Monday 17 November 2014

Thăm hai người bệnh ở Quy Nhơn (Phạm Đình Trọng)



Phạm Đình Trọng
* Tác giả gửi bài cho VNTB

Có việc nhà, tôi phải bay ra Quy Nhơn và trong ngày cuối tuần tôi đã có dịp đến thăm hai người bệnh ở đây. Những gì mắt thấy ở hai nơi chữa bệnh, hai nơi thể hiện lòng nhân đạo của một xã hội đã cho tôi thấy rõ thêm về sự đối xử với con người, về tính nhân đạo của của xã hội Việt Nam ở hai thời điểm.

Một người bệnh già đang nằm chữa bệnh ở bệnh viện đa khoa thành phố Quy Nhơn. Mỗi buồng bệnh kê san sát hai dãy giường, mỗi dãy bảy giường bệnh. Mỗi giường đều có hai người bệnh nằm ngược đầu nhau, chân người nọ mang bí tất rách thúc lên sát mũi người kia. Mỗi người bệnh lại phải có một người nhà phục dịch. Buồng bệnh càng lộn xộn, ngổn ngang, bức bối thêm bởi những chiếc giường xếp gấp lại ở gầm giường bệnh, ở thành tường. Hai mươi tám người bệnh và hai mươi tám người nhà chăm sóc người bệnh cùng với người thăm viếng vào ra, gian buồng bệnh chật chội, chen chúc, tấp nập, nhộn nhịp như một phiên chợ đông và âm âm, hầm hập như một nồi nước sắp sôi.

Người khỏe mạnh vào đây một lúc đã thấy căng thẳng, mệt mỏi, muốn đổ bệnh. Người bệnh phải chịu trận hết ngày này sang ngày khác thì thật khủng khiếp. Đây không phải là tình cảnh riêng biệt ở một bệnh viện nào mà là tình cảnh chung ở tất cả các bệnh viện dành cho thường dân trên toàn cõi Việt Nam suốt mấy chục năm nay.

Một người bệnh trẻ, hai mươi tám tuổi nằm ở bệnh viện phong Quy Hòa cách đây bảy mươi tư năm.

Con đường bê tông ngang dọc trong bệnh viện phong vi vu tiếng gió lùa trên cành dương, rợp mát bóng dừa, yên tĩnh, êm đềm như con đường đi dạo trong vườn hoa. Bệnh phong phải chữa suốt đời, vì thế người bệnh nhẹ được ở với gia đình ngay trong bệnh viện. Mỗi gia đình người bệnh được ở trong một nếp nhà xây vuông vức, xinh xắn như một khối ru bích dưới tán cây xanh hiền hòa. Gần một thế kỉ đã qua, những nếp nhà xây của gia đình người bệnh chỉ có nước vôi hoen ố, xỉn màu thời gian còn nếp nhà vẫn nguyên lành, bền vững, chắc chắn như mới xây hôm qua.

Ảnh: Mộ Hàn Mặc Tử hiện nay đã chuyển ra ngoài bệnh viện.

Người bệnh nặng nằm trong khu chăm sóc riêng. Mỗi người bệnh một chiếc giường đơn trong một phòng nhỏ riêng biệt. Nhờ thế, chiếc giường đơn và gian phòng nhỏ của người bệnh hai mươi tám tuổi mà tôi vào thăm đến nay vẫn được giữ lại làm phòng lưu niệm của người bệnh đó, người bệnh Nguyễn Trọng Tín, nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912 – 1940).

Thời Hàn Mặc Tử là thời mất nước. Làm chủ nước ta lúc đó là thực dân Pháp đang tích lũy tư bản làm công nghiệp hóa, đang ráo riết khai thác tài nguyên của đất nước Việt Nam thuộc địa và bóc lột sức lao động, bóc lột cả máu, nước mắt người dân Việt Nam nô lệ. Người Pháp xâm lược coi người Việt Nam chỉ là dân nô lệ, phải đàn áp. Nhà tư sản Pháp coi người Việt Nam chỉ là công cụ lao động để bóc lột.

Đó là chính trị và kinh tế. Chính trị sắt máu của thống trị với bị trị. Kinh tế nghiệt ngã, tàn nhẫn chỉ biết có lợi nhuận. Còn chữa bệnh là nhân đạo, là tấm lòng con người đến với con người, con người cứu giúp, chia sẻ, đồng cảm, trân trọng con người.

Trong xã hội thuộc địa, con người nô lệ chỉ còn là công cụ bóc lột, là đối tượng trấn áp, trừng trị nhưng trong bệnh viện, người bệnh nô lệ, công cụ đó vẫn được đối xử trân trọng là Người.

Thời Hàn Mặc Tử, nước ta còn là nước nông nghiệp truyền thống cổ lỗ, trì trệ, giá trị lao động thấp. Chỉ có vài cơ sở công nghiệp dịch vụ như dăm nhà máy phát điện, vài xưởng cơ khí sửa chữa. Vài cơ sở công nghiệp kinh doanh như khai thác than cũng chỉ dùng sức người, năng suất lao động rất thấp. Với cơ sở kinh tế đó, nguồn thu cho ngân sách rất it ỏi trong khi phải đầu tư rất lớn cho xây dựng ban đầu hạ tầng cơ sở của xã hội bước vào đô thị hóa, công nghiệp hóa như làm hệ thống đường xá hiện đại nối mọi vùng miền đất nước, làm đường sắt xuyên Việt, xây dựng các thành phố từ đất hoang, sình lầy.

Có thể khẳng định thu ngân sách ở một tỉnh trung bình như tỉnh Bình Dương hôm nay cũng lớn gấp nhiều lần thu ngân sách cả Việt Nam thời Hàn Mặc Tử. Nguồn thu ngân sách nghèo nàn thì quĩ phúc lợi xã hội cũng còm cõi. Với quĩ phúc lợi xã hội còm cõi đó, người bệnh Nguyễn Trọng Tín vẫn được ưu ái, trân trọng mà người bệnh thường dân Việt Nam ngày nay cũng không có được.

Nhà nước Việt Nam hôm nay có nguồn thu ngân sách lớn hơn thời Hàn Mặc Tử hàng trăm, hàng ngàn triệu lần và nhà nước đó vẫn rổn rảng, véo von tự nhận là nhà nước nhân văn, vì con người, nhà nước của dân, do dân, vì dân nhưng người dân chỉ nhận ra thân phận con người bị trị, thân phận con người công cụ. Bệnh viện vốn là nơi thể hiện rõ nhất, cao nhất tính người, tính nhân đạo của một xã hội nhưng vào bệnh viện thường dân hôm nay càng thấy rõ con người bị trị, con người công cụ đó bị coi thường, rẻ rúng như thế nào, bệnh viện như một chuồng trại.





No comments:

Post a Comment

View My Stats