Saturday 1 November 2014

Chuyện gì sẽ xảy ra sau ngày bầu cử? (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
Thursday, October 30, 2014 7:11:58 PM

LTS: Ngày Thứ Ba, 4 Tháng Mười Một, tới đây, cử tri Hoa Kỳ sẽ bước vào phòng phiếu chọn người đại diện ở tòa nhà Quốc Hội Liên Bang qua cuộc bầu cử giữa kỳ 2014. Một tuần trước ngày cuộc bầu cử diễn ra, tòa soạn có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Văn Khanh về tình hình cuộc bầu cử năm nay.

Hỏi: Những gì sẽ xảy ra vào ngày Thứ Ba tuần tới? Bàn cờ chính trị Hoa Kỳ sẽ như thế nào sau ngày bầu cử?

Nguyễn Văn Khanh: Sẽ như thế nào thì chưa ai biết chắc, nhưng có thể thì đã được nhiều người nói đến. Hầu hết dư luận cho thấy cử tri có vẻ nghiêng về phía đảng Cộng Hòa, tạo thuận lợi cho đảng này trong việc lấy thêm ghế đại biểu Hạ Viện và biết đâu chừng, có thể nắm khối đa số Thượng Viện.

Chuyện cánh Cộng Hòa lấy thêm ghế dân biểu Hạ Viện được một số không ít các quan sát viên bầu cử Hoa Kỳ xem là điều chắc chắn xảy ra, nhưng liệu có lấy được khối đa số ở Thượng Viện hay không thì có lẽ phải chờ cho đến khuya Thứ Ba tuần tới, sau khi các tiểu bang hoàn tất kiểm phiếu chúng ta mới biết thắng bại ra sao. Dù sao chăng nữa, tôi cũng phải nhắc lại là chiều hướng chính trị đang có vẻ thuận lợi cho phía Cộng Hòa hơn phía Dân Chủ.

Hỏi: Tại sao vậy?

Nguyễn Văn Khanh: Lý do được nhiều người nói đến là những cuộc bầu cử giữa kỳ thường phản ánh quan điểm chính trị của người dân đối với vị tổng thống đương nhiệm.

Ở cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, vị tổng thống đương nhiệm là ông Barack Obama và uy tín chính trị của ông đang xuống khá thấp, chỉ có hơn 40% cử tri tán thành đường lối hoạt động của ông. Do đó, có thể nói là tất cả các ứng cử viên Cộng Hòa tranh cử thượng nghị sĩ đều lớn tiếng chỉ trích đối thủ là người của ông Obama, thí dụ như ứng cử viên Cộng Hòa Dan Sullivan ở tiểu bang Alaska nói rõ đối thủ Mark Begich “theo ông Obama, tôi không theo ông ta (Obama), tôi theo các bạn (cử tri), hoặc bà Alison Lundergan Grimes đang tranh cử ở tiểu bang Kentucky từ chối trả lời câu hỏi 2 năm trước đây (2012) bà có bỏ phiếu chọn ông Obama làm tổng thống nhiệm kỳ 2 hay không.

Nhưng có lẽ thú vị nhất là chuyện ở Colorado, lúc Tổng Thống Obama đến tiểu bang này để quyên tiền cho đảng thì Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Mark Udall tìm cách ở lại Washington, DC chứ không về đón tổng thống. Ông Udall còn nói đùa với báo chí rằng khi nhân viên Tòa Bạch Ốc nhìn ra sân thì ông “là người cuối cùng mà họ nhìn thấy.” Ðiều đó chứng tỏ đi bên cạnh ông Obama trong lúc này là điều không tiện.

Ngay chính Tổng Thống Obama cũng từng lên tiếng nhìn nhận cuộc bỏ phiếu năm nay “nhắm” vào ông, và hầu như không có mấy ứng cử viên Dân Chủ muốn đến gần với ông, có thể nói là chẳng ai muốn ông xuất hiện vận động giúp họ kiếm phiếu.

Hỏi: Tại Hạ Viện, số ghế dân biểu Cộng Hòa hơn số ghế dân biểu Dân Chủ là 33 ghế. Theo dự đoán của các nhà quan sát chính trị Hoa Kỳ, đảng Cộng Hòa có thể lấy thêm bao nhiêu ghế nữa?

Nguyễn Văn Khanh: Có rất nhiều dự đoán được đưa ra, hầu hết đều cho rằng chuyện Cộng Hòa chiếm thêm 10 hay 15 ghế ở Hạ Viện là điều có thể xảy ra, nhưng không ai tin phe Cộng Hòa sẽ lấy được 53 ghế như cuộc bầu cử diễn ra hồi 2010, cũng chẳng ai tin khối đa số Hạ Viện sẽ trở lại với đảng Dân Chủ.

