Friday, 7 November 2014

BÀN VỀ SỰ CÚI LẠY (VietTuSaiGon)



Fri, 11/07/2014 - 00:52 — VietTuSaiGon

Gặp một đám tang qua đường, bạn dừng bước, ngả nón và cúi đầu trong im lặng để cầu nguyện cho linh hồn của người đã khuất được bình an, ấm áp. Việc cúi đầu được xem như một lần cúi lạy trước một đồng loại có thể là thân quen mà cũng có thể là không thân quen vừa từ giã cõi đời, đi về một phương trời vô định nào đó giữa vũ trụ mênh mông này. Sự cúi lạy trong tâm niệm này mang hàm ý lưu luyến và cung kính trước một sự ra đi...

Trước một vị cao niên hay một vị lãnh đạo tinh thần, người đã khai sáng cho bạn giữa cõi đời u minh và tăm tối, giữa những dằng co cơm áo gạo tiền, hình ảnh của những vị này giúp bạn nhận chân được sự vô thường của cuộc sống cũng như giá trị của tính điềm đạm trong địa hạt tinh thần, bạn có thể cúi lạy bằng tất cả cảm xúc và lòng ngưỡng mộ.

Trước một số phận éo le, cay đắng cần đến sự chia sẻ của bạn nhưng bạn đành bất lực bởi khả năng có hạn của mình, bạn có thể cúi lạy như một lời tạ lỗi và cũng là một sự chia sẻ, một chút ân cần, thương yêu mà chẳng còn cách nào giải bày, bạn cúi lạy.

Trước một nấm mộ hoang của đồng loại, bạn cám cảnh, lòng lân mẫn của bạn thôi thúc bạn thắp một nén tâm nhang và cúi lạy như một sự biết ơn giữa vô thường, giữa vòng quay sinh thành bại diệt, đồng loại vô danh đã giúp bạn thắp ngọn lửa bi tâm.

Bạn cúi lạy trước di ảnh của ông bà, cha mẹ, anh em bằng hữu, sự cúi lạy của mang mang thông điệp như một lời nhắn nhủ ân cần đến các vong linh rằng họ luôn sống trong tim bạn và sự ra đi của họ không làm bạn nguôi nhớ... Sự cúi lạy của bạn thay cho lời cầu chúc người trong di ảnh được vãng sanh cực lạc.

Bạn cúi lạy trước vẻ đẹp huyền nhiệm của tạo hóa vì khoảnh khắc bất chợt bạn đã hòa mình vào thiên nhiên và nhận chân được giá trị đích thực của đời sống cát bụi, nhận chân được sự bí nhiệm của đấng tạo hóa và nhận ra sự nhỏ nhoi, phiêu diêu của một hữu thể nói cười như bạn. Sự cúi lạy của bạn mang dấu ấn của lòng biết ơn và ngưỡng mộ một điều gì đó không thuộc về lý trí phán xét...
Tất cả sự cúi lạy của lòng kính ngưỡng, tri ân, chia sẻ, tính lân mẫn, tri đức và nhân tính đều mang lại sự thay đổi thế giới, ít nhất là thay đổi thế giới quan trong cái nhìn của bạn, giúp cho bạn biết khiêm cung và tôn trọng những giá trị tiền nhân, thế giới. Nhưng, cũng có nhiều sự cúi lạy khiến cho thế giới này trở nên  chật chội và ngột ngạt, khiến cho người cúi lạy cũng như kẻ nhận lạy trở nên nhỏ bé, ti tiện, vô nhân tính.

Hành vi cúi lạy của một anh thanh niên Việt Nam với nước mắt giàn giụa bên cạnh cô bạn gái giữa một tiệm bán điện thoại di động tại Singapore vì tiệm này không chịu giải quyết cho anh ta trả lại điện thoại Iphone 6 sau những nhầm lẫn về thủ tục của anh ta đã khiến cộng đồng mạng bức xúc, khiến cho bất kì người Việt Nam nào đều cảm thấy mình bị xúc phạm bởi hình ảnh người Việt Nam, cộng đồng Việt Nam đã bị bôi bẩn, bị hạ nhục.

