Thursday 20 November 2014

Dân Việt từ Sài Gòn sang Mỹ đầu tư ngày càng nhiều (Thiên An/ Người Việt)



Thiên An/ Người Việt
Wednesday, November 19, 2014 7:48:24 PM

CALIFORNIA (NV) - Năm 2014 là năm đầu tiên mà chương trình Mỹ cấp visa cho giới đầu tư nước ngoài phải tạm ngưng khoảng hai tháng vì số đơn đã cấp ra đạt mức trên 9,000 visa.

Trong 24 năm từ ngày chương trình bắt đầu, giới đầu tư nước ngoài vào Mỹ giảm đi từ một số nước, ngược lại, tăng nhanh tại Trung Quốc và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

Chương trình di dân đầu tư, Immigrant Investor Program hay còn được gọi là “EB-5,” được Quốc Hội Mỹ đưa ra từ năm 1990 nhằm kêu gọi vốn để kích thích kinh tế.

Căn bản, một người cần bỏ ra khoảng $500,000 đến $1 triệu cho một dự án kinh doanh có thể tạo việc làm cho ít nhất 10 nhân viên trong 2 năm, thì được cấp visa cho bản thân và gia đình.

Số liệu của Sở Di Trú Hoa Kỳ cho thấy giới đầu tư Việt Nam tham gia vào chương trình EB-5 ngày một nhiều.

Xét theo các địa điểm cấp visa EB-5, theo một thống kê của tổ chức Association to Invest In the USA, Sài Gòn vừa vượt qua Nhật Bản và Mexico để đứng hàng thứ tư trong danh sách các nơi Mỹ cấp nhiều visa EB-5 nhất.

Cụ thể, năm địa điểm xin và được cấp visa EB-5 nhiều nhất là Quảng Châu-Trung Quốc với 8,237 người đầu tư, Seoul - Nam Hàn với 149 người, Đài Bắc- Đài Loan với 97 người, Sài Gòn - Việt Nam với 92 người, và Abu Dhabi - Ả Rập với 78 người.

Xét theo số nhà đầu tư đến từ từng quốc gia, thống kê của Sở Di Trú Hoa Kỳ vào năm 2012 cho thấy Việt Nam đứng vào hàng 13 trên thế giới trong danh sách hơn một trăm nước có tham gia chương trình EB-5, chỉ thua các nước lớn như: Trung Quốc, Canada, Anh Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Nga... Có thể nói, giới đầu tư tại một nước đang phát triển như Việt Nam khiến nhiều nước khác phải bất ngờ.

Nhìn vào xu hướng ngày càng tăng của người Việt Nam đầu tư vào Mỹ, và xu hướng ngày càng giảm của giới đầu tư nhiều nước khác, thứ hạng của giới đầu tư Việt Nam trong danh sách các nước sẽ còn có thể còn vượt lên hơn nữa.

Vẫn theo số liệu của Sở Di Trú Hoa Kỳ thống kê vào năm 2012, chương trình EB-5, với đến 85% nhà đầu tư là người Trung Quốc, giúp tạo số vốn khoảng $6.8 triệu cho các dự án kinh doanh trên đất Mỹ và khoảng 50,000 việc làm.

Theo văn phòng U.S. Government Accountabilty Office, trong những năm đầu, chương trình EB-5 không được giới đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm vì các yêu cầu phức tạp khiến thời gian xin visa phải mất gần chục năm. Trong những năm suy thoái kinh tế tại Mỹ, luật nới lỏng các quy định, khiến cho số visa EB- 5 được cấp tăng từ 793 trong năm 2007, lên thành 3,463 trong năm 2011.

Chương trình EB- 5, theo thông tin từ Sở Di Trú Hoa Kỳ, yêu cầu người đầu tư phải hợp tác hoặc làm chủ các dự án thương mại đang thua lỗ (trong một đến hai năm trở lại), tạo việc làm toàn thời gian cho ít nhất 10 nhân viên hoặc tương đương, với số vốn ít nhất là $1 triệu.

Nếu chọn đầu tư vào các vùng đang có tỉ lệ thất nghiệp gấp rưỡi tỉ lệ thất nghiệp trung bình của cả nước, hoặc các vùng hoang vắng có ít hơn 20,000 dân, thì người đầu tư chỉ cần có số tiền đầu tư tối thiểu là $500,000.

