Được đăng ngày Chủ nhật, 15
Tháng 12 2013 21:02
“...Trong cuộc họp ngày
27/8/1963, khi nghe đọc xong bản tường trình của ông William E. Colby về tình
hình Việt Nam, tổng thống Kennedy tỏ ý muốn hoản lại cuộc đảo chánh vì thấy
chưa cần, nhưng Hilsman đòi làm ngay...”
*
Hôm 22/11/2013, nhân kỷ niệm 50
ngày tổng thống Kennedy bị ám sát ở Dallas, đài phát thanh Pacific Radio ở San
Franciso, California, mở một cuộc phỏng vấn 5 nhân vật đã từng nghiên cứu về
cuộc ám sát này và công bố trên làn sóng KPFA 94.1 FM, ở Berkeley, California,
trong 4 tiếng đồng hồ.
Năm người được phỏng vấn là
Oliver Stone, nhà làm phim về vụ ám sát Kennedy; Peter Kuznick, giáo sư về lịch
sử của American University đã hợp tác với Oliver Stone; Mark Lane, một luật sư
và chuyên gia về Kennedy; Peter Dale Scott, tác giả của quyến sách nổi tiếng
"Deep Politics and the Death of JFK"; và Jefferson Morley,
người nghiên cứu và điều hành website http ://www.jfkfacts.org/(Các sự kiện về Kennedy).
Nhiều tài liệu bí mật đã đươc trình bày thêm.
Phát hiện tài liệu thứ nhất
Các giả thiết về cái chết của
tổng thống Kennedy quá nhiều, nhưng các học giả và sử gia đồng ý loại bỏ các
giả thiết đi quá xa. Đa số tập trung vào các tài liệu được tìm thấy và lời khai
của các nhân chứng đã được công bố. Đầu tiên, người ta tìm thấy chỉ thị mật về
an ninh quốc gia mang số NSAM 263 do ông McGeorge Bundy, phụ tá đặc biệt về An
Ninh Quốc Gia của tổng thống Kennedy ký tên. Chỉ thị này rất ngắn và trong đó
có một câu rất quan trọng sau đây :
“Tổng thống chấp thuận những đề
nghị về quân sự trong Phần IB (1-3)* của báo cáo, nhưng ra lệnh thông báo không
chính thức về việc thực hiện các kế hoạch rút 1.000 quân nhân Mỹ vào cuối năm
1963” [(FRUS 1961 - 1963, Vol. VI,
pp. 395 - 396].
Sau khi tổng thống Ngô Đình
Diệm bị giết, trong cuộc họp báo ngày 14.11.1963, tổng thống Kennedy không còn
tin tưởng vào cuộc chiến thắng tại miền Nam Việt Nam nữa, ông đặt câu hỏi :
“Bạn có chào thua tại miền Nam
Việt Nam không ?”.
Rồi ông tự trả lời câu hỏi của
chính mình :
“Chương trình quan trọng nhất,
dĩ nhiên là cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân
tác chiến sang đó”.
Sau đó ông nói :
“Giờ đây mục tiêu của chúng ta
là đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép Việt Nam tự duy trì lấy nước mình như
là một quốc gia độc lập.”
Ông McNamara cho biết, qua
nhiều cuộc thảo luận, tổng thống Kennedy đã đi đến kết luận rằng cuối cùng
người Nam Việt Nam phải chính họ gánh vác cuộc chiến; Hoa Kỳ không thể gánh vác
cuộc chiến đó cho họ (in the end, the South Vietnamese must carry the war
themselves; the United States could not do it for them) [Robert S. McNamara, In
Retrospect, the Tragedy and Lessons of Vietnam”, tr. 86 - 87].
Phát hiện tài liệu thứ hai
Ngày 29/11/1963, tổng thống
Johnson vừa lên kế vị đã ban hành quyết định thành lập một ủy ban điều tra về
vụ ám sát tổng thống Kennedy. Ủy ban do Thẩm Phán TCPV Earl Warren làm chủ tịch
nên được gọi là Warren Commission (Ủy Ban Warren). Ủy Ban gồm 2 nghị sĩ, 2 dân
biểu, một cựu giám đốc CIA và một cựu giám đốc Ngân Hàng Thế Giới.
Ngày 24/9/1964, Ủy Ban trình
tổng thống Johnson một bản phúc trình dày 889 trang. Bản phúc đã được công bố 3
ngày sau đó. Trong bản phúc trình, Ủy Ban đã kết luận như sau : “Các hành
động khác của Lee Harvey Oswald có xu hướng yểm trợ cho kết luận rằng ông ta đã
ám sát tổng thống Kennedy… Ủy ban tin rằng, trên cơ sở các bằng chứng hiện có,
tổng thống John F. Kennedy có thể đã bị ám sát do kết quả của một âm mưu. Ủy
ban không thể xác định các tay súng khác hay quy mô của âm mưu.”
Một cuộc thăm dò cho thấy trên
50% dân chúng Mỹ không đồng ý kết luận này vì những kẻ chủ mưu chưa được đưa ra
ánh sáng.
