Thứ hai 02 Tháng Mười Hai 2013
Quan hệ quốc phòng Nga-Việt
đang rất khởi sắc trong thời gian ba năm gần đây, với hàng loạt hợp đồng của
Việt Nam đặt mua vũ khí hiện đại của Nga trị giá hàng tỷ đô la. Dấu hiệu rõ rệt
nhất về quan hệ gắn bó trở lại giữa Hà Nội và Mátxcơva là chuyến công du Việt
Nam ngày 12/11/2013 vừa qua của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dù không được
quảng bá rầm rộ, việc tăng cường hợp tác quốc phòng Nga-Việt là trọng tâm chính
của chuyến thăm, và hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận.
Trong bài phân tích đăng trên
tạp san trên mạng The Diplomat ngày 26/11 mang tựa đề hóm hỉnh “Chú Gấu
Nga đã trở lại Việt Nam” (The Bear is Back : Russia Returns to Vietnam),
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Châu Á đã nêu bật thành tố quốc phòng
trong quan hệ đang trên đường phát triển thắm thiết trở lại giữa hai đồng minh
cũ Việt Nam và Nga.
Được giáo sư Thayer cho phép, RFI xin giới thiệu toàn văn
bài phân tích này :
Hôm 12/11/2013, Tổng thống
Vladimir Putin đã thực hiện một chuyến thăm chớp nhoáng đến Hà Nội trong một
ngày để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam đạt được vào
năm ngoái. Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của ông Putin, và là lần thứ hai
kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga.
Putin đã gặp ba lãnh đạo hàng
đầu của Việt Nam : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng. Khi chuyến viếng thăm kết thúc hai
bên thông báo đạt được 17 hiệp định song phương, bao gồm năm thỏa thuận trong
lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Các thỏa thuận này phản ánh diện rộng của quan
hệ hai nước, đã bắt đầu được phát triển trở lại 10 năm sau ngày Liên Xô sụp đổ.
Lực lượng vũ trang Việt Nam -
phòng không không quân, hải quân, thiết giáp và pháo binh – đều lệ thuộc vào
phụ tùng thời Xô Viết, và trang thiết bị rất cần được hiện đại hóa.
Từ năm 1993 đến năm 2000, Nga
đã bán cho Việt Nam 12 chiến đấu cơ Su-27SK và Su-27UB Flanker, 2 hộ tống hạm
tấn công trang bị tên lửa, 4 hệ thống radar và các thiết bị quân sự khác.
Vào tháng Ba năm 2001, Liên
bang Nga đã trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam. Vào thời điểm
đó, hai bên đã vạch ra 8 lĩnh vực hợp tác chính : Chính trị - ngoại giao, dầu
khí, thủy điện và năng lượng hạt nhân, thương mại, đầu tư, khoa học và công
nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và du lịch, thiết bị quân sự, và công nghệ.
Điều 8 của Hiệp định Đối tác
Chiến lược đã xác định rằng : « Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong việc
cung ứng thiết bị quân sự để đáp ứng nhu cầu an ninh của Việt Nam và Nga mà
không nhắm vào bất kỳ nước thứ ba nào ».
Từ năm 2001 đến năm 2008, quan
hệ song phương đã bị tình trạng kém cỏi của nền kinh tế Nga hạn chế; do đó quan
hệ đối tác chiến lược đã có nền tảng rất mỏng. Từ năm 2008, Nga đã khôi phục
lại sự ổn định chính trị và kinh tế nhờ ngành dầu khí phát triển. Nga đã tìm
cách khai thác các cơ hội kinh doanh tại nước đang phát triển nhanh là Việt Nam
và các tuyến thông thương giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông Nga.
Vũ khí, đặc biệt trong lãnh vực phòng thủ biển được ưu
tiên
Bán vũ khí cho Việt Nam đã sớm
trở thành một thành tố quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt.
Từ năm 2008 đến năm 2012, Hải
quân Việt Nam đã tiếp nhận 2 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường lớp Gepard và 4
tàu tuần tra cao tốc lớp Svetlyak. Hải quân Việt Nam cũng mua 40 tên lửa
Yakhont/SS-N-26 và 400 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran/SS-N-25.
Trong năm 2009, Việt Nam đã ký
một hợp đồng mua 6 tàu ngầm quy ước tiên tiến lớp Dự án 636 Varshavyanka
(Kilo).
Lực lượng phòng không không
quân Việt Nam đã nhận 20 máy bay chiến đấu Su-30MK2V trang bị tên lửa hành
trình chống hạm Kh-59MK, 100 tên lửa không-đối-không tầm ngắn R-73 (AA- 11
Archer ), 200 tên lửa địa-đối-không 9M311/SA -19 Grison, 2 hệ thống tên lửa
phòng không S-300PMU-1, 4 dàn radar tìm kiếm và phòng không Kolchnya, 3 hệ
thống định vị vô tuyến thụ động Vera. Việt Nam cũng đã nhận hai dàn tên lửa
phòng thủ bờ biển K-300P Bastion.
Ngày 27/07/2012, Tổng thống
Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp nhau tại thành phố nghỉ mát Sochi
và thông qua một Tuyên bố chung, nâng quan hệ song phương lên cấp đối tác chiến
lược toàn diện. Thương vụ bán vũ khí của Nga và các hợp đồng dịch vụ với Việt
Nam hiện trở thành thành tố quan trọng nhất trong quan hệ song phương Việt Nga.
