Sunday 2 November 2014

Thạc sĩ, Tiến sĩ dỏm tàn phá làm nghèo Đất Nước (Trần Bích Đăng - Bauxite VN)





Trần Bích Đăng
02/11/2014

(Bài 2)
 
Mua bằng “Tiến sĩ Mỹ” giá 6.500 USD như thế nào? (http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/mua-bang-tien-si-my-gia-6500-usd-nhu-the-nao.html) Đó là một trong nhiều bài viết tìm thấy trên mạng về “quốc nạn bằng dỏm” với hai chỉ định từ “Tiến sĩ”, “Thạc sĩ” thứ đã tạo điều kiện cho người chủ của nó trèo lên các chức vụ cao trong chính quyền, leo lên vị trí người thầy ở các trường đại học nơi mà đất nước đang trông chờ đón những đứa con được đào tạo nên “người biết việc” để tham gia vào việc làm giàu cho Đất Nước và Dân Tộc. Chỉ trong đoạn viết này “Năm 1998 đến 2007, SCUPS ký hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội liên kết đào tạo Tiến sĩ tại Việt Nam. Đến năm 2006, trường này đã “chuyển nhượng” cho một đơn vị khác nên đã chấm dứt việc liên kết tại Việt Nam”.
SCUPS là ai? Là Trường đại học Southern California for Professional Studies (SCUPS), địa chỉ 1850E, 17th Street, Suite#213, Santa Ana, CA. 92705 USA. – là một “đại học” dỏm không được công nhận ở Mỹ nơi mà ông Nguyễn Tấn Bình, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Văn hiến “Tiến sĩ Mỹ” giá 6.500 USD – Chỉ cần lên maps.google.com xem hình địa chỉ này thì “cơ ngơi” đại học của nó không bảng tên và chỉ đủ chỗ đậu 8 chiếc xe.

Câu hỏi: trong chín năm Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) liên kết với SCUPS đã “đào tạo” cho Đất Nước bao nhiêu “Tiến, Thạc sĩ”?

“300 thạc sĩ, 200 tiến sĩ 'dỏm' Việt Nam ở đâu?” (http://www.nguoiduatin.vn/300-thac-si-200-tien-si-dom-viet-nam-o-dau-a129906.html )

Bao nhiêu người được thăng quan tiến chức, bao nhiêu người vào đứng bục giảng dạy cho sinh viên nhờ các tấm bằng đó?

Không chỉ loại bằng “Tiến, Thạc sĩ” liên kết đào tạo với Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn ít nhất là hai mươi mốt đại học dỏm đang có mặt ở Việt Nam theo điều tra năm 2011 của Tiến Sĩ Mark A. Ashwill Giám đốc của Capstone Vietnam là một hãng chuyên tư vấn về nhân lực (http://markashwill.com/2012/02/13/new-the-dishonor-roll-of-u-s-rogue-providers-in-vietnam/). Vậy thì cộng con số “Tiến, Thạc Sĩ dỏm” xuất xưởng trong chín năm của ĐHBKHN với con số từ hai mươi mốt đại học giả được chỉ danh ở Việt Nam, và cả một số lượng không biết bao nhiêu từ Liên Xô, Roumany, Hunggary, Tiệp khắc... rồi Mỹ hay Âu Châu trở về nữa, thì đã có hàng nhiều ngàn “Tiến, Thạc sĩ dỏm” được “tạo ra”.

Lên mạng tìm hiểu mới thấy con số kinh hoàng về đại học không
được công nhận, kém hay thậm chí không có chất lượng trên thế giới. Chỉ cần tham khảo trang “Danh sách các tổ chức giáo dục bậc đại học không được tín nhiệm” http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_unaccredited_institutions_of_higher_education là đã thấy đã có hàng ngàn đại học dỏm được đưa ra ánh sáng.

