Wednesday, 5 November 2014

Đấu Tranh Qua Truyền Thông (Vi Anh)





05/11/2014

Truyền thông là danh xưng gọn của truyền thông đại chúng (mass-news media). Cũng như văn học có văn học kinh điển với văn học sử, tác giả, tác phẩm và văn học bình dân với ca dao, tục ngữ, hát đối, túi khôn của một dân tộc nhiều đời, nhiều người, không tên tác giả. Truyền thông dù sanh sau đẻ muộn hơn nhưng phần nào cũng như thế, gồm có báo chí, truyền thanh, truyền hình là truyền thông truyền thống chuyên nghiệp, và blog, web, paltalk, online và các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, Twitter là truyền thông tài tử, dân dã, không chuyên nghiệp, bình dân. Thời đại này là thời đại tin học, khoa học kỹ thuật đã cung ứng những phát minh truyền tải trên Internet khiến bất cứ người bình dân nào cũng có thể làm công việc của một nhà truyền thông, chỉ trong vài giây dùng máy điện thoại di động bấm hình và lời chuyển đi cho khắp thế giới hay biết. Nên truyền thông truyền thống, báo chí, phát thanh, phát hình nào bây giờ cũng mở ra online, và web cùng tên để khán, thính giả góp ý một cách dễ dàng nhờ không gian tin học rộng rãi ngàn lần hơn tờ báo hay thời lượng của phát thanh, phát hình. Và thích ứng này của truyền thông truyền thống cũng là con đường sinh lộ cho truyền thông đại chúng. Thí dụ trên báo Le Monde của Pháp những bài nổi bật muốn mở xem phải trả tiền bằng thẻ tín dụng. Báo Washington Post, tờ báo gối đầu giừơng của chính khách Mỹ cũng thế.

Thành ra, trong tuần lễ đầu đến Mỹ, Anh Blogger Điếu Cày Nguyễn văn Hải có nói khá nhiều trên truyền thông đại chúng có chương trình tiếng Việt. Trên đài VOA, RFA, nào là Anh sẽ kiện VN ra toàn quốc tế, nào là Anh sẽ chỉ rõ những khuyết tật của VN, nào là Anh tiếp tục “đấu tranh bằng truyền thông”.

Về “đấu tranh bằng truyền thông”, “Anh nhận định Anh dù ra nước ngoài như thế này, Anh vẫn không bị tách khỏi môi trường đấu tranh ở trong nước. Anh khẳng định “Bởi vì chúng tôi hoạt động tự do báo chí trên internet mà trên internet thì không có khoảng cách… Ra ngoài hải ngoại, làm việc trên internet thì không có khoảng cách, tôi cũng không nghĩ rằng tôi bị tách khỏi xã hội Việt Nam thì tôi sẽ không hoạt động, không đấu tranh được.”… “Thật ra, ngay sau khi rời khỏi sân bay về đến nhà thì từ ngày hôm đó đến hôm nay chúng tôi đã thực hiện những việc đó là kết nối. Đến hôm nay, chúng tôi đã một nhóm ở đây rồi. Anh em từ Canada sang cũng đã có một nhóm ở đây. Do vậy những chương trình sắp tới tôi đang thảo luận, bàn bạc để tiếp tục làm việc. Tôi là người của hành động nên từ hôm đó đến nay, mặc dù là chưa được khỏe để tiếp xúc với anh em bên truyền thông nhưng chúng tôi đã thực hiện những việc kết nối anh em trong và ngoài nước rồi.”… “Bởi vì trong thế giới phẳng này, trong kỷ nguyên của toàn cầu hóa và hội nhập, hợp tác và phát triển này thì việc liên lạc, việc đi lại cũng không phải là khó khăn như trước. Do vậy, ở hải ngoại này tôi vẫn cứ làm việc hiệu quả được như thường.”

Trả lời câu hỏi của nhà báo Nam Nguyên của RFA, Anh Blogger Điếu Cày nói: “Đó là câu chuyện truyền thông chúng ta cần phải làm. Với những người đấu tranh dân chủ như chúng ta thì việc cất lên tiếng nói thay cho những người tù mà đã bị bắt vào trong đó là điều rất quan trọng. Chính nhờ truyền thông chúng ta loan tin rộng rãi, đấu tranh mạnh mẽ thì sẽ đưa được tiếng nói của những người tù đến được với những tổ chức quốc tế mà khiến họ phải lưu tâm, khiến họ cũng phải góp tay đấu tranh để yêu cầu những chính quyền độc tài phải thả người của chúng ta ra.”

Qua những ý và lời trên của Blogger Điếu Cày cho thấy đường đi nước bước, hình thức đấu tranh của Anh không khác của người Việt ở hải ngoại đã thực hiện trước Anh hàng chục năm rồi. Sách lược đó họp thời cơ, địa lợi, nhân hoà. Thời cơ bây giờ của người Việt trong ngoải nước là đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền; đó là mẫu số chung của người Việt trong quốc nội hay ngoài hải ngoại, của người Việt ở Bắc, ở Trung, ở Nam và ở hải ngoại. Chánh nghĩa đấu tranh đó cũng phú họp với chính trị ngoại giao của cộng đồng Thế Giới Tự do văn minh, đặc biệt là Mỹ. Họp địa lợi – đặc biệt với Anh Điếu Cày vì Blogger Điếu Cày ở trong nước dùng báo mạng, dùng blog chánh trị để đấu tranh. Qua Mỹ là Anh đến được đất lành, thừa mứa phương tiện để phát huy tối đa sở trường, chuyển lửa về quê hương, xứ sở.

Anh có nói ở tù sáu bảy năm, Anh còn lọng cọng sử dụng computer. Nhưng đó là chuyện nhỏ, thước sẽ dạy thầy, cây dạy thợ, on job training, chẳng lo gì ở xứ Mỹ quê hương của computer này. Nhiều thủ tướng, bộ trưởng, tướng lãnh, nghị sĩ, dân biểu VN Cộng Hoà lúc đương thời chưa có môn computer để học, khi làm việc có nhiều nhân viên tuỳ dịch đâu có biết đánh máy. Nhưng khi qua Mỹ không bao lâu cũng học lóm, tập tành cũng rành xài computers.

Anh Điếu Cày mới qua chắn chắn sự hiểu biết của Anh mới hơn, cập nhựt hơn về nguyện vọng của người dân Việt và “ý đồ” của nhà cầm quyền CSVN. Điều đó sẽ giúp cho đồng bào hải ngoại hiểu rõ CS hơn, rõ đồng bào hơn. Anh có thể như con thoi liên kết phong trào đấu tranh giữa trong và ngoài nước.

Anh là nhân chứng sống mới nhứt. Anh có thể chứng tỏ cho đồng bào Việt, nhứt là thế hệ trẻ thấy và thế giới thấy là chế độ CS tuyên truyển dối gạt và dùng khủng bố củng cố tuyên truyền. CS là đại sát thủ Internet, đại sát thủ tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các nước văn minh viện trợ, cho vay ưu đãi, giao thương rộng rãi mà không đặt điều kiện nhân quyền VN với CSVN là giúp cho CS thêm phương tiện đàn áp người dân Việt.

Anh là một người tỵ nạn chánh trị như hầu hết người Việt tỵ nạn CS ờ Mỹ. Cùng thành tâm, thiện ý sống và làm việc ở hải ngoại như mọi người trong cộng đồng người Việt tỵ nạn chánh trị trong cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN, thì “cảm nghĩ thuộc về nhau” sẽ đến một cách tự nhiên thôi./.(Vi Anh)






No comments:

Post a Comment

View My Stats