Từ năm 2012, Việt Nam đã đặt
mua thêm 12 máy bay Su-30MK2 và 2 hộ tống hạm lớp Gepard 3.9 được thiết kế đặc
biệt cho việc chống tàu ngầm. Nga cũng được hợp đồng xây dựng một cơ sở bảo trì
và sửa chữa tàu quân sự tại Vịnh Cam Ranh.
Ngay trước ngày ông Putin đến
thăm Việt Nam vào tháng 11, Nga đã cho chở chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên về Việt
Nam, và thông báo sẽ bàn giao vào tháng Giêng năm 2014 một trung tâm đào tạo
thủy thủ tàu ngầm mà Nga đã xây dựng trong Vịnh Cam Ranh.
Hợp tác quốc phòng bao gồm cả việc chế tạo vũ khí Nga tại
Việt Nam
Kết thúc chuyến thăm Việt Nam
của ông Putin vào tháng 11/2013, một Tuyên bố chung được công bố, trong đó đề
cập ngắn gọn đến việc hai bên đã đạt được một thỏa thuận về hợp tác quốc phòng,
nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào.
Thông tin báo chí và các nguồn
tin chính thức khác cho biết là Nga sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vào việc giúp vận
hành các loại vũ khí và thiết bị quân sự mà họ đã bán cho Việt Nam, và chuyển
giao công nghệ quân sự cho phép hợp tác sản xuất. Chẳng hạn như có khả năng là
Việt Nam và Nga sẽ hợp tác sản xuất tên lửa hành trình chống hạm Uran (SS-N- 25
Switchblade).
Trong một cuộc phỏng vấn vào
ngày 09/11/2013, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Putin , Chủ tịch nước
Việt Nam Trương Tấn Sang đã kêu gọi hai nước « nâng hợp tác quân sự lên tầm
cao mới », để « tạo ra một bước đột phá mới » trong quan hệ đối tác
chiến lược toàn diện. Ông Sang cũng đề xuất việc « liên doanh sản xuất, hợp
tác trong nghiên cứu, trong việc thiết lập các trung tâm dịch vụ và bảo hành
cũng như xuất khẩu sang nước thứ ba ».
Trong một tuyên bố đưa ra trước
khi đến Hà Nội, Tổng thống Nga Putin đã ghi nhận rằng : « Hợp tác quân sự và
kỹ thuật đã phát triển lên một quy mô hoàn toàn mới. Nó không còn giới hạn
trong lãnh vực xuất khẩu vật tư, mà các bước đang được thực hiện để khởi động
việc sản xuất có giấy phép các loại thiết bị quân sự tiên tiến với sự hỗ trợ
của các công ty Nga tại Việt Nam ».
Mátxcơva muốn Hà Nội mở cửa Cam Ranh cho Hải quân Nga
Nga hiện đang thúc ép Việt Nam
cho họ đặc quyền sử dụng các cơ sở sửa chữa, bảo trì tàu quân sự, và các cơ sở
hậu cần được xây dựng tại Vịnh.
Trang thiết bị mà quân đội Việt
Nam đã và sắp mua của Nga đã tạo ra một nhu cầu cấp bách trong việc bảo trì,
sửa chữa và đào tạo một cách thích ứng, mà chỉ có các doanh nghiệp quốc phòng
Nga mới có thể cung cấp. Ngoài ra, Nga đã đề nghị mở rộng các học viện quân sự
của họ cho việc đào tạo nhân viên quân sự Việt Nam.
Liên quan đến việc Việt Nam đặt
mua 6 chiếc tàu ngầm loại Kilo của Nga, Đô đốc Úc James Goldrick (đã nghỉ hưu)
gần đây đã ghi nhận rằng : « Việt Nam đang cố gắng thực hiện rất nhanh chóng
một điều mà trong thời gian gần đây không một lực lượng hải quân nào làm được,
trên như một quy mô như vậy và từ một cơ sở hạn chế như vậy ». Ông kết luận : «
Các con tàu mới có thể sẽ có một số lượng lớn người Nga trên tàu trong nhiều
năm tới đây... Các chuyên gia Nga chắc chắn sẽ được cần đến trên bờ ».
Tóm lại, « Chú Gấu »
đang trở lại Việt Nam. Trong những năm tới, các công ty Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam
trong việc điều hành và bảo trì những hệ thống trang bị quân sự cao cấp, những
thiết bị và vũ khí mà Việt Nam đã mua từ Nga. Các công ty quốc phòng Nga sẽ hỗ
trợ Việt Nam trong việc cùng sản xuất các loại tên lửa và vũ khí sẽ được trang
bị cho các phương tiện không quân và hải quân mới. Và nhân viên quân sự cũng
nhu các chuyên gia Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển hạm đội tàu
ngầm của mình.
Các cơ sở quân sự của Nga tại
Vịnh Cam Ranh cũng có thể được dự trù để tiếp tế và sửa chữa tàu hải quân Nga
trên đường đi từ miền Viễn Đông Nga đến Vịnh Aden và ngược lại.
Như Tuyên bố chung ngày 14/11
đã tiết lộ, liên doanh dầu khí Nga-Việt sẽ tiếp tục công việc thăm dò và khai
thác trên thềm lục địa của Việt Nam. Nga và Việt Nam do đó sẽ có chung lợi ích
trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
No comments:
Post a Comment