối ngoại của Donald Trump và qua đó nhìn
ông là một nhà dân túy như Jonathan Chait viết, một người theo chủ nghĩa bảo vệ
người bản xứ như TT Obama nhận xét, hay chỉ là kẻ cơ hội như George Clooney gọi
Trump...
*
Bốn năm trước trong loạt bài về Thổ Nhĩ Kỳ người viết
có giới thiệu chủ nghĩa dân túy (populism) trong đó Mustafa Kemal, người sáng lập
nền Cộng Hòa Thổ (Republic of Turkey), quan niệm cách mạng dân tộc dân chủ của
Thổ Nhĩ Kỳ là một cuộc cách mạng xã hội nhằm phục vụ cho lợi ích của toàn dân.
Ông đề cao các giá trị văn hóa lịch sử Thổ và xem đó như hành trang lên đường
hướng tới một tương lai xán lạn cho dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên trường hợp thành công của Mustafa Kemal là
một trường hợp hiếm hoi. Không ít chính trị gia sử dụng dân túy kể cả tại Thổ
dưới chính quyền Recep Tayyip Erdoğan, như một phương tiện để dẫn đến mục đích
chính trị cực đoan (tả và hữu), và tàn phá niềm tin của các tầng lớp người trước
đó đã bầu họ lên.
Không ít người hiểu không đầy đủ nội dung và phương
tiện của chủ nghĩa dân túy nên thường phân tích quan điểm dân túy với tính tiêu
cực nhằm kết án một lãnh tụ chính trị và bỏ qua các mặt tích cực, cao cả có
tính lịch sử của chủ nghĩa này.
Trước hết, chủ nghĩa dân túy là gì?
Theo các tác giả Mỹ Mary Beth Norton, David M.
Katzman, David W. Blight, Howard Chudacoff, Fredrik Logevall trong cuốn hai của
bộ Lịch sử Hoa Kỳ, chủ nghĩa dân túy rút ra từ chữ Latin populus,
là chủ thuyết chính trị ủng hộ quyền lực của những người dân thường trong cuộc
đấu tranh với tầng lớp đặc quyền (The political doctrine that supports the
rights and powers of the common people in their struggle with the privileged
elite).
Định nghĩa này được chấp nhận rộng rãi nhưng khá tổng
quát vì rất ít khi lãnh đạo các phong trào dân túy thừa nhận họ là “đại biểu của
tầng lớp người dân thường”. Dù sao, nếu đồng ý với định nghĩa trên, dân túy là
một lý tưởng cao cả, qua đó, những người đại diện cho đa số bị thiệt thòi, áp bức
để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại thiểu số nắm phần lớn các đặc quyền, đặc lợi
trong xã hội.
Michael Kazin, tác giả của The Populist
Persuasion and A Godly Hero: The Life of William Jennings Bryan, không cho
dân túy là một chủ nghĩa mà đúng hơn là một thúc giục, một ngôn ngữ, qua đó người
vận dụng hiểu được nguyện vọng của những người bình thường, không bị ràng buộc
một cách hạn hẹp bởi giai cấp, nhìn các đối thủ của họ như là một nhóm nhỏ chỉ
biết vì tư lợi, phi dân chủ và tìm cách vận động thành phần trước chống lại
nhóm nhỏ sau này.
Nếu đồng ý với định nghĩa của Michael Kazin thì dân
túy còn có thể là một thủ thuật chính trị của những kẻ nắm được thời cơ, vận dụng
tâm lý quần chúng để nắm lấy quyền lực bằng các phương pháp dân chủ. Theo định
nghĩa này, Hitler cũng là dân túy, ít nhất cho đến khi ông ta tập trung toàn bộ
quyền lực trong tay vào đầu năm 1933.
Chủ
nghĩa dân túy tại Mỹ
Các học giả phân loại chủ nghĩa dân túy Mỹ dựa trên
tư tưởng chính trị như dân túy cánh tả cuối thế kỷ 19 hay dân túy cánh hữu
trong thời kỳ đầu của Chiến tranh lạnh và sau này.
