Kavi
Chongkittavorn
Được đăng ngày Chủ nhật, 15 Tháng 12 2013 20:57
"...Nguyễn Cơ Thạch đã nói với tôi rằng Việt Nam sẽ
chắc chắn gia nhập ASEAN. Tôi đã viết điều đó, nhưng năm 1986 không ai tin tôi.
Tôi đã viết sớm hơn sự kiện xảy ra 9 năm..."
*
LTS của Tuần Việt Nam: Nhân Hội nghị Ngoại giao Việt Nam sắp diễn ra, Tuần Việt Nam xin được
giới thiệu cuộc trò chuyện với nhà báo Thái Lan Kavi Chongkittavorn, người đã
đưa tin về Việt Nam trong những năm tháng khó khăn của bao vây cấm vận. Kavi là
người có mối quan hệ mật thiết với các lãnh đạo ngoại giao Việt Nam thời đó như
Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ, Lê Mai, hay Vũ Khoan.
Tôi từng gặp rắc rối khi ở Việt Nam về
Hôm nay, tôi muốn bắt đầu câu chuyện bằng lời của nguyên
Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ trong phần 2 hồi ký của mình với tựa đề
"Ngược dòng thời gian".
Trong đó, ông viết rằng năm 1996, 10 năm sau kết thúc
nhiệm kỳ đại sứ ở Thái Lan, ông có việc quay lại Bangkok, và được anh bạn nhà
báo Kavi Chongkittavorn hỏi về cảm tưởng sau những năm làm đại sứ ở Thái Lan.
Nghe giọng điệu của Trần Quang Cơ, có vẻ ông có quan hệ
khá thân mật với ông Cơ, đúng không?
-
Đúng. Trần Quang Cơ rất hiểu biết về Thái Lan, nước trong
thời gian ông làm đại sứ (1982-1986) quan hệ với Việt Nam còn đầy nghi kỵ. Ông
rất muốn phóng viên trẻ như tôi hiểu rõ về Việt Nam để làm cầu nối về thông tin
giữa hai nước.
Hồi đó, ông là phóng viên chuyên về Việt Nam?
-
Đúng vậy. Nhưng ngoài Việt Nam, tôi còn theo dõi là Lào
và Căm-pu-chia. Và đó là lý do tôi là phóng viên Thái Lan đầu tiên đến thăm
Việt Nam, và, sau đó, đã lập văn phòng thường trú tại Hà Nội vào 1988, sau khi
tôi gặp Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Thú vị đấy nhỉ. Ông gặp ông Nguyễn Cơ Thạch ở đâu?
-
Ở Thành phố HCM cuối năm 1986. Ông Thạch nói với tôi rằng
The Nation có thể mở văn phòng tại Hà Nội. Thế là năm 1988, tôi đã vào Hà Nội
làm phóng viên thường trú. Cùng với tôi, còn có các hãng Tạp chí Kinh tế Viễn
Đông, Reuter và Kyodo - những hãng đầu tiên được mở văn phòng tại Hà Nội sau
năm 1975. Và chúng tôi đều đóng tại số 8 Trần Hưng Đạo.
Nhà báo Kavi Chongkittavorn
Vậy Trần Quang Cơ là người giới thiệu ông sang Sài Gòn?
-
Không. Trần Quang Cơ lúc đó đã về nước (tháng 10.1986),
và Lê Mai sang thay.
Lê Mai rất thích những bài viết của tôi, và ông ta đã mời
tôi đến Thành Phố Hồ Chí Minh, vào cuối 1986.
Lê Mai nói : "Việc tôi mời ông, trong bối cảnh của
Việt Nam bây giờ, là khá mạo hiểm, bởi ông không phải là đảng viên cộng sản,
hay, ít ra, là người có tư tưởng mác xít. Nhưng tôi vẫn cứ mời ông, vì tôi muốn
ông hiểu rõ hơn về Việt Nam".