Vì sao một thanh niên Việt Nam không đến nỗi nghèo khổ, thiếu ăn, cũng không mang bất kì dị tật nào trên thân thể lại có hành xử kì cục và bệnh hoạn như thế trước đồng loại không cùng ngôn ngữ? Câu trả lời, có lẽ không phải riêng gì anh thanh niên này, chắc chắn là thế, bởi thói quen, tập khí nhược tiểu của một dân tộc đã bị kiềm chế trong bầu không khí ngột ngạt mấy mươi năm nay, trong đó các vấn đề văn hóa, giáo dục, kinh tế và chính trị đã tác động đến từng hành vi của người dân.
Xét về kinh tế, với nền kinh tế theo cơ chế tập thể một thời gian dài, con người đói khổ, chầu chực miếng ăn như súc vật, sau đó chuyển đổi thành kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một lần nữa manh nha và bùng nổ sự trí trá, hèn hạ, chịu nhục, chịu đấm ăn xôi của đa phần nhân dân lép vế, không có quyền lực bởi mọi thứ quyền lực cũng như đầu mối lợi lộc đã bị thâu tóm vào một nhóm nhỏ.

Về văn hóa, suốt mấy mươi năm sống trong văn hóa nói láo, chỉ điểm, đấu tố và khủng bố tinh thần đối với bất kì người dân nào dám nói lên sự thật, dám bày tỏ chính kiến đã khiến cho dũng khí của người Việt bị tiêu tan rất nhiều, khí chất của người Việt bị thay đổi theo chiều hướng nhút nhát, sợ hãi từng ngày từng giờ... dân khí Việt Nam càng lúc càng trở nên lụn bại và suy đồi.

Về giáo dục, nền giáo dục theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong một cơ chế hoàn toàn thị trường, việc mua bán chữ, mua bán bằng giả, mua bán chức vị trong ngành giáo dục, đút lót, hối lộ để được đi dạy và hối lộ bằng sex cho các quan ngành giáo dục diễn ra nhan nhản, con người được nuôi dạy, đào luyện trong một sinh quyển tham lam, đánh mất lòng tự trọng và sa đọa. Với nền giáo dục như vậy, liệu con người có còn nhân cách hay không chứ đừng nói đến dũng khí với dân khí!

Và, trên hết là về chính trị, với nền chính trị độc đảng, độc tài, luôn hướng con người đến cái nhìn một chiều, nhìn thẳng vào miếng ăn và bất cứ sự suy tư nào cũng đều bị kiểm duyệt và hỏi tội. Sự sợ hãi, hèn nhát của người dân là mục tiêu của nhà cầm quyền, đương nhiên con người trở nên hèn mạt, rẻ rúng và họ cũng chẳng biết làm gì khác ngoài sự quì lụy nếu chưa kịp suy tư về bản thân, xã hội.

Hiện tượng người thanh niên Việt Nam quì lụy trên đất khách để xin xỏ chủ cửa hàng mà không nhất quyết báo cảnh sát ngay từ đầu cho thấy anh ta không tin tưởng vào công lý bằng sự quì lụy của mình. Bởi tin vào hiệu quả của sự quì lụy, van xin nên anh ta đã chọn cách này để thương lượng với cửa hàng điện thoại thay vì báo cảnh sát để sự việc được đưa ra ánh sáng pháp luật.

Điều này chỉ nói lên rằng anh ta đã sống trong một xã hội mà ở đó sự quì lụy, van xin có sức nặng hơn công lý, ở đó, công lý không giúp đỡ gì được cho người bị lừa/hại, hơn nữa kẻ lừa đảo là kẻ có tiền hơn anh ta, cũng đồng nghĩa với việc kẻ đó có dây mơ rễ má đến kẻ nắm quyền. Chính vì đụng đến kẻ có quyền lực sẽ mang lại thua thiệt, anh ta đã chọn cách tủi hổ nhất, đau khổ và nhục nhã nhất để lấy lại công bằng bản thân.

Đương nhiên, không ai nễ hành vi này, kể cả những người bạn Singapore đang bức xúc yêu cầu cửa hàng Air Mobile phải đóng cửa, thậm chí có một chút thương xót và hổ ngươi cho kiếp làm người. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta chê anh ta đốn hèn hay tệ mạt. Bởi lẽ, người đủ sâu sắc sẽ đặt vấn đề nhân cách của cá thể trong mối tương quan tập thể mà người đó đã sống chứ không vội vã chê người ta nếu chưa hiểu rõ bối cảnh lịch sử, chính trị, văn hóa, giáo dục mà con người đó phải thụ nhận hằng ngày.