Báo mạng Thanh niên ngày 28/9/2011 (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20110928/giang-vien-chay-so-tu-tien-si-khong-den-tien-si-dom.aspx) đăng: “Để đáp ứng nhu cầu thực tế, nhiều GV đã phải tìm mọi cách để có được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều bằng cấp trong số đó chỉ để hợp thức hóa chứ không có giá trị thật.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP. HCM thông tin chương trình đào tạo tiến sĩ ở một vài cơ sở của Nga hiện nay rất đáng báo động. Nhiều GV ở VN đã theo các chương trình này để có được tấm bằng tiến sĩ. Người tham gia chương trình này không cần biết tiếng Nga, tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào khác. Họ chỉ sang Nga nửa tháng để nhận đề tài, toàn bộ thời gian nghiên cứu làm tại VN. Trong thời gian 3 năm đó, người hướng dẫn phía Nga sang VN mỗi năm một lần nhưng mọi giao tiếp đều thông qua phiên dịch. Cuối cùng các nghiên cứu sinh này chỉ cần sang Nga 15 ngày để bảo vệ luận văn.

Ở Nga cũng có một số website nổi tiếng mua bán bằng. Website doconline.ru rao bán đủ loại bằng cấp từ cử nhân đến tiến sĩ. Trong phần rao bán bằng tiến sĩ, website thông tin bán bằng từ bất kỳ thành phố nào của Nga với giá 33 ngàn rúp (khoảng 10 ngàn USD). Trên dip-msk.ru, bằng tiến sĩ được rao bán 40 ngàn rúp (khoảng 12 ngàn USD) với nội dung: “Nếu bạn đã đạt được mục tiêu (chức vụ) nhưng chưa có bằng tiến sĩ, hãy đến với chúng tôi. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi cho rằng mua bằng rẻ thực tế hơn nhiều so với việc bản thân tự nỗ lực...” (Bản dịch).

Đối với Mỹ, việc công nhận các tổ chức giáo dục bậc đại học qua hai cấp: cấp cao nhất là Council for Higher Education Accreditation (CHEA) or the U.S. Department of Education (USDE) là hai tổ chức tầm quốc gia có thẩm quyền đánh giá các tổ chức đánh giá các đại học vùng (regional accreditation), các tổ chức vùng này mới trực tiếp đánh giá các đại học có sinh viên theo học, và các tổ chức đánh giá vùng này lại chia làm các loại chỉ đánh giá về một ngành nghề nhất định. Đánh giá các chương trình đại học từ xa là do Distance Education and Training Council Accrediting Commission (DETC) đảm nhiệm. DETC được CHEA công nhận vì tổ chức này đáp ứng các tiêu chuẩn của CHEA. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức phức tạp vì dính líu tới nhiều ngành nghề, tôi sẽ trở lại chuyện này trong một bài khác.
Năm 2013 lại xuất hiện ở Việt Nam một loại “Tiến sĩ Danh dự” do một đại học mang tên Đại Hoc Kỷ Lục Thế Giới (World Record University – WRU). WRU có trụ sở” chính là ở Anh Quốc, có chi nhánh ở Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam theo website chính của họ – Vào website chính (http://worldrecordsuniversity.co.uk/intl/ ) thấy ở đây có rất nhiều đường nối đến gần như tất cả các nước trên thế giới nhưng khi click vào nó đều mang đến trang http://worldrecordsuniversity.co.uk/intl/ là trang có tấm hình lễ trao bằng “Tiến sĩ Danh dự” ở Việt Nam. Đây là cái nhập nhằng tiếp theo cái nhập nhằng giữa “Tiến sĩ”, “Tiến sĩ danh dự”, “Đại Học”, “Đại Học Kỷ Lục”, “Đại Hoc Kỷ Lục Thế Giới” và “Hội đồng Khoa học kỷ lục Thế giới ” như VNExpress đăng (http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/6-ky-luc-gia-viet-nam-duoc-cong-nhan-tien-si-danh-du-2883237.html). Cái nhập nhằng kế tiếp là trong trang web chính địa chỉ ở Anh là “Dalton House 60, Windsor Avenue, London, SW192RR”, tại trang “lễ trao bằng ở VN” lại có thêm số phôn “U.K Office Dalton House 60 Windsor Avenue LONDON SW19 2RR +44-20-32-9213-04” mà số điện thoại quốc gia 44 là của đảo “Isle of Man” (http://countrycode.org/country_detail.cfm?countryid=115). Kế đến trang web VN này lại có thêm địa chỉ ở đảo Tây Trinida và Tobago “M/S Carritrade Ltd # 60, Pasea Extension Road, Tunapuna, Trinidad and Tobago West Indies”. Google không tìm ra địa chỉ nào ở đây trừ con đường và đảo này. Và “Carritrade Ltd” lại là một thứ cơ sở chữa bệnh bằng “thôi miên” (http://www.sigfasolutions.com/wp-content/uploads/2012/08/Hypno-Workshop-1011-Aug.pdf). Quả là hết chỗ nói.