Tuy bản phúc trình đã được công
bố, nhưng hơn 3.100 tài liệu khảo cứu và 552 lời khai của các nhân chứng chỉ
được công bố theo quyết định giải mã từng giai đoạn của chính phủ. Đến năm
1992, 98% tài liệu này đã được công bố, phần còn lại sẽ công bố vào năm 2017.
Quả thật rất khó xác định nhóm
chủ mưu ám sát tổng thống Kennedy, nhưng về nguyên nhân của vụ thảm sát, các
nhà nghiên cứu đã khám phá ra một sự kiện quan trọng thứ hai, đó là chỉ 4 ngày
sau khi tổng thống Kennedy bị ám sát, ngày 26/11/1963 tổng thống Johnson đã phê
chuẩn chỉ thị về an ninh quốc gia mang số NSAM 273, đảo ngược chỉ thị rút quân
ra khỏi Việt Nam của tổng thống Kennedy. Chỉ thị này cũng do ông ông McGeorge
Bundy, phụ tá đặc biệt về An Ninh Quốc Gia ký tên. Chỉ thị NSAM 273 đã được
giải mã vào tháng 5 năm 1978, nhưng đến ngày 31/1/1991 nội dung của bản dự thảo
chỉ thị này mới được công bố và cho biết người soạn thảo chính là ông McGeorge
Bundy. Bản dự thảo đó đã được biên soạn từ ngày 20/11/1963, tức 2 ngày trước
khi tổng thống Kennedy bị giết !
Với những tài liệu được tiết lộ
này, nhiều nhà phân tích cho rằng tổng thống Kennedy đã bị giết vì đã ra lệnh
rút quân khỏi Việt Nam, phá hỏng kế hoạch mở rộng chiến tranh để tiêu thụ các
vũ khí cũ và sản xuất các vũ khí mới. Tài liệu phân tích về vụ này rất dài,
chúng tôi sẽ trở lại trong một bài khác.
Kennedy và cái chết của ông Diệm
1. Hoa Kỳ muốn đem quân vào Việt Nam
Chúng tôi xin nhắc lại, ngày
9/5/1961 một phái đoàn do Phó tổng thống Johnson cầm đầu đã đến miền Nam Việt
Nam trong 4 ngày để quan sát tại chỗ và yêu cầu chính phủ Việt Nam cho Mỹ đem
quân vào Việt Nam, nhưng ông Diệm từ chối. Ngày 13/5/1961 Phó tổng thống
Johnson rời Việt Nam thì ngày 15/5/1961 tổng thống Diệm đã gởi ngay cho tổng
thống Kennedy một văn thư nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa hai bên và nói rằng Việt
Nam sẵn sàng hy sinh xương máu và nhân lực để bảo vệ xứ sở. Việt Nam chỉ xin “sự
yểm trợ vật chất của quý đại quốc, một sự yểm trợ vô cùng thiết yếu để đạt được
thắng lợi cuối cùng".
Trong cuốn “From Trust to
Tragedy”, đại sứ Frederick Nolting tại Sài Gòn lúc đó, đã đưa ra một lý do nữa
khiến ông Harriman quyết định phải lật đổ ông Diệm vì ông ta không chịu nghe
lời ông Diệm nên thất bại trong chủ trương trung lập hóa Lào.
Averell Harriman lúc đó là phụ
tá Bộ Ngoại Giao Đặc Trách về Chính Trị kiêm chủ tịch Đoàn Công Tác Đặc Biệt
Chống Nổi Dậy (Special Group for Counterinsurgency), chỉ huy tất cả các cơ quan
tình báo Mỹ nên được coi là một người đầy quyền lực.
2. Chủ trương đảo chánh và chống đảo chánh
Phe chủ trương đảo chánh lúc đó
gồm có Averell Harriman, McGeorge Bundy, Phụ Tá Đặc Biệt của tổng thống về An
Ninh Quốc Gia; Michael Forrestal, một thành viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia,
và Roger Hilsman Jr., phụ tá ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ. Phe không
đồng ý đảo chánh là Dean Rusk, bộ trưởng ngoại giao; George Ball, thứ trưởng
ngoại giao; Robert McNamara, bộ trưởng Quốc Phòng, William E. Colby, giám đốc
CIA, và tướng Paul Harkins, chỉ huy trưởng cơ quan MACV. Cuộc tranh luận giữa
hai nhóm rất gay cấn. Ngày 25/10/1963, CIA nói rằng Hoa Kỳ nên làm việc với
Diệm và Nhu hơn là tiến hành những hung hăng để loại bỏ họ. Hôm 27/10/1963, CIA
lại phản đối việc tiến hành đảo chánh và nói với tổng thống Kennedy rằng một
cuộc đảo chánh có thể kéo theo cuộc đảo chánh thứ hai hay thứ ba.
