Thursday, 26 December 2013

VIỆT NAM HÔM NAY, NGÀY 26.12.2013 (VRNs)




HT.ĐT.VRNs
Đăng ngày: 26.12.2013

VRNs (26.12.2013) – Sài Gòn -

1. Sức khỏe của tù nhân lương tâm Paulus Lê Sơn rất yếu
Sáng nay, ông Đỗ Văn Phẩm, cậu của tù nhân lương tâm chính trị Paulus Lê Sơn được thăm gặp anh tại trại giam Nam Hà. Cuộc thăm gặp kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Ông Phẩm cho biết: “Hiện nay, sức khỏe của Sơn yếu vì [ở đó] rét và Sơn đang bị bệnh trĩ, đi ngoài ra máu hơn một tháng nay. Sơn có làm đơn [yêu cầu trại giam cho đi chữa bệnh] nhưng trại giam chỉ cho mấy liều thuốc thì chả được cái gì cả, chả khỏi được. Sơn thiếu thổn đủ thức [như] tình cảm, kinh tế… Ở trong trại giam, Sơn không nhận tội, bị xếp vào loại F nên Sơn không được gọi điện thoại về nhà, gửi thư từ. Sơn đang làm mây tre đan.”
Ông Phẩm cho biết thêm, anh Paulus Lê Sơn có gửi ra một bức thư với nội dung: “Con Lê Văn Sơn, kính chào quí cha, quí chú bác và anh em, những người bạn của con ! Trong tình yêu và sự quan phòng của Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta.”
“Kính thưa quí cha, chú bác, anh em và những người bạn. Con xin gửi đến tất cả mọi người tâm tình tạ ơn, con kêu cầu mọi người hãy quan tâm đến con trong hoàn cảnh tù đày cô đơn này. Vì sức khỏe con không được tốt nên con có những biểu hiện như mờ mắt, chóng mặt, đau đầu, da dẻ thì bị lốm đốm biến trắng từng đám …”
“Con kính xin quí cha, chú bác, anh em và những người bạn quyên góp tiền nuôi con hàng thánh đầy đủ, con đói lắm ! Kính chúc quí cha, chú bác, anh em và những người bạn tràn đầy ơn thánh. Amen !”
Ông Phẩm cho hay, mỗi lần ông đi thăm nuôi anh Paulus Lê Sơn đều có công an theo dõi cuộc nói chuyện giữa hai cậu cháu.
Được biết, trong chuyến thăm nuôi tù nhân lương tâm chính trị Paulus Lê Sơn cùng đi với ông Phẩm có một số thành viên của Hội Bầu Bí Tương Thân và Dân oan Bùi Hằng. Dân oan Bùi Hằng gửi cho anh Paulus Lê Sơn một lời nhắn được ghi trên một tờ giấy trắng: “Sơn ơi! Hãy cố lên nhé! Mọi người đều nhớ mong em! Cầu chúc em sức khỏe và niềm tin.”
Blogger Paulus Lê Sơn, một trong những Thanh niên Công giáo có những bài viết liên quan đến đàn áp tôn giáo, tham gia biểu tình chống Trung Cộng, đấu tranh Nhân quyền tại VN…
Blogger Paulus Lê Sơn bị nhà cầm quyền quy kết vào “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” Điều 79 BLHS và bị kết án 4 năm tù giam trong phiên tòa phúc thẩm, hồi ngày 23.05.2013.
Trong thời gian vừa qua, nhiều Tổ chức phi chính phủ bảo vệ Nhân quyền và Tự do ngôn luận như Ủy Ban Bảo Vệ Ký giá (CPJ), Electronic Frontier Foundation, Article 19, Medial Legal Defence Initiative… lên tiếng và đòi buộc nhà cầm quyền cs VN thả ngay Blogger Paulus Lê Sơn cũng như các Thanh niên Công giáo khác đang bị giam cầm.

2. Hà Nội sẽ lắp camera tại các bệnh viện
VnExpress đưa tin, tại hội nghị giao ban của ngành y tế hôm 25.12,, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các bệnh viện có phương án sắp xếp, bố trí giường bệnh hợp lý; chuyển bệnh nhân nhẹ xuống tuyến dưới, tuyệt đối không để bệnh nhân nằm ngoài hành lang.
Đồng thời tiếp tục đổi mới quy trình khám chữa bệnh; lắp camera giám sát tại khoa cấp cứu và khám bệnh; kịp thời giải quyết các ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Các cơ sở y tế cũng cần tổ chức các lớp tập huấn về qui tắc ứng xử để nâng cao hơn nữa y đức, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Bạn đọc Đoàn Đức nhận xét: “rất ủng hộ kế hoạch hành động này của thành ủy Hà nội. Hi vọng cũng với cách làm trên toàn bộ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh, vùng đều được trang bị.” Bạn đọc lê vũ khiêm cũng đồng tình: “Rất hoan nghênh. [Việc làm trên] sẽ nâng cao được y đức.”
Tuy nhiên bạn đọc Đoàn Phúc lại cho rằng:Tôi nghĩ cách này không ổn, nếu bạn làm việc trong tâm trạng luôn nghĩ mình bị theo dõi sẽ không thoải mái và càng dễ gây tai biến hơn.” Bạn đọc Bạch Diệp thì cho biết thêm: có một bác sĩ đã từng nói khi hai vợ chồng đến nhà thương: “các cháu định cảm ơn bác sĩ bao nhiêu thì cảm ơn ở đây để bác sĩ làm không đau, chứ sang phòng hút thì không tiện vì có gắn camera.”