Cái đáng sợ là họ còn đưa ra loại “Tiến sĩ danh dự về Khoa học Tự nhiên và Y khoa”. Chết cha ông dân Việt Nam mình khi nhận được tấm thiệp của ông “Tiến sĩ danh dự Y khoa” Nguyễn Văn X nào đó, vì hai chữ “danh dự” nó ghê gớm lắm. Bao nhiêu sự lừa gạt đều nằm trong đó!!!

Trước “Quốc nạn bằng dỏm” – một sự kiện xã hội nghiêm trọng đang gặm nhắm cơ thể mẹ Việt Nam như một loại ung thư tàn phá mọi thứ, có hai vấn đề cần làm:

Thứ nhất: Bộ Chính trị với trách nhiệm cao nhất hãy chỉ đạo ngay việc này để Bộ Giáo dục và Quốc hội ra Luật chống bằng dỏm. Thử tham khảo Luật chống bằng dỏm của Bang Texas Mỹ (tạm dịch) như sau:

§ 32,52. BẰNG ĐẠI HỌC GIAN LẬN, DƯỚI TIÊU CHUẨN, GIẢ MẠO

(a) Trong phần này, "mức độ gian lận hoặc không đạt tiêu chuẩn" có định nghĩa chiếu theo Điều 61.302, Luật Giáo dục.

(b) Một người phạm tội nếu người đó:

(1) sử dụng hoặc tuyên bố là có bằng sau trung học mà người đó biết rằng:
(A) đó là một văn bằng gian lận hoặc không đạt tiêu chuẩn;
(B) đó là bằng giả hay nếu không phải cũng không được cấp cho ai; hoặc
(C) đã bị thu hồi; và

(2) sử dụng hoặc tuyên bố là sở hữu một văn bằng mà:
(A) trong một quảng cáo bằng văn bản hoặc bằng miệng hoặc các khuyến mãi khác của doanh nghiệp; hoặc
(B) với mục đích:
(i) có được việc làm;
(ii) có được giấy phép hoặc giấy phép hành nghề thương mại, nghề nghiệp, hoặc việc làm;
(iii) có được một thăng thưởng, một thù lao hoặc một lợi ích khác, hoặc tăng lương hoặc lợi ích khác, trong công việc hoặc trong việc làm về thương mại, nghề nghiệp, hoặc chức nghiệp;
(iv) được nhận vào một chương trình giáo dục của Tiểu bang này; hoặc
(v) đạt được một vị trí trong chính phủ mà vị trí này là có thẩm quyền đối với người khác, bất kể là người này có nhận được thù lao cho vị trí này hay không.

(c) Hành vi phạm tội định trong phần này là một tội tiểu hình Loại B.

(d) Nếu hành vi cấu thành tội phạm theo điều này cũng cấu thành một tội phạm theo luật pháp khác, người phạm tội có thể bị truy tố theo điều khoản này hoặc theo pháp luật khác.

Thứ hai: nghiêm túc đưa ra biện pháp buộc tất cả các Tiến sĩ, Thạc sĩ dỏm hay chân chính đều phải đăng ký vào một ngân hàng dữ kiện (database) bao gồm: tên, bằng và ngày tốt nghiệp, chủ đề của Luận án, đại học và các giáo sư hướng dẫn. Để bước đầu làm thụt ngòi những đầu óc gian lận, bước kế tiếp là có thể buộc các người đã có bằng dỏm phải nghiêm túc học và thi lại, nếu sau ba, bốn năm không làm được, tước bỏ danh xưng lẫn tấm bằng ghi kết quả vào database. Mở website để cũng có thể tham khảo ngân hàng dữ kiện để biết ai là ai, rất có ích cho mọi người, cho Dân Tộc.