Ông ta nói đúng. Bởi ở Thái Lan, lúc đó, chỉ có những
người có tư tưởng mác xít và được phía Việt Nam ủng hộ, cung cấp tư liệu, mới
viết bài về Việt Nam. Còn tôi là phóng viên trung lập, như số đông, nhưng lại
được giao mảng Việt Nam, vì, trước đó, tôi đã viết về Hồ Chí Minh thời ở Thái
Lan (1928-1929), về cái cây do ông trồng, và cả cộng đồng Việt Kiều ở đó.
Lê Mai biết ông qua Trần Quang Cơ?
-
Tôi không biết. Nhưng tất cả các đại sứ Việt Nam ở
Bangkok đều biết tôi.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh ông gặp những ai?
-
Nhiều người lắm. Trong đó có hai nhân vật quan trọng là
Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang.
Với Phan Quang chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ nghề nghiệp tốt.
Còn Nguyễn Cơ Thạch đã nói với tôi rằng Việt Nam sẽ chắc
chắn gia nhập ASEAN. Tôi đã viết điều đó, nhưng năm 1986 không ai tin tôi. Tôi
đã viết sớm hơn sự kiện xảy ra 9 năm.
Khi tôi trở lại Bangkok, tôi gặp rắc rối với mật vụ Thái
Lan, vì họ nghi tôi là cộng sản mới được mời sang Việt Nam. Họ đã gọi tôi lên
thẩm vấn.
Sau đó, khi sang Việt Nam thường trú, tôi viết rất nhiều
về Việt Nam, bởi vì tôi là phóng viên đầu tiên của ASEAN ở Hà Nội, và thông tin
về Việt Nam rất cần cho ASEAN để hiểu Hà Nội hơn.
Thời đó, báo Quân Đội Nhân Dân thường cho dịch những bài
viết của tôi về Việt Nam.
Cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch trở về từ Bangkok với mái tóc khá đen (Ảnh Internet)
Ông ở Việt Nam đến năm nào?
-
Từ 1988 đến 1991. Ngoài Việt Nam, tôi hay đi công tác
sang Căm-pu-chia. Thời ấy, không đi máy bay mà đi tàu hỏa vào Thành phố HCM,
rồi từ đó đi xe buýt sang Phnompenh qua cửa khẩu Mộc Bài.
Tôi nhớ lúc tôi sang báo Nikkei làm năm 1994 thì không
còn The Nation ở Việt Nam nữa.
Đúng rồi, khi tôi về thì The Nation đóng cửa luôn văn
phòng. Bởi vì, lúc đó mối quan tâm ở Thái Lan về Việt Nam giảm xuống, và những
báo ở Thái Lan đã vào Việt Nam như Bangkok Post, chẳng hạn.
"Kavi, tôi nói với anh nhiều chuyện cơ mật"
Sau đó, ông vẫn tiếp tục theo dõi Việt Nam?
-
Vâng. Tôi viết tiếp đến khi Việt Nam gia nhập ASEAN.
Nhưng đến năm 1994, tôi đã tham gia vào công việc của
ASEAN với tư cách là trợ lý đặc biệt của Tổng Thư ký ASEAN Ajit Singh. Và tôi
là người đã ghi chép các câu hỏi của ông Thứ trưởng Vũ Khoan, đại diện cho Việt
Nam với tư cách là quan sát viên, về ASEAN.
Việt Nam quan tâm đến liệu Việt Nam gia nhập ASEAN có ảnh
hưởng tiêu cực không đến mình không. Ông Vũ Khoan hỏi nhiều lắm, độ chừng 200
câu hỏi.
Ấn tượng của ông về Vũ Khoan?
-
Không nhiều người biết rằng trước khi gia nhập ASEAN,
Việt Nam đã có đóng góp cho hiệp hội này.
Chả là tại cuộc gặp ở Brunei, các nước ASEAN bàn nhau về
tên gọi cuộc gặp Á - Âu mà bây giờ vẫn gọi là ASEM ấy. Đầu tiên, có người định
đặt là AEM (Asia Europe Meeting), nhưng những người khác đã phát hiện ra là AEM
là tên gọi tắt của ASEAN Economic Meeting.
Lúc đó, Vũ Khoan mới đưa ra gợi ý là nên gọi là ASEM, tức
là lấy hai chữ viết tắt của châu Á (ASia). Và mọi người đã đồng ý.