Dân
túy cánh tả Mỹ
Về mặt lịch sử, Đảng Nhân Dân (People's Party) hay
còn được gọi là đảng Dân Túy phát xuất từ phong trào nông dân Mỹ cuối thế kỷ
19. Giới nông dân trong giai đoạn này phải vừa chịu đựng giá bông sợi xuống thấp,
hạn hán kéo dài mà vừa phải mang gánh nặng lãi xuất ngân hàng cao, cộng thêm với
giá chuyên chở cao.
Trong tình trạng đó, nông dân, nghiệp đoàn và cảm
tình viên đã đoàn kết dưới danh nghĩa của Đảng Nhân dân (People's Party), và những
người trong phong trào thường được gọi là những nhà dân túy. Đảng Nhân dân đòi
hỏi quốc hữu hóa hệ thống xe lửa, giải tán các ngân hàng cho vay lớn, loại bỏ
tiêu chuẩn vàng.
Cao điểm của đảng Nhân Dân là cuộc bầu cử tổng thống
năm 1892 trong đó ửng cử viên James B Weaver của đảng chiếm được 8.5 phần trăm
số cử tri đi bầu và thắng cử tri đoàn trong năm tiểu bang (Colorado, Idaho,
Kansas, Nevada, North Dakota).
Sau cuộc bầu cử, Đảng Nhân Dân chia làm hai cánh, một
cánh chủ trương tiếp tục là một đảng độc lập và cánh khác chủ trương sáp nhập
vào đảng Dân chủ. Dù sau đó tan rã, phong trào dân túy đã để lại nhiều ảnh hưởng
trong nhận thức chính trị cũng như chính sách của các lãnh đạo Mỹ sau này trong
đó có chính sách New Deal của tổng thống Franklin Delano Roosevelt.
Dân
túy cánh hữu Mỹ
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa dân túy Mỹ
chuyển hướng từ tả sang hữu da trắng. Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy chống Cộng
sản, Thống đốc Alabama George Wallace chống khuynh hướng quan liêu thư lại
trong chính phủ liên bang. Đảng độc lập của George Wallace thắng 13.8 phần trăm
số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968.
Sau khi tổng thống Barack Obama đắc cử nhiệm kỳ đầu,
chủ nghĩa dân túy cánh hữu Mỹ phục hồi mạnh mẽ với sự ra đời của phong trào “Tea
Party” vào tháng 2, 2009. Phong trào lấy ý nghĩa từ chiến dịch chống
thuế trà của Anh xảy ra tại Boston vào 16 tháng 12, 1773. Phong trào “Tea
Party” là một tập hợp lỏng lẻo của nhiều nhóm Cộng hòa bảo thủ nhằm chống lại
các chính sách y tế của TT Obama, đòi hỏi các biện pháp giảm nợ quốc gia, hạ thấp
mức thiếu hụt ngân sách, cắt giảm chi phí điều hành chính phủ liên bang và giảm
thuế.
Mặc dù chỉ là một phong trào, “Tea Party” có ảnh hưởng
rất sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa. Nhiều thống kê cho thấy hơn 10% người
dân Mỹ xác định họ là thành viên của phong trào. Ảnh hưởng của “Tea Party” kéo
dài cho tới ngày nay và đóng một vai trò ý nghĩa trong cuộc bầu cử tổng thống vừa
qua.
Trump,
một nhà dân túy?
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, lý luận dân
túy lại một lần nữa được mổ xẻ trong sinh hoạt chính trị Mỹ vì cả Bernie
Sanders (tả) lẫn Donald Trump (hữu) đều tranh cử mang ít nhiều màu sắc chính trị
dân túy.
