Monday 3 November 2014

Dân chủ hóa trong thế giới mới (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-11-03

Những chuyến đi lưu vong và trách nhiệm của nhà cầm quyền

Có gì liên quan giữa những chuyến đi lưu vong của những người đấu tranh cho dân chủ như blogger Điếu Cày và những câu nói gây cười của Quốc hội Việt Nam?

Blogger Viết từ Sài gòn viết rằng:
Nếu các nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền sống trong một đất nước có đầy đủ dân chủ, nhân quyền và tiến bộ, chắc chắn họ sẽ không mất công để đấu tranh cho điều đó và có thể họ đã có văn phòng luật sư riêng, công ty riêng hoặc một tờ báo tư nhân nào đó... Mỗi người một lĩnh vực đủ để họ nỗ lực làm việc và sống thoải mái, không cần phải suy nghĩ gì nhiều.
Và, suy cho cùng, kẻ cố gắng xây dựng hình tượng tốt nhất cho các nhà dân chủ không ai khác ngoài chính nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.

Trong khi đó thì đến hẹn lại lên, Quốc hội Việt Nam họp như thường kỳ, trong một ngôi nhà mới tinh, nghe nói là mang nhiều ý nghĩa tượng trưng về kiến trúc. Nhưng điều không mới là những lời phát biểu gây xôn xao dư luận của họ.

Nếu lần trước có chuyện giá rau muống, thì lần này có qui định đặt tên thuần Việt.

Một điều cũng cần nên nhớ là đại đa số các đại biểu Quốc hội là đảng viên cộng sản. Blogger Nguyễn Thị Từ Huy viết bài Nghịch lý nhân sự:

Một mặt, bản thân các đảng viên tự coi mình là những người xuất sắc. Họ tự coi mình là « những người con ưu tú của dân tộc », đưa dân tộc « đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác » ; điều này được ghi trong hầu như các sách của nhà nước khi đánh giá về vai trò của đảng, và được ghi trên các khẩu hiệu chăng đầy các đường phố mỗi dịp lễ lạt, kể cả không lễ lạt.
Mặt khác, không ít người nhìn các đảng viên như là các tội phạm lịch sử đã đẩy dân tộc vào những thảm cảnh : nghèo đói, lạc hậu, giáo dục băng hoại, văn hóa suy đồi, tài nguyên kiệt quệ, đất nước lệ thuộc vào Trung Quốc. Nghĩa là xét về năng lực lãnh đạo và quản lý họ là những người rất kém cỏi. Kém cỏi thì mới để xảy ra tình trạng như vậy.

Blogger Người Buôn Gió đưa thêm dẫn chứng về sự kém cỏi ấy:
Đến lúc này mà vẫn còn xây dựng những công trình lãng phí thì không biết ai là thế lực thù địch. Những công trình như nhà văn hoá trụ sở hành chánh, nhà quốc hội, trụ sở đảng, đền thờ lãnh tụ, lãnh đạo...liệu những thứ ấy có sinh ra được lợi nhuận để trả nợ công hay không.?

Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nêu lên một nghịch lý nữa trong câu chuyện nhân sự tại Việt Nam, đó là chuyện trách nhiệm và quyền lợi:
Bình thường, như một quy luật, quyền lực lớn thì trách nhiệm phải lớn. Ngoại lệ: các chế độ độc tài và độc đảng, ở đó, quyền lực thì cực lớn, có khi là một thứ quyền lực tuyệt đối, nhưng lại không gắn liền với một thứ trách nhiệm nào cả.

Câu chuyện này cũng đã được các quan chức Việt Nam lặp đi lặp lại trong các phát ngôn chính thức của họ. Nếu nhìn bề ngoài thì có thể sẽ không thấy sự khác biệt trong phát ngôn giữa các chính trị gia Việt Nam và các chính trị gia các quốc gia dân chủ. Blogger, nhà kinh doanh Alan Phan đưa ra sự so sánh giữa hai nhóm chính trị gia đó. Theo ông thì các chính trị gia là những người khôn ngoan, nhiều mánh lới, nhưng trong một quốc gia dân chủ, họ cũng phải làm hài lòng đám đông dân chúng, còn các chính trị gia cộng sản thì không cần như thế. Nay các nhà chính trị cộng sản lại du nhập thêm thị trường tư bản vào thể chế của họ, điều đó tạo cho họ sung sướng nhiều lần hơn các nhà chính trị tư bản:

Dù xuất thân từ rừng rậm và không biết nhiều về thế giới bên ngoài, nhưng các chính trị gia Việt rất bén nhậy và hiểu rõ quan hệ giữa quyền lực và tiền bạc. Thông minh, tàn nhẫn và thủ đoạn, biết cóp nhặt kinh nghiệm từ các đàn anh Nga-Tàu, họ đã tạo ra được một hệ thống cai trị khá ổn định suốt 70 năm qua từ ngày nắm chánh quyền (1945). Chính trị gia Việt lợi dụng được thời cơ khi các đối thủ còn yếu kém, sử dụng một chương trình PR tuyệt vời bằng cách phong thánh cho các ngài lãnh tụ; và trên hết, không ngần ngại áp dụng nguyên lý của Mao (quyền lực chính trị phát sinh từ họng súng).
Kết quả là bản thân và gia đình họ có được một đời sống “giàu có và thoải mái” gấp vạn lần các chính trị gia Mỹ, dù thu nhập người dân Việt chỉ bằng 1/25 người dân Mỹ.


Đông Âu 25 năm trước và Việt Nam ngày nay

Nhà văn Võ thị Hảo viết bài Nếu Quốc hội cũng thù địch với minh bạch:
Trong kỳ họp này QH thảo luận về Luật tổ chức QH(sửa đổi). Nếu không có những thay đổi cơ bản, nhằm tách hệ thống lập pháp ra khỏi hệ thống hành pháp và tư pháp, cải cách thể chế xóa độc tài, thì không những ngày càng nhiều quan chức coi dân như kẻ thù, mà chính nhiều ĐBQH cũng sẽ coi dân như kẻ thù, chỉ vì dân đòi quyền được biết , yêu cầu sự minh bạch và công bằng như Hiến pháp đã quy định.

Điều mà nhà văn Võ Thị Hảo đề cập chính là cái cốt lõi của câu chuyện cải cách thể chế ở Việt Nam mà cho đến giờ này những người cộng sản từ chối thực hiện.

Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nêu lên những lý do mà những người cộng sản thường đưa ra để không thực hiện việc thay đổi thể chế, và điều đó đưa quốc gia vào một vòng lẫn quẩn chưa có lối thoát:
Ở Tây phương, người ta thường nói “nhân dân thế nào, chính phủ thế ấy”. Hệ luận: Để có dân chủ, phải bắt đầu những thay đổi từ nhân dân. Sự thay đổi, với chính phủ, có thể được tiến hành bằng bạo lực; với nhân dân, chỉ có một con đường: giáo dục. Trong giáo dục, có hai yếu tố quan trọng nhất: Về lý thuyết, nhấn mạnh đến các quyền công dân và quyền con người; về thực hành, bắt đầu từ các tổ chức xã hội dân sự.
Cả hai đều nằm trong tay của chính phủ, do đó, tuy, trên lý thuyết, chúng ta nói dân chủ bắt đầu từ nhân dân, nhưng, trên thực tế, nó lại bắt đầu từ những cải tổ trong hệ thống giáo dục và pháp lý của chính phủ. Nhưng đó là những điều các chính phủ độc tài thường thoái thác: Họ, một mặt, tuyên truyền là nhân dân hoặc không muốn hoặc chưa sẵn sàng với tiến trình dân chủ hoá; mặt khác, lại cấm đoán tất cả các biện pháp giáo dục nhằm bồi đắp ý thức và tinh thần dân chủ của nhân dân.

Câu chuyện cầm quyền của các đảng cộng sản trên thế giới bước vào một khúc quanh lịch sử cách đây 25 năm tại Đông Âu, khi những cuộc cách mạng nhung ở lục địa này cuốn phăng đi sự độc quyền cai trị tự phong của những người cộng sản.

Blogger Lê Diễn Đức so sánh cái cách những người cộng sản Việt Nam ngày nay đối xử với tù chính trị giống như những đồng chí người Đức của họ cách nay gần ba thập niên dùng tù chính trị để đổi chác với Cộng hòa Liên bang Đức tư bản chủ nghĩa.

Ông Lê Diễn Đức viết về sự khao khát tự do của những công dân các quốc gia cộng sản, ông trích lời Stephan Hilsberg một nghị sĩ hiện nay của nước Đức thống nhất:

Không có những người đã dám mạo hiểm với tù tội, sẽ chẳng có sự thay đổi nào hết.

Còn nhà báo Nguyễn Hoàng Linh thì mô tả cảm xúc của anh 25 năm về trước khi chứng kiến cuộc cách mạng Nhung ở Đông Âu:

Cảm xúc rất là đặc biệt, tôi nghĩ là ai ở Hungary thời kỳ đó mà bỏ qua những cái đó thì bỏ qua những ấn tượng rất là lớn trong đời người.

Cuộc đấu tranh dân chủ ngày nay của người Việt Nam diễn ra trong một thế giới khác hẳn 25 năm trước. Thế giới mạng đang thực hiện sứ mạng truyền thông, và chiến tranh lạnh không còn nữa.

Nếu 25 năm trước một người lưu vong như tác giả của tác phẩm Quần đảo ngục tù không thể tác động được tới đồng bào Nga của mình từ hải ngoại, thì nay với Thế giới phẳng blogger Điếy Cày tự tin tuyên bố rằng ông sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam bằng công cụ truyền thông không biên giới.

Nếu 25 năm trước, những hàng rào của bức màn sắt thúc đẩy công dân các quốc gia cộng sản đi tìm tự do, thì nay quan hệ Việt Mỹ lại đóng vai trò đó, như blogger Người Buôn Gió nhận xét:
Một điều rõ ràng là từ khi quan hệ với Hoa Kỳ thì một số thứ được cải thiện hơn so với những năm chưa quan hệ, nói gì thì nói không thể bác bỏ được chuyện thông tin, viễn thông ở VN được phát triển rất nhiều. Các hội đoàn xã hội dân sự công khai tên tuổi và hoạt động , gửi kiến nghị thư, ký đơn yêu cầu tập thể...cần phải nhìn nhận và đánh giá những tiến triển đó để không nhận định khắt khe về những động thái của Hoa Kỳ trong quan hệ bang giao với Việt Nam.
Hãy nhìn việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho VN, đàm phán cho VN gia nhập TPP, đưa tù nhân chính trị ra khỏi nhà tù VN sang Hoa Kỳ dưới một góc tích cực, sẽ thấy công cuộc đấu tranh dân chủ đang có những kết quả chứ không phải là bị thất bại hay bỏ rơi như bọn tuyên truyền viên của Đảng ba hoa.

Tháng 11 này là thời điểm biểu tượng cho sự đổi đời của người dân Đông Âu 25 năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Trong cuộc đổi đời đó nhiều người cộng sản Đông Âu cũng đã thay đổi. Nhưng nhiều người Việt Nam cho rằng những người cộng sản thì không thể thay đổi được. Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nói rằng ông không phản đối những phát biểu đó, nhưng ông mong rằng họ sẽ sai!




No comments:

Post a Comment

View My Stats