Sự quì lạy của anh chàng thanh niên Việt Nam giữa cửa hàng điện thoại ở Singapore một lần nữa phản ánh với thế giới tiến bộ một thông điệp rõ ràng: Người Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam đã thật sự tuột dốc trên tiến trình trưởng thành của nhân loại. Và vì đâu người Việt trở nên hèn yếu? Câu trả lời cũng như biện pháp chữa trị "nhân cách Việt" không còn thuộc về dân tộc Việt Nam nữa mà đã đến lúc nó thuộc về lương tri nhân loại!



-------------------------

Danh dự quốc gia và sĩ diện dân tộc



Nhìn hình ảnh một người Việt Nam chắp tay quỳ lạy, van xin một cửa hàng Singapore trả lại anh hơn 7,5 triệu đồng, tôi thấy tội cho anh. Tội nghiệp cho một công nhân Việt Nam với mức lương 4 triệu, dành dụm chắt chiu hơn 4 tháng lương để mua một iPhone 16 triệu làm quà cho bạn gái. Tội thì tội, nhưng nhục thì vẫn nhục. Nhục cho đất nước và dân tộc của mình.

Người công dân mang quốc tịch Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tên là Phạm Văn Thoại. Anh trả cho cửa hàng điện thoại Mobile Air ở khu Sim Lim Square, Singapore 16 triệu đồng cho cái iPhone. Sau khi ký hợp đồng, những con buôn lừa đảo Singapore bắt anh trả thêm 25 triệu phí bảo hành. Vì anh không thể trả nổi phí mắc gần 2 lần giá iPhone, các con buôn chỉ trả lại anh 6,8 triệu và giữ lại 7,5 triệu tiền của anh.

7,5 triệu đồng. Gần 2 tháng lương công nhân, đủ để một người Việt Nam quỳ xuống chắp tay van xin những kẻ đã lừa đảo mình. Hình ảnh khóc lóc, cúi rạp người xuống sàn của người Việt Nam này đã lan truyền khắp nơi tại Singapore và thế giới mạng.

Tuy nhiên:

1. Nếu chúng ta lên tiếng phê phán anh Thoại và "vì" anh Thoại chúng ta mới cảm thấy nhục nhã cho đất nước và dân tộc này thì chúng ta đã nhục... quá muộn!

2. Nếu chúng ta lên án anh Thoại rằng hình ảnh quỳ lạy của anh đã làm mất đi danh dự quốc gia và sĩ diện dân tộc thì chúng ta lên án anh đã làm mất những thứ mà đất nước này đã mất từ lâu. Danh dự quốc gia và sĩ diện dân tộc đã bị đánh mất bởi đảng cộng sản Việt Nam và toàn bộ guồng máy cầm quyền do đảng này dựng nên.

3. Hình ảnh của anh Thoại cũng là bóng dáng của hàng triệu người Việt Nam: những con người bị lừa đảo, bị ăn cướp nhưng thái độ duy nhất có thể có được là quỳ gối van xin kẻ đã lừa đảo và ăn cướp mình.

Nếu phần còn lại của bài viết này dùng để giải thích, chứng minh 3 đoạn văn trên để chúng ta... giờ mới "thấu", mới "thấm", mới "ngộ", mới "hiểu" thì tự chính chúng ta cũng là nỗi nhục của đất nước và dân tộc này.

Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội.



----------------------------------



Trong khi người Singapore cố gắng giúp đỡ vị khách du lịch Việt Nam gặp nạn để bảo vệ hình ảnh của họ, thì không ít trong chúng ta lại lạnh lùng, hả hê và chê bai người đàn ông ấy.

Ai ngờ đâu mình chẳng bênh nhau...

Người đàn ông mặc áo xanh, đôi mắt ngấn nước đau khổ, cầu xin trong tiếng cười cợt của gã chủ cửa hàng nào đó ở một đất nước xa lạ. Thật không may cho người đàn ông ấy, anh đã mua hàng ở một trong những nơi mà khách du lịch tránh xa mỗi khi đặt chân tới đảo quốc Sư tử tráng lệ. Ôi, cuộc đời đâu ai học được chữ ngờ.

