Sunday 16 November 2014

Hợp tác phát triển ở biển Đông là điều khó xảy ra (Việt Hà - RFA)



Hợp tác phát triển ở biển Đông là điều khó xảy ra

Việt Hà, phóng viên RFA
2014-11-15

Hình : Hội thảo về những căng thẳng trên biển Đông và tương lai của một giải pháp điều hòa căng thẳng cũng như hợp tác giữa các nước trong khu vực, tại Hiệp hội Châu Á (Asia Society) ở New York, ngày 12 tháng 11 năm 2014. Courtesy Asia Society

Vào chiều ngày 12 tháng 11, tại Hiệp hội Châu Á (Asia Society) ở New York, đã diễn ra một buổi hội thảo về những căng thẳng trên biển Đông và tương lai của một giải pháp điều hòa căng thẳng cũng như hợp tác giữa các nước trong khu vực.

Chiến lược lâu dài của TQ tại biển Đông

Buổi hội thảo có tên biển Đông, con đường đến Hòa bình, do Hiệp hội Châu Á tổ chức vào chiều ngày 12 tháng 11 quy tụ những học giả Mỹ và Trung Quốc với mong muốn trả lời những câu hỏi còn gây nhiều bất đồng giữa các nước và các chuyên gia quốc tế liên quan đến căng thẳng tại biển Đông. Đó là những câu hỏi về lý do tại sao tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng hơn kể từ sau những năm 2008, 2009, liệu Trung Quốc và các nước có tranh chấp trong khu vực có thể sớm có được một hướng tiến tới giải pháp hòa bình cho những xung đột tại đây.

Nhà phân tích địa chính trị của Hoa Kỳ, Robert Kaplan, người đã có nhiều bài viết và sách về biển Đông, mở đầu cuộc hội thảo với một bài phân tích chỉ ra lý do tại sao Trung Quốc trở nên hung hăng hơn tại biển Đông thời gian qua và ý nghĩa của biển Đông trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc trên thế giới.

Chuyên gia Robert Kaplan đã so sánh tình hình biển Đông hiện tại với sự thống trị của Trung Quốc với tình hình vùng biển Caribbean ở phía đông bán cầu với sự thống trị của Mỹ vào hồi giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Theo ông Trung Quốc đã sử dụng một chiến lược tương tự như Mỹ đã dùng ở Caribbean để đẩy những nước khác ra khỏi khu vực này và trở thành nước thống trị vùng đông bán cầu. Vì vậy, ông lập luận biển Đông ở Châu Á cũng quan trọng với Trung Quốc không kém gì tầm quan trọng của Caribbean với Mỹ.

Theo chuyên gia Robert Kaplan, cách làm của Trung Quốc tại biển Đông cũng giống như cách thức mà Mỹ đã tiến hành để thống trị vùng Caribbean:
Điều mà Mỹ đã làm từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 là từ từ đẩy sức mạnh của châu Âu ra khỏi vùng Caribbean rộng lớn. Và Trung Quốc cũng làm tương tự theo kểu đẩy lực lượng hải quân ra ngoài để làm giảm khả năng hoạt động của hải quân Mỹ ở miền đông và biển Đông… Hành động của Mỹ ở Caribbean cũng không hiếu chiến như mọi người nghĩ. Khi chúng ta đẩy hải quân Anh Pháp ra ngoài, chúng ta cũng hợp tác với hải quân hoàng gia Anh để chống lại đường buôn bán nô lệ cũng như cách mà Trung Quốc đang làm tại biển Đông là nhẹ nhàng. Trung Quốc đang Phần Lan hóa các nước Việt Nam, Malaysia, và Philippines, trong khi tìm mọi cách tránh các xung đột với hải quân Mỹ.”

Nói về mục tiêu dài hạn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, chuyên gia Robert Kaplan cho biết:
Vậy biển Đông có ý nghĩa thế nào với Trung Quốc? nó giúp Trung Quốc có sự kiểm soát không nhiều thì ít tương tự như vai trò của Caribbean đối với Mỹ. Nó cho phép hải quân Trung Quốc có tiếp cận không hạn chế tới Thái Bình Dương và quan trọng hơn là vào Ấn Độ Dương qua eo Malacca… Ấn Độ Dương là đường giao thương giữa nhiều nước trên thế giới nơi dầu và khí đốt được chuyển từ trung đông đến các thành phố lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn…
Lý do Trung Quốc có thể có những hành động mạnh mẽ như vậy bắt đầu từ những năm 2008 trở lại đây, theo chuyên gia Robert Kaplan, là vì hải quân Trung Quốc đã đủ mạnh để có thể cho phép Trung Quốc phô trương sức mạnh và Hoa Kỳ đã quá bận rộn tại khu vực Trung Đông trong một thời gian dài mà bỏ quên Châu Á và khiến chiến lược chuyển trục của Mỹ về lại Châu Á Thái Bình Dương bị muộn mất 20 năm.