Trước đó, ông có gặp Thứ trưởng Vũ Khoan ở Việt Nam?
-
Có. Nhưng tôi biết bà Hồ Thể Lan, phu nhân của ông ấy,
nhiều hơn. Thời tôi ở Việt Nam, bà Lan là Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao,
người cung cấp những ý tưởng và phiên dịch trong các cuộc phỏng vấn giúp tôi.
Những kỷ niệm khi ông làm thường trú ở Việt Nam?
-
Tôi còn nhớ ở Lý Thường Kiệt, chỗ cắt phố có đài phát
thanh (Bà Triệu) có người bơm mực bút bi. Bây giờ không ai dùng nữa, nhưng lúc
đó rất phổ biển ở Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên tôi tháy người ta dùng xi
lanh để bơm mực vào ruột bút.
Ông nhìn nhận Việt Nam thay đổi như thế nào sau hơn 20
năm?
-
Việt Nam đã có bước tiến lớn trong quá trình hội nhập.
Tham gia vào ASEAN, gia nhập WTO, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thúc đẩy quan
hệ kinh tế với EU, cũng như thúc đẩy cơ chế các hợp tác của ASEAN và với bên
ngoài.
Nhưng tôi nghĩ bây giờ Việt Nam phải tiếp tục tiến bước
mạnh hơn nữa, bởi vì những nước chậm tiến của khu vực trước đây, như Myanmar,
thậm chí là Lào, đã có những bước tiến mạnh mẽ. Việt Nam, nếu không muốn tụt
lại phía sau, phải kiên quyết tiến lên phía trước.
Việt Nam có một thế hệ dân số vàng. Nhưng điều quan trọng
là giáo dục họ như thế nào để họ có thể góp sức vào cải cách, vào đổi mới.
Tóm lại, trong các lãnh đạo Bộ Ngoại giao thuở đó, ông
nhớ ai nhất?
-
Tôi nhớ tất cả. Mỗi người có đặc điểm riêng.
Đối với Trần Quang Cơ, tôi nghĩ ông ấy là một người lịch
lãm, hiểu biết, và sâu sắc. Ông muốn nhìn thấy quan hệ giữa Việt Nam và Thái
Lan phát triển tốt đẹp.
Đối với Lê Mai, ông nhìn thấy Thái Lan là đất nước vô
cùng quan trọng đối với sự ổn định của Việt Nam và Căm-pu-chia, chính vì vậy
ông làm mọi cách để Thái Lan hiểu rõ tình hình Việt Nam, trong đó có việc can
đảm mời tôi vào Việt Nam cuối năm 1986. Sự hiểu biết của tôi về Việt Nam đã
được hình thành từ đó.
Tôi còn thích Lê Mai vì tiếng Anh của ông rất tốt, và ông
hay nói về Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế.
Vũ Khoan là người thực hiện việc Việt Nam gia nhập ASEAN.
Ông đã làm những công việc hết sức cụ thể, khi Việt Nam còn là quan sát viên.
Nhưng, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người mà tôi đưa
tin nhiều nhất, bởi ông dính dáng nhiều đến vấn đề Căm-pu-chia.
Câu nói thường lệ của Nguyễn Cơ Thạch khi gặp tôi :
"Kavi, tôi nói với anh nhiều chuyện cơ mật. Anh chỉ được đưa tin, chứ
không được trích dẫn tôi là nguồn tin đâu nhé. Nếu anh trích dẫn tôi, tôi nghe
được, tôi sẽ nói là anh nói láo. Độc giả sẽ không tin anh nữa."
Ông Nguyễn Cơ Thạch có một bí mật ở Thái Lan: Mỗi lần đến
Bangkok, ông đều tìm mua thuốc nhuộm tóc của Nhật, bởi vì tóc ông lúc ấy bạc
nhiều. Vì vậy, rời Bangkok trở về Việt Nam, tóc ông lại đen trở lại.
Theo Tuần Việt Nam/ Vietnamnet
No comments:
Post a Comment