Nhưng chữ ngờ của người bị lừa chắc chẳng đắng cay bằng chữ ngờ ngay sau đấy, khi mà những hình ảnh của anh ngập tràn trên mạng xã hội, câu chuyện của anh được cư dân mạng truyền tay nhau với tốc độ chóng mặt. Ở đây, chúng ta một lần nữa lại phải nhắc đến lực lượng "cư dân mạng". Đó không phải là toàn bộ những người dùng Internet, không phải là tất cả thành viên của mạng xã hội rộng lớn này, nhưng thực sự là một "cộng đồng đông đảo và... rất thích lớn tiếng". Lớn tiếng để soi mói chỉ trích. Lớn tiếng để a dua mà không cần biết thực hư sự việc. Và trong nhiều tình huống, còn là lớn tiếng để che đi một trái tim lạnh lùng, thiếu chia sẻ cảm thông.

Trong một câu chuyện mà người Việt chúng ta là người thiệt thòi, người Việt bị lừa đảo, thì cái lực lượng ấy, ngay ở những câu comment đầu tiên, đã lập tức soi mói và phân tích về những chuyện rất không liên quan. Người ta thông cảm cho anh thì ít, mà lên tiếng chế giễu anh thì nhiều. Ô hay! Lương có 4 triệu/ tháng mà cũng đi Sing! Ô hay! Tiền đã không có còn cố đấm ăn xôi mua Iphone 6! Ô hay! Sĩ gái đến thế là cùng! Ô hay! Đụng tí là khóc lóc, xấu hổ quá! Mà cái cô bạn gái kia, bạn trai nghèo thế mà cũng nhận cái iPhone 6 cho được! Vân vân và vân vân.

Người Sing đang tìm cách chuộc lại lỗi lầm của một cá biệt trong số họ, họ đang giúp đỡ và cảm thông với người đàn ông kia.

Những comment đó tràn lan đến nỗi hầu như ai cũng có thể đọc vanh vách nếu được hỏi "cư dân mạng" Việt Nam nói gì về câu chuyện này. Chẳng phải vì không có những người bênh vực, cảm thông và phẫn nộ. Mà vì lực lượng này đông đảo quá, khiến những cảm xúc tốt đẹp kia cứ như những giọt nước nhỏ rơi lõm bõm xuống biển sâu.

Ai mà học nổi chữ ngờ này cơ chứ, ai mà học nổi chữ ngờ rằng, dù ta không sai, dù ta đang bị thiệt thòi mà chẳng ai lên tiếng bênh vực ta. Ngược lại, họ lên án và chê bai ta.

Một chữ ngờ khác nữa lúc này lại đến, và chúng ta cũng chẳng thể... ngờ tới. Đó là khi những người bạn Singapore cùng nhau nắm tay, giúp đỡ và cảm thông với người đàn ông ấy, lùng sục và tìm cách trừng phạt kẻ gây ra tội lỗi kia. Chẳng ai hỏi, chẳng ai cười cợt, cũng chẳng ai chê bai anh kia ít tiền, anh kia khóc lóc. Tất cả những gì họ làm là chia sẻ, là xót thương. Họ chẳng những không chê bai anh là tiền ít mà đòi chơi sang, họ ngưỡng mộ anh đã cố gắng, đã galant để làm vui lòng bạn gái. Họ tìm cách giúp đỡ, họ giang tay với người đàn ông kia, thậm chí họ còn cùng nhau quyên góp tiền và này, họ còn đưa ra vài lời mời công việc cho người đàn ông ấy. Họ dở hơi quá, phải không? Chẳng phải chuyện của mình, chẳng phải người nước mình mà cũng cuống lên tìm cách giúp đỡ.

Họ làm điều đấy cho người anh em, người bằng hữu của chúng ta đấy. Nhưng hơn hết là họ làm để giữ hình ảnh đẹp của chính mình. Họ bảo nhau, phải làm thế nào để hình ảnh người Singapore không bị xấu đi trong mắt khách du lịch, phải giữ thể diện cho đất nước họ. Và trong khi họ cùng nhau chung tay làm những điều tốt đẹp đó, chúng ta đã làm được gì cho người anh em, người bằng hữu của mình ngoài những lời chỉ trích và sự hả hê lạnh lùng?

Cùng một sự việc, ấy thế mà hai cách cư xử khác nhau quá đỗi. Đến lúc này, có thật rằng người đàn ông kia đáng xấu hổ đến thế vì đã khóc lóc, vì đã "sĩ diện" với bạn gái, hay chính chúng ta - lực lượng "cư dân mạng" mới phải tự xấu hổ về cách cư xử nhỏ nhen và lạnh lùng của bản thân với chính người Việt mình?