Hình : Bản đồ Biển Đông với đường lưỡi bò do TQ đơn phương công bố nhằm chiếm trọn Biển Đông, vị trí dàn khoan HD 981 và dàn khoan thứ hai do TQ thiết lập hồi tháng 6 năm 2014.

Tại sao biển Đông căng thẳng từ năm 2008?

Câu hỏi được bàn thảo khá nhiều tại hội thảo là nguyên nhân tại sao tình hình biển Đông trở nên căng thẳng hơn kể từ những năm 2008 và 2009. Học giả đến từ Trung Quốc, giáo sư Zha Daojiong, giảng dạy môn kinh tế chính trị quốc tế tại trường đại học Bắc Kinh, không đồng ý với lý giải của tác giả Robert Kaplan.

Ông Daojiong cho rằng Bắc Kinh đã hoàn toàn bất ngờ trước những phản ứng mạnh mẽ và quan tâm đột ngột của các nước nhất là Mỹ vào vấn đề biển Đông bắt đầu từ năm 2008 và 2009:
Thực sự mà nói đối với phần lớn chúng tôi ở Bắc Kinh, chúng tôi rất ngạc nhiên vào khoảng những năm 2008, 2009 khi có những quan tâm mới đối với chủ quyền ở khu vực biển Đông. Sự ngạc nhiên được chỉ ra bắt đầu từ cuộc họp diễn đàn an ninh khu vực ARF ở Hà Nội mà ở đó Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã lên tiếng mạnh mẽ, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lúc đó được đưa tin là có phản ứng tức giận. Và sau nhiều năm chúng tôi biết được ông ấy đã hoàn toàn bất ngờ khi đó. Rất nhiều người chúng tôi ở Bắc Kinh cho rằng chúng tôi bị bắt buộc phải nói tới vấn đề này vốn đã ngủ yên trong nhiều thập kỷ.”

Giáo sư Zha Daojiong cũng cho rằng Việt Nam và Malaysia đã làm căng thẳng thêm tình hình khi quyết định nộp hồ sơ chung về thềm lục địa mở rộng lên Liên Hiệp Quốc vào năm 2009 bất chấp sự can ngăn từ phía Trung Quốc.

Học giả Holly Morrow, chuyên gia về địa chính trị thuộc Trung tâm khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer của đại học Havard, thì cho rằng tình hình trở nên căng thẳng hơn bắt đầu từ năm 2008 là do những yếu tố suy yếu từ nước Mỹ và việc Trung Quốc tổ chức thành công Olympic 2008.

Ý kiến của học giả Trung Quốc và các học giả Hoa Kỳ cũng không thống nhất với nhau liên quan đến đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra tại biển Đông. Các học giả Hoa Kỳ khẳng định bản đồ mà Trung Quốc vẽ ra trên biển Đông là một điều vô lý.

Học giả Peter Dutton, Giám đốc viện nghiên cứu biển Trung Hoa, nói:
Đó là một sự lộn xộn, theo luật pháp thì thì tôi tin là nó không thể có cơ sở. Tôi đã nghe các học giả Trung Quốc lập luận rằng nó có thể được chứng theo luật nhưng tôi không thấy được điều này.”

Tương lai về giải pháp hòa bình

Câu hỏi về một tương lai cho một giải pháp hòa bình ở biển Đông cũng được bàn thảo ở phần cuối của buổi hội thảo.

Học giả Trung Quốc cho rằng việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm chiến lược về Châu Á Thái Bình Dương và giúp đỡ các nước Việt Nam và Philippines trong bảo vệ chủ quyền đã khiến nhiều người Trung Quốc lo ngại và nghĩ rằng Hoa Kỳ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, học giả Holly Morrow thì nói quan điểm cho rằng Mỹ kiềm chế Trung Quốc chỉ đúng khi Trung Quốc tiếp tục các hành động mạnh mẽ lấn lướt các nước láng giềng để khẳng định chủ quyền và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực.

Học giả Trung Quốc cũng nhìn nhận sự khó khăn trong việc đạt được một Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (gọi tắt là COC) vì theo ông, để bộ quy tắc có tính ràng buộc, các điều kiện cần phải có là các nước phải thống nhất về việc thiết lập những cơ chế phán xét và giám sát có tính pháp lý và điều này là rất khó.

Khả năng về hợp tác phát triển cũng được bàn tới như một hướng tiến tới giải pháp hòa bình ở biển Đông. Học giả Peter Dutton cho rằng, các nước có thể trước hết hợp tác khai thác cá vốn là điều đã xảy ra hàng thế kỷ qua tại khu vực khi ngư dân các nước cùng đánh bắt chung ở ngư trường truyền thống.

Tuy nhiên ông nhìn nhận, việc hợp tác khai thác dầu và khí đốt là điều khó có thể xảy ra. Đánh giá chung của các học giả về một triển vọng hợp tác phát triển chung trong khu vực có thể nói là không mấy sáng sủa. Nhưng đây cũng chính là hướng được nhìn nhận có thể góp phần xây dựng lòng tin giữa các nước để tiến tới một giải pháp hòa bình.






No comments:

Post a Comment

View My Stats