Thomas A.
Bass
Phạm
Nguyên Trường dịch
Tháng
11 1, 2014
KHÔNG
ĐÁNG BỊ GIẾT
Qui
trình kiểm duyệt ở Việt Nam được nhà báo Phạm Đoan Trang viết
trên blog vào
tháng 6 năm 2013 và được tạp chí The Irrawaddy
Magazine dịch lại một
vài đoạn. Phạm Đoan Trang giải thích là hàng tuần, “ở Hà Nội, Ban Tuyên giáo
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và ở Thành phố Hồ Chí Minh thì bộ phận phía
Nam của ban này lại triệu tập một cuộc họp ‘định hướng’ với lãnh đạo của những
tờ báo lớn trong nước”.
“Không
phải là ngẫu nhiên khi tất cả các lãnh đạo báo đều là đảng viên. Quan chức Bộ
Thông tin Truyền thông và Bộ Công an cũng có mặt… Tại các cuộc họp này, ai đó ở
Ban Tuyên giáo sẽ đánh giá hoạt động của các tờ báo trong tuần vừa qua, biểu
dương tờ nào biết phục tùng, khiển trách và đôi khi phạt những tờ nào đi chệch
hướng.”
Những
chỉ đạo cho “các đồng chí biên tập, lãnh đạo báo chí” tại các cuộc họp này đôi
khi cũng bị rò rỉ ra giới blogger (các diễn đàn trực tuyến, nơi người Việt ngày
càng tìm đến để được thông tin nhiều hơn). Ở đây người ta biết rằng không được
đưa tin về các ứng cử viên chính trị độc lập, thí dụ như nữ diễn viên Hồng Ánh;
không được gọi nhà hoạt động bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ, người bị cáo
buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, là “Tiến sĩ Vũ”. Thông tin về sự cố khách
du lịch nước ngoài chết trong một vụ đắm tàu ở Hạ Long, về quyết định xây nhà
máy điện hạt nhân của chính phủ Việt Nam, về việc Trung Quốc khai thác bauxite
từ một mỏ khoáng sản lớn ở dãy Trường Sơn cũng bị ỉm đi.
Các
cuộc giao ban định hướng hàng tuần là những cuộc họp bí mật và những cuộc thảo
luận tiếp theo trong tuần được thực hiện trực tiếp hoặc qua điện thoại. “Do
không có bằng chứng vật chất nào về những định hướng như thế, cho nên khi bị
chỉ trích là bịt miệng báo chí về chuyện này chuyện nọ, các quan chức của Bộ
Thông tin Truyền thông có thể trả lời một cách rất nghiêm túc rằng Việt Nam bị
‘các thế lực thù địch’ vu khống, bôi nhọ”, Phạm Đoan Trang viết. Nhưng những lời
phủ nhận đó đã thành bức xúc khi một băng ghi âm bí mật của một trong những
cuộc họp như thế được đài BBC phát vào năm 2012.
Ban
Tuyên giáo coi các phương tiện truyền thông Việt Nam là “tiếng nói của các tổ
chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội”. Cách tiếp cận này được quy định
trong Luật Truyền thông của Việt Nam, trong đó có yêu cầu các phóng viên “tuyên
truyền đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và những thành
tựu của đất nước và thế giới về văn hóa, thành tựu về khoa học và kỹ thuật” của
Việt Nam.
Phạm
Đoan Trang kết luận bài báo của mình với một nhận xét châm biếm. “Việt Nam
không nằm trong số các nước nguy hiểm đối với nhà báo,” cô nói. “Nhà nước không
cần phải giết nhà báo để có thể kiểm soát truyền thông, bởi vì nói chung, các
nhà báo có thẻ của Việt Nam không được phép làm việc gì để đến mức phải bị
giết.”
Một
người nữa am hiểu về kiểm duyệt tại Việt Nam là David Brown, một cựu nhân viên
ngoại giao, nay quay lại Việt Nam làm biên tập viên tiếng Anh cho một tờ báo
trực tuyến của Việt Nam. Trong mộtbài báo đăng
trên Asia Times vào tháng Hai năm 2012, Brown mô tả cách thức
“Tổng biên tập và lãnh đạo xuất bản kéo đến cuộc họp với Bộ Thông tin và Ban Tuyên
giáo của Đảng vào thứ Ba hàng tuần, nơi họ và các đồng nghiệp ở những tờ khác
được cảnh báo về “những vấn đề nhạy cảm.”
Brown
mô tả những “lĩnh vực không được chạm tới”, tức là những đề tài mà báo của ông
không được phép đề cập. Những đề tài cấm kỵ gồm tin tức không hay về Đảng Cộng
sản, về chính sách của chính phủ, chiến lược quân sự, quan hệ với Trung Quốc,
quyền của các dân tộc thiểu số, nhân quyền, dân chủ, những lời kêu gọi đa
nguyên chính trị, tin tức ám chỉ các sự kiện cách mạng ở những nước cộng sản
khác, phân biệt giữa Bắc và Nam, và những câu chuyện về người tị nạn Việt Nam.