3. Tàu trong nước tấn công nhau tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ ?
Tờ Người Lao Động đưa tin, anh Trương Đình Hùng (SN 1984, trú tại thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường), là chủ tàu cá 165CV mang số hiệu TH 90095TS đã phản ánh việc bị một tàu mà theo anh là ‘tàu trong nước’ tấn công khi đang đánh cá trên biển.
Theo tường thuật, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 20.12, khi tàu của anh Hùng đang đánh cá bằng lưới tại vùng đánh bắt cá chung Vịnh Bắc Bộ, thì bất ngờ có một chiếc tàu lao tới đâm thẳng vào Cabin mạn phải của thuyền.
Chiếc tàu vừa đâm vừa ném gạch, đá, rồi phi lao bằng các thanh gỗ về phía thuyền viên trên tàu. Sau đó, chiếc tàu lại đâm liên tiếp 2 phát nữa khiến tàu bị hư hỏng nặng, có thể chìm bất cứ lúc nào.
Anh Hùng đã phải cắt đứt lưới của mình và nổ máy chạy thoát thân, đồng thời phát tín hiệu cầu cứu. Nhận được tin kêu cứu, nhiều tàu bạn đang đánh cá gần đó đã chạy lại ứng cứu thì tàu lạ mới bỏ chạy.
Anh Hùng cho biết thêm: “Bằng kinh nghiệm đi biển nhiều năm, tôi khẳng định tàu lạ trên chắc chắn là 1 tàu trong nước. Tàu này sơn màu xanh và đi nghề lưới bao, trong lúc bị đâm tôi chỉ nhìn thấy được số hiệu V0770.”
Cũng có thể do sơ sót nên anh Hùng đã không cho biết, người trên tàu đó có phải là người trong nước hay không. Tuy nhiên, bạn đọc Hương Giang của Dân làm báo vẫn đặt nghi vấn: người Trung Quốc “nhập cư lập phố Tàu dọc theo các bờ biển Việt Nam … cho nên dân Trung Quốc giả trang tàu địa phương cũng không có gì khó hiểu.”
Theo tường thuật của anh Hùng thì chiếc tàu trên đã thực sự có ý xấu khi liên tiếp tấn công “khiến tàu bị hư hỏng nặng, có thể chìm bất cứ lúc nào.”
VnExpress còn dẫn lời kể của anh Hùng, “Rất may chúng tôi đã được ứng cứu kịp thời nếu không cả nhóm thuyền viên có thể mất mạng.” Các báo đài cũng loan thông tin trên với danh xưng “tàu lạ”. Bạn đọc Tran van long  bày tỏ : “Khổ bà con mình quá. Tàu lạ là tàu gì? Nó phải có tý manh mối chứ?!”

4. Sẽ sớm có luật tiếp cận thông tin
Tờ Người Lao Động đưa tin, vào ngày 25.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã đề nghị các bộ chức năng chuẩn bị các dự án luật, trong đó có dự án Luật Tiếp cận thông tin. Ông Dũng nói: “Thời đại này, không có Luật Tiếp cận thông tin không được đâu. Xem xét quy định cái gì nằm trong diện đáng mật thì mật, quy định mật cũng phải xem thời gian bao lâu phải giải mật. Còn xã hội càng minh bạch càng tốt.”
Bài báo cho biết thêm, dự án Luật Tiếp cận thông tin trước đó do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng (phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông), từng có giai đoạn chuẩn bị nhưng sau đó tạm dừng.
Trong một bài viết đăng tải trên trang mạng Viện khoa học pháp lý, TS Thái Vĩnh Thắng thuộc Đại học Luật Hà Nội đã giải thích: “Quyền tiếp cận thông tin (right to access to information) là quyền của mọi công dân được tiếp cận các thông tin được ban hành và lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước.”
Bà Magdalena Sepúlveda, Chuyên gia độc lập LHQ về nhân quyền và đói nghèo cùng cực, đã từng cho biết vào năm 2010, quyền tiếp cận thông tin là một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng.
Bà nói: “Chính phủ [Việt Nam] cần sớm tăng cường các cơ chế khiếu nại và thông qua luật pháp về đảm bảo tiếp cận với thông tin sao cho hữu hiệu và dễ tiếp cận, bên cạnh các cơ chế khác, nhằm đảm bảo rằng các vấn đề sẽ được phát hiện và giải quyết một cách kịp thời, và đảm bảo những người có hành vi tham nhũng bị xử lý.”

HT.ĐT.VRNs

------------------------------






No comments:

Post a Comment

View My Stats