Và chuyện của những "cư dân mạng" giả tạo như chúng ta

Chẳng lẽ, ai đó sẽ không thể đường hoàng mang tiền mình kiếm được ra bằng mồ hôi nước mắt để mua một món quà đắt tiền cho bạn gái, chỉ vì "cư dân mạng" chúng ta lớn tiếng bảo rằng đừng có mà đua đòi? Chẳng lẽ, chúng ta là những kẻ chỉ cần thấy ai đó thua thiệt hơn mình là tìm đủ mọi cách để dìm họ sâu xuống đại dương của nỗi tủi hổ? Chẳng lẽ, chúng ta quyền lực đến mức, tự cho mình cái quyền phán xét người khác và bắt họ sống theo chuẩn mực đạo đức của riêng mình?

Không đâu bạn ạ, không một chút nào. Bạn không có quyền lên án, bởi thực ra, bạn cũng đâu quan tâm đến việc câu chuyện đó đúng hay sai đâu phải không? Bạn cũng chẳng quan tâm đến xã hội này đang xấu lên hay tốt đi. Tất cả những gì bạn đang nói, chỉ là để thỏa mãn sự tự ti và nhỏ nhen bên trong trái tim của mình mà thôi.

Bởi nếu bạn quan tâm, hẳn bạn đã thấy câu chuyện tươi sáng hơn rất nhiều. Rằng đã có những người đàn ông tốt bụng như vậy, đã có những người thực hiện mong muốn của mình bằng đôi bàn tay, dù có khó khăn hay vất vả nhưng họ đã cố gắng hết mình.

Du khách người Việt Nam cho biết anh chỉ muốn mọi chuyện chấm dứt thật nhanh và từ chối nhận số tiền gần 12.000 USD quyên góp từ cộng đồng mạng Singapore.

Bởi nếu bạn quan tâm, hẳn bạn đã thấy rõ rằng chẳng ai khác ngoài chính người đàn ông ấy, người đàn ông Việt Nam ấy bị thiệt thòi, bị bắt nạt, bị lừa đảo ở nơi đất khách. Và người bị lên án ở đây không phải là người đàn ông đã cố gắng tiết kiệm để mua quà cho bạn gái, mà là người bán hàng ngoại quốc kia.

Và nếu bạn quan tâm, bạn hẳn đã nhìn thấy cách người Singapore quan tâm đến câu chuyện này như thế nào. Họ cho thấy sự quan tâm thật sự, họ cố gắng giải quyết vấn đề để giữ hình ảnh của mình bằng mọi giá. Và họ đã làm được, họ đã để cho cả thế giới thấy, cho tất cả chúng ta thấy, đất nước của họ chỉ có duy nhất cửa hàng kia là cá biệt, và họ đang bài trừ để không còn trường hợp như vậy xảy ra nữa. Họ cho ta thấy, nếu chúng ta gặp nạn trên đất nước của họ, sẽ có rất nhiều những cánh tay chìa ra giúp đỡ.

Bởi nếu bạn quan tâm, bạn sẽ chẳng nỡ buột miệng chê bai chính người Việt mình đang phải chịu thiệt thòi nơi đất khách. Bởi nếu bạn quan tâm, khi đó bạn sẽ có tình yêu và lòng tôn trọng.
“Chúng ta đổ lỗi cho cộng đồng, trong khi chính chúng ta là cộng đồng. Vậy nên để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta phải thay đổi chính mình trước”. Đó là một câu nói hay, và chắc chắn là nó đúng. Đừng mơ tưởng đến một thế giới tốt đẹp khi chính chúng ta không đang tự dọn dẹp lại cuộc sống của mình. Đừng nghĩ đến những con người hoàn hảo, những đạo đức chuẩn mực trong khi chính chúng ta cũng không theo đuổi được những chuẩn mực đó.

Hơn ai hết, hãy bao dung với đồng loại. Đừng lấy những gì xấu xí, những gì kì thị để gán vào họ chỉ bởi vì họ không sống theo chuẩn mực của riêng mình. Nhìn người khác với con mắt tôn trọng, yêu thương và bảo vệ. Đó thực mới là cách để chúng ta tiến đến gần hơn cái cuộc sống lý tưởng và đưa cái chuẩn mực mà ta hằng ao ước đến với tất cả mọi người.

Sao nào, chỉ vậy thôi, liệu chúng ta có làm được không?
Theo: Báo Màn ảnh sân khấu






No comments:

Post a Comment

View My Stats