Một trong những đề tài mà tờ báo này được phép nói là nạn tội
phạm, và báo chí ở Việt Nam cũng chẳng hiền lành gì, Brown nói. Trong thực tế,
các nhà báo có thể là những người khá hữu ích cho chính phủ bằng cách phơi bày
những vụ tham nhũng và hành động phi pháp của các quan chức cấp thấp. “Nhằm duy
trì lượng độc giả, họ tích cực theo đuổi các vụ bê bối, điều tra các ‘tệ nạn xã
hội’ và đấu tranh cho người bị áp bức. Tham nhũng đủ mọi loại, ít nhất là ở các
địa phương, cũng là một món được chuộng.”
Một
chuyên gia nữa về kiểm duyệt ở Việt Nam là cựu phóng viên BBC Bill Hayton, bị
trục xuất khỏi Việt Nam năm 2007 và vẫn còn bị cấm nhập cảnh. Trên tạp chí Forbes năm
2010,
Hayton đã viết về những hạn chế đối với hoạt động chính trị ở Việt Nam, Điều 4
của Hiến pháp tuyên bố: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công
nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt
Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và
của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng
tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Nói cách khác, Đảng muốn
gì thì được nấy và Đảng ghét gì thì ngăn chặn cái ấy. “Ở Việt Nam không có
những phương tiện truyền thông độc lập, hoạt động theo pháp luật”, Hayton nói.
“Mọi ấn phẩm đều là của một cơ quan nào đó của nhà nước hay của Đảng Cộng sản.”
Để
chúng ta không nghĩ rằng nền văn hóa Việt Nam đã đông cứng ngay tại chỗ, Phạm
Đoan Trang, Brown, Hayton và
những nhà quan sát
khác nhắc nhở
rằng tuy vậy các quy tắc vẫn liên tục thay đổi và được diễn giải lại. “Việt
Nam… là một trong những xã hội năng động và nhiều khát vọng nhất trên hành tinh
này”, Hayton nói. “Đó là nhờ sự cân bằng kỳ quặc giữa kiểm soát và buông lỏng
của Đảng, nó được thể hiện qua việc phá rào”. Vì vậy, nếu “không
chống Đảng hay chĩa mũi quá sâu vào những vụ tham nhũng của các quan chức cấp
cao thì tổng biên tập và nhà báo có thể được Đảng nâng đỡ”, ông nói.
Trong
một số trường hợp, thậm chí các nhà báo nhúng mũi sâu hơn cũng có thể được nâng
đỡ, tùy vào việc ai là người kiểm soát sự rò rỉ tin tức và nhằm mục đích gì.
Quá trình kiểm soát sự rò rỉ có kiểm soát này được Geoffrey Cain, một người
theo dõi hiện tượng kiểm duyệt ở Việt Nam, trình bày trong luận án thạc sĩ,
hoàn thành năm 2012 tại Viện Nghiên cứu phương Đông và châu Phi của Đại học London.
Cain viết rằng ở Việt Nam, Đảng Cộng sản sử dụng các nhà báo và những người cầm
bút khác như một “lực lượng cảnh sát phi chính thức”. Họ giúp chính quyền trung
ương giữ cho các quan chức địa phương tuân thủ đường lối, hạn chế việc nhận hối
lộ và kiểm soát những khía cạnh khác của đời sống xã hội mà nếu không thì sẽ
không thể nào nắm được. Đây là một kiểu “độc tài mềm dẻo”, với đặc điểm gồm
“hàng loạt hành động xuôi ngược đủ kiểu, và ‘tình trạng mập mờ được sử dụng
“như một công cụ để thống trị”. Hiện tượng mà ở Việt Nam thường được mô tả như
một cuộc chiến giữa “phe cải cách” và “phe bảo thủ” thực ra là phương pháp
khiến cái xã hội ngày càng hướng tới thị trường này có thể cùng lúc “vừa áp
bức, vừa đáp ứng”. Theo cách giải thích này, các nhà báo và blogger đã tự biến
mình thành “cảnh sát phi chính thức”, giúp chính phủ kiềm chế những kẻ trục lợi
của thị trường tự do.
Những
cơ chế “hợp pháp” cho việc bắt giữ các nhà báo và các blogger, những người vượt
qua ranh giới hoặc vô tình bị rơi vào khu vực mà những qui định thường xuyên
thay đổi coi là có tội, trong đó có Điều 88C Bộ Luật
Hình sự,
cấm “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống
Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và Điều 79 Bộ Luật Hình
sự,
cấm “hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân”. Người ta có thể bị bắt vì những nguyên nhân khác, từ “trốn thuế” đến “ăn
cắp bí mật quốc gia và bán cho người nước ngoài”. (Đây là tội được gán cho nhà
văn Dương Thu Hương khi bà gửi một bản thảo cuốn sách của mình cho một nhà xuất
bản ở California.)