Bù lại, ngoài việc có thể kiếm lợi nhuận nếu đầu tư thành công, người tham gia chương trình EB-5 còn được hưởng nhiều quyền lợi khác.

Ví dụ, trên trang mạng của Văn Phòng Luật Sư Di Trú Lawler & Lawler, một danh sách các lợi điểm khi tham gia EB-5 được liệt kê như sau: Trở thành cư dân hợp pháp với thẻ xanh và sau năm năm được vào quốc tịch; vào Mỹ nhanh chóng; không phải trải qua quá trình đợi chờ lâu năm của chương trình bảo lãnh hay làm việc; vợ chồng và con cái dưới 21 tuổi được nhập cư cùng nhà đầu tư, chỉ cần đầu tư $500,000 và tiền “phí quản lý” cho các trung tâm đầu tư địa phương (Canada yêu cầu $800,000 cho mức đầu tư tối thiểu.)

Ngoài ra còn là, “có thể sống ở bất kỳ nơi nào tại Mỹ; có thể du lịch tự do trong và ngoài nước Mỹ; được hưởng quyền lợi khi nghỉ hưu, đi học, hoặc đầu tư vào các dự án khác; không cần báo cáo tổng giá trị tài sản cá nhân; được hưởng mức học phí dành cho cư dân tiểu bang sau một năm nhập cư.”


--------------------------


Thursday, November 20, 2014

Biểu đồ di dân Việt Nam đến Hoa Kỳ kể từ 30/4/1975 đến 31/12/2012 do Viện Chính sách Di dân Hoa Kỳ thống kê

Trong một bài viết vào ngày 25/8/2014 vừa qua của Viện Chính sách Di dân của Hoa Kỳ. Họ chia làn sóng di dân của người Việt làm 3 đợt trong vòng 40 năm kể từ sau 30/4/1975.

Đợt đầu tiên là làm sóng tỵ nạn ngay sự cố 30/4/1975 khoảng 125.000 người.

Đợt thứ hai là vào 2 cuối thập niên 1970s là do làm sóng thuyền nhân vượt biển chạy trốn khỏi chế độ cộng sản tàn độc tại Việt Nam. Con số này khoảng 418.000 người.

Đợt thứ ba vào cuối thập niên 1990 đến nay. Đa số là diện đoàn tụ gia đình và đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào Hoa Kỳ. Đợt này là đông nhất. Nó làm tăng con số người Việt sống tại Hoa Kỳ tăng từ 543.000 người lên con số 1.259.000 người trong năm 2012, chiếm 3% dân số của những người nước ngoài tại Hoa Kỳ (khoảng 40.8 triệu).

Số di dân từ Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ đứng thứ tư sau Ấn Độ, Phillipines và Trung Hoa. So với các quốc gia khác mà có mặt người Việt thì Hoa Kỳ là nơi đông người Việt. Tại Úc có 226.000, Canada có 185.000, và Pháp có 128.000 người Việt sinh sống. 

Ba phần trăm dân số của một chủng tộc ở một quốc gia có nhiều chủng tộc di dân đến sống ở Hoa Kỳ là con số đáng để suy nghĩ về sự lớn mạnh của người Việt không chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn ở trên thế giới, và khả năng ảnh hưởng về quê nhà.

Gần đây, một số chính khách và khoa học gia Việt Nam bắt đầu ghi tên tuổi mình với Hoa Kỳ. Đó là những kỳ vọng, và những niềm an ủi cho đất nước Việt trong tương lai. Nhưng có 2 vấn đề cũng đáng lo ngại là:

Thứ nhất, thế hệ F1 và F1.5 người Việt ngày càng lớn tuổi. Họ chính là những con người còn thiết tha với tổ quốc và dân tộc. Nếu họ không còn nữa, thì mọi sự đóng góp cho quê nhà sẽ không còn nữa.

Thứ hai, là thế hệ F2.0 trở đi, họ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, văn hóa Mỹ sẽ làm họ dần quên cội nguồn. Có thể, một số rất ít trong số họ còn nghĩ đến quê nhà nhờ vào truyền thống gia đình được gìn giữ, nhưng tác động của họ sẽ không thể bằng thế hệ F1 và F1.5.

Thế thì, liệu những con số trên sẽ góp phần gì cho việc canh tân đất nước ngoài việc hằng năm gửi về khoảng hơn 10 tỷ đô la?


Posted by Hồ Hải at 5:48 PM
.





No comments:

Post a Comment

View My Stats