Nếu vì tình đồng chí – vì có khá nhiều quan chức mang học hàm học vị “Tiến, Thạc sĩ dỏm” – mà Đảng và Nhà nước bó tay không làm gì cho cho nên đầu nên đũa, để căn bệnh ung thư đó tiếp tục tàn phá Đất Nước, đặc biệt là lũng đoạn giới giảng dạy đại học, chúng ta quả là kẻ có trọng tội với Tổ quốc.

31 tháng 10 năm 2014
T.B.Đ.

Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:02


Trần Bích Đăng
27/10/2014
(Bài 1)

Hôm nay nhân đọc trên trang mạng báo điện tử Dân Trí bài có tựa là “Quyền lực kinh doanh khổng lồ của ông Hà Văn Thắm” (http://dantri.com.vn/kinh-doanh/quyen-luc-kinh-doanh-khong-lo-cua-ong-ha-van-tham-986511.htm). Trong đó có đoạn: “Sinh năm 1972, ông Thắm được cho là một trong những tỷ phú có học vấn tốt tại Việt Nam. Nhà sáng lập Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) nắm trong tay bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Columbia Common Wealth (Mỹ) và bảo vệ Tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Công nghệ Paramount (Mỹ)”.

Tôi lên tìm trên mạng về hai đại học này và khám phá đó là những đại học dỏm.

Thứ nhất về Đại học Columbia Common Wealth (Mỹ):

Tiền thân của Đại học Columbia Common Wealth là Columbia Pacific University (CPU).

CPU được mô tả là một trường học không theo kiểu truyền thống mà là dạy từ xa (*) không được công nhận ở California (Columbia Pacific University (CPU) was an unaccredited nontraditional distance learning school in California).

* “Từ xa” vì thời ấy chưa có “trực tuyến (online)”

Năm 1997, bang California đưa ra Tòa buộc CPU phải đóng cửa, Phó Tổng chưởng lý Asher Rubin của bang California gọi trường dạy từ xa này là "một nhà máy sản xuất bằng tốt nghiệp đánh bẩy người tiêu dùng ở California trong nhiều năm qua" và "là gian lận khách hàng, hoàn toàn là một sự lừa đảo". Đơn kiện cũng gọi Đại học Columbia Pacific như là một "hoạt động giả mạo" cung cấp "[bằng cấp] hoàn toàn vô giá trị... để làm giàu cho những kẻ làm quảng bá bất lương của họ".

Đại học Columbia Pacific bị đóng cửa do án Tòa ngày 2/12/1999 - Thẩm phán Lynn Duryee lưu ý trong quyết định của mình rằng: "Quyết định này không phải là có hay không có việc sinh viên không hài lòng... Tôi cho rằng là đó không phải là thử nghiệm. Nó giống như nói rằng, như các người đã biết, mại dâm không nên là bất hợp pháp vì nó đã làm hài lòng các khách hàng. Đây không phải là một thử nghiệm”.

Ngay sau khi Columbia Pacific University bị đóng cửa, chủ nhân của nó là ông Les Carr đã chuyển trường đển Missoula, ở bang Montana và sau đó đổi tên thành "Columbia Commonwealth University" (CCWU). Năm 2001, CCWU được dời lên bang Wyoming.

Nói về Đại học Columbia Commonwealth, đây là những thông tin “đắng lòng” (hy vọng không có thêm các bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ nước ta đã từng tốt nghiệp ở đây).

Về văn bằng do CPU và CCWU cấp:

California công nhận bằng do CPU cấp trước ngày 25 Tháng Sáu 1997, là "có giá trị pháp lý" để sử dụng trong tiểu bang. Bằng CPU cấp từ 25 tháng sáu năm 1997 đến về sau, là "không có giá trị về mặt pháp lý" để sử dụng trong tiểu bang California (California recognizes CPU degrees earned before June 25, 1997, as "legally valid" for use in the state. CPU degrees earned on or after June 25, 1997, are "not legally valid" for use in California).