Các tài liệu cho thấy tổng
thống Kennedy thường đưa ra kế hoãn binh bằng cách hoặc yêu cầu các viên chức
Hoa Kỳ tại Sai Gòn giải thích thêm hoặc ra lệnh cho mở cuộc điều tra về tình
hình. tổng thống nói chúng ta chưa đi quá xa đến nổi cuộc đảo chánh không có thể
được hoản lại. (The president said we had not gone so far that a coup could not
be delayed). Có lần ông nói : “Nếu cuộc đảo chánh chưa sẵn sàng, chúng ta có
thể hủy bỏ.” (If the coup is not in the cards, we could unload) [FRUS, 1961
- 1963, Volume IV, tr. 1 - 6. Document 1].
Chúng ta đã tim thấy hàng chục
tài liệu tương tự trong các tài liệu đã được giải mã.
3. Đánh lừa tổng thống Kennedy
Trước sự do dự của tổng thống
Kennedy, cuối cùng họ phải đánh lừa tổng thống Kennedy. Ông Robert S. McNamara
kể lại rằng ngày 24/8/1963, tổng thống và gia đình đi Hyamis Port,
Massachusetts. Roger Hilsman đã thảo bức điện tín gởi cho đại sứ Henry Cabot
Lodge ra lệnh đảo chánh. Bức điện này được ông Averell Harriman chấp thuận.
Michael Forrestal liền gởi ngay cho tổng thống Kennedy với câu “Đã được Ball
và Bộ Quốc Phòng chấp thuận... Đề nghị cho tôi biết nếu tổng thống muốn... hoản
hành động.” Họ đi tìm ông George Ball ở sân banh và bảo ông ta gọi cho tổng
thống trình bày nội vụ và được tổng thống trả lời rằng ông đồng ý nếu các cố
vấn của ông cũng đồng ý như vậy. Sau đó ông George Ball gọi ngay cho ngoại
trưởng Dean Rusk tại New York báo tin tổng thống đã chấp thuận.
Bức công điện mang tên Deptel
243 thuộc loại tối mật và cần hành động tức khắc (operational immediate), được
gởi cho ông Lodge ở Saigon trong ngày 24/8/1963 [Robert S. McNamara, sách đã
dẫn, tr. 53].
Trong cuộc họp ngày 27/8/1963,
khi nghe đọc xong bản tường trình của ông William E. Colby về tình hình Việt
Nam, tổng thống Kennedy tỏ ý muốn hoản lại cuộc đảo chánh vì thấy chưa cần,
nhưng Hilsman đòi làm ngay. Tổng thống ra lệnh đánh điện cho ông Lodge và tướng
Harking hỏi nên tiến hành đảo chánh hay nên lui. Đang lưỡng lự trong việc
lật đổ ông Diệm thì tại Sài Gòn, ông Lodge xúc tiến một cách nhanh chóng việc
thực hiện đảo chánh.
4. Kennedy bị khủng hoảng
Khi nghe tin ông Diệm và ông
Nhu đã bị hạ sát, Michael Forrestal cho biết cái chết của hai người “đã làm
ông rúng động một cách sâu xa, gây bàng hoàng tâm trí và đánh mạnh vào tiềm
thức tín ngưỡng... làm lung lay lòng tin tưởng... về những gì ông được khuyến
cáo liên quan đến Nam Việt Nam”. Arthur Schlesinger Jr. ghi nhận rằng tổng
thống “rất buồn thảm và bối rối cùng cực”, tinh thần suy sụp chưa từng
thấy kể từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo.
Chiều thứ bảy 2/11/1963, lúc 6
giờ, tổng thống Kennedy cùng vợ và các con dùng trực thăng bay về ngôi nhà mới
của ông ở Rattlesnake Mountain. Trong buổi cơm tối, bà Mary Gimbel, một người
bạn của tổng thống, đã nói với ông về ông Diệm và ông Nhu :
- Họ đúng là những nhà độc tài.
Tổng thống trả lời :
- Không, họ ở trong một tình
trạng khó khăn. Họ đã làm cái tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho quê hương họ.
(No. They were in the difficult position. They did the best they could for
their country).
5. Kennedy hối hận
Hôm 4/11/1963, hai ngày sau khi
ông Diệm bị ám sát, tổng thống Kennedy nói :
“Theo sự xét đoán của tôi, bức
điện đó đã được soạn thảo tồi tệ. Bức điện đó phải không bao giờ được gởi vào
hôm Thứ Bảy. Tôi phải không bao giờ biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn
tròn”.
Tổng thống Kennedy nói ông đã
gởi một bức điện khác để đình hoản lại nhưng kế hoạt đảo chánh đã được tiến
hành rồi.
Trên đây chỉ là vài nét tóm
lược. Nguyễn Giang, trưởng ban Việt ngữ của đài BBC không biết gì về các biến
cố tại miền Nam nên đã bị lừa. Nhưng nhóm Thư Viện Hoa Sen như Nguyễn Xuân
Quang, Phan Tấn Hải (Nguyên Giác), Nguyễn Kha đừng nghĩ rằng có thể dùng vọng
ngữ để sửa lại lịch sử.
Lữ Giang (12/12/2013)
No comments:
Post a Comment