Hỏi: Ðảng Cộng Hòa đang nắm 45 ghế thượng nghị sĩ, cần lấy thêm 6 ghế để nắm khối đa số. Những ghế cần thiết đó nằm ở những tiểu bang nào?

Nguyễn Văn Khanh: Những ghế cần thiết cho đảng Cộng Hòa nằm ở 10 hay 12 tiểu bang, được chú ý đến nhiều nhất là Alaska, Arkansas, Georgia, Iowa, Louisiana, New Hampshire, North Carolina và Colorado. Những tiểu bang có tên vừa nêu là những nơi đảng Dân Chủ dồn rất nhiều tiền để giữ ghế, đảng Cộng Hòa cũng dồn mọi nỗ lực để lấy ghế của đối thủ, thí dụ như số tiền bỏ ra tranh cử ở North Carolina lên đến hơn $100 triệu và theo những cuộc thăm dò trước ngày bầu cử mà tôi được xem thì ghế nghị sĩ của tiểu bang này sẽ quyết định khối đa số Thượng Viện vẫn nằm trong tay đảng Dân Chủ hay sẽ thuộc về đảng Cộng Hòa.

Có lẽ cũng cần phải nói thêm ở đây là cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay là cuộc bầu cử giữa kỳ tốn kém nhất trong lịch sử chính trị của nước Mỹ và càng đến gần ngày bẩu cử thì trận mưa emails xin tiền của cả 2 đảng càng dồn dập. Họ cần tiền để giúp các ứng cử viên và cần tiền để vận động cử tri đi bầu, bỏ phiếu cho người của đảng. Một trong những emails mà giới truyền thông chúng tôi có dịp trông thấy là email của Tổng Thống Obama.

Hỏi: Xin ngắt lời anh ở đây. Email của Tổng Thống Obama nói gì?

Nguyễn Văn Khanh: Trong email gửi cho các đảng viên và những người ủng hộ đảng Dân Chủ, Tổng Thống Obama nhắc lại bầu cử thượng nghị sĩ ở khoảng 12 tiểu bang có thể nghiêng về đảng Dân Chủ và cũng có thể nghiêng về phía đảng Cộng Hòa, và để chiến thắng, cánh Dân Chủ cần phải có thêm tiền để tiếp tục kế hoạch kêu gọi cử tri ở những tiểu bang đó đi bầu, nên ông xin những người ủng hộ giúp đỡ.

Hỏi: Và những email từ phía đảng Cộng Hòa?

Nguyễn Văn Khanh: Cũng tương tự như vậy. Ðại để bên Cộng Hòa nói rằng ngọn gió chính trị đã xoay chiều, đây là cơ hội thuận lợi nhất để đảng nắm trọn Quốc Hội và kêu gọi cử tri cũng như những người ủng hộ đảng đừng bỏ lỡ cơ hội, nhớ giúp tiền để đảng đánh trận đánh chính trị rất quyết liệt vào tuần lễ cuối cùng.

Hỏi: Anh đừng quên quyết định cuối cùng luôn luôn nằm ở cử tri, vì cử tri là người nắm lá phiếu?

Nguyễn Văn Khanh: Ðiều đó hoàn toàn đúng. Không chỉ ở cuộc bầu cử giữa kỳ 2014, mà ở bất cứ cuộc bầu cử nào cử tri cũng là người quyết định. Riêng ở cuộc bầu cử năm nay, tôi thấy có 2 điều: thứ nhất là như đã nói, dư luận cử tri nghiêng về phía Cộng Hòa; điều thứ nhì là mới đây tờ Christian Monitor đăng tải bài báo viết rằng 42% cử tri Mỹ bây giờ tự xem họ là thành phần cử tri độc lập, tức không liên hệ với đảng nào cả. Chính vì thế nên cuộc bầu cử vào tuần tới trở thành rất khó đoán.

Một yếu tố khác nữa cũng cần phải nói đến là mặc dù không hài lòng về việc Tổng Thống Obama hứa mà không làm, nhưng các cuộc thăm dò dẫn về ngày bầu cử cho thấy cử tri Latino vẫn không bỏ rơi đảng Dân Chủ, cho dù tỷ lệ cử tri Latino nghiêng về phía Cộng Hòa được nói là đang tăng. Chính vì những điểm này nên các chiến lược gia Dân Chủ mà tôi có dịp tiếp xúc đều bảo họ tin thế nào cũng vẫn giữ được thế đa số ở Thượng Viện.

Hỏi: Lá phiếu của thành phần nữ cử tri thì sao?