Bang Michigan, riêng đối với công chức, là không chấp nhận bằng cấp của CPU (Michigan, for state civil service jobs only, does not accept degrees from CPU).

Bang Oregon tại một thời điểm đã xếp các bằng cấp từ cả CPU và CCWU là "bằng cấp không được công nhận” và do đó bị cấm sử dụng vào bất cứ việc gì chiếu theo luật của tiểu bang Oregon. Việc sử dụng "bằng cấp không được công nhận" là vi phạm lệnh cấm và có thể dẫn đến hình phạt dân sự. (Oregon at one time listed degrees from both CPU and CCWU as "unaccredited degrees" and thus prohibited for various uses under Oregon law. The use of "unaccredited degrees" in violation of this prohibition can result in civil penalties).

Bang Texas xếp các bằng cấp từ cả CPU và CCWU là "gian lận hoặc không đạt chuẩn" và do đó bị cấm vào bất cứ việc gì chiếu theo luật Texas. Việc sử dụng bằng cấp "gian lận hoặc không đạt chuẩn" là vi phạm lệnh cấm là một tội tiểu hình loại B ở Texas. (Texas also lists degrees from both CPU and CCWU as "fraudulent or substandard" and thus prohibited for various uses under Texas law. The use of "fraudulent or substandard" degrees in violation of this prohibition is a Class B misdemeanor in Texas).

Về “Paramount University of Technology” :

Theo tờ báo Seattle Times ngày thứ Tư 9 tháng 2/2005, trong bài “Cáo buộc các "lò sản xuất bằng cấp" đổ xô đến (bang) Wyoming” (http://seattletimes.com/html/education/2002174735_diploma09.html)  có những chi tiết sau:

Chỉ nội [thành phố] Cheyenne đã là quê hương của sáu đại học trực tuyến. Một ví dụ điển hình là Paramount University of Technology, với một vài văn phòng ở tầng hầm ở trung tâm thành phố. Gần đó, American City University chiếm một vài phòng trong một tòa nhà xưa kia là một nhà thổ. (Cheyenne alone is home to six distance-learning schools. A typical example is Paramount University of Technology, with a couple of basement offices in a downtown mall. Nearby, American City University occupies a couple of rooms in a building that once housed a brothel).

"Chỉ với 16 giờ học, tôi đã hoàn thành 40 phần trăm các yêu cầu của khóa học cho bằng thạc sĩ", Claudia Gelzer, một nhân viên của Ủy ban [Điều Tra của Thượng Viện] cho biết. ("With just 16 hours of study, I had completed 40 percent of the course requirements for a master's degree," said Claudia Gelzer, a committee staffer).

Ngoài ra báo Seattle Times còn nhắc đến một đại học dỏm khác ở Cheyenne là “Kennedy-Western University”. Tiếc là họ không kê hết tên mười đại học dỏm ở đây.

Tôi cũng kiếm ra hai websites có lẽ có ích cho mọi người để có thêm thông tin mà đánh giá các ông các bà thạc, tiến sĩ dỏm – phân biệt ai là thật ai là dỏm.

1. Danh sách các Đại học KHÔNG được công nhận của Bang Michigan (Michigan's List of Nonaccredited Colleges and Universities)

(Hai chữ Colleges and Universities ở Mỹ đều mang nghĩa Đại học, Colleges thường là chỉ các Đại học cộng đồng nên tôi tạm gồm cả vào chữ Đại học. Google dịch College là trường Cao đẳng mà Cao đẳng ở Việt Nam là chưa phải Đại học, nên dịch như vậy chưa phù hợp).

2. Các trường Đại học trực tuyến được công nhận (Accredited online Universities)

Mong rằng hai websites này sẽ giúp Bộ Giáo dục và các tổ chức công quyền cũng như tư nhân biết mà loại ngay những kẻ “trộm được quả trứng nó sẽ trộm đến con bò”, họ lường gạt chính họ thì họ không thể nào trung chính chưa nói đến cái sự “dỏm” thì không thể nào có thực tài để lo việc, nhất là việc xây dựng Đất Nước.

T.B.Đ.

Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 01:31





1 comment:

View My Stats