Cả Sanders và Trump đều cho rằng họ dựa trên ước muốn
đại đa số nhân dân bị bỏ rơi bởi các hệ thống (establishments), tức những nhóm
chế ngự cơ cấu chính trị quốc gia bằng cách nắm giữ các chức vụ quan trọng
trong guồng máy điều hành chính phủ hay các trung tâm lý luận của một quốc
gia.
Từ quan điểm đó, nhiều nhà phân tích cho rằng Donald
Trump là nhà dân túy và ứng cử dựa trên hệ thống lý luận dân túy, tuy nhiên,
cũng có một số phản biện, trong đó có Barack Obama, cho rằng Trump chỉ theo chủ
nghĩa bảo vệ quyền lợi người bản xứ (nativism) hẹp hòi.
Trong buổi vận động cho bà Hillary Clinton hôm 23
tháng Sáu, 2016 tại North Carolina, Obama giải thích rằng suốt cuộc đời chính
trị ông đã thật sự quan tâm đến vấn đề giáo dục dành cho học sinh nghèo, bảo đảm
sức khỏe của mọi người dân đều được quan tâm, và công bằng trong thuế má. Tổng
thống nói, những việc làm đó cho thấy “tôi mới nên được gọi là nhà dân
túy”. Tuy nhiên quan điểm của TT Obama bị một số nhà phân tích bác bỏ và
cho rằng nói như tổng thống thì Donald Trump mới chính là người dân túy vì ông
đã đứng lên chống lại chính phủ thối nát và các nhóm đặc quyền, đặc lợi.
Michael Kazin, tác giả uy tín nghiên cứu về chủ
nghĩa dân túy, cho rằng Trump đã “bày tỏ một mặt của chủ nghĩa dân túy,
giận dữ nhắm vào cơ chế và các thành phần ưu tú. Ông tin rằng dân chúng Mỹ đã bị
các thành phần ưu tú này phản bội. Nhưng mặt khác của chủ nghĩa dân túy là ý thức
của một con người đạo đức, con người đã bị phản bội bởi những lý do và có một đặc
tính rất riêng biệt, dù người đó là công nhân, nông dân hay người trả thuế.
Trong khi Trump thì khác, tôi không thấy nhiều ý thức như vậy nơi ông”.
Đừng nói chi là bầu cử tổng thống, ngay trong vòng
sơ bộ của đảng Cộng Hòa đã cho thấy đảng viên Cộng hòa, những người nghĩ họ là
nạn nhân của chính sách toàn cầu hóa, hệ thống quan liêu thư lại, chi dùng liên
bang, đã dứt khoát muốn có một khuôn mặt ngoài cơ chế, người ngoài cuộc quyết
tâm phục hồi các quyền lợi, bù đắp những thiệt thòi, củng cố vị trí đang yếu
kém của nước Mỹ. Các đặc điểm về cá tính, đời tư, lời ăn tiếng nói không quan
trọng bằng các quan tâm về an ninh, thuế má, phát triển kinh tế và màu da. Người
đó là Donald Trump.
Khác với những lãnh tụ phong trào dân túy hữu bảo thủ
như George Corley Wallace hay Pat Buchanan, Trump thu hút thành phần trung hữu.
Ông tách ra khỏi khuynh hướng Cộng hòa cực đoan khi phê bình Pat Buchanan “Tôi
đoán chừng ông ta là người ngưỡng mộ Hitler, chống Do Thái, ghét da đen, ghét đồng
tính”. Trong tác phẩm quan trọng xuất bản năm 2000 The America We Deserve,
Donald Trump đưa ra các chính sách gần với quan điểm trung hữu hơn là bảo thủ.
Trump,
một “dealmaker”?
Đa số người Việt quan tâm đến chính sách đối ngoại của
Donald Trump. Cũng trong The America We Deserve, ông chủ trương các
biện pháp đối ngoại mềm dẻo với Nga và cứng rắn với Trung Quốc. Theo Trump,
phương pháp ngoại giao theo kiểu chơi cờ trong Chiến tranh Lạnh đã qua, “chính
sách ngoại giao hiện nay phải đặt trong tay những người giao thương chuyên nghiệp
nhằm đạt mục đích cho lợi nhất cho họ (dealmaker)”.