Những
biện pháp đàn áp khác nằm trong Luật Báo chí năm
1990 (sửa đổi năm 1999). Luật này bắt đầu
bằng lời tuyên bố: “Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương
tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ
quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội”
(Điều 1). “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận
trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân” (Điều 2).
Sau đó là Luật Xuất bản năm
2004,
cấm “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, cấm
“truyền bá tư tưởng phản động” và “tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật
quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại”.
Rồi
đến một loạt các điều luật và quy định trong các nghị định và “thông tư” khác
nhau, trong đó có Nghị định số 56 về “Hoạt động
văn hoá – thông tin”, cấm “phủ nhận thành tựu cách mạng”, Nghị định số 97 về “quản lý,
cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet”, cấm sử
dụng internet nhằm “làm tổn hại đến uy tín của cá nhân và các tổ chức”, Thông tư số 7 của Bộ
Thông tin,
giới hạn các blog vào “những thông tin mang tính chất cá nhân” và yêu cầu các
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến phải thực hiện chế độ báo
cáo định kì về người sử dụng “sáu tháng một lần và báo cáo đột xuất theo yêu
cầu”, và Dự thảo Nghị định năm 2012 về “Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ
Internet và thông tin trên mạng”, trong đó yêu cầu các công ty nước ngoài cung
cấp thông tin bằng tiếng Việt phải “lọc và loại bỏ những nội dung bị cấm”.
Dự
thảo năm 2012 này được thông qua vào năm sau, đó là Nghị định 72, cấm việc truyền bá
các “thông tin tổng hợp” trên trang thông tin điện tử cá nhân, giới hạn các
trang này vào việc “trao đổi thông tin của cá nhân” và khiến các cá nhân sử
dụng nó để chuyển tải tin tức hoặc bình luận về các sự kiện chính trị thành bất
hợp pháp. Lên án đạo luật này là “vô nghĩa và vô cùng nguy hiểm”, tổ chức Phóng
viên Không Biên giới, trong một thông cáo báo chí tháng 8 năm 2013, nói rằng
Nghị định 72 chỉ có thể được thực thi với “sự giám sát thường xuyên và trên diện
rộng của chính phủ đối với toàn bộ hệ thống internet… Mục tiêu hầu như không
che đậy của Nghị định này là bằng mọi giá phải giữ được quyền lực của Đảng Cộng
sản, biến tin tức và thông tin thành độc quyền của nhà nước.”
Việt
Nam vay mượn khá nhiều kỹ thuật theo dõi Internet từ Trung Quốc, lân bang phía
Bắc. Theo Văn bút Quốc tế, Trung Quốc đã bắt giam hàng chục tác giả, trong đó
có ông Lưu Hiểu Ba, người được trao Giải Nobel Hòa bình. Tương tự Trung Quốc,
Việt Nam nằm gần cuối bảng xếp hạng tự do báo chí. Tổ chức Freedom House xếp
truyền thông Việt Nam vào hạng “không tự do”. Năm 2014, tổ chức Phóng viên
Không Biên giới xếp Việt Nam đứng thứ 174 trong số 180
quốc gia về tự do báo chí (giữa Iran và Trung Quốc). Năm 2013, Ủy ban Bảo vệ
Nhà báo xếp Việt Nam đứng
thứ năm trong
số những nước bắt giam nhiều nhà báo nhất, ít nhất mười tám nhà báo đã bị cầm
tù. Gần đây, một cuộc đàn áp tàn bạo các blogger và những người biểu tình chống
Trung Quốc đã đưa hàng chục người vào tù, với những bản án kéo dài tới mười hai
năm. Những người hoạt động vì dân chủ và nhân quyền, các nhà văn, blogger, nhà
báo, những người phản đối chính sách đất đai và những người tố cáo, tất cả đều
rơi vào chiếc lưới toàn trị của Việt Nam.
(Còn
tiếp 2 kì)
Bản
tiếng Việt “Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam”
Copyright © 2014 Phạm Nguyên Trường & pro&contra & Thomas A. Bass
Copyright © 2014 Phạm Nguyên Trường & pro&contra & Thomas A. Bass
Bài
liên quan:
Phạm Thị Hoài - Cuốn sách về một điệp viên không hoàn hảo
Thomas A. Bass - Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (1)
Phạm Thị Hoài - Cuốn sách về một điệp viên không hoàn hảo
Thomas A. Bass - Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (1)
No comments:
Post a Comment