Tú Anh – RFI
Đăng ngày 13-12-2016
Trong
một phản ứng đáp trả những tuyên bố của tổng thống tân cử Mỹ về Đài Loan, ngoại
trưởng Trung Quốc cảnh báo ông Donald Trump « sẽ tự hủy hại » nếu không tôn trọng
nguyên tắc « một nước Trung Hoa ».
Theo ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, mọi động thái
xâm phạm đến quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc sẽ « tự hủy diệt ». Lời
khuyến cáo này được xem là phản ứng mạnh nhất của Trung Quốc sau khi tổng thống
tân cử Mỹ dọa sẽ dẹp bỏ nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất, cơ sở trong
quan hệ Mỹ-Trung từ năm 1979.
Trong cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier
Burkhalter tại Bern hôm 12/12/2016, ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố : «
bất cứ một chính quyền nào, chính quyền Thái Anh Văn hay một đại cường nào trên
thế giới, nếu âm mưu xâm hại nguyên tắc một nước Trung Hoa, thì hậu quả duy nhất
là chân của họ bị tảng đá này dập nát ».
Trước đó vài giờ, từ Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại
giao Trung Quốc cũng thúc giục « chính quyền mới tại Mỹ thông hiểu tính
nghiêm trọng của vấn đề Đài Loan và tôn trọng nguyên tắc nền tảng không thể lay
chuyển được trong bang giao Mỹ-Trung ».
Hai phản ứng trên đây của Bắc Kinh được đưa ra một
ngày sau khi ông Donald Trump, khi trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình Mỹ
tuyên bố là ông « không cảm thấy bị trói buộc với chính sách một nước
Trung Hoa ».
Theo phân tích của một chuyên gia Trung Quốc, Bắc
Kinh cố gắng tránh rơi vào vòng xóay leo thang căng thẳng. Nhưng giờ đây họ cảm
thấy tổng thống tân cử Mỹ có dụng ý muốn thương thuyết lại « nguyên tắc
một nước Trung Hoa » để ép Trung Quốc nhượng bộ trong lãnh vực thương
mại.
----------------------
Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 13-12-2016
Tổng
thống tân cử Mỹ Donald Trump trong những ngày qua đã không ngần ngại chọc giận
Trung Quốc trên hồ sơ Đài Loan, vấn đề được cho là nhạy cảm nhất trong quan hệ
Mỹ-Trung. Cho đến lúc này, Bắc Kinh chỉ mới phản ứng bằng lời nói, qua các
tuyên bố, nhưng theo hãng tin Anh Reuters ngày 13/12/2016, Trung Quốc có trong
tay cả chục cách để trả đũa Hoa Kỳ, từ kinh tế đến quân sự, trong đó có việc tập
trận gần Đài Loan và nhất là gây sự tại Biển Đông.
Tình hình Biển Đông hiện nay đã chuyển biến đến mức
rất dễ trở thành đấu trường Mỹ-Trung, và Trung Quốc cũng có thể răn đe chính
quyền Donald Trump bằng cách gây nên một sự cố. Điều này đặc biệt có ý nghĩa
sau vụ ông Trump chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa vùng Trường Sa.
Phải nói là giới diều hâu Trung Quốc thân cận với Tập
Cận Bình rất bực tức trước các cuộc tuần tra do Hải Quân Mỹ tiến hành trên Biển
Đông, gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cho bồi đắp, cả ở Hoàng Sa lẫn Trường
Sa. Gần đây là chuyến tuần tra gần khu vực đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa do một chiến
hạm của Hạm Đội 3 Hoa Kỳ thực hiện.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh chỉ phản ứng một
cách thụ động trước các cuộc tuần tra của Mỹ, bằng lời nói hay bằng cách cử tàu
của họ bám đuôi chiến hạm Mỹ. Thế nhưng, để tỏ thái độ, Trung Quốc có thể dùng
đến những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Mọi người đều nhớ đến cuộc khủng hoảng năm 2001, khi
một phi cơ do thám của Mỹ đã bị buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam của Trung
Quốc sau khi va chạm với một chiến đấu cơ Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh
cũng có thể chơi lại trò dùng tàu cá sách nhiễu tàu Mỹ, như họ đã từng làm vào
năm 2009 với chiếc khảo sát USNS Impeccable.
Có điều là khi gây sự trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ
phải cân nhắc hai điểm : Một là chính Bắc Kinh cũng cần đến một vùng Biển Đông
hòa bình và ổn định vì đó là nơi có các tuyến thương mại sinh tử đối với Trung
Quốc.
Một điểm thứ hai mà Bắc Kinh phải chú ý là tính khí
khó lường của ông Donald Trump, không ai biết là ông có thể phản ứng ra sao
trong trường hợp Mỹ bị khiêu khích.
Một cách trực tiếp hơn, theo Reuters, Bắc Kinh có thể
cho thấy rõ quyết tâm không buông Đài Loan của mình bằng một cuộc tập trận gần
hòn đảo này. Khi làm vậy, Trung Quốc sẽ đồng thời đạt được hai mục tiêu, vừa « dằn
mặt » chính quyền mới Washington, vừa cảnh cáo chính phủ tại Đài Bắc
trong tay đảng Dân Tiến chủ trương đòi độc lập.
Khi tập trận, dĩ nhiên Trung Quốc sẽ phải ban hành
các biện pháp như cấm bay ngang khu vực, cấm tàu thuyền qua lại trên biển để có
thể tiến hành các vụ bắn tên lửa thị uy xuống vùng biển đông dân cư ở phía tây
Đài Loan. Hành động đó dứt khoát sẽ có tiếng vang lớn, làm dấy lên quan ngại
sâu sắc trong khu vực và trên thế giới, thúc đẩy các nước khác tạo sức ép trên
chính quyền Mỹ.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn có thể ban hành lệnh trừng phạt
các công ty Mỹ có dính líu đến việc bán vũ khí cho Đài Loan. Đây là biện pháp
Trung Quốc từng nhắc đến vào năm 2010 khi chính quyền Obama xúc tiến một thương
vụ bán vũ khí có quy mô lớn cho Đài Loan. Tuy nhiên đó chỉ là lời đe dọa suông
mà thôi.
Theo Reuters, Bắc Kinh còn có thể viện đến một loạt những
biện pháp khác, chẳng hạn như ồ ạt bán đi lượng trái phiếu Mỹ khổng lồ (1.160 tỷ
đô la tính đến tháng 9/2016) mà họ nắm trong tay, gây áp lực trên các tập đoàn
Mỹ làm ăn với Trung Quốc, giảm nhẹ áp lực trên Bắc Triều Tiên…
Tóm lại, Bắc Kinh không thiếu biện pháp để đấu với
Washington, nhưng biện pháp nào cũng sẽ có hậu quả tai hại cho Trung Quốc, và
chính đây là điểm khiến Bắc Kinh không dám manh động.
No comments:
Post a Comment