Một ví dụ điển hình cho quan điểm này của Trump xảy
ra ngày 3 tháng 12, 2016 khi Bộ Ngoại Giao Trung Cộng gởi một phàn nàn đến Mỹ về
cú điện thoại giữa Donald Trump và TT Đài Loan và cho rằng cú điện thoại đã
thay đổi chính sách của Mỹ từ năm 1979 nhìn nhận Đài Loan là một phần của Trung
Quốc.
Cách giải thích của Donald Trump đúng như giọng của
một “dealmaker”: “chẳng lẽ bán cho họ nhiều tỉ đô la vũ khí mà không chấp
nhận một lời chúc mừng hay sao.” Phát biểu này không phải phát xuất từ
cá tính bộc trực mà đã được Trump khẳng định trong tác phẩm của ông ta mười sáu
năm trước.
Đừng quên, chính sách “Một Trung Quốc” hiện
nay là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh khi Mỹ chủ trương thỏa hiệp với Trung Cộng
yếu để tập trung đối đầu với Liên Xô mạnh. Ngoài việc gián đoạn ngoại giao với
Đài Loan, Mỹ còn chấp nhận Eo Biển Đài Loan (Taiwan Strait) như là một tình trạng
thực tế (status quo) thuộc về Trung Cộng. Chính sách này lẽ ra không còn tác dụng
gì nữa và phải thay đổi.
Nhưng không, hiện nay, Tập Cận Bình mở rộng ‘status
quo’ đó bằng cách cấp tốc quân sự hóa các vùng khác trên Biển Đông. Chủ trương
của họ Tập là dù không chiếm hết Biển Đông trong thời gian ngắn, ít nhất cũng
thiết lập các “status quo” mới để trong trường hợp phải ngồi vào một hội nghị
quốc tế, Trung Cộng sẽ dùng các “status quo” đó đặt quốc tế trước một sự kiện
đã rồi.
Tuy nhiên tham vọng của Tập sẽ phải gặp phải lực đối
đầu rất mạnh và cụ thể vì Trump có lẽ đang chủ trương xoay trục ngược lại với
chính sách của TT Nixon. Trong hướng tới, Trump có thể sẽ thỏa hiệp với Nga để
đương đầu với Trung Cộng bành trướng.
Một số người lo ngại một Donald Trump dân túy sẽ đưa
nước Mỹ vào vòng độc tài cá nhân, phe nhóm, đảng phái như tại một số quốc gia
khác. Điều đó không thể xảy ra trong sinh hoạt chính trị Mỹ. Ngoài nguyên tắc đối
trọng (checks and balances) giữa ba ngành, sự đối trọng còn diễn ra trong nội bộ
mỗi đảng và đối trọng giữa cử tri và đại diện cử tri diễn ra trong suốt nhiệm kỳ
của họ.
Trở lại với định nghĩa dân túy “là lý thuyết
chính trị ủng hộ quyền của những người dân thường trong cuộc đấu tranh với tầng
lớp đặc quyền”. Hiện còn khá sớm để áp dụng định nghĩa này vào trường hợp
Trump. Bốn năm tới mới chính là thời gian để hiểu, đo lường và đánh giá hiệu quả
các chính sách đối nội và đối ngoại của Donald Trump và qua đó nhìn ông là một
nhà dân túy như Jonathan Chait viết, một người theo chủ nghĩa bảo vệ người bản
xứ như TT Obama nhận xét, hay chỉ là kẻ cơ hội như George Clooney gọi
Trump.
Dù sao, kết quả cuộc bầu cử cho thấy sự xuất hiện của
Donald Trump là một đáp ứng trước nhu cầu thay đổi chính sách của người dân Mỹ
và chương mới trong lịch sử Mỹ vừa bắt đầu.
15.12.2016
No comments:
Post a Comment