Nguyễn Văn Khanh: Ðể trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta phải trở lại với cuộc bầu cử tổng thống 2012. Lúc đó, tổng số phiếu nữ cử tri trẻ chưa lập gia đình dồn cho ông Obama hơn số phiếu ông Mitt Romney của đảng Cộng Hòa tới 17%; tổng số phiếu nữ cử tri đã lập gia đình dành cho ông Romney hơn phiếu ông Obama có được tới 7%. Ðiều đảng Dân Chủ đang lo là thông thường ở cuộc bầu cử giữa kỳ, thành phần nữ cử tri trẻ, chưa có gia đình đi bỏ phiếu không đông bằng số nữ cử tri đã có gia đình. Nếu điều này tái diễn vào Thứ Ba tuần tới, đảng Cộng Hòa sẽ có lợi thế hơn.

Hỏi: Giả sử đảng Cộng Hòa lấy được khối đa số Thượng Viện, chuyện gì sẽ xảy ra?

Nguyễn Văn Khanh: Thay đổi đầu tiên là trong vị thế của khối đa số, lãnh đạo Cộng Hòa ở Thượng Viện có toàn quyền quyết định dự luật nào sẽ được đưa ra để thảo luận, nhưng lại vướng mắc quy định phải có ít nhất 60 phiếu ủng hộ, thành ra những khó khăn mà Thượng Viện Dân Chủ gặp phải trong 6 năm qua sẽ là những khó khăn mà Thượng Viện Cộng Hòa phải đương đầu.

Thay đổi thứ nhì là vai trò chủ tịch các ủy ban và tiểu ban sẽ do các vị thượng nghị sĩ Cộng Hòa đảm nhận, giúp đảng Cộng Hòa cơ hội thực hiện một số điều họ muốn làm, thí dụ như Ủy Ban Ngân Sách và Ủy Ban Quốc Phòng có thể thông qua ngân khoản lớn hơn cho quốc phòng, chuyện có được toàn thể Thượng Viện bỏ phiếu ủng hộ hay không sẽ tính sau, nhưng ít nhất cũng giúp cho đảng Cộng Hòa cơ hội bày tỏ cho dân chúng đường lối, chính sách của họ, dọn đường cho cuộc bầu cử tổng thống 2016. Nên nhớ lịch sử chính trị Hoa Kỳ cho thấy đảng thành công ở cuộc bầu cử giữa kỳ thường có thuận lợi hơn ở cuộc bầu cử tổng thống diễn ra 2 năm sau đó.

Ðiều duy nhất tôi nhìn thấy ngay lúc này là có thể Thượng Viện sẽ bỏ phiếu và thông qua dự luật cải tổ di trú. Ðây là dự luật được soạn thảo bởi 4 vị nghị sĩ gồm 2 Cộng Hòa, 2 Dân Chủ, và đã được thông qua từ năm 2012 nhưng không được chuyển sang Hạ Viện, vì theo các lãnh đạo Thượng Viện Dân Chủ, có chuyển sang thì Hạ Viện cũng không cứu xét hoặc sẽ bỏ phiếu chống. Nếu dự đoán của tôi đúng thì lần này chính Thượng Viện Cộng Hòa làm áp lực với Hạ Viện Cộng Hòa để bỏ phiếu thông qua dự luật quan trọng đó, giải quyết một trong những khó khăn của quốc gia và giải quyết tình trạng di trú cho ít nhất 12 triệu người đang sống trên đất Mỹ mà không có giấy tờ cư trú.

Hỏi: Liệu Thượng Viện Cộng Hòa có kết hợp với Hạ Viện Cộng Hòa để hủy bỏ Obamacare hay không?

Nguyễn Văn Khanh: Câu trả lời là không.

Hỏi: Tại sao vậy?

Nguyễn Văn Khanh: Lý do vì ngay trong hàng ngũ thượng nghị sĩ Cộng Hòa có khá nhiều vị xem chuyện hủy bỏ Obamacare là điều không tưởng, vì thế cùng với các đồng viện Dân Chủ họ nghiêng về hướng phải sửa đổi sao cho Obamacare hoàn chỉnh hơn. Bên Hạ Viện Cộng Hòa muốn hủy bỏ hẳn luật này, nhưng phía Thượng Viện thì không.

Hỏi: Câu hỏi cuối cùng, dự đoán của riêng anh về kết quả bầu cử Thứ Ba tuần tới như thế nào?

Nguyễn Văn Khanh: Tôi không ngạc nhiên khi thấy bên Cộng Hòa sẽ lấy thêm chừng chục ghế ở Hạ Viện, còn Thượng Viện thì chịu thua, không dám vội đoán Cộng Hòa hay Dân Chủ sẽ chiếm đa số. Nên nhớ số cử tri tham gia bầu cử giữa kỳ bao giờ cũng ít hơn số cử tri tham gia bầu tổng thống, vì thế đảng nào lôi kéo được cử tri đi bầu thì đảng đó thành công.





No comments:

Post a Comment

View My Stats