Saturday, 15 November 2014

NƠI NÀO CŨNG CÓ HÀO KIỆT (Ts. Nguyễn Đình Thắng)



Ts. Nguyễn Đình Thắng
Posted on Friday, November 14, 2014 @ 23:29:35 EST

Cuối tuần rồi tôi đến Wichita, Kansas dự lễ kỷ niệm tròn một năm hoạt động của đài phát thanh Người Việt Wichita.

Cũng giống như nhiều thành phố nhỏ mà tôi đã đi qua trên hành trình rong ruổi suốt 5 năm nay, nơi đây cộng đồng người Việt nhỏ và sống rải rác. Cuộc sống bình lặng. Lâu lâu mới có sinh hoạt đông người -- không như ở những thành phố lớn cuối tuần nào cũng xập xình văn nghệ. Và chính ở những nơi vắng người ấy tôi lại thường gặp nhiều người tâm huyết với quê hương, dân tộc. Có vẻ giữa chốn thanh tịnh chúng ta dễ nhận biết những dòng máu nóng, như là ở Wichita, Oklahoma City, Milwaukee, Denver, Honolulu…

Trong gần 20 năm vận động cho đồng bào thuyền nhân, tôi "ngộ" ra rằng nơi đâu cũng có những người có lòng. Năm 1988 Hồng Kông bắt đầu siết chính sách đối với thuyền nhân để ép họ hồi hương. Qua năm sau đến lượt các quốc gia khác ở trong vùng làm theo. Năm 1994, khi tình hình hết sức đen tối, tôi gặp DB Christopher Smith để kêu gọi sự can thiệp của Quốc Hội Hoa Kỳ. Sau chuyến đi Hồng Kông thăm một số thuyền nhân, DB Smith đưa ra dự thảo luật để chặn đứng cưỡng bách hồi hương thuyền nhân ở Hồng Kông và Đông Nam Á.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dốc sức chống lại dự luật này vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với các quốc gia Đông Nam Á và Hồng Kông. Một số tổ chức trước đây yểm trợ thuyền nhân lúc ấy lại đổi hướng, ủng hộ Bộ Ngoại Giao và chống lại dự thảo luật của DB Smith. Đối phó lại, chúng tôi huy động người Việt ở khắp nơi kêu gọi dân biểu và thượng nghị sĩ của họ yểm trợ DB Smith.

Hình lưu niệm ở Wichita, Kansas, ngày 09/11/2014

Thời buổi ấy làm gì có internet để truy tìm thông tin liên lạc của người Việt ở các nơi. Điện thoại niên giám thì chỉ có thông tin trong phạm vi địa phương. Cách duy nhất là gọi cho tổng đài để xin số điện thoại của những người mang họ Nguyễn, Lê, Trần, Vũ, Đỗ... Khổ nỗi mỗi lần không được hỏi quá 5 số điện thoại. Ngày này sang ngày khác, tôi gọi tổng đài, xin 5 số mỗi lần và quay ra gọi cầu may đến những đồng hương hoàn toàn không quen biết, ở những nơi tôi chưa từng đặt chân đến.

Mỗi lần gọi lại là một lần lập đi lập lại về tình trạng cùng khốn của đồng bào, dự thảo luật của DB Smith, những cần đồng hương ở mỗi địa phương tiếp tay. Mỗi cuộc điện đàm mất mươi, mười lăm phút. Khoảng mươi cuộc điện đàm mỗi ngày. Cứ thế, ngày qua ngày tôi liên lạc được với tổng cộng vài trăm người ở rải rác khắp Hoa Kỳ.

Điều thật ngạc nhiên là hầu hết những người dù chưa quen biết đều sẵn lòng tiếp tay. Cũng có người trả lời là không đủ khả năng và ân cần giới thiệu tôi với người mà họ nghĩ có thể giúp. Hoạ hoằn mới có người nói “không”.

Có những người lại rủ thêm bạn bè nhập cuộc, tạo nên phong trào ở địa phương. Có nơi còn đi xa hơn nữa. Như ở Lincoln, Nebraska, một nhóm các bác người Việt vận động được hội cựu chiến binh Hoa Kỳ tham gia yểm trợ. Ở Springfield, Massachusetts cũng vậy. Ở Oklahoma City, thì tôi được giới thiệu lòng vòng đến bác Từ Văn Bê. Hai bác cháu thường xuyên liên lạc với nhau. Chính bác Bê lại là người hay hối thúc tôi soạn các văn thư để bác gửi đến dân biểu và thượng nghị sĩ. Lúc ấy chỉ dùng máy fax chứ chưa có email.  

Thật thô sơ và "thủ công" so với phương tiện truyền thông ngày nay.

Dù vậy, những tấm lòng chân chất của đồng hương đã giúp cho cuộc vận động thành công. Dự thảo luật được thông qua cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Khi đưa lên Toà Bạch Ốc, Tổng Thống Clinton phủ quyết nó. Nhưng đổi lại Toà Bạch Ốc đồng ý ủng hộ giải pháp phỏng vấn định cư thuyền nhân sau khi hồi hương. Cuối cùng khoảng 20 nghìn cựu thuyền nhân đã lên đường định cư tị nạn ở Hoa Kỳ trong các năm 1998 - 1999. Một con số không nhỏ. Đây là một thành công mang tính lịch sử.

Sau đó, sự liên lạc với những người cùng hợp tác năm xưa thưa dần đi. Điện thoại viễn liên tốn kém. Thư từ thì chậm chạp, nhiêu khê. Thỉnh thoảng tôi tình cờ nghe tin về đôi ba người. Phần lớn đều bặt tin. Rất nhiều người đến tận giờ tôi vẫn chưa biết mặt. Riêng bác Bê thì tôi nghe tin bác vào bệnh dưỡng lão, vài năm sau thì qua đời. Thỉnh thoảng hồi tưởng lại, tôi ngậm ngùi tự hỏi, những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ.

Góp phần mình để giải cứu hai vạn con người, họ không phô trương, không nhận công, không tính điểm. Họ làm vì tình người, vì nghĩa vụ. Rồi lẳng lặng lùi vào bóng tối hay vào thiên thu.

Kinh nghiệm ấy làm tôi tin rằng ở nơi nào cũng có những người Việt có lòng.
 
Với niềm tin ấy, ngày 30 tháng 4 năm 2010 tôi khởi đầu hành trình đi khắp Hoa Kỳ để tìm những người cùng góp tay trong kế hoạch 10 năm chuyển biến cộng đồng và thay đổi đất nước. Càng đi tôi càng thêm hy vọng. Đâu đâu, dù cộng đồng lớn hay nhỏ, tôi đều gặp những người tâm huyết, luôn khắc khoải hướng về quê hương, luôn tận tuỵ với việc chung. Họ âm thầm đóng góp công sức và trí tuệ từ năm này sang năm khác. Không mệt mỏi, không than vãn, không khoe khoang.

Với tôi, đấy chính là những "hào kiệt" của Bình Ngô Đại Cáo thuở nào:

"(Nước) tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có"

Thành công thì dân tộc hưởng. Thất bại thì mình lãnh nhận.





No comments:

Post